Những thách thức đối nội nào chờ đón Thủ tướng Nhật Bản Ishiba?

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đối mặt với hàng loạt thách thức cả về chính trị lẫn kinh tế, đòi hỏi ông phải hành động quyết liệt để lấy lại niềm tin của công chúng và củng cố sự đoàn kết trong Đảng Dân chủ Tự do.

Hà Duy Kiên 06/10/2024

Hà Duy Kiên

06/10/2024
Image
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu trong cuộc họp báo sau khi được bầu vào vị trí lãnh đạo đảng LDP vào ngày 27/9 tại Tokyo (Nhật Bản) - (C): CNBC

Ngày 27/9, Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã tổ chức bỏ phiếu để bầu Chủ tịch cho nhiệm kỳ ba năm sắp tới, với số lượng ứng cử viên kỷ lục (chín người). Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi LDP loại bỏ hầu hết các phe phái chính trị trong đảng do bê bối liên quan đến quỹ đen vào cuối năm ngoái, được nhận định là bất ổn và khó lường.  

Quả thật sự khó lường đã diễn ra khi trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, không có bất kỳ ứng cử viên nào giành được đa số (trên 50%) phiếu bầu để giành được chiến thắng chung cuộc. Do đó, hai người có số phiếu cao nhất vòng một là bà Sanae Takaichi (181 phiếu) và ông Shigeru Ishiba (154 phiếu) phải tiếp tục bước vào vòng tranh đấu tiếp theo. Tại vòng hai, kết quả đã đổi chiều khi ông Ishiba nhận được 215 phiếu bầu so với 194 phiếu của bà Takaichi, chính thức đưa ông Ishiba trở thành Chủ tịch tiếp theo của LDP.

Đến ngày 1/10, ông Shigeru Ishiba đã được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, vì theo quy định, Chủ tịch của đảng cầm quyền sẽ nắm giữ chức vụ này.

Nhiều thách thức chờ đón

Tân Thủ tướng Ishiba nắm quyền lãnh đạo LDP ngay trong thời điểm nội bộ của đảng này đang đối mặt với nhiều bất ổn. Con số chín ứng cử viên tham dự cho thấy sự cạnh tranh, phân mảnh ngày càng lớn của LDP so với trước đây (thời điểm vẫn còn các phe phái chính trị, thường chỉ có không quá bốn người tham gia tranh cử).

Chiến thắng sít sao của ông Ishiba trong cuộc tranh đua vừa qua cũng là một chỉ dấu khác cho thấy sự thiếu đồng lòng trong nội bộ đảng. Ngay sau khi thua cuộc, bà Takaichi cũng đã từ chối lời đề nghị của ông Ishiba về việc tham gia nhóm lãnh đạo chính phủ trong nhiệm kỳ mới, làm phức tạp thêm nỗ lực của tân Thủ tướng nhằm thúc đẩy sự thống nhất trong LDP.

Theo giáo sư Tadashi Masuda thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Takasaki (Nhật Bản), việc bà Takaichi từ chối đồng hành cùng chính phủ mới khiến nền tảng ủng hộ ông Ishiba trong LDP thậm chí còn yếu hơn so với người tiền nhiệm Fumio Kishida (người đã quyết định không tái tranh cử vì thất bại trong việc quản lý nội bộ đảng). 

Hơn nữa, có lý do để tin rằng ông Ishiba gặp thách thức trong việc tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ đảng, vì tính lần tranh cử vừa qua, ông đã phải mất đến lần thứ năm mới có thể giành được chức vụ Chủ tịch LDP. Tân Thủ tướng chính là người có số lần tham gia tranh cử Chủ tịch LDP nhiều nhất trong số chín ứng cử viên. Điều đó phản ánh thực tế rằng trong suốt nhiều năm qua, đã luôn có những quan điểm ngờ vực, phản đối ông Ishiba, dù ông rất được lòng những người dân ủng hộ LDP hoặc thậm chí đảng khác. Sự ngờ vực trên có thể đến từ hành động rời LDP của ông Ishiba hồi năm 1993, vì thời điểm đó ông đòi hỏi đảng phải thực hiện cải cách chính trị. Sau đó bốn năm, ông tái gia nhập LDP, nhưng sự phẫn nộ từ một bộ phận đảng viên đối với ông Ishiba vẫn tồn tại.

Trước những thách thức đó, trong bài phát biểu sau khi nhậm chức Thủ tướng hôm 1/10, ông Ishiba đã hứa sẽ thực hiện cải cách chính trị để thúc đẩy sự ủng hộ của người dân. Một trong những hành động cụ thể đầu tiên của ông là việc công bố nội các mới với tổng cộng 20 người, trong đó có 13 nhân sự mới lần đầu tiên góp mặt, hứa hẹn tạo ra những sự mới mẻ trong hình ảnh lãnh đạo của LDP. Đặc biệt, nội các mới của ông Ishiba không có thành viên nào thuộc phe Seiwakai trước đây (hay còn gọi là phe Abe). Đây chính là phe phái dính líu nặng nhất đến vụ bê bối quỹ đen khiến lòng tin của công chúng dành cho LDP giảm sút nghiêm trọng.

Nhìn chung, nội các mới của ông Ishiba thể hiện rõ cách tiếp cận dung hòa, bao gồm cả “đồng minh” và “đối thủ”. Cụ thể, có hai đối thủ trong cuộc tranh cử Chủ tịch LDP vừa qua là ông Yoshimasa Hayashi và Katsunobu Kato ở trong nội các mới, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Nội các và Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, hai đồng minh thân cận của ông Ishiba là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya trở thành Ngoại trưởng, và Tướng Nakatani trở lại đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, nội các mới lại thiếu sự dung hòa về giới, vì chỉ có duy nhất hai người là nữ, gồm Bộ trưởng Phụ trách các Chính sách Liên quan đến Trẻ em Junko Mihara và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học Công nghệ Toshiko Abe. So với chính quyền tiền nhiệm, nội các khi đó có đến năm người là nữ, bao gồm cả chức vụ chủ chốt là Ngoại trưởng. Con số năm tuy thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế, nhưng là một kỷ lục đối với Nhật Bản. Vì thế, khi ông Ishiba lên nắm quyền và không tiếp tục xu hướng tăng nữ trong chính phủ, điều này có thể tạo ra sự không hài lòng cho những người kỳ vọng chính phủ mới sẽ mang lại sự tiến bộ cho phái nữ.

Bên cạnh công bố nội các, để sớm củng cố quyền lực và ổn định tình hình chính trị nội bộ, Thủ tướng Ishiba đã yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm bầu Hạ viện ngay trong tháng 10 này. Theo đó, LDP đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để thực hiện lộ trình giải tán Hạ viện vào ngày 9/10, chốt và niêm yết danh sách bầu cử vào hôm 15/10, bỏ phiếu và kiểm phiếu trong ngày 27/10. Đây là lần thứ hai liên tiếp tân thủ tướng giải tán Hạ viện gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức (ông Kishida làm điều tương tự hồi năm 2021).

Tổng tuyển cử sắp tới là cuộc chạy đua giữa Chủ tịch chín đảng gồm LDP, Đảng Dân chủ Lập hiến (Constitutional Democratic Party - CDP), Đảng Đổi mới Nhật Bản (Japan Innovation Party), Komeito, Đảng Cộng sản Nhật Bản (Japanese Communist Party), Đảng Dân chủ vì Nhân dân (Democratic Party For the People), Giáo dục Miễn phí cho Tất cả Mọi người (Free Education For All), Reiwa, và Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democratic Party). Bất kỳ ai giành chiến thắng sẽ nghiễm nhiên đảm nhiệm chức vụ thủ tướng sau đó. Nhìn chung, bất chấp những “rối loạn” nội bộ, LDP nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nghĩa là ông Ishiba bảo vệ vị trí Thủ tướng của mình.

Theo khảo sát hồi cuối tháng 9 của tờ Mainichi Shimbun, có đến 33% người tham gia ủng hộ LDP, gấp đôi con số của đảng xếp thứ nhì là CDP (15%). Trong khi đó, các đảng còn lại đều có tỷ lệ bình chọn từ 6% trở xuống. Hơn nữa, lần gần nhất LDP để thua trong tổng tuyển cử đã cách đây 15 năm, khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (Democratic Party of Japan - DPJ) thành công trong việc lật đổ vị thế thống trị với hơn 50 năm cầm quyền gần như liên tục trước đó của LDP. Tuy nhiên, DPJ chỉ nắm quyền được vỏn vẹn ba năm trước khi bị LDP thiết lập lại trật tự cho đến nay. 

Không chỉ đối diện với loạt nhiệm vụ cấp bách về chính trị ngay khi nhậm chức, ông Ishiba còn phải lấy lại niềm tin từ công chúng trong bối cảnh nền kinh tế kém khởi sắc, vật giá tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, dân số già hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực... Chẳng hạn, ngay khi bước sang tháng 10, đã có thêm đến 2.911 mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh, dao động từ 8% - 23%, thậm chí các loại nguyên vật liệu tăng trung bình tới 26%. Tính lũy kế trong một năm qua, số lượng mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh được ghi nhận là 14.783.

Đây là những vấn đề nan giải tạo ra một vòng luẩn quẩn mà chính phủ tiền nhiệm của ông Kishida mặc dù rất nỗ lực giải quyết nhưng vẫn chưa mang lại bước đột phá. Giờ đây trọng trách ấy tiếp tục đè lên vai của tân Thủ tướng Ishiba. 

Mặc dù vậy, thách thức to lớn là ông Ishiba tỏ ra không mấy hiệu quả trong việc xây dựng các chiến lược tăng trưởng kinh tế suốt quá trình tranh cử. Ông Ishiba từ lâu đã chỉ trích cựu Thủ tướng Shinzo Abe và di sản Abenomics của ông. Abenomics có đặc trưng là thực hiện chính sách tiền tệ lỏng lẻo, kích thích tài khóa và cải cách kinh tế bằng việc cắt giảm thuế. Ngược lại, ông Ishiba ủng hộ tăng thuế (chẳng hạn thuế doanh nghiệp) và thắt chặt tài khóa, đồng thời phản đối chính sách lãi suất âm mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan - BoJ) theo đuổi kể từ thời ông Abe.

Tuy nhiên, vấn đề là không rõ liệu ông Ishiba có thực hiện theo những gì đã tuyên bố trước đó hay không. Trong cuộc họp báo sau khi giành chiến thắng, ông Ishiba cho rằng chính sách tiền tệ của Nhật Bản nên tiếp tục phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Tân Thủ tướng cũng gợi ý sẽ tiếp tục cách tiếp cận của ông Kishida về việc cố gắng đưa Nhật Bản thoát khỏi nhiều năm chịu áp lực giảm phát. Nếu đúng như vậy, BoJ sẽ cần phải tiếp tục duy trì lãi suất rất thấp trong một thời gian rất dài sắp tới để khuyến khích tiêu dùng cá nhân, nghĩa là đi ngược lại với mong muốn tăng lãi suất hồi tranh cử của ông Ishiba. Hơn nữa, Bộ trưởng Tài chính Kato lại là người ủng hộ chính sách Abenomics, càng làm tăng nguy cơ ông Ishiba khó theo đuổi quan điểm của mình.

Ngay sau khi ông Ishiba giành chiến thắng, một “gáo nước lạnh” cũng đã xuất hiện khi chỉ số Nikkei 225 (chỉ số lớn nhất của thị trường chứng khoán Nhật Bản) hôm 30/9 đã sụt giảm mạnh ở mức 4,8%, chứng kiến tình cảnh bán tháo gần như toàn bộ cổ phiếu, vì lo ngại rằng ông Ishiba sẽ mở đường để BoJ tăng lãi suất. Gáo nước lạnh đó càng làm tăng nghi vấn về việc liệu ông Ishiba có còn theo đuổi mong muốn tăng lãi suất như hồi tranh cử đã đề ra hay không.   

Trong khi đó, các đề xuất chính sách của ông Ishiba nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ công hơn cho người nông dân và người trẻ tuổi, cùng với mong muốn giảm thâm hụt ngân sách đòi hỏi chính phủ phải tăng thuế, phù hợp với định hướng của tân Thủ tướng. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ không được lòng một số phe phái chính trị trong LDP, có thể khiến ông Ishiba phải cân nhắc rất kỹ về vấn đề này để tránh đi vào con đường của ông Kishida. Khi mới đắc cử, ông Kishida cũng từng đề xuất các chính sách táo bạo như tăng thuế, nhưng cuối cùng đã phải rút lại nhiều chính sách trong số đó do vấp phải sự phản đối.

Tóm lại, bức tranh toàn cảnh về các chính sách kinh tế mà ông Ishiba sẽ thực sự theo đuổi trong nhiệm kỳ này vẫn chưa rõ ràng, trong khi các yếu tố chính trị nội bộ có thể tạo ra vật cản đáng kể khiến tương lai phía trước càng mơ hồ hơn. Để bảo vệ an toàn cho chiếc ghế của mình, ông Ishiba sẽ cần phải dồn hết tâm sức ngay từ đầu nhiệm kỳ để vừa lấy lại sự đoàn kết trong LDP, vừa đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi “vũng lầy” suốt thời gian qua. Không loại trừ khả năng ông Ishiba sẽ phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để nâng cao sức khỏe tài chính của Nhật Bản, vốn đang ở trong tình trạng tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn. Nếu thành công, ông Ishiba và LDP sẽ có thể lấy lại sự ủng hộ từ dân chúng sau nhiệm kỳ nhiều tai tiếng của ông Kishida; nếu ngược lại, chính phủ mới có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ngày 27/9, Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã tổ chức bỏ phiếu để bầu Chủ tịch cho nhiệm kỳ ba năm sắp tới, với số lượng ứng cử viên kỷ lục (chín người). Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi LDP loại bỏ hầu hết các phe phái chính trị trong đảng do bê bối liên quan đến quỹ đen vào cuối năm ngoái, được nhận định là bất ổn và khó lường.  

Quả thật sự khó lường đã diễn ra khi trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, không có bất kỳ ứng cử viên nào giành được đa số (trên 50%) phiếu bầu để giành được chiến thắng chung cuộc. Do đó, hai người có số phiếu cao nhất vòng một là bà Sanae Takaichi (181 phiếu) và ông Shigeru Ishiba (154 phiếu) phải tiếp tục bước vào vòng tranh đấu tiếp theo. Tại vòng hai, kết quả đã đổi chiều khi ông Ishiba nhận được 215 phiếu bầu so với 194 phiếu của bà Takaichi, chính thức đưa ông Ishiba trở thành Chủ tịch tiếp theo của LDP.

Đến ngày 1/10, ông Shigeru Ishiba đã được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, vì theo quy định, Chủ tịch của đảng cầm quyền sẽ nắm giữ chức vụ này.

Nhiều thách thức chờ đón

Tân Thủ tướng Ishiba nắm quyền lãnh đạo LDP ngay trong thời điểm nội bộ của đảng này đang đối mặt với nhiều bất ổn. Con số chín ứng cử viên tham dự cho thấy sự cạnh tranh, phân mảnh ngày càng lớn của LDP so với trước đây (thời điểm vẫn còn các phe phái chính trị, thường chỉ có không quá bốn người tham gia tranh cử).

Chiến thắng sít sao của ông Ishiba trong cuộc tranh đua vừa qua cũng là một chỉ dấu khác cho thấy sự thiếu đồng lòng trong nội bộ đảng. Ngay sau khi thua cuộc, bà Takaichi cũng đã từ chối lời đề nghị của ông Ishiba về việc tham gia nhóm lãnh đạo chính phủ trong nhiệm kỳ mới, làm phức tạp thêm nỗ lực của tân Thủ tướng nhằm thúc đẩy sự thống nhất trong LDP.

Theo giáo sư Tadashi Masuda thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Takasaki (Nhật Bản), việc bà Takaichi từ chối đồng hành cùng chính phủ mới khiến nền tảng ủng hộ ông Ishiba trong LDP thậm chí còn yếu hơn so với người tiền nhiệm Fumio Kishida (người đã quyết định không tái tranh cử vì thất bại trong việc quản lý nội bộ đảng). 

Hơn nữa, có lý do để tin rằng ông Ishiba gặp thách thức trong việc tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ đảng, vì tính lần tranh cử vừa qua, ông đã phải mất đến lần thứ năm mới có thể giành được chức vụ Chủ tịch LDP. Tân Thủ tướng chính là người có số lần tham gia tranh cử Chủ tịch LDP nhiều nhất trong số chín ứng cử viên. Điều đó phản ánh thực tế rằng trong suốt nhiều năm qua, đã luôn có những quan điểm ngờ vực, phản đối ông Ishiba, dù ông rất được lòng những người dân ủng hộ LDP hoặc thậm chí đảng khác. Sự ngờ vực trên có thể đến từ hành động rời LDP của ông Ishiba hồi năm 1993, vì thời điểm đó ông đòi hỏi đảng phải thực hiện cải cách chính trị. Sau đó bốn năm, ông tái gia nhập LDP, nhưng sự phẫn nộ từ một bộ phận đảng viên đối với ông Ishiba vẫn tồn tại.

Trước những thách thức đó, trong bài phát biểu sau khi nhậm chức Thủ tướng hôm 1/10, ông Ishiba đã hứa sẽ thực hiện cải cách chính trị để thúc đẩy sự ủng hộ của người dân. Một trong những hành động cụ thể đầu tiên của ông là việc công bố nội các mới với tổng cộng 20 người, trong đó có 13 nhân sự mới lần đầu tiên góp mặt, hứa hẹn tạo ra những sự mới mẻ trong hình ảnh lãnh đạo của LDP. Đặc biệt, nội các mới của ông Ishiba không có thành viên nào thuộc phe Seiwakai trước đây (hay còn gọi là phe Abe). Đây chính là phe phái dính líu nặng nhất đến vụ bê bối quỹ đen khiến lòng tin của công chúng dành cho LDP giảm sút nghiêm trọng.

Nhìn chung, nội các mới của ông Ishiba thể hiện rõ cách tiếp cận dung hòa, bao gồm cả “đồng minh” và “đối thủ”. Cụ thể, có hai đối thủ trong cuộc tranh cử Chủ tịch LDP vừa qua là ông Yoshimasa Hayashi và Katsunobu Kato ở trong nội các mới, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Nội các và Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, hai đồng minh thân cận của ông Ishiba là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya trở thành Ngoại trưởng, và Tướng Nakatani trở lại đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, nội các mới lại thiếu sự dung hòa về giới, vì chỉ có duy nhất hai người là nữ, gồm Bộ trưởng Phụ trách các Chính sách Liên quan đến Trẻ em Junko Mihara và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học Công nghệ Toshiko Abe. So với chính quyền tiền nhiệm, nội các khi đó có đến năm người là nữ, bao gồm cả chức vụ chủ chốt là Ngoại trưởng. Con số năm tuy thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế, nhưng là một kỷ lục đối với Nhật Bản. Vì thế, khi ông Ishiba lên nắm quyền và không tiếp tục xu hướng tăng nữ trong chính phủ, điều này có thể tạo ra sự không hài lòng cho những người kỳ vọng chính phủ mới sẽ mang lại sự tiến bộ cho phái nữ.

Bên cạnh công bố nội các, để sớm củng cố quyền lực và ổn định tình hình chính trị nội bộ, Thủ tướng Ishiba đã yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm bầu Hạ viện ngay trong tháng 10 này. Theo đó, LDP đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để thực hiện lộ trình giải tán Hạ viện vào ngày 9/10, chốt và niêm yết danh sách bầu cử vào hôm 15/10, bỏ phiếu và kiểm phiếu trong ngày 27/10. Đây là lần thứ hai liên tiếp tân thủ tướng giải tán Hạ viện gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức (ông Kishida làm điều tương tự hồi năm 2021).

Tổng tuyển cử sắp tới là cuộc chạy đua giữa Chủ tịch chín đảng gồm LDP, Đảng Dân chủ Lập hiến (Constitutional Democratic Party - CDP), Đảng Đổi mới Nhật Bản (Japan Innovation Party), Komeito, Đảng Cộng sản Nhật Bản (Japanese Communist Party), Đảng Dân chủ vì Nhân dân (Democratic Party For the People), Giáo dục Miễn phí cho Tất cả Mọi người (Free Education For All), Reiwa, và Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democratic Party). Bất kỳ ai giành chiến thắng sẽ nghiễm nhiên đảm nhiệm chức vụ thủ tướng sau đó. Nhìn chung, bất chấp những “rối loạn” nội bộ, LDP nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nghĩa là ông Ishiba bảo vệ vị trí Thủ tướng của mình.

Theo khảo sát hồi cuối tháng 9 của tờ Mainichi Shimbun, có đến 33% người tham gia ủng hộ LDP, gấp đôi con số của đảng xếp thứ nhì là CDP (15%). Trong khi đó, các đảng còn lại đều có tỷ lệ bình chọn từ 6% trở xuống. Hơn nữa, lần gần nhất LDP để thua trong tổng tuyển cử đã cách đây 15 năm, khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (Democratic Party of Japan - DPJ) thành công trong việc lật đổ vị thế thống trị với hơn 50 năm cầm quyền gần như liên tục trước đó của LDP. Tuy nhiên, DPJ chỉ nắm quyền được vỏn vẹn ba năm trước khi bị LDP thiết lập lại trật tự cho đến nay. 

Không chỉ đối diện với loạt nhiệm vụ cấp bách về chính trị ngay khi nhậm chức, ông Ishiba còn phải lấy lại niềm tin từ công chúng trong bối cảnh nền kinh tế kém khởi sắc, vật giá tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, dân số già hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực... Chẳng hạn, ngay khi bước sang tháng 10, đã có thêm đến 2.911 mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh, dao động từ 8% - 23%, thậm chí các loại nguyên vật liệu tăng trung bình tới 26%. Tính lũy kế trong một năm qua, số lượng mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh được ghi nhận là 14.783.

Đây là những vấn đề nan giải tạo ra một vòng luẩn quẩn mà chính phủ tiền nhiệm của ông Kishida mặc dù rất nỗ lực giải quyết nhưng vẫn chưa mang lại bước đột phá. Giờ đây trọng trách ấy tiếp tục đè lên vai của tân Thủ tướng Ishiba. 

Mặc dù vậy, thách thức to lớn là ông Ishiba tỏ ra không mấy hiệu quả trong việc xây dựng các chiến lược tăng trưởng kinh tế suốt quá trình tranh cử. Ông Ishiba từ lâu đã chỉ trích cựu Thủ tướng Shinzo Abe và di sản Abenomics của ông. Abenomics có đặc trưng là thực hiện chính sách tiền tệ lỏng lẻo, kích thích tài khóa và cải cách kinh tế bằng việc cắt giảm thuế. Ngược lại, ông Ishiba ủng hộ tăng thuế (chẳng hạn thuế doanh nghiệp) và thắt chặt tài khóa, đồng thời phản đối chính sách lãi suất âm mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan - BoJ) theo đuổi kể từ thời ông Abe.

Tuy nhiên, vấn đề là không rõ liệu ông Ishiba có thực hiện theo những gì đã tuyên bố trước đó hay không. Trong cuộc họp báo sau khi giành chiến thắng, ông Ishiba cho rằng chính sách tiền tệ của Nhật Bản nên tiếp tục phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Tân Thủ tướng cũng gợi ý sẽ tiếp tục cách tiếp cận của ông Kishida về việc cố gắng đưa Nhật Bản thoát khỏi nhiều năm chịu áp lực giảm phát. Nếu đúng như vậy, BoJ sẽ cần phải tiếp tục duy trì lãi suất rất thấp trong một thời gian rất dài sắp tới để khuyến khích tiêu dùng cá nhân, nghĩa là đi ngược lại với mong muốn tăng lãi suất hồi tranh cử của ông Ishiba. Hơn nữa, Bộ trưởng Tài chính Kato lại là người ủng hộ chính sách Abenomics, càng làm tăng nguy cơ ông Ishiba khó theo đuổi quan điểm của mình.

Ngay sau khi ông Ishiba giành chiến thắng, một “gáo nước lạnh” cũng đã xuất hiện khi chỉ số Nikkei 225 (chỉ số lớn nhất của thị trường chứng khoán Nhật Bản) hôm 30/9 đã sụt giảm mạnh ở mức 4,8%, chứng kiến tình cảnh bán tháo gần như toàn bộ cổ phiếu, vì lo ngại rằng ông Ishiba sẽ mở đường để BoJ tăng lãi suất. Gáo nước lạnh đó càng làm tăng nghi vấn về việc liệu ông Ishiba có còn theo đuổi mong muốn tăng lãi suất như hồi tranh cử đã đề ra hay không.   

Trong khi đó, các đề xuất chính sách của ông Ishiba nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ công hơn cho người nông dân và người trẻ tuổi, cùng với mong muốn giảm thâm hụt ngân sách đòi hỏi chính phủ phải tăng thuế, phù hợp với định hướng của tân Thủ tướng. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ không được lòng một số phe phái chính trị trong LDP, có thể khiến ông Ishiba phải cân nhắc rất kỹ về vấn đề này để tránh đi vào con đường của ông Kishida. Khi mới đắc cử, ông Kishida cũng từng đề xuất các chính sách táo bạo như tăng thuế, nhưng cuối cùng đã phải rút lại nhiều chính sách trong số đó do vấp phải sự phản đối.

Tóm lại, bức tranh toàn cảnh về các chính sách kinh tế mà ông Ishiba sẽ thực sự theo đuổi trong nhiệm kỳ này vẫn chưa rõ ràng, trong khi các yếu tố chính trị nội bộ có thể tạo ra vật cản đáng kể khiến tương lai phía trước càng mơ hồ hơn. Để bảo vệ an toàn cho chiếc ghế của mình, ông Ishiba sẽ cần phải dồn hết tâm sức ngay từ đầu nhiệm kỳ để vừa lấy lại sự đoàn kết trong LDP, vừa đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi “vũng lầy” suốt thời gian qua. Không loại trừ khả năng ông Ishiba sẽ phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để nâng cao sức khỏe tài chính của Nhật Bản, vốn đang ở trong tình trạng tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn. Nếu thành công, ông Ishiba và LDP sẽ có thể lấy lại sự ủng hộ từ dân chúng sau nhiệm kỳ nhiều tai tiếng của ông Kishida; nếu ngược lại, chính phủ mới có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Từ khoá: Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba Đảng Dân chủ Tự do chính trị nội bộ

BÀI LIÊN QUAN