Ma tuý và quyền lực: Thấy gì từ việc cựu Tổng thống Duterte bị bắt giữ?
Nhiều động cơ chính trị ẩn sau sự kiện ông Duterte bị bắt, chính trường Philippines không tránh khỏi biến động.


Từ cuộc chiến chống ma túy đến cáo buộc từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)
Từ khi nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng 6/2016, ông Rodrigo Duterte đã triển khai “cuộc chiến chống ma túy” (War on Drugs) với quy mô rộng khắp.
Cho rằng ma túy bất hợp pháp đe dọa sự tồn vong của đất nước, ông Duterte đã huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát và các nguồn lực của nhà nước vào cuộc chiến này, đáng chú ý là Chiến dịch Tokhang (tập trung vào các khu ổ chuột nghèo ở thành thị) và Kế hoạch Double Barrel (nhắm vào các trùm ma túy bị cáo buộc).
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN Human Rights Council) và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN Office of the High Commissioner on Human Rights) đã kịch liệt chỉ trích chiến dịch của ông Duterte bởi mức độ tàn bạo của nó.
Ngày 7/3, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Duterte và gửi đến Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Ngày 11/3, ICC chính thức công bố lệnh bắt giữ, sau đó ông Duterte bị bắt tại sân bay Manila sau chuyến trở về từ Hồng Kông và được chuyển đến một cơ sở giam giữ ở The Hague, Hà Lan.
Ngày 14/3, phiên điều trần đầu tiên (initial appearance hearing) đã diễn ra với sự xuất hiện đầy mệt mỏi của ông Duterte. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/9 nhằm xác nhận cáo buộc (confirmation of charges hearing).
Việc ông Duterte bị bắt giữ và bị đưa ra xét xử trước ICC thu hút sự chú ý của dư luận. Sự kiện pháp lý này còn có nguyên nhân sâu xa với bối cảnh và động cơ phức tạp của các bên. Để hiểu hơn về quyết định của ICC, cần xem xét cách thức chính quyền Duterte triển khai chiến dịch chống ma túy, phản ứng của cộng đồng quốc tế và tình hình chính trị nội bộ của quốc gia này.
Từ cuộc chiến chống ma túy đẫm máu…
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kiện trên chính là “cuộc chiến chống ma túy” do ông Duterte làm “tổng tư lệnh” từ năm 2016. Nội dung tại mục I và III trong lệnh bắt giữ được ICC gửi đến Interpol đã nêu rõ các những tội ác mà chính quyền Duterte đã thực hiện từ ngày 1/11/2011 đến ngày 16/3/2019. ICC nhấn mạnh cựu Tổng thống Philippines phạm các tội ác chống lại loài người, bao gồm: (i) giết người, (ii) tra tấn và (iii) hiếp dâm.
Bên cạnh đó, ICC còn cáo buộc ông Duterte về các tội ác khi ông là Thị trưởng Davao từ năm 1998, như thành lập “Lambada Boys” (sau đó đổi tên thành “Davao Death Squad”), hay còn gọi là “biệt đội tử thần”, có nhiệm vụ tiêu diệt tội phạm ma túy ở thành phố này.
Với các biện pháp hà khắc của chính quyền và tình hình “bạo lực từ cảnh sát” (police violence), mức độ tàn bạo của “cuộc chiến chống ma túy” là chưa từng có, và theo ước tính đã gây ra cái chết cho khoảng 12.000 – 30.000 người trong suốt thời gian ông Duterte làm tổng thống (từ năm 2016 đến năm 2022). Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hơn 7.000 người Philippines đã bị giết chỉ trong vòng sáu tháng từ khi chiến dịch bắt đầu.
“Loạt ảnh về sự trừng phạt” của trang báo Rappler (Rappler’s Impunity Series) về hàng loạt cái chết thương tâm trong chiến dịch, hay một cuộc điều tra vào năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phát hiện rằng, trên thực tế, hoạt động này là “một chiến dịch hành quyết ngoài vòng pháp luật tại các khu vực nghèo đói ở Manila và các khu vực đô thị khác”. Tình trạng cảnh sát đàn áp tàn bạo tội phạm và số lượng người chết gia tăng đến mức báo động đã khiến người dân Philippines bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi đồng thời đặt ra câu hỏi về nhân quyền tại đất nước này.
Để thể hiện sự ủng hộ đối với việc ông Duterte bị bắt, gia đình của hàng nghìn người ra đi trong cuộc chiến chống ma túy đã tập hợp và theo dõi phiên tòa. Bà Llore Pasco - một người mẹ có con trai đã ra đi trong cuộc chiến chống ma túy cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu trong cuộc chiến đấu của chúng tôi. Công lý vẫn chưa được thực thi bởi có quá nhiều thứ xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu”.
Một số nhà hoạt động xã hội nói rằng phần lớn nạn nhân là người dân Philippines nghèo, sống ở thành thị, một số là trẻ vị thành niên và những người không liên quan gì đến buôn bán ma túy. Bà Cristina Jumola, một người mẹ có ba người con trai là nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy, chia sẻ: “Tôi rất vui vì Duterte đã bị bắt để cuối cùng chúng ta có thể có được công lý. Chúng tôi đã chờ đợi điều này quá lâu rồi”.
… đến mâu thuẫn giữa hai gia tộc Duterte và Marcos
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là chiến dịch chống ma túy đẫm máu, việc bắt giữ cựu Tổng thống Duterte rất có thể liên quan đến những động cơ chính trị sâu xa, cụ thể là từ mối quan hệ căng thẳng giữa gia tộc Duterte và Marcos.
Từ khi nhậm chức vào tháng 6/2016, cựu Tổng thống Duterte thể hiện lập trường “xoay trục” về phía Trung Quốc. Ông cũng thường xuyên chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Trong khi đó, Tổng thống Marcos có lập trường xích lại gần hơn với Mỹ. Vào tháng 1, Tổng thống Marcos đã thanh trừng một số chính trị gia thân Trung Quốc có quyền lực nhất nước bằng cách loại họ khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council). Nhiều người trong số đó là đồng minh của nhà Duterte. Cuộc thanh trừng này đã thể hiện rõ mâu thuẫn trong lập trường chính trị của hai gia tộc.
Một số rạn nứt trong quan hệ giữa hai gia tộc đã xuất hiện khi chính quyền Marcos quyết tâm làm suy yếu quyền lực chính trị của gia tộc Duterte. Vào tháng 11/2023, bà Gloria Macapagal Arroyo - cựu Tổng thống (nhiệm kỳ 2001-2010) và là đồng minh thân cận của Rodrigo Duterte, đã bất ngờ bị bãi nhiệm khỏi vị trí Phó Chủ tịch Hạ viện cấp cao. Sự kiện chính quyền Marcos trả tự do cho bà Leila De Lima – đối thủ chính trị trực tiếp của ông Duterte vào tháng 11/2023 càng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ giữa hai gia tộc.
Căng thẳng leo thang khi con gái cựu Tổng thống Duterte là Sara Duterte bị cáo buộc thuê người ám sát Tổng thống Marcos và sử dụng sai mục đích “quỹ bí mật” dành cho Văn phòng Phó Tổng thống và Bộ Giáo dục trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Tiếp đến, việc Hạ viện từ chối yêu cầu của bà Sara về “quỹ bí mật” dành cho chương trình Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (Reserve Officers’ Training Corps) cũng góp phần vào sự bất mãn để sau đó bà tuyên bố từ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục và rút khỏi Nội các vào tháng 6/2024.
Một chi tiết đáng chú ý khác là trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Duterte, Philippines đã gửi thông báo bằng văn bản về việc rút khỏi ICC vào ngày 17/3/2018 sau khi bà Fatou Bensouda, một công tố viên của ICC, mở một cuộc điều tra về các vụ tử vong liên quan đến “cuộc chiến chống ma túy” của ông Duterte vào tháng 2/2018. Lý giải cho quyết định rút khỏi ICC, ông Duterte cho rằng tổ chức này đã được sử dụng như một “công cụ chính trị” để chống lại ông và chính quyền của ông. Việc Philippines từ bỏ tư cách thành viên ICC và rút khỏi Quy chế Rome (Rome Statute) (quy chế này thiết lập khuôn khổ quản lý cho Tòa án, nêu rõ thẩm quyền của Tòa án đối với tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội xâm lược) đồng nghĩa với việc chính quyền Duterte từ chối toàn bộ yêu cầu hợp tác với các điều tra viên ICC.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, Tổng thống Marcos tuyên bố sẵn sàng cân nhắc khả năng giao nộp cựu Tổng thống Duterte nếu nhận được yêu cầu từ Interpol, vì đó là trách nhiệm mà Philippines đã cam kết với tổ chức này.
Tổng thống Philippines đương nhiệm khẳng định việc bắt giữ ông Duterte là tuân thủ nghĩa vụ quốc tế và không mang động cơ chính trị. Song sự kiện này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 5 sắp tới, khi các ứng viên của Đảng Dân chủ Philippines (Democratic Party of the Philippines) của ông Duterte sẽ cạnh tranh với Đảng Liên bang Philippines (Federal Party of the Philippines) đứng đầu là ông Marcos.
Theo nhà phân tích chính trị Ronald Llamas, gia đình Duterte rất có thể hậu thuẫn cho một “cuộc nổi loạn và binh biến” để chống lại chính quyền Marcos. Jean Franco, Giáo sư Khoa Khoa học Chính trị từ Đại học Phillipines, cho rằng gia đình Duterte sẽ cố gắng hết sức để giành chiến thắng, nhưng phe Marcos thực sự có thể tăng gấp đôi nỗ lực để chấm dứt hoặc làm suy yếu “triều đại” Duterte.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ngoài cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người từ ICC, thì hàng loạt chỉ trích và báo cáo từ các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế… sẽ khiến phe ông Duterte gặp nhiều trở ngại. Có thể phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để đi đến kết luận rằng liệu ông Duterte có vi phạm các tội ác như cáo buộc hay không.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới, vụ việc bắt giữ ông Duterte sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trường Philippines. Nhiều biến động chính trị sẽ xảy ra bởi sự cạnh tranh giữa hai gia tộc Marcos – Duterte và sự tác động của các thế lực bên ngoài.
Trong nước, chính quyền Marcos có thể tiếp tục loại bỏ các quan chức thân Duterte khỏi các vị trí quan trọng, làm suy yếu thêm quyền lực của phe này và tạo điều kiện cho những đối thủ chính trị của ông Duterte trở lại chính trường. Một khi phe Marcos kiểm soát được tình hình, Duterte và đồng minh sẽ bị gạt khỏi chính trường, dẫn đến một sự phân cực sâu sắc hơn trong nền chính trị nội bộ Philippines.
Với Mỹ, quốc gia này rất có thể ủng hộ việc điều tra Duterte bằng cách tài trợ kinh phí cho ICC trong việc đẩy mạnh chiến dịch điều tra, nhằm tạo thêm áp lực lên Duterte và các đồng minh của ông, như Thượng nghị sĩ Ronald Dela Rosa. Ngoài ra, Mỹ có thể tài trợ cho các kênh truyền thông quốc tế nhằm hạ bệ hình ảnh cựu Tổng thống hoặc tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự với chính quyền Marcos, và qua đó gây sức ép lên phe Duterte.
Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc có thể kết hợp các biện pháp chính trị, truyền thông và an ninh để hỗ trợ phe Duterte duy trì ảnh hưởng trong nước, đặc biệt nếu điều đó phục vụ lợi ích chiến lược của Bắc Kinh tại Philippines. Không loại trừ việc Trung Quốc dùng ảnh hưởng ngoại giao để gây sức ép lên chính quyền Marcos nhằm đảm bảo phe Duterte không thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới. Khả năng cao là Bắc Kinh cung cấp trang thiết bị hoặc hợp tác về an ninh để giúp phe Duterte duy trì quyền lực ở các địa phương, nhất là thông qua hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát, quân đội, hoặc tài trợ cho các kênh truyền thông thân thiện với Duterte để tác động đến dư luận và duy trì sự ủng hộ từ cử tri.
Bên cạnh đó, tại Davao, vẫn còn đông đảo người dân ủng hộ ông Duterte. Ngày 16/3, hàng nghìn người đã xuống đường với biểu ngữ “Chúng tôi ủng hộ và bên cạnh ông Duterte”, “Chúng tôi ủng hộ Tatay Digong” (“Tatay Digong” là một cách gọi gần gũi đối với cựu Tổng thống Duterte) hay “Đưa ông ấy trở lại”. Barnaby L. - một người tham gia đoàn biểu tình, đã cho biết: “Chúng tôi ca ngợi ông ấy vì đã biến thành phố này trở thành một trong những nơi an toàn nhất tại đất nước, vì vậy việc ICC bắt giữ ông ấy là một sự bất công”. Một số người ủng hộ trung thành với Duterte đã kêu gọi nổi dậy chống lại “sự phản bội” của Tổng thống Marcos đối với người tiền nhiệm.
Theo George Erwin Garcia, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Philippines (Commission on Elections of the Philippines), dù đang ở nước ngoài nhưng ông Duterte vẫn là ứng cử viên cho chức thị trưởng thành phố Davao trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm nay. Theo một số nguồn tin, một chính trị gia kỳ cựu như Duterte rất có thể sẽ xây dựng hình ảnh mình là một nạn nhân của sự đàn áp chính trị và âm mưu quốc tế để chống lại các cáo buộc trong phiên tòa tiếp theo. Hình ảnh một cựu tổng thống “yếu đuối, bị giam cầm” có thể giúp tạo ra một làn sóng cảm thông và thu hút sự ủng hộ của công chúng dành cho các ứng cử viên thượng nghị sĩ thuộc phe của ông Duterte trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ chuẩn bị diễn ra.
Từ phe Duterte, các chính trị gia thân tín có khả năng tập trung nguồn lực để xây dựng niềm tin của người dân tại Davao – nơi mà ông đã tập hợp được một lực lượng người ủng hộ đáng kể, đồng thời duy trì sự liên kết với các nhóm chính trị khác trong nội bộ chính quyền Phippines. Tuy nhiên, tình hình sắp tới phụ thuộc vào diễn biến điều tra từ phía ICC, sự chuyển biến (nếu có) trong quan hệ giữa hai gia tộc Marcos - Duterte, và kết quả các cuộc bầu cử quan trọng.
Bài học từ “vụ việc Duterte”
Vụ việc bắt giữ cựu Tổng thống Duterte là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Đông Nam Á, có tác động mạnh mẽ tới nền chính trị quốc tế, và cũng là một hình mẫu để các quốc gia khác xem xét khi thực thi các chính sách trấn áp tội phạm.
Từ vụ việc trên, có thể thấy rằng việc trấn áp tội phạm không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt mà còn cần tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và nhân quyền. Nếu một chính quyền chỉ tập trung vào biện pháp mạnh mà bỏ qua yếu tố minh bạch và công bằng thì điều này không tránh khỏi những hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, sự phẫn nộ của người dân trong nước và nguy cơ vi phạm nhân quyền của các quan chức.
Do đó, các quốc gia cần xây dựng một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa biện pháp cứng rắn và các chính sách mang tính giáo dục, phòng ngừa, nhằm đảm bảo trật tự xã hội mà không đánh mất tính chính danh của chính quyền.
Để thực hiện được điều đó, quy trình thực hiện chính sách trấn áp tội phạm cần được thực hiện từng bước như tuyên truyền sớm về mức độ nguy hiểm, tác hại của những mối đe dọa của những tệ nạn xã hội đến với người dân, thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức, giáo dục cho người dân hiểu về các hiểm họa, sau đó khảo sát ý kiến của dân chúng về các biện pháp xử lý, và cuối cùng mới xét xử tội phạm với quy trình minh bạch, công khai với chứng cứ đầy đủ và rõ ràng. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan cũng rất cần thiết trong việc truy bắt tội phạm xuyên quốc gia.
Giảm thiểu tội phạm và duy trì trật tự xã hội nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các quốc gia, gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực thi chính sách trấn áp tội phạm, các quốc gia cần đảm bảo hiệu quả nhưng vẫn khéo léo trong thực thi để duy trì niềm tin của người dân vào một chính quyền minh bạch, thân thiện và cam kết phục vụ lợi ích chung của đất nước.

Từ cuộc chiến chống ma túy đến cáo buộc từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)
Từ khi nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng 6/2016, ông Rodrigo Duterte đã triển khai “cuộc chiến chống ma túy” (War on Drugs) với quy mô rộng khắp.
Cho rằng ma túy bất hợp pháp đe dọa sự tồn vong của đất nước, ông Duterte đã huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát và các nguồn lực của nhà nước vào cuộc chiến này, đáng chú ý là Chiến dịch Tokhang (tập trung vào các khu ổ chuột nghèo ở thành thị) và Kế hoạch Double Barrel (nhắm vào các trùm ma túy bị cáo buộc).
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN Human Rights Council) và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN Office of the High Commissioner on Human Rights) đã kịch liệt chỉ trích chiến dịch của ông Duterte bởi mức độ tàn bạo của nó.
Ngày 7/3, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Duterte và gửi đến Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Ngày 11/3, ICC chính thức công bố lệnh bắt giữ, sau đó ông Duterte bị bắt tại sân bay Manila sau chuyến trở về từ Hồng Kông và được chuyển đến một cơ sở giam giữ ở The Hague, Hà Lan.
Ngày 14/3, phiên điều trần đầu tiên (initial appearance hearing) đã diễn ra với sự xuất hiện đầy mệt mỏi của ông Duterte. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/9 nhằm xác nhận cáo buộc (confirmation of charges hearing).
Việc ông Duterte bị bắt giữ và bị đưa ra xét xử trước ICC thu hút sự chú ý của dư luận. Sự kiện pháp lý này còn có nguyên nhân sâu xa với bối cảnh và động cơ phức tạp của các bên. Để hiểu hơn về quyết định của ICC, cần xem xét cách thức chính quyền Duterte triển khai chiến dịch chống ma túy, phản ứng của cộng đồng quốc tế và tình hình chính trị nội bộ của quốc gia này.
Từ cuộc chiến chống ma túy đẫm máu…
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kiện trên chính là “cuộc chiến chống ma túy” do ông Duterte làm “tổng tư lệnh” từ năm 2016. Nội dung tại mục I và III trong lệnh bắt giữ được ICC gửi đến Interpol đã nêu rõ các những tội ác mà chính quyền Duterte đã thực hiện từ ngày 1/11/2011 đến ngày 16/3/2019. ICC nhấn mạnh cựu Tổng thống Philippines phạm các tội ác chống lại loài người, bao gồm: (i) giết người, (ii) tra tấn và (iii) hiếp dâm.
Bên cạnh đó, ICC còn cáo buộc ông Duterte về các tội ác khi ông là Thị trưởng Davao từ năm 1998, như thành lập “Lambada Boys” (sau đó đổi tên thành “Davao Death Squad”), hay còn gọi là “biệt đội tử thần”, có nhiệm vụ tiêu diệt tội phạm ma túy ở thành phố này.
Với các biện pháp hà khắc của chính quyền và tình hình “bạo lực từ cảnh sát” (police violence), mức độ tàn bạo của “cuộc chiến chống ma túy” là chưa từng có, và theo ước tính đã gây ra cái chết cho khoảng 12.000 – 30.000 người trong suốt thời gian ông Duterte làm tổng thống (từ năm 2016 đến năm 2022). Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hơn 7.000 người Philippines đã bị giết chỉ trong vòng sáu tháng từ khi chiến dịch bắt đầu.
“Loạt ảnh về sự trừng phạt” của trang báo Rappler (Rappler’s Impunity Series) về hàng loạt cái chết thương tâm trong chiến dịch, hay một cuộc điều tra vào năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phát hiện rằng, trên thực tế, hoạt động này là “một chiến dịch hành quyết ngoài vòng pháp luật tại các khu vực nghèo đói ở Manila và các khu vực đô thị khác”. Tình trạng cảnh sát đàn áp tàn bạo tội phạm và số lượng người chết gia tăng đến mức báo động đã khiến người dân Philippines bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi đồng thời đặt ra câu hỏi về nhân quyền tại đất nước này.
Để thể hiện sự ủng hộ đối với việc ông Duterte bị bắt, gia đình của hàng nghìn người ra đi trong cuộc chiến chống ma túy đã tập hợp và theo dõi phiên tòa. Bà Llore Pasco - một người mẹ có con trai đã ra đi trong cuộc chiến chống ma túy cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu trong cuộc chiến đấu của chúng tôi. Công lý vẫn chưa được thực thi bởi có quá nhiều thứ xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu”.
Một số nhà hoạt động xã hội nói rằng phần lớn nạn nhân là người dân Philippines nghèo, sống ở thành thị, một số là trẻ vị thành niên và những người không liên quan gì đến buôn bán ma túy. Bà Cristina Jumola, một người mẹ có ba người con trai là nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy, chia sẻ: “Tôi rất vui vì Duterte đã bị bắt để cuối cùng chúng ta có thể có được công lý. Chúng tôi đã chờ đợi điều này quá lâu rồi”.
… đến mâu thuẫn giữa hai gia tộc Duterte và Marcos
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là chiến dịch chống ma túy đẫm máu, việc bắt giữ cựu Tổng thống Duterte rất có thể liên quan đến những động cơ chính trị sâu xa, cụ thể là từ mối quan hệ căng thẳng giữa gia tộc Duterte và Marcos.
Từ khi nhậm chức vào tháng 6/2016, cựu Tổng thống Duterte thể hiện lập trường “xoay trục” về phía Trung Quốc. Ông cũng thường xuyên chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Trong khi đó, Tổng thống Marcos có lập trường xích lại gần hơn với Mỹ. Vào tháng 1, Tổng thống Marcos đã thanh trừng một số chính trị gia thân Trung Quốc có quyền lực nhất nước bằng cách loại họ khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council). Nhiều người trong số đó là đồng minh của nhà Duterte. Cuộc thanh trừng này đã thể hiện rõ mâu thuẫn trong lập trường chính trị của hai gia tộc.
Một số rạn nứt trong quan hệ giữa hai gia tộc đã xuất hiện khi chính quyền Marcos quyết tâm làm suy yếu quyền lực chính trị của gia tộc Duterte. Vào tháng 11/2023, bà Gloria Macapagal Arroyo - cựu Tổng thống (nhiệm kỳ 2001-2010) và là đồng minh thân cận của Rodrigo Duterte, đã bất ngờ bị bãi nhiệm khỏi vị trí Phó Chủ tịch Hạ viện cấp cao. Sự kiện chính quyền Marcos trả tự do cho bà Leila De Lima – đối thủ chính trị trực tiếp của ông Duterte vào tháng 11/2023 càng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ giữa hai gia tộc.
Căng thẳng leo thang khi con gái cựu Tổng thống Duterte là Sara Duterte bị cáo buộc thuê người ám sát Tổng thống Marcos và sử dụng sai mục đích “quỹ bí mật” dành cho Văn phòng Phó Tổng thống và Bộ Giáo dục trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Tiếp đến, việc Hạ viện từ chối yêu cầu của bà Sara về “quỹ bí mật” dành cho chương trình Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (Reserve Officers’ Training Corps) cũng góp phần vào sự bất mãn để sau đó bà tuyên bố từ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục và rút khỏi Nội các vào tháng 6/2024.
Một chi tiết đáng chú ý khác là trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Duterte, Philippines đã gửi thông báo bằng văn bản về việc rút khỏi ICC vào ngày 17/3/2018 sau khi bà Fatou Bensouda, một công tố viên của ICC, mở một cuộc điều tra về các vụ tử vong liên quan đến “cuộc chiến chống ma túy” của ông Duterte vào tháng 2/2018. Lý giải cho quyết định rút khỏi ICC, ông Duterte cho rằng tổ chức này đã được sử dụng như một “công cụ chính trị” để chống lại ông và chính quyền của ông. Việc Philippines từ bỏ tư cách thành viên ICC và rút khỏi Quy chế Rome (Rome Statute) (quy chế này thiết lập khuôn khổ quản lý cho Tòa án, nêu rõ thẩm quyền của Tòa án đối với tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội xâm lược) đồng nghĩa với việc chính quyền Duterte từ chối toàn bộ yêu cầu hợp tác với các điều tra viên ICC.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, Tổng thống Marcos tuyên bố sẵn sàng cân nhắc khả năng giao nộp cựu Tổng thống Duterte nếu nhận được yêu cầu từ Interpol, vì đó là trách nhiệm mà Philippines đã cam kết với tổ chức này.
Tổng thống Philippines đương nhiệm khẳng định việc bắt giữ ông Duterte là tuân thủ nghĩa vụ quốc tế và không mang động cơ chính trị. Song sự kiện này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 5 sắp tới, khi các ứng viên của Đảng Dân chủ Philippines (Democratic Party of the Philippines) của ông Duterte sẽ cạnh tranh với Đảng Liên bang Philippines (Federal Party of the Philippines) đứng đầu là ông Marcos.
Theo nhà phân tích chính trị Ronald Llamas, gia đình Duterte rất có thể hậu thuẫn cho một “cuộc nổi loạn và binh biến” để chống lại chính quyền Marcos. Jean Franco, Giáo sư Khoa Khoa học Chính trị từ Đại học Phillipines, cho rằng gia đình Duterte sẽ cố gắng hết sức để giành chiến thắng, nhưng phe Marcos thực sự có thể tăng gấp đôi nỗ lực để chấm dứt hoặc làm suy yếu “triều đại” Duterte.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ngoài cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người từ ICC, thì hàng loạt chỉ trích và báo cáo từ các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế… sẽ khiến phe ông Duterte gặp nhiều trở ngại. Có thể phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để đi đến kết luận rằng liệu ông Duterte có vi phạm các tội ác như cáo buộc hay không.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới, vụ việc bắt giữ ông Duterte sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trường Philippines. Nhiều biến động chính trị sẽ xảy ra bởi sự cạnh tranh giữa hai gia tộc Marcos – Duterte và sự tác động của các thế lực bên ngoài.
Trong nước, chính quyền Marcos có thể tiếp tục loại bỏ các quan chức thân Duterte khỏi các vị trí quan trọng, làm suy yếu thêm quyền lực của phe này và tạo điều kiện cho những đối thủ chính trị của ông Duterte trở lại chính trường. Một khi phe Marcos kiểm soát được tình hình, Duterte và đồng minh sẽ bị gạt khỏi chính trường, dẫn đến một sự phân cực sâu sắc hơn trong nền chính trị nội bộ Philippines.
Với Mỹ, quốc gia này rất có thể ủng hộ việc điều tra Duterte bằng cách tài trợ kinh phí cho ICC trong việc đẩy mạnh chiến dịch điều tra, nhằm tạo thêm áp lực lên Duterte và các đồng minh của ông, như Thượng nghị sĩ Ronald Dela Rosa. Ngoài ra, Mỹ có thể tài trợ cho các kênh truyền thông quốc tế nhằm hạ bệ hình ảnh cựu Tổng thống hoặc tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự với chính quyền Marcos, và qua đó gây sức ép lên phe Duterte.
Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc có thể kết hợp các biện pháp chính trị, truyền thông và an ninh để hỗ trợ phe Duterte duy trì ảnh hưởng trong nước, đặc biệt nếu điều đó phục vụ lợi ích chiến lược của Bắc Kinh tại Philippines. Không loại trừ việc Trung Quốc dùng ảnh hưởng ngoại giao để gây sức ép lên chính quyền Marcos nhằm đảm bảo phe Duterte không thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới. Khả năng cao là Bắc Kinh cung cấp trang thiết bị hoặc hợp tác về an ninh để giúp phe Duterte duy trì quyền lực ở các địa phương, nhất là thông qua hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát, quân đội, hoặc tài trợ cho các kênh truyền thông thân thiện với Duterte để tác động đến dư luận và duy trì sự ủng hộ từ cử tri.
Bên cạnh đó, tại Davao, vẫn còn đông đảo người dân ủng hộ ông Duterte. Ngày 16/3, hàng nghìn người đã xuống đường với biểu ngữ “Chúng tôi ủng hộ và bên cạnh ông Duterte”, “Chúng tôi ủng hộ Tatay Digong” (“Tatay Digong” là một cách gọi gần gũi đối với cựu Tổng thống Duterte) hay “Đưa ông ấy trở lại”. Barnaby L. - một người tham gia đoàn biểu tình, đã cho biết: “Chúng tôi ca ngợi ông ấy vì đã biến thành phố này trở thành một trong những nơi an toàn nhất tại đất nước, vì vậy việc ICC bắt giữ ông ấy là một sự bất công”. Một số người ủng hộ trung thành với Duterte đã kêu gọi nổi dậy chống lại “sự phản bội” của Tổng thống Marcos đối với người tiền nhiệm.
Theo George Erwin Garcia, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Philippines (Commission on Elections of the Philippines), dù đang ở nước ngoài nhưng ông Duterte vẫn là ứng cử viên cho chức thị trưởng thành phố Davao trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm nay. Theo một số nguồn tin, một chính trị gia kỳ cựu như Duterte rất có thể sẽ xây dựng hình ảnh mình là một nạn nhân của sự đàn áp chính trị và âm mưu quốc tế để chống lại các cáo buộc trong phiên tòa tiếp theo. Hình ảnh một cựu tổng thống “yếu đuối, bị giam cầm” có thể giúp tạo ra một làn sóng cảm thông và thu hút sự ủng hộ của công chúng dành cho các ứng cử viên thượng nghị sĩ thuộc phe của ông Duterte trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ chuẩn bị diễn ra.
Từ phe Duterte, các chính trị gia thân tín có khả năng tập trung nguồn lực để xây dựng niềm tin của người dân tại Davao – nơi mà ông đã tập hợp được một lực lượng người ủng hộ đáng kể, đồng thời duy trì sự liên kết với các nhóm chính trị khác trong nội bộ chính quyền Phippines. Tuy nhiên, tình hình sắp tới phụ thuộc vào diễn biến điều tra từ phía ICC, sự chuyển biến (nếu có) trong quan hệ giữa hai gia tộc Marcos - Duterte, và kết quả các cuộc bầu cử quan trọng.
Bài học từ “vụ việc Duterte”
Vụ việc bắt giữ cựu Tổng thống Duterte là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Đông Nam Á, có tác động mạnh mẽ tới nền chính trị quốc tế, và cũng là một hình mẫu để các quốc gia khác xem xét khi thực thi các chính sách trấn áp tội phạm.
Từ vụ việc trên, có thể thấy rằng việc trấn áp tội phạm không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt mà còn cần tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và nhân quyền. Nếu một chính quyền chỉ tập trung vào biện pháp mạnh mà bỏ qua yếu tố minh bạch và công bằng thì điều này không tránh khỏi những hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, sự phẫn nộ của người dân trong nước và nguy cơ vi phạm nhân quyền của các quan chức.
Do đó, các quốc gia cần xây dựng một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa biện pháp cứng rắn và các chính sách mang tính giáo dục, phòng ngừa, nhằm đảm bảo trật tự xã hội mà không đánh mất tính chính danh của chính quyền.
Để thực hiện được điều đó, quy trình thực hiện chính sách trấn áp tội phạm cần được thực hiện từng bước như tuyên truyền sớm về mức độ nguy hiểm, tác hại của những mối đe dọa của những tệ nạn xã hội đến với người dân, thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức, giáo dục cho người dân hiểu về các hiểm họa, sau đó khảo sát ý kiến của dân chúng về các biện pháp xử lý, và cuối cùng mới xét xử tội phạm với quy trình minh bạch, công khai với chứng cứ đầy đủ và rõ ràng. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan cũng rất cần thiết trong việc truy bắt tội phạm xuyên quốc gia.
Giảm thiểu tội phạm và duy trì trật tự xã hội nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các quốc gia, gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực thi chính sách trấn áp tội phạm, các quốc gia cần đảm bảo hiệu quả nhưng vẫn khéo léo trong thực thi để duy trì niềm tin của người dân vào một chính quyền minh bạch, thân thiện và cam kết phục vụ lợi ích chung của đất nước.
Từ khoá: Philippines Rodrigo Duterte cuộc chiến chống ma tuý War on Drugs nhân quyền quyền con người