Quan hệ Việt Nam - Campuchia căng thẳng sau khi Phom Penh rút khỏi Thỏa thuận Ba bên
Việc Phnom Penh rút khỏi thỏa thuận ba bên với Lào và Việt Nam báo hiệu một Campuchia quyết đoán hơn và mối quan hệ Campuchia - Việt Nam đang trên đà suy giảm nhanh chóng.


Hôm 22/9, Campuchia bất ngờ rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) – một khuôn khổ tiểu vùng 25 năm tuổi được thiết lập nhằm tăng cường quan hệ kinh tế - xã hội, di cư và quốc phòng giữa ba nước láng giềng thông qua hợp tác giữa các địa phương. CLV-DTA có phạm vi hoạt động trên 13 tỉnh (bốn tỉnh của Campuchia, bốn tỉnh của Lào và năm tỉnh của Việt Nam), được thúc đẩy bởi mong muốn chung về việc thúc đẩy trao đổi kinh tế qua biên giới của ba nước.
Mặc dù thừa nhận rằng CLV-DTA “đã mang lại lợi ích to lớn” cho các nước tham gia, Bộ Ngoại giao Campuchia đã chính thức thông báo cho Việt Nam trong một bức thư rằng “nhiệm vụ hợp tác đã đạt được mục tiêu của nó”.
Vào tháng 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hiệp định kinh tế này, nhấn mạnh rằng nó giúp “thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa ba nước”. Bà Hằng cũng cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Campuchia và Lào để đảm bảo tổ chức suôn sẻ Hội nghị Cấp cao CLV-DTA, dự kiến được tổ chức tại Campuchia trong năm nay.
Việc Campuchia rút lui một cách khó hiểu không chỉ gây sốc cho các nhà lãnh đạo Việt Nam mà còn làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương. Tương lai ảm đạm của thỏa thuận ba bên bước vào thời điểm đáng lo ngại khi các phe đối lập và những phần tử cực đoan đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm chia rẽ đảng cầm quyền Campuchia và chính phủ Việt Nam bằng cách đổ lỗi rằng thoả thuận với Việt Nam làm mất chủ quyền của Campuchia.
Thỏa thuận hai thập kỷ này đã trở thành điểm nóng cho ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc và tình cảm chống Việt Nam âm ỉ từ lâu ở Campuchia. Phe đối lập cho rằng CLV-DTA gây ra “nạn phá rừng, xung đột đất đai và [là] mối đe dọa đối với chủ quyền của Campuchia”, đồng thời cáo buộc chính phủ cầm quyền nhượng bộ bốn tỉnh phía đông bắc cho người láng giềng lớn hơn phía đông. Chính quyền Hun Manet đã phải đối mặt với những lời kêu gọi rút khỏi thỏa thuận vì Phnom Penh có thể mất tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ cho Việt Nam.
Trong bài đăng trên Facebook cá nhân, Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, cho biết quyết định này nhằm “rút vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan”, những người đã lợi dụng thỏa thuận để “vu khống chính phủ và gây nhầm lẫn cho công chúng”. Trước khi rút khỏi CLV-DTA, chính phủ Campuchia đã ngăn chặn bất đồng bằng cách bắt giữ các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động.
Phnom Penh quyết tâm đi con đường riêng để thoát khỏi cái bóng của Việt Nam.
Hun Sen khẳng định việc rút khỏi thỏa thuận có thể ngăn chặn những kẻ cực đoan “chĩa mũi dùi” vào chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, lý lẽ của ông dường như giống một nước cờ dân túy hơn là một nỗ lực thận trọng và cân bằng để giải quyết những lo ngại của phe bất đồng chính kiến.
Mặc dù động thái táo bạo của Campuchia có thể tập hợp các phe phái đa dạng trong xã hội và khiến các nhà bất đồng chính kiến phải im lặng trong thời điểm hiện tại, nhưng không rõ liệu cách tiếp cận dựa trên chủ nghĩa dân tộc này có thể bảo vệ chế độ Hun khỏi những nỗ lực độc hại nhằm bôi nhọ uy tín của họ hay không.
Quyết định của Campuchia cũng để ngỏ câu hỏi về việc chính quyền Hun sẽ thực hiện các cam kết với các nước láng giềng như thế nào. Một cách mỉa mai, đề xuất năm 1999 của Hun Sen về một cơ chế khu vực để vun đắp quan hệ đa chiều với Việt Nam và Lào đã truyền cảm hứng cho những gì sau này trở thành CLV-DTA.
Giờ đây Hun Manet, con trai của Hun Sen và là Thủ tướng Campuchia, người vào tháng 8 đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận “không có bất kỳ điều khoản nào về trao đổi đất đai”, đã chấm dứt khuôn khổ được các học giả Campuchia công nhận là “nền tảng” để tăng cường quan hệ ba bên về thương mại, kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hiệu quả của CLV-DTA, vốn tương đối yếu, có thể là lý do khiến Campuchia không mặn mà với cơ chế này. Ở đây, việc rút lui có thể giúp chính phủ dập tắt những chỉ trích mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với đảng cầm quyền và củng cố tính chính danh của họ, cho thấy ưu tiên của chính quyền Hun đối với các yếu tố chính trị nội bộ, đặc biệt là ổn định trong nước, hơn là cam kết kinh tế khu vực.
Trong khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của các quốc gia nhỏ như Campuchia, vẫn có đủ không gian để nước này vận động và xây dựng quan hệ với các đối tác cùng chí hướng nhờ vào việc các thể chế tiểu đa phương giúp tạo xung lực cho hợp tác khu vực.
Bằng cách tập trung vào những lợi ích thiết thực của CLV-DTA - như cho phép người dân tự do đi lại qua các tỉnh biên giới được quy định trong thỏa thuận và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giá trị thương mại của Campuchia với Việt Nam - hai nước láng giềng vẫn có thể hài hòa lợi ích bất chấp việc CLV-DTA đã thực sự tan rã, đồng thời kiềm chế những nỗ lực gieo rắc sự ngờ vực về mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên, động thái gây tranh cãi này làm suy yếu lời hứa của các nhà lãnh đạo Campuchia về việc mở rộng quan hệ kinh tế, quốc phòng và an ninh để thúc đẩy “hòa bình, ổn định và phát triển ở các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam”.
Việc Campuchia rút khỏi CLV-DTA - và khả năng không thể quay lại - hạn chế sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được từ Việt Nam để bảo vệ biên giới khỏi các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, vũ khí, và buôn người. Sự hợp tác của Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt là khi xét đến “cách tiếp cận lỏng lẻo đối với vấn đề nhập cư” nổi tiếng của chính phủ Campuchia và “nguồn lực hạn chế” của Phnom Penh trong việc giám sát các điểm qua lại đường bộ.
Việc Campuchia rút lui còn gây tranh cãi vì một lý do khác: quan hệ với Việt Nam gần đây đã trở nên căng thẳng do Phnom Penh quyết tâm xây dựng kênh đào Funan Techo do Trung Quốc tài trợ trong khi từ chối đàm phán với Hà Nội về các mối quan ngại của nước này về sinh thái và an ninh. Tục ngữ Việt Nam có câu “mượn gió bẻ măng”, và động thái được tính toán này có lẽ là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Campuchia nhằm củng cố quyền tự chủ chiến lược của mình đối với Việt Nam.
Không như cha mình, Hun Manet không chia sẻ mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Việt Nam, do đó ông có nhiều không gian hơn để định hình chính sách đối ngoại của Campuchia và nâng cao vị thế chính trị của mình.
Tóm lại, Phnom Penh đã quyết tâm vạch ra con đường riêng của mình để thoát khỏi cái bóng của Việt Nam. Bức thư của chính phủ Campuchia gửi tới Việt Nam nêu rõ: “Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng mỗi quốc gia hoàn toàn có khả năng tiếp tục và đảm bảo sự phát triển độc lập của mình”. Những dòng chảy ngầm của sự bất mãn trong “tình hữu nghị anh em” này giờ đây nổi lên với một Campuchia tự tin và quyết đoán hơn.
*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum với tiêu đề “Cambodia’s Trilateral Deal Pullout Strains its Relations with Vietnam”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Hôm 22/9, Campuchia bất ngờ rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) – một khuôn khổ tiểu vùng 25 năm tuổi được thiết lập nhằm tăng cường quan hệ kinh tế - xã hội, di cư và quốc phòng giữa ba nước láng giềng thông qua hợp tác giữa các địa phương. CLV-DTA có phạm vi hoạt động trên 13 tỉnh (bốn tỉnh của Campuchia, bốn tỉnh của Lào và năm tỉnh của Việt Nam), được thúc đẩy bởi mong muốn chung về việc thúc đẩy trao đổi kinh tế qua biên giới của ba nước.
Mặc dù thừa nhận rằng CLV-DTA “đã mang lại lợi ích to lớn” cho các nước tham gia, Bộ Ngoại giao Campuchia đã chính thức thông báo cho Việt Nam trong một bức thư rằng “nhiệm vụ hợp tác đã đạt được mục tiêu của nó”.
Vào tháng 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hiệp định kinh tế này, nhấn mạnh rằng nó giúp “thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa ba nước”. Bà Hằng cũng cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Campuchia và Lào để đảm bảo tổ chức suôn sẻ Hội nghị Cấp cao CLV-DTA, dự kiến được tổ chức tại Campuchia trong năm nay.
Việc Campuchia rút lui một cách khó hiểu không chỉ gây sốc cho các nhà lãnh đạo Việt Nam mà còn làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương. Tương lai ảm đạm của thỏa thuận ba bên bước vào thời điểm đáng lo ngại khi các phe đối lập và những phần tử cực đoan đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm chia rẽ đảng cầm quyền Campuchia và chính phủ Việt Nam bằng cách đổ lỗi rằng thoả thuận với Việt Nam làm mất chủ quyền của Campuchia.
Thỏa thuận hai thập kỷ này đã trở thành điểm nóng cho ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc và tình cảm chống Việt Nam âm ỉ từ lâu ở Campuchia. Phe đối lập cho rằng CLV-DTA gây ra “nạn phá rừng, xung đột đất đai và [là] mối đe dọa đối với chủ quyền của Campuchia”, đồng thời cáo buộc chính phủ cầm quyền nhượng bộ bốn tỉnh phía đông bắc cho người láng giềng lớn hơn phía đông. Chính quyền Hun Manet đã phải đối mặt với những lời kêu gọi rút khỏi thỏa thuận vì Phnom Penh có thể mất tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ cho Việt Nam.
Trong bài đăng trên Facebook cá nhân, Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, cho biết quyết định này nhằm “rút vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan”, những người đã lợi dụng thỏa thuận để “vu khống chính phủ và gây nhầm lẫn cho công chúng”. Trước khi rút khỏi CLV-DTA, chính phủ Campuchia đã ngăn chặn bất đồng bằng cách bắt giữ các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động.
Phnom Penh quyết tâm đi con đường riêng để thoát khỏi cái bóng của Việt Nam.
Hun Sen khẳng định việc rút khỏi thỏa thuận có thể ngăn chặn những kẻ cực đoan “chĩa mũi dùi” vào chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, lý lẽ của ông dường như giống một nước cờ dân túy hơn là một nỗ lực thận trọng và cân bằng để giải quyết những lo ngại của phe bất đồng chính kiến.
Mặc dù động thái táo bạo của Campuchia có thể tập hợp các phe phái đa dạng trong xã hội và khiến các nhà bất đồng chính kiến phải im lặng trong thời điểm hiện tại, nhưng không rõ liệu cách tiếp cận dựa trên chủ nghĩa dân tộc này có thể bảo vệ chế độ Hun khỏi những nỗ lực độc hại nhằm bôi nhọ uy tín của họ hay không.
Quyết định của Campuchia cũng để ngỏ câu hỏi về việc chính quyền Hun sẽ thực hiện các cam kết với các nước láng giềng như thế nào. Một cách mỉa mai, đề xuất năm 1999 của Hun Sen về một cơ chế khu vực để vun đắp quan hệ đa chiều với Việt Nam và Lào đã truyền cảm hứng cho những gì sau này trở thành CLV-DTA.
Giờ đây Hun Manet, con trai của Hun Sen và là Thủ tướng Campuchia, người vào tháng 8 đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận “không có bất kỳ điều khoản nào về trao đổi đất đai”, đã chấm dứt khuôn khổ được các học giả Campuchia công nhận là “nền tảng” để tăng cường quan hệ ba bên về thương mại, kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hiệu quả của CLV-DTA, vốn tương đối yếu, có thể là lý do khiến Campuchia không mặn mà với cơ chế này. Ở đây, việc rút lui có thể giúp chính phủ dập tắt những chỉ trích mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với đảng cầm quyền và củng cố tính chính danh của họ, cho thấy ưu tiên của chính quyền Hun đối với các yếu tố chính trị nội bộ, đặc biệt là ổn định trong nước, hơn là cam kết kinh tế khu vực.
Trong khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của các quốc gia nhỏ như Campuchia, vẫn có đủ không gian để nước này vận động và xây dựng quan hệ với các đối tác cùng chí hướng nhờ vào việc các thể chế tiểu đa phương giúp tạo xung lực cho hợp tác khu vực.
Bằng cách tập trung vào những lợi ích thiết thực của CLV-DTA - như cho phép người dân tự do đi lại qua các tỉnh biên giới được quy định trong thỏa thuận và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giá trị thương mại của Campuchia với Việt Nam - hai nước láng giềng vẫn có thể hài hòa lợi ích bất chấp việc CLV-DTA đã thực sự tan rã, đồng thời kiềm chế những nỗ lực gieo rắc sự ngờ vực về mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên, động thái gây tranh cãi này làm suy yếu lời hứa của các nhà lãnh đạo Campuchia về việc mở rộng quan hệ kinh tế, quốc phòng và an ninh để thúc đẩy “hòa bình, ổn định và phát triển ở các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam”.
Việc Campuchia rút khỏi CLV-DTA - và khả năng không thể quay lại - hạn chế sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được từ Việt Nam để bảo vệ biên giới khỏi các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, vũ khí, và buôn người. Sự hợp tác của Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt là khi xét đến “cách tiếp cận lỏng lẻo đối với vấn đề nhập cư” nổi tiếng của chính phủ Campuchia và “nguồn lực hạn chế” của Phnom Penh trong việc giám sát các điểm qua lại đường bộ.
Việc Campuchia rút lui còn gây tranh cãi vì một lý do khác: quan hệ với Việt Nam gần đây đã trở nên căng thẳng do Phnom Penh quyết tâm xây dựng kênh đào Funan Techo do Trung Quốc tài trợ trong khi từ chối đàm phán với Hà Nội về các mối quan ngại của nước này về sinh thái và an ninh. Tục ngữ Việt Nam có câu “mượn gió bẻ măng”, và động thái được tính toán này có lẽ là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Campuchia nhằm củng cố quyền tự chủ chiến lược của mình đối với Việt Nam.
Không như cha mình, Hun Manet không chia sẻ mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Việt Nam, do đó ông có nhiều không gian hơn để định hình chính sách đối ngoại của Campuchia và nâng cao vị thế chính trị của mình.
Tóm lại, Phnom Penh đã quyết tâm vạch ra con đường riêng của mình để thoát khỏi cái bóng của Việt Nam. Bức thư của chính phủ Campuchia gửi tới Việt Nam nêu rõ: “Tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng mỗi quốc gia hoàn toàn có khả năng tiếp tục và đảm bảo sự phát triển độc lập của mình”. Những dòng chảy ngầm của sự bất mãn trong “tình hữu nghị anh em” này giờ đây nổi lên với một Campuchia tự tin và quyết đoán hơn.
*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum với tiêu đề “Cambodia’s Trilateral Deal Pullout Strains its Relations with Vietnam”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.
Từ khoá: Campuchia Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia CLV-DTA Hun Manet chính sách đối ngoại Campuchia