Liệu Trump - Kim có tái hợp?

Sự trở lại của Trump đã làm nóng lên các tranh luận về cách tiếp cận của Nhà Trắng đối với Bán đảo Triều Tiên. Liệu một Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim có diễn ra?

Vĩnh Khang 25/02/2025

Vĩnh Khang

25/02/2025
Image
Một màn hình hiển thị video về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi các thành viên báo chí làm việc tại một trung tâm truyền thông ở Hà Nội vào ngày 28/2/2019 - (C): Justin Chin/Bloomberg/Getty Images

Bán đảo Triều Tiên từ lâu được biết đến là một trong bốn điểm nóng (four flashpoints) của châu Á (cùng với Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Đài Loan). Những điểm nóng này có thể là ngọn nguồn bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào nếu các bên tính toán sai lầm ý định của nhau hoặc những hành động vô tình đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Bán đảo Triều Tiên cũng đã, đang và sẽ luôn là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi ở đó có một đồng minh hiệp ước (Hàn Quốc) của Washington và còn là nơi Mỹ thi triển quyền lực nhằm ngăn chặn một Trung Quốc đã “trỗi dậy”.

Việc Trump trở lại Nhà Trắng có tác động lớn tới an ninh Bán đảo Triều Tiên, cụ thể là làm dấy lên câu hỏi về khả năng xảy ra cuộc hội ngộ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Căn cứ vào tư duy hành động giao dịch và tính cách khó đoán của Trump, cùng với một Kim Jong-un cũng “thất thường” không kém thì không thể loại trừ khả năng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này trong thời gian tới. Sau cùng, “Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể” (Politics is the art of the possible), như chính trị gia nổi tiếng người Phổ Otto Von Bismarck từng nói, càng giúp cánh cửa đối thoại Trump – Kim không thể bị khép lại.

Bối cảnh địa chính trị mới

So với tám năm trước, Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên trải qua những thay đổi địa chiến lược đáng chú ý, nhất là khu vực này đang ở trong thời điểm nguy hiểm và bất ổn nhất kể từ năm 1950.

Đầu tiên, quan hệ giữa Nga và Triều Tiên ngày càng gắn kết sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Đối mặt với sự cô lập từ phương Tây, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin ngả về hướng đông để tìm kiếm đối tác ủng hộ cho cuộc chiến và nhận thấy Triều Tiên như một đồng minh lý tưởng cho mục tiêu đó. Nga nhanh chóng bắt tay với Triều Tiên và chính thức ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện (Treaty of Comprehensive Strategic Partnerships) vào tháng 6/2024 trong chuyến thăm Triều Tiên của Putin. Nổi bật trong Hiệp ước là cam kết phòng thủ lẫn nhau và chuyển giao công nghệ quân sự.

Một trong những biểu hiện đầu tiên của việc thực thi Hiệp ước nêu trên là việc Triều Tiên từng bước can dự vào chiến tranh Ukraine. Nhà độc tài Kim đã tuyên bố sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước các động thái giành quyền bá chủ của những kẻ đế quốc”. Chế độ Kim đã cung cấp hàng triệu đạn dược, rocket, và tên lửa cho Nga để quân đội nước này giành được lợi thế trên chiến trường Ukraine. Ước tính Triều Tiên đã gửi khoảng 10,000 đến 12,000 quân tới Nga, trong đó khoảng 8,000 binh sĩ đã được đưa tới chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine ở Vùng Kursk của Nga—nơi lực lượng Ukraine đang chiếm đóng sau đợt đột kích bất ngờ hồi tháng 8/2024. Theo The New York Times, Bình Nhưỡng là bên đưa ra đề nghị đưa quân sang tiền tuyến Ukraine, và điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nhìn từ lăng kính quân sự. Việc giao đấu trực tiếp với quân đội Ukraine trên chiến trường sẽ giúp quân đội Triều Tiên nâng cao kỹ năng thực chiến, lĩnh hội thêm kiến thức về cách vận hành chiến tranh hiện đại. Đổi lại, với việc gửi quân, Bình Nhưỡng sẽ được Nga cam kết hỗ trợ các chương trình vũ khí và hạt nhân.

Sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong chiến tranh Ukraine có thể làm thay đổi cán cân quyền lực và động lực của cuộc chiến. Hành động của Bình Nhưỡng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ “quốc tế hóa” cuộc chiến vì việc này có thể thúc đẩy Hàn Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Nếu khả năng này trở thành hiện thực thì cuộc chiến ở Ukraine thực sự biến thành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” (proxy war) với sự can dự của các quốc gia châu Á cách hàng nghìn dặm, bên cạnh sự ủng hộ từ các cường quốc phương Tây đối với Ukraine kể từ đầu cuộc chiến.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Triều Tiên đang trở nên cứng rắn và hung hăng hơn. Điều này là bởi Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân và cho rằng mình là “bên thắng cuộc” kể từ sau sự thất bại của các hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dưới thời ông Trump (nhiệm kỳ 2017 - 2021). Triều Tiên đặt chương trình hạt nhân quân sự làm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia. Năm 2023, Triều Tiên chính thức đưa chính sách hạt nhân vào Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường “sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân”. Trước đó, năm 2022, Bình Nhưỡng đã công bố học thuyết hạt nhân tấn công phủ đầu (preemptive nuclear strikes), quy định rằng “cuộc tấn công có thể được thực hiện tự động và ngay lập tức để phá hủy nguồn gốc của hành động khiêu khích, nếu hệ thống chỉ huy và kiểm soát của lực lượng hạt nhân có nguy cơ bị các thế lực thù địch tấn công”. Nhìn chung, động thái này giúp Bình Nhưỡng tăng cường năng lực răn đe.

Sự thù địch của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ, kết hợp với việc “luật hóa” chính sách hạt nhân đã mang lại tính chính danh cho chế độ Kim trong nỗ lực tiếp tục nâng cấp năng lực vũ khí hạt nhân và đa dạng hóa kho vũ khí của nước này, bao gồm việc không ngừng sản xuất nhiều loại tên lửa khác nhau nhằm đảm bảo liên tục tính di động, độ tin cậy, hiệu lực, độ chính xác và khả năng sống sót của tên lửa. Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành hơn 80 vụ thử tên lửa đạn đạo và đạt được nhiều bước tiến đáng kể về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), cũng như các loại tên lửa và vũ khí khác.

Thứ ba, trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã tiến lên một mức căng thẳng mới khi nhận thức về mối đe dọa lẫn nhau làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang hạt nhân nếu hai bên liên tục thách thức giới hạn của nhau.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk-yeol từ Đảng Quyền lực Nhân dân (People’s Power Party) từ năm 2022, Seoul đã triển khai chính sách diều hâu (hawkish policy) với Triều Tiên, được biết với tên gọi chiến lược “hoà bình thông qua sức mạnh” (“peace through strength” strategy). Với quan điểm cứng rắn, chính quyền Yoon tập trung tăng cường năng lực quân sự trong nước, đặc biệt là khả năng tấn công phủ đầu và trả đũa (preemptive and retaliatory strike) nhằm ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân và tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Về phía Triều Tiên, Kim dường như đang tái định hình quan hệ liên Triều với lý thuyết “hai Triều Tiên” (“two Koreas” theory). Đầu năm 2024, Kim Jong-un từ bỏ chính sách thống nhất trong hòa bình Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ thù chính” (principal enemy) của Bình Nhưỡng. Cách tiếp cận mới này đánh dấu việc chính quyền Kim Jong-un xa rời “Ba nguyên tắc thống nhất đất nước” (Three Principles of National Reunification) mà ông nội của ông, Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), đề ra vào năm thập kỷ trước.

Bên cạnh đó, Kim cũng chỉ đạo phá bỏ những công trình được coi là biểu tượng thống nhất và hòa giải Bán đảo Triều Tiên, cho nổ tung các con đường nối liền hai miền Triều Tiên, cũng như giải thể các cơ quan liên Triều phụ trách việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân.

Trump - Kim, liệu có tương phùng?

Quay trở về năm 2017 khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, ít ai có thể mường tượng cảnh nguyên thủ của hai quốc gia thù địch nhất bị ngăn cách bởi Thái Bình Dương rộng lớn lại bắt tay nhau để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên. Sự bi quan này xuất phát từ việc cả hai bên đều đưa ra những lời đe dọa hạt nhân trong năm tổng thống đầu tiên của Trump, làm leo thang căng thẳng Mỹ - Triều. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phía Mỹ, sau khi nhậm chức, ông Trump đã thực thi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship), tuyên bố chính sách “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) với Triều Tiên mà các đời tổng thống Mỹ trước áp dụng đã chấm dứt, đồng thời cảnh cáo Bình Nhưỡng có thể đối mặt với “lửa và thịnh nộ” (fire and fury) từ Washington. Đáp lại, Kim Jong-un cũng đưa ra các đe dọa tương tự và tiếp tục chỉ đạo các cuộc thử nghiệm tên lửa với đỉnh điểm là cuộc thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017.

Tuy nhiên, Trump và Kim đã tạo ra một bước tiến lớn trong quan hệ song phương khi tổ chức tới hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore (năm 2018) và Hà Nội (năm 2019). Các cuộc gặp trực tiếp không đem lại kết quả rõ ràng do cả hai bất đồng quan điểm về vấn đề phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi hiếm hoi và khá bất ngờ này đã chứng minh rằng hai quốc gia đối địch vẫn có thể “giao tiếp” với nhau. Ít nhất là, Triều Tiên đã thể hiện thiện chí khi không thử nghiệm bất kỳ tên lửa hay vũ khí hạt nhân nào trong quá trình hai nước chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ chính thức.

Từ sau thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, Bình Nhưỡng không còn mặn mà về việc đàm phán với Washington và Seoul. Quan hệ Mỹ - Triều căng thẳng trở lại và tiếp tục khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai kể từ ngày 20/1/2025.

Quay trở lại sân khấu chính trị thế giới, Trump, dựa trên những di sản của ông trong quan hệ cá nhân với Kim, đã không che giấu sự hồ hởi về khả năng tái hợp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trái ngược với những chỉ trích dành cho lãnh đạo các nước đồng minh, Trump hết lời khen ngợi Kim, nói rằng ông “có mối quan hệ tốt” (got along well) với Kim Jong-un và rằng Trump là “người duy nhất từng đối xử tử tế” (the only one to have properly dealt) với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đã có những cuộc thảo luận kín trong đội ngũ của Trump về việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Trump và Kim, cho thấy tân Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để giải quyết vấn đề hạt nhân với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, những đề cử của Trump cho các vị trí an ninh và quốc phòng cũng góp phần củng cố về triển vọng tái can dự Trump - Kim. Hầu hết các quan chức cấp cao này đều có kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và/hoặc ủng hộ đối thoại với Bình Nhưỡng. Chẳng hạn, Trump đề cử Alex Wong—người đóng vai trò quan trọng trong chính sách Triều Tiên của ông ở nhiệm kỳ đầu tiên—làm phó Cố vấn An ninh Quốc gia. Điều này có thể báo hiệu một nỗ lực mới của Washington trong việc tiếp cận Bình Nhưỡng.

Như vậy, nếu không gian ngoại giao của chính quyền Trump có nhiều dư địa (chẳng hạn chiến tranh Ukraine được đóng băng nhờ những nỗ lực của Trump), thì không thể bỏ qua khả năng Mỹ sẽ thành công trong việc can dự với Triều Tiên.

Trái với tâm thế của Trump, Kim tỏ ra không mấy mặn mà với các cuộc đối thoại tốn nhiều thời gian và công sức nhưng chẳng đem lại hiệu quả thiết thực. Trong bốn năm qua, Triều Tiên không quan tâm đến việc liên lạc với phía Mỹ, bất chấp những nỗ lực “mời gọi” từ phía chính quyền Joe Biden. Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thẳng thừng nhận xét rằng các cuộc đàm phán với Mỹ trong quá khứ chỉ giúp xác nhận một điều rằng “chính sách xâm lược và thù địch” của Washington đối với Bình Nhưỡng là không thay đổi, đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng chiến lược chống Mỹ “cứng rắn nhất”.

Trong một tuyên bố đầu tiên chỉ trích chính quyền Trump 2.0, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3/2/2025 đã lên án Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khi ông này gọi Bình Nhưỡng là “quốc gia bất hảo” (rogue state), đồng thời tuyên bố rằng phát ngôn của ông Rubio khẳng định lại chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên vẫn không thay đổi. Các tuyên bố cho thấy chính quyền Kim hoàn toàn thất vọng về việc thông qua đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Các tuyên bố cứng rắn trên của Kim, cùng những hành động quân sự, bao gồm các vụ thử tên lửa, diễn ra trước thềm Trump nhậm chức, xuất phát từ tính toán cẩn trọng của Kim. Thứ nhất, các động thái leo thang sẽ giúp Kim tăng cường vị thế ngoại giao nếu Triều Tiên đàm phán với Mỹ; qua đó, Kim có thể đưa ra những con bài mặc cả buộc Trump phải nhân nhượng để tiến đến các cuộc thảo luận chính thức.

Thứ hai và quan trọng hơn cả, vị thế quốc tế của Triều Tiên hiện đã khác trước, khi “sự bảo trợ” của Nga và “sự dung túng” của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã giúp Bình Nhưỡng né tránh các đợt trừng phạt vào chương trình hạt nhân của nước này. Từ quan điểm lợi ích quốc gia, mối quan hệ chiến lược ngày càng khăng khít với Nga, thông qua Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, đã đem lại cho Triều Tiên nhiều lợi ích hơn so với việc nối lại các cuộc đàm phán không rõ kết quả với Trump. Sự ủng hộ của Bình Nhưỡng về người và vũ khí đối với Moscow không chỉ giúp chế độ Kim tránh được những rủi ro bị cô lập ngoại giao trong giai đoạn hậu chiến tranh Ukraine và trợ cấp cho nền kinh tế nghèo nàn, mà còn giúp Triều Tiên cải tiến năng lực quốc phòng nhờ vào công nghệ của Nga. Chẳng hạn, vào tháng 12/2024, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Nga và Triều Tiên đang thảo luận về việc chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 cho Bình Nhưỡng, giúp nước này hiện đại hóa Lực lượng Không quân vốn đã lạc hậu.

Việc Bình Nhưỡng ngày càng ngả về Moscow khiến triển vọng về cuộc hội ngộ Trump - Kim càng thêm mờ mịt. Dù vậy, các hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim trong quá khứ đã chứng minh rằng Kim là một người lãnh đạo “duy lý” (rational), tức ông biết cách lèo lái đất nước theo hướng đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong bối cảnh thống trị của nền chính trị cường quyền (great-power politics).

Ở bề nổi, Triều Tiên được cho là có mối liên kết khá chặt chẽ với Nga và Trung Quốc, nhưng rõ ràng Bình Nhưỡng có nhiều kinh nghiệm “đi dây” giữa các cường quốc. Trong giai đoạn rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc vào những năm 1960, Triều Tiên đã khéo léo vận dụng chính sách ngoại giao cân bằng khoảng cách (equidistant diplomacy) đối với hai cường quốc nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Bình Nhưỡng lựa chọn can dự với Mỹ vào những năm 1990 để tránh phụ thuộc quá mức vào cường quốc xã hội chủ nghĩa cuối cùng. Thực tế này cho thấy Triều Tiên không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” mà đã khéo léo điều chỉnh quan hệ với các cường quốc, cụ thể là Nga, Mỹ và Trung Quốc, nếu nhận thấy mình đang có điều kiện thuận lợi.

Hơn ai hết, Kim hiểu rõ rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây không chỉ giàu có mà còn sở hữu tiềm lực kinh tế hơn hẳn Nga, nơi nền kinh tế đang phải vật lộn để nuôi chiến tranh trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do đó, nếu Trump đưa ra một số đề nghị kinh tế như là một phần của các điều kiện để nối lại đàm phán Mỹ - Triều, chẳng hạn như dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản, thì khi đó Bình Nhưỡng có thể cân nhắc đáp lại. Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (National Intelligence Service) đánh giá rằng Trump có thể tìm cách đối thoại với Kim, và khả năng cao là Trump có thể đề xuất một “thỏa thuận nhỏ” (small deal) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngay những ngày đầu năm 2025, Tổng thống Trump đã “chìa nhành ô liu” đối với Triều Tiên về một cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo khi tuyên bố “sẽ liên lạc” (will reach out) với Kim Jong-un. Tuy nhiên, đây sẽ không hẳn là một bài toán dễ dàng cho chính quyền Trump, nhất là khi Triều Tiên ngày càng “khó đoán” và luôn trong tâm thế đề phòng các đề xuất từ phía Washington.

Bán đảo Triều Tiên từ lâu được biết đến là một trong bốn điểm nóng (four flashpoints) của châu Á (cùng với Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Đài Loan). Những điểm nóng này có thể là ngọn nguồn bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào nếu các bên tính toán sai lầm ý định của nhau hoặc những hành động vô tình đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Bán đảo Triều Tiên cũng đã, đang và sẽ luôn là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi ở đó có một đồng minh hiệp ước (Hàn Quốc) của Washington và còn là nơi Mỹ thi triển quyền lực nhằm ngăn chặn một Trung Quốc đã “trỗi dậy”.

Việc Trump trở lại Nhà Trắng có tác động lớn tới an ninh Bán đảo Triều Tiên, cụ thể là làm dấy lên câu hỏi về khả năng xảy ra cuộc hội ngộ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Căn cứ vào tư duy hành động giao dịch và tính cách khó đoán của Trump, cùng với một Kim Jong-un cũng “thất thường” không kém thì không thể loại trừ khả năng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này trong thời gian tới. Sau cùng, “Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể” (Politics is the art of the possible), như chính trị gia nổi tiếng người Phổ Otto Von Bismarck từng nói, càng giúp cánh cửa đối thoại Trump – Kim không thể bị khép lại.

Bối cảnh địa chính trị mới

So với tám năm trước, Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên trải qua những thay đổi địa chiến lược đáng chú ý, nhất là khu vực này đang ở trong thời điểm nguy hiểm và bất ổn nhất kể từ năm 1950.

Đầu tiên, quan hệ giữa Nga và Triều Tiên ngày càng gắn kết sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Đối mặt với sự cô lập từ phương Tây, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin ngả về hướng đông để tìm kiếm đối tác ủng hộ cho cuộc chiến và nhận thấy Triều Tiên như một đồng minh lý tưởng cho mục tiêu đó. Nga nhanh chóng bắt tay với Triều Tiên và chính thức ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện (Treaty of Comprehensive Strategic Partnerships) vào tháng 6/2024 trong chuyến thăm Triều Tiên của Putin. Nổi bật trong Hiệp ước là cam kết phòng thủ lẫn nhau và chuyển giao công nghệ quân sự.

Một trong những biểu hiện đầu tiên của việc thực thi Hiệp ước nêu trên là việc Triều Tiên từng bước can dự vào chiến tranh Ukraine. Nhà độc tài Kim đã tuyên bố sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước các động thái giành quyền bá chủ của những kẻ đế quốc”. Chế độ Kim đã cung cấp hàng triệu đạn dược, rocket, và tên lửa cho Nga để quân đội nước này giành được lợi thế trên chiến trường Ukraine. Ước tính Triều Tiên đã gửi khoảng 10,000 đến 12,000 quân tới Nga, trong đó khoảng 8,000 binh sĩ đã được đưa tới chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine ở Vùng Kursk của Nga—nơi lực lượng Ukraine đang chiếm đóng sau đợt đột kích bất ngờ hồi tháng 8/2024. Theo The New York Times, Bình Nhưỡng là bên đưa ra đề nghị đưa quân sang tiền tuyến Ukraine, và điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nhìn từ lăng kính quân sự. Việc giao đấu trực tiếp với quân đội Ukraine trên chiến trường sẽ giúp quân đội Triều Tiên nâng cao kỹ năng thực chiến, lĩnh hội thêm kiến thức về cách vận hành chiến tranh hiện đại. Đổi lại, với việc gửi quân, Bình Nhưỡng sẽ được Nga cam kết hỗ trợ các chương trình vũ khí và hạt nhân.

Sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong chiến tranh Ukraine có thể làm thay đổi cán cân quyền lực và động lực của cuộc chiến. Hành động của Bình Nhưỡng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ “quốc tế hóa” cuộc chiến vì việc này có thể thúc đẩy Hàn Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Nếu khả năng này trở thành hiện thực thì cuộc chiến ở Ukraine thực sự biến thành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” (proxy war) với sự can dự của các quốc gia châu Á cách hàng nghìn dặm, bên cạnh sự ủng hộ từ các cường quốc phương Tây đối với Ukraine kể từ đầu cuộc chiến.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Triều Tiên đang trở nên cứng rắn và hung hăng hơn. Điều này là bởi Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân và cho rằng mình là “bên thắng cuộc” kể từ sau sự thất bại của các hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dưới thời ông Trump (nhiệm kỳ 2017 - 2021). Triều Tiên đặt chương trình hạt nhân quân sự làm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia. Năm 2023, Triều Tiên chính thức đưa chính sách hạt nhân vào Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường “sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân”. Trước đó, năm 2022, Bình Nhưỡng đã công bố học thuyết hạt nhân tấn công phủ đầu (preemptive nuclear strikes), quy định rằng “cuộc tấn công có thể được thực hiện tự động và ngay lập tức để phá hủy nguồn gốc của hành động khiêu khích, nếu hệ thống chỉ huy và kiểm soát của lực lượng hạt nhân có nguy cơ bị các thế lực thù địch tấn công”. Nhìn chung, động thái này giúp Bình Nhưỡng tăng cường năng lực răn đe.

Sự thù địch của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ, kết hợp với việc “luật hóa” chính sách hạt nhân đã mang lại tính chính danh cho chế độ Kim trong nỗ lực tiếp tục nâng cấp năng lực vũ khí hạt nhân và đa dạng hóa kho vũ khí của nước này, bao gồm việc không ngừng sản xuất nhiều loại tên lửa khác nhau nhằm đảm bảo liên tục tính di động, độ tin cậy, hiệu lực, độ chính xác và khả năng sống sót của tên lửa. Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành hơn 80 vụ thử tên lửa đạn đạo và đạt được nhiều bước tiến đáng kể về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), cũng như các loại tên lửa và vũ khí khác.

Thứ ba, trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã tiến lên một mức căng thẳng mới khi nhận thức về mối đe dọa lẫn nhau làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang hạt nhân nếu hai bên liên tục thách thức giới hạn của nhau.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk-yeol từ Đảng Quyền lực Nhân dân (People’s Power Party) từ năm 2022, Seoul đã triển khai chính sách diều hâu (hawkish policy) với Triều Tiên, được biết với tên gọi chiến lược “hoà bình thông qua sức mạnh” (“peace through strength” strategy). Với quan điểm cứng rắn, chính quyền Yoon tập trung tăng cường năng lực quân sự trong nước, đặc biệt là khả năng tấn công phủ đầu và trả đũa (preemptive and retaliatory strike) nhằm ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân và tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Về phía Triều Tiên, Kim dường như đang tái định hình quan hệ liên Triều với lý thuyết “hai Triều Tiên” (“two Koreas” theory). Đầu năm 2024, Kim Jong-un từ bỏ chính sách thống nhất trong hòa bình Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ thù chính” (principal enemy) của Bình Nhưỡng. Cách tiếp cận mới này đánh dấu việc chính quyền Kim Jong-un xa rời “Ba nguyên tắc thống nhất đất nước” (Three Principles of National Reunification) mà ông nội của ông, Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), đề ra vào năm thập kỷ trước.

Bên cạnh đó, Kim cũng chỉ đạo phá bỏ những công trình được coi là biểu tượng thống nhất và hòa giải Bán đảo Triều Tiên, cho nổ tung các con đường nối liền hai miền Triều Tiên, cũng như giải thể các cơ quan liên Triều phụ trách việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân.

Trump - Kim, liệu có tương phùng?

Quay trở về năm 2017 khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, ít ai có thể mường tượng cảnh nguyên thủ của hai quốc gia thù địch nhất bị ngăn cách bởi Thái Bình Dương rộng lớn lại bắt tay nhau để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên. Sự bi quan này xuất phát từ việc cả hai bên đều đưa ra những lời đe dọa hạt nhân trong năm tổng thống đầu tiên của Trump, làm leo thang căng thẳng Mỹ - Triều. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phía Mỹ, sau khi nhậm chức, ông Trump đã thực thi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship), tuyên bố chính sách “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) với Triều Tiên mà các đời tổng thống Mỹ trước áp dụng đã chấm dứt, đồng thời cảnh cáo Bình Nhưỡng có thể đối mặt với “lửa và thịnh nộ” (fire and fury) từ Washington. Đáp lại, Kim Jong-un cũng đưa ra các đe dọa tương tự và tiếp tục chỉ đạo các cuộc thử nghiệm tên lửa với đỉnh điểm là cuộc thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017.

Tuy nhiên, Trump và Kim đã tạo ra một bước tiến lớn trong quan hệ song phương khi tổ chức tới hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore (năm 2018) và Hà Nội (năm 2019). Các cuộc gặp trực tiếp không đem lại kết quả rõ ràng do cả hai bất đồng quan điểm về vấn đề phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi hiếm hoi và khá bất ngờ này đã chứng minh rằng hai quốc gia đối địch vẫn có thể “giao tiếp” với nhau. Ít nhất là, Triều Tiên đã thể hiện thiện chí khi không thử nghiệm bất kỳ tên lửa hay vũ khí hạt nhân nào trong quá trình hai nước chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ chính thức.

Từ sau thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, Bình Nhưỡng không còn mặn mà về việc đàm phán với Washington và Seoul. Quan hệ Mỹ - Triều căng thẳng trở lại và tiếp tục khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai kể từ ngày 20/1/2025.

Quay trở lại sân khấu chính trị thế giới, Trump, dựa trên những di sản của ông trong quan hệ cá nhân với Kim, đã không che giấu sự hồ hởi về khả năng tái hợp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trái ngược với những chỉ trích dành cho lãnh đạo các nước đồng minh, Trump hết lời khen ngợi Kim, nói rằng ông “có mối quan hệ tốt” (got along well) với Kim Jong-un và rằng Trump là “người duy nhất từng đối xử tử tế” (the only one to have properly dealt) với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đã có những cuộc thảo luận kín trong đội ngũ của Trump về việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Trump và Kim, cho thấy tân Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để giải quyết vấn đề hạt nhân với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, những đề cử của Trump cho các vị trí an ninh và quốc phòng cũng góp phần củng cố về triển vọng tái can dự Trump - Kim. Hầu hết các quan chức cấp cao này đều có kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và/hoặc ủng hộ đối thoại với Bình Nhưỡng. Chẳng hạn, Trump đề cử Alex Wong—người đóng vai trò quan trọng trong chính sách Triều Tiên của ông ở nhiệm kỳ đầu tiên—làm phó Cố vấn An ninh Quốc gia. Điều này có thể báo hiệu một nỗ lực mới của Washington trong việc tiếp cận Bình Nhưỡng.

Như vậy, nếu không gian ngoại giao của chính quyền Trump có nhiều dư địa (chẳng hạn chiến tranh Ukraine được đóng băng nhờ những nỗ lực của Trump), thì không thể bỏ qua khả năng Mỹ sẽ thành công trong việc can dự với Triều Tiên.

Trái với tâm thế của Trump, Kim tỏ ra không mấy mặn mà với các cuộc đối thoại tốn nhiều thời gian và công sức nhưng chẳng đem lại hiệu quả thiết thực. Trong bốn năm qua, Triều Tiên không quan tâm đến việc liên lạc với phía Mỹ, bất chấp những nỗ lực “mời gọi” từ phía chính quyền Joe Biden. Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thẳng thừng nhận xét rằng các cuộc đàm phán với Mỹ trong quá khứ chỉ giúp xác nhận một điều rằng “chính sách xâm lược và thù địch” của Washington đối với Bình Nhưỡng là không thay đổi, đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng chiến lược chống Mỹ “cứng rắn nhất”.

Trong một tuyên bố đầu tiên chỉ trích chính quyền Trump 2.0, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3/2/2025 đã lên án Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khi ông này gọi Bình Nhưỡng là “quốc gia bất hảo” (rogue state), đồng thời tuyên bố rằng phát ngôn của ông Rubio khẳng định lại chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên vẫn không thay đổi. Các tuyên bố cho thấy chính quyền Kim hoàn toàn thất vọng về việc thông qua đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Các tuyên bố cứng rắn trên của Kim, cùng những hành động quân sự, bao gồm các vụ thử tên lửa, diễn ra trước thềm Trump nhậm chức, xuất phát từ tính toán cẩn trọng của Kim. Thứ nhất, các động thái leo thang sẽ giúp Kim tăng cường vị thế ngoại giao nếu Triều Tiên đàm phán với Mỹ; qua đó, Kim có thể đưa ra những con bài mặc cả buộc Trump phải nhân nhượng để tiến đến các cuộc thảo luận chính thức.

Thứ hai và quan trọng hơn cả, vị thế quốc tế của Triều Tiên hiện đã khác trước, khi “sự bảo trợ” của Nga và “sự dung túng” của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã giúp Bình Nhưỡng né tránh các đợt trừng phạt vào chương trình hạt nhân của nước này. Từ quan điểm lợi ích quốc gia, mối quan hệ chiến lược ngày càng khăng khít với Nga, thông qua Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, đã đem lại cho Triều Tiên nhiều lợi ích hơn so với việc nối lại các cuộc đàm phán không rõ kết quả với Trump. Sự ủng hộ của Bình Nhưỡng về người và vũ khí đối với Moscow không chỉ giúp chế độ Kim tránh được những rủi ro bị cô lập ngoại giao trong giai đoạn hậu chiến tranh Ukraine và trợ cấp cho nền kinh tế nghèo nàn, mà còn giúp Triều Tiên cải tiến năng lực quốc phòng nhờ vào công nghệ của Nga. Chẳng hạn, vào tháng 12/2024, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Nga và Triều Tiên đang thảo luận về việc chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 cho Bình Nhưỡng, giúp nước này hiện đại hóa Lực lượng Không quân vốn đã lạc hậu.

Việc Bình Nhưỡng ngày càng ngả về Moscow khiến triển vọng về cuộc hội ngộ Trump - Kim càng thêm mờ mịt. Dù vậy, các hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim trong quá khứ đã chứng minh rằng Kim là một người lãnh đạo “duy lý” (rational), tức ông biết cách lèo lái đất nước theo hướng đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong bối cảnh thống trị của nền chính trị cường quyền (great-power politics).

Ở bề nổi, Triều Tiên được cho là có mối liên kết khá chặt chẽ với Nga và Trung Quốc, nhưng rõ ràng Bình Nhưỡng có nhiều kinh nghiệm “đi dây” giữa các cường quốc. Trong giai đoạn rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc vào những năm 1960, Triều Tiên đã khéo léo vận dụng chính sách ngoại giao cân bằng khoảng cách (equidistant diplomacy) đối với hai cường quốc nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Bình Nhưỡng lựa chọn can dự với Mỹ vào những năm 1990 để tránh phụ thuộc quá mức vào cường quốc xã hội chủ nghĩa cuối cùng. Thực tế này cho thấy Triều Tiên không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” mà đã khéo léo điều chỉnh quan hệ với các cường quốc, cụ thể là Nga, Mỹ và Trung Quốc, nếu nhận thấy mình đang có điều kiện thuận lợi.

Hơn ai hết, Kim hiểu rõ rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây không chỉ giàu có mà còn sở hữu tiềm lực kinh tế hơn hẳn Nga, nơi nền kinh tế đang phải vật lộn để nuôi chiến tranh trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do đó, nếu Trump đưa ra một số đề nghị kinh tế như là một phần của các điều kiện để nối lại đàm phán Mỹ - Triều, chẳng hạn như dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản, thì khi đó Bình Nhưỡng có thể cân nhắc đáp lại. Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (National Intelligence Service) đánh giá rằng Trump có thể tìm cách đối thoại với Kim, và khả năng cao là Trump có thể đề xuất một “thỏa thuận nhỏ” (small deal) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngay những ngày đầu năm 2025, Tổng thống Trump đã “chìa nhành ô liu” đối với Triều Tiên về một cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo khi tuyên bố “sẽ liên lạc” (will reach out) với Kim Jong-un. Tuy nhiên, đây sẽ không hẳn là một bài toán dễ dàng cho chính quyền Trump, nhất là khi Triều Tiên ngày càng “khó đoán” và luôn trong tâm thế đề phòng các đề xuất từ phía Washington.

Từ khoá: Triều Tiên Donald Trump Mỹ - Triều Bán đảo Triều Tiên

BÀI LIÊN QUAN