Dưới thời Prabowo, chính sách đối ngoại của Indonesia đối với Mỹ và Trung Quốc sẽ ra sao?
Prabowo Subianto, Tổng thống đắc cử của Indonesia, nhiều khả năng sẽ kế thừa chính sách đối ngoại cân bằng với Mỹ và Trung Quốc từ chính quyền Joko Widodo.


Ông Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, vừa chính thức trở thành Tổng thống của Indonesia sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia (Komisi Pemilihan Umum) công bố kết quả chính thức. Ông Prabowo giành được hơn 60% số phiếu bầu, vượt xa tỷ lệ của hai ứng cử viên còn lại là Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, lần lượt là 25% và 16%.
Với kết quả trên, chiến thắng của ông Prabowo tốt hơn so với mong đợi, vì trong các cuộc khảo sát trước bầu cử, ông và người đồng hành là Gibran Rakabuming Raka (con trai cả của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo) thường nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 50%. Dự kiến, ông Prabowo sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào tháng 10 tới, và ông Gibran cũng sẽ giữ vị trí Phó Tổng thống.
Giờ đây, mối quan tâm lớn lao là tân Tổng thống Indonesia sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của quốc gia này với Mỹ và Trung Quốc ra sao?
Indonesia sẽ ứng xử ra sao với Mỹ và Trung Quốc?
Khi chính thức nắm quyền tổng thống, ông Prabowo nhiều khả năng sẽ kế thừa những di sản của Tổng thống Widodo về chính sách đối ngoại nói chung, và quan hệ với Trung Quốc và Mỹ nói riêng. Nếu không làm thay đổi quỹ đạo chính sách đối ngoại hiện thời của chính quyền đương nhiệm, ông Prabowo vẫn sẽ theo đuổi cách tiếp cận không liên kết, mà người Indonesia gọi bằng tiếng Bahasa là “bebas dan aktif”, có nghĩa là độc lập (independent) và tích cực (active). “Bebas” mang hàm nghĩa Indonesia theo đuổi đường lối trung lập và không liên kết với bất kỳ cường quốc nào. Trong khi đó, “aktif” đề cập đến vai trò tích cực của Indonesia trong các vấn đề quốc tế. Đây là nguyên tắc chiến lược cốt lõi của Indonesia trong hàng chục năm qua, bắt đầu xuất hiện dưới thời cố Tổng thống Sukarno.
Chính ông Prabowo đã khẳng định về cách tiếp cận không liên kết (non-aligned) trong chính sách đối ngoại của Indonesia tại buổi trình bày ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Jakarta vào tháng 11/2023. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo của một quốc gia trung lập, tự do và không liên kết, và duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng (mà ông tóm gọn là “Good Neighbor Policy”). Xét trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, cách tiếp cận không liên kết của Indonesia có nghĩa là không chọn phe giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, ông Prabowo có thể triển khai hoạt động ngoại giao với hai siêu cường theo những định hướng khác nhau.
Trước hết, trong quan hệ với Mỹ, trọng tâm về an ninh có thể được Indonesia đặt lên hàng đầu. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng những năm qua, ông Prabowo đã góp phần giúp Indonesia xây dựng mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ với Mỹ. Trước hết, Indonesia đã mở rộng quy mô tập trận thường niên Garuda Shield từ hình thức song phương sang quy tụ nhiều quốc gia cùng tham dự (chuyển đổi từ năm 2022). Hơn nữa, những tương tác thông qua tập trận đã gián tiếp tạo điều kiện cho các hợp tác sâu hơn như tổ chức đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng theo hình thức 2+2 (giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao) lần đầu tiên vào năm 2023.
Bên cạnh đó, hai nước gần đây cũng tăng cường hợp tác hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông, với bước đầu tiên là khánh thành trung tâm huấn luyện hàng hải ở thành phố Batam (Indonesia) vào tháng 1/2024. Nhiều khả năng, ông Prabowo sẽ tiếp tục những nội dung hợp tác kể trên trong thời gian tới, bởi vì chính ông là người đã góp phần kiến tạo nên những nền tảng này trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của mình.
Cùng với đó, ông Prabowo có quan điểm tương đối trung lập về thỏa thuận quốc phòng AUKUS (bao gồm Mỹ, Australia và Anh), một thỏa thuận an ninh chiến lược nhằm phát triển một lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, cũng như cùng phối hợp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi thoả thuận an ninh này được hình thành vào năm 2021, Bộ Ngoại giao Indonesia khi đó đã công khai quan ngại về động thái này vì nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong một phát biểu vào cuối năm đó, ông Prabowo cho rằng “Mọi quốc gia sẽ làm những gì có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Nếu họ [Mỹ] cảm thấy bị đe dọa, tôi và chúng tôi [Indonesia] hoàn toàn hiểu cho họ”. Động thái của ông Prabowo có thể nhằm cân bằng với quan điểm của Bộ Ngoại giao trước đó, thể hiện cái nhìn tổng quát rằng Indonesia quan ngại đối với AUKUS nhưng vẫn tôn trọng quyết định của Mỹ, cũng như Australia và Anh.
Với những động thái kể trên, bất chấp quá khứ vi phạm nhân quyền của ông Prabowo và những quan ngại (ông là ứng cử viên duy nhất không trả lời bảng câu hỏi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch Questionnaire] về các vấn đề nhân quyền mà người dân ở Indonesia phải đối mặt), Mỹ có thể vẫn sẽ hợp tác về an ninh với Indonesia do thiện chí của ông Prabowo, cũng như vì vai trò quan trọng của Indonesia tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, vào tháng 11/2023, quan hệ hai nước được nâng lên tầm “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, đồng thời hai nước trở thành đối tác quan trọng của nhau về an ninh với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement - DCA). Tại Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia, chỉ có Philippines ký kết DCA với Mỹ.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Indonesia và Mỹ có thể sẽ không diễn ra thuận lợi. Ông Prabowo có kế hoạch duy trì các chính sách phát triển công nghiệp cứng rắn từ người tiền nhiệm, chẳng hạn như hạn chế hoặc cấm xuất khẩu một số tài nguyên thiên nhiên có giá trị như niken. Chính sách này nhằm khuyến khích các nguồn tài nguyên được xử lý trong nước, giúp phát triển, duy trì các ngành có giá trị kinh tế cần đến những tài nguyên này như các bộ phận xe điện, từ đó đa dạng hóa và củng cố nền kinh tế Indonesia. Phía Mỹ tỏ ra không hài lòng với quyết định này của Indonesia, vì nó có thể tác động đến nguồn cung và giá niken toàn cầu.
Còn với Trung Quốc, ông Prabowo nhiều khả năng sẽ không đảo ngược trọng tâm hợp tác kinh tế mà Tổng thống Widodo đã thiết lập với Trung Quốc nhiều năm qua. Bởi lẽ, ông Prabowo có tham vọng cao khi đặt mục tiêu Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ của mình (trước đây ông Widodo chỉ đặt mục tiêu 7%). Để đạt được mục tiêu đó, ngoài năng lực tự cường, Indonesia không thể không tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế tích cực với Trung Quốc, vì sau 10 năm nhiệm kỳ của ông Widodo (2014 - 2024), Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Jakarta. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần gấp đôi từ mức 70 tỷ USD (năm 2014) lên 133,6 tỷ USD (năm 2022). Indonesia cũng đã thu hút phần lớn nguồn đầu tư từ Trung Quốc chảy vào Đông Nam Á. Chẳng hạn, năm 2023, Trung Quốc đầu tư khoản 10 tỷ USD vào khu vực này, và Indonesia đã chiếm đến 7,3 tỷ USD trong số đó.
Quan hệ gắn kết về kinh tế cũng có thể buộc tân Tổng thống Indonesia tiếp cận mềm mỏng về an ninh với Bắc Kinh. Trước đây, ông Prabowo đã từng bị chỉ trích vì quá nhân nhượng với Trung Quốc liên quan đến việc hàng chục tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên biển Bắc Natuna (cách Indonesia gọi vùng biển phía Nam Biển Đông) vào tháng 12/2019. Khi đó, ông Prabowo đã kêu gọi xử lý tình hình một cách “bình tĩnh”, đồng thời nói thêm rằng “Trung Quốc là một quốc gia thân thiện”.
Tuy nhiên, sự mềm mỏng đó không phải là nhu nhược, mà giúp tạo thành vỏ bọc để ông Prabowo triển khai các biện pháp phòng ngừa sâu hơn. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng, ông Prabowo đã xây dựng một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, khi chi tiêu quốc phòng theo năm của Indonesia đều duy trì từ mức 8,8 tỷ USD trở lên (mức kỷ lục trước đó mà Indonesia từng đạt được vào năm 2017). Trong đó, năm 2020 ghi nhận mức ngân sách chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, với 9,39 tỷ USD. Với mức chi tiêu quá lớn như vậy, Indonesia đã ký một số hợp đồng mua sắm đáng chú ý với Mỹ và Pháp, như 24 tiêm kích F-15IDN và 24 trực thăng vận tải S-70Ms của Mỹ, cùng 24 máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp (và quốc gia này còn dự kiến mua thêm 18 chiếc nữa từ Pháp, đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026).
Như vậy, “cân bằng” rất có thể là phương châm đối ngoại của ông Prabowo. Trong đó, quan hệ giữa Indonesia với Mỹ sẽ được đầu tư về hợp tác an ninh - quân sự, như tập trận, tuần tra chung, mua sắm vũ khí, nhưng chỉ hợp tác có chừng mực về kinh tế. Ngược lại, quan hệ với Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa về hợp tác thương mại - đầu tư, nhưng dè chừng về mặt an ninh, khi Indonesia không “chống” Bắc Kinh một cách cực đoan, song, không che giấu tham vọng phát triển năng lực quốc phòng để tăng cường năng lực răn đe trước tham vọng của quốc gia tỷ dân.
An ninh khu vực và triển vọng quan hệ Indonesia - Việt Nam
Dưới thời Prabowo, Indonesia có thể tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo đó, Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường hiện diện tại vùng biển Bắc Natuna, như gia tăng các hoạt động đánh bắt cá, thăm dò dầu khí, tuần tra. Theo ông Mukhlis – người đứng đầu trạm bảo vệ bờ biển Natuna – tính trong sáu tháng đầu năm 2023, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đến khu vực biển Bắc Natuna ít nhất sáu lần. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn thông qua thắt chặt hợp tác an ninh với Indonesia để tăng cường sự hiện diện ở khu vực như thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) tại vùng biển này. Tuy nhiên, hiện tại chính sách đối ngoại nói chung cũng như quan điểm về Biển Đông nói riêng của Tổng thống Prabowo còn khá mơ hồ, do đó không dễ để dự đoán liệu ông sẽ giải quyết áp lực chọn phe từ cạnh tranh Mỹ - Trung như thế nào. Mặc dù vậy, có khả năng cao là vấn đề đảm bảo an ninh đất nước với phương châm đối ngoại trung lập (theo nguyên tắc “bebas dan aktif”) sẽ là ưu tiên trong chính sách của ông Prabowo.
Ở chiều ngược lại, cách tiếp cận của Indonesia với cạnh tranh Mỹ - Trung là cần thiết cho an ninh khu vực vì giúp duy trì cân bằng quyền lực nước lớn. Đó cũng là phương hướng mà ASEAN luôn hướng tới trong nhiều năm qua. Bởi lẽ, các quốc gia Đông Nam Á không quá tin tưởng vào cả hai siêu cường. Báo cáo Khảo sát năm 2023 của Viện ISEAS-Yusof Ishak về quan điểm từ các quốc gia ASEAN cho thấy chỉ 47,2% người tham gia khảo sát cảm thấy “tự tin” hoặc “rất tự tin” về nhận định “Mỹ là đối tác chiến lược và đảm bảo an ninh cho khu vực”. Trong khi đó, chỉ có 29,5% người cảm thấy lạc quan đối với nhận định “Trung Quốc sẽ làm những điều đúng đắn để góp phần vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu”.
Với những gì có thể diễn ra trong quỹ đạo chính sách sắp tới của Indonesia dưới thời Prabowo, Việt Nam cần quan tâm theo sát chính sách đối ngoại của Indonesia. Cụ thể, Hà Nội cần kiên định với đường lối “ngoại giao cây tre”, giữ tâm thế hòa hảo với các nước lớn nhưng vẫn sẵn sàng cứng rắn khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên thúc đẩy các hành động chung với Indonesia trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy năng lực tự chủ của cả hai quốc gia, cũng như góp phần giúp khu vực Đông Nam Á giảm phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài.
Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước là có nhiều triển vọng. Chẳng hạn, vào tháng 9/2023, Việt Nam đã tham gia sáng kiến Kết nối Thanh toán Khu vực (Regional Payment Connectivity - RPC) do Indonesia đề xuất vào năm 2022, và sáng kiến này còn quy tụ Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei và Singapore. Sáng kiến giúp người dân các nước tham gia khi đi sang quốc gia khác không cần phải đổi tiền mặt mà có thể thanh toán bằng mã QR (QR code) liên kết với tài khoản ngân hàng tại quê nhà. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm giúp các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ bên ngoài, như đồng USD, cho các giao dịch xuyên biên giới. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể hỗ trợ mở rộng RPC bằng cách đảm nhận vai trò “cầu nối” để thúc đẩy Lào và Campuchia cùng tham gia, vì hiện Hà Nội đã có thỏa thuận song phương với Phnom Penh, trong khi Phnom Penh cũng có thỏa thuận với Vientiane.
Trong khi đó, với lĩnh vực an ninh, Việt Nam và Indonesia có thể thúc đẩy các hoạt động chung như cùng tuần tra ở khu vực EEZ mà hai nước vừa hoàn tất đàm phán phân định, hay mở rộng quy mô của cuộc tập trận quân sự chung các nước ASEAN vừa được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023 (quy tụ đầy đủ 10 quốc gia thành viên, tập trung vào các hoạt động phi chiến đấu như tuần tra, nhân đạo, cứu trợ thiên tai).
Với các hoạt động mà hai nước có thể thúc đẩy như đã nêu ở trên, nhìn rộng ra, những hoạt động hợp tác về kinh tế, an ninh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác sẽ góp phần thúc đẩy năng lực tự chủ của Việt Nam lẫn Indonesia trong môi trường cạnh tranh nước lớn, đồng thời góp vào ổn định an ninh khu vực.

Ông Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, vừa chính thức trở thành Tổng thống của Indonesia sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia (Komisi Pemilihan Umum) công bố kết quả chính thức. Ông Prabowo giành được hơn 60% số phiếu bầu, vượt xa tỷ lệ của hai ứng cử viên còn lại là Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, lần lượt là 25% và 16%.
Với kết quả trên, chiến thắng của ông Prabowo tốt hơn so với mong đợi, vì trong các cuộc khảo sát trước bầu cử, ông và người đồng hành là Gibran Rakabuming Raka (con trai cả của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo) thường nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 50%. Dự kiến, ông Prabowo sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào tháng 10 tới, và ông Gibran cũng sẽ giữ vị trí Phó Tổng thống.
Giờ đây, mối quan tâm lớn lao là tân Tổng thống Indonesia sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của quốc gia này với Mỹ và Trung Quốc ra sao?
Indonesia sẽ ứng xử ra sao với Mỹ và Trung Quốc?
Khi chính thức nắm quyền tổng thống, ông Prabowo nhiều khả năng sẽ kế thừa những di sản của Tổng thống Widodo về chính sách đối ngoại nói chung, và quan hệ với Trung Quốc và Mỹ nói riêng. Nếu không làm thay đổi quỹ đạo chính sách đối ngoại hiện thời của chính quyền đương nhiệm, ông Prabowo vẫn sẽ theo đuổi cách tiếp cận không liên kết, mà người Indonesia gọi bằng tiếng Bahasa là “bebas dan aktif”, có nghĩa là độc lập (independent) và tích cực (active). “Bebas” mang hàm nghĩa Indonesia theo đuổi đường lối trung lập và không liên kết với bất kỳ cường quốc nào. Trong khi đó, “aktif” đề cập đến vai trò tích cực của Indonesia trong các vấn đề quốc tế. Đây là nguyên tắc chiến lược cốt lõi của Indonesia trong hàng chục năm qua, bắt đầu xuất hiện dưới thời cố Tổng thống Sukarno.
Chính ông Prabowo đã khẳng định về cách tiếp cận không liên kết (non-aligned) trong chính sách đối ngoại của Indonesia tại buổi trình bày ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Jakarta vào tháng 11/2023. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo của một quốc gia trung lập, tự do và không liên kết, và duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng (mà ông tóm gọn là “Good Neighbor Policy”). Xét trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, cách tiếp cận không liên kết của Indonesia có nghĩa là không chọn phe giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, ông Prabowo có thể triển khai hoạt động ngoại giao với hai siêu cường theo những định hướng khác nhau.
Trước hết, trong quan hệ với Mỹ, trọng tâm về an ninh có thể được Indonesia đặt lên hàng đầu. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng những năm qua, ông Prabowo đã góp phần giúp Indonesia xây dựng mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ với Mỹ. Trước hết, Indonesia đã mở rộng quy mô tập trận thường niên Garuda Shield từ hình thức song phương sang quy tụ nhiều quốc gia cùng tham dự (chuyển đổi từ năm 2022). Hơn nữa, những tương tác thông qua tập trận đã gián tiếp tạo điều kiện cho các hợp tác sâu hơn như tổ chức đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng theo hình thức 2+2 (giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao) lần đầu tiên vào năm 2023.
Bên cạnh đó, hai nước gần đây cũng tăng cường hợp tác hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông, với bước đầu tiên là khánh thành trung tâm huấn luyện hàng hải ở thành phố Batam (Indonesia) vào tháng 1/2024. Nhiều khả năng, ông Prabowo sẽ tiếp tục những nội dung hợp tác kể trên trong thời gian tới, bởi vì chính ông là người đã góp phần kiến tạo nên những nền tảng này trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của mình.
Cùng với đó, ông Prabowo có quan điểm tương đối trung lập về thỏa thuận quốc phòng AUKUS (bao gồm Mỹ, Australia và Anh), một thỏa thuận an ninh chiến lược nhằm phát triển một lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, cũng như cùng phối hợp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi thoả thuận an ninh này được hình thành vào năm 2021, Bộ Ngoại giao Indonesia khi đó đã công khai quan ngại về động thái này vì nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong một phát biểu vào cuối năm đó, ông Prabowo cho rằng “Mọi quốc gia sẽ làm những gì có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Nếu họ [Mỹ] cảm thấy bị đe dọa, tôi và chúng tôi [Indonesia] hoàn toàn hiểu cho họ”. Động thái của ông Prabowo có thể nhằm cân bằng với quan điểm của Bộ Ngoại giao trước đó, thể hiện cái nhìn tổng quát rằng Indonesia quan ngại đối với AUKUS nhưng vẫn tôn trọng quyết định của Mỹ, cũng như Australia và Anh.
Với những động thái kể trên, bất chấp quá khứ vi phạm nhân quyền của ông Prabowo và những quan ngại (ông là ứng cử viên duy nhất không trả lời bảng câu hỏi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch Questionnaire] về các vấn đề nhân quyền mà người dân ở Indonesia phải đối mặt), Mỹ có thể vẫn sẽ hợp tác về an ninh với Indonesia do thiện chí của ông Prabowo, cũng như vì vai trò quan trọng của Indonesia tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, vào tháng 11/2023, quan hệ hai nước được nâng lên tầm “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, đồng thời hai nước trở thành đối tác quan trọng của nhau về an ninh với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement - DCA). Tại Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia, chỉ có Philippines ký kết DCA với Mỹ.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Indonesia và Mỹ có thể sẽ không diễn ra thuận lợi. Ông Prabowo có kế hoạch duy trì các chính sách phát triển công nghiệp cứng rắn từ người tiền nhiệm, chẳng hạn như hạn chế hoặc cấm xuất khẩu một số tài nguyên thiên nhiên có giá trị như niken. Chính sách này nhằm khuyến khích các nguồn tài nguyên được xử lý trong nước, giúp phát triển, duy trì các ngành có giá trị kinh tế cần đến những tài nguyên này như các bộ phận xe điện, từ đó đa dạng hóa và củng cố nền kinh tế Indonesia. Phía Mỹ tỏ ra không hài lòng với quyết định này của Indonesia, vì nó có thể tác động đến nguồn cung và giá niken toàn cầu.
Còn với Trung Quốc, ông Prabowo nhiều khả năng sẽ không đảo ngược trọng tâm hợp tác kinh tế mà Tổng thống Widodo đã thiết lập với Trung Quốc nhiều năm qua. Bởi lẽ, ông Prabowo có tham vọng cao khi đặt mục tiêu Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ của mình (trước đây ông Widodo chỉ đặt mục tiêu 7%). Để đạt được mục tiêu đó, ngoài năng lực tự cường, Indonesia không thể không tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế tích cực với Trung Quốc, vì sau 10 năm nhiệm kỳ của ông Widodo (2014 - 2024), Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Jakarta. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần gấp đôi từ mức 70 tỷ USD (năm 2014) lên 133,6 tỷ USD (năm 2022). Indonesia cũng đã thu hút phần lớn nguồn đầu tư từ Trung Quốc chảy vào Đông Nam Á. Chẳng hạn, năm 2023, Trung Quốc đầu tư khoản 10 tỷ USD vào khu vực này, và Indonesia đã chiếm đến 7,3 tỷ USD trong số đó.
Quan hệ gắn kết về kinh tế cũng có thể buộc tân Tổng thống Indonesia tiếp cận mềm mỏng về an ninh với Bắc Kinh. Trước đây, ông Prabowo đã từng bị chỉ trích vì quá nhân nhượng với Trung Quốc liên quan đến việc hàng chục tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên biển Bắc Natuna (cách Indonesia gọi vùng biển phía Nam Biển Đông) vào tháng 12/2019. Khi đó, ông Prabowo đã kêu gọi xử lý tình hình một cách “bình tĩnh”, đồng thời nói thêm rằng “Trung Quốc là một quốc gia thân thiện”.
Tuy nhiên, sự mềm mỏng đó không phải là nhu nhược, mà giúp tạo thành vỏ bọc để ông Prabowo triển khai các biện pháp phòng ngừa sâu hơn. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng, ông Prabowo đã xây dựng một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, khi chi tiêu quốc phòng theo năm của Indonesia đều duy trì từ mức 8,8 tỷ USD trở lên (mức kỷ lục trước đó mà Indonesia từng đạt được vào năm 2017). Trong đó, năm 2020 ghi nhận mức ngân sách chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, với 9,39 tỷ USD. Với mức chi tiêu quá lớn như vậy, Indonesia đã ký một số hợp đồng mua sắm đáng chú ý với Mỹ và Pháp, như 24 tiêm kích F-15IDN và 24 trực thăng vận tải S-70Ms của Mỹ, cùng 24 máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp (và quốc gia này còn dự kiến mua thêm 18 chiếc nữa từ Pháp, đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026).
Như vậy, “cân bằng” rất có thể là phương châm đối ngoại của ông Prabowo. Trong đó, quan hệ giữa Indonesia với Mỹ sẽ được đầu tư về hợp tác an ninh - quân sự, như tập trận, tuần tra chung, mua sắm vũ khí, nhưng chỉ hợp tác có chừng mực về kinh tế. Ngược lại, quan hệ với Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa về hợp tác thương mại - đầu tư, nhưng dè chừng về mặt an ninh, khi Indonesia không “chống” Bắc Kinh một cách cực đoan, song, không che giấu tham vọng phát triển năng lực quốc phòng để tăng cường năng lực răn đe trước tham vọng của quốc gia tỷ dân.
An ninh khu vực và triển vọng quan hệ Indonesia - Việt Nam
Dưới thời Prabowo, Indonesia có thể tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo đó, Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường hiện diện tại vùng biển Bắc Natuna, như gia tăng các hoạt động đánh bắt cá, thăm dò dầu khí, tuần tra. Theo ông Mukhlis – người đứng đầu trạm bảo vệ bờ biển Natuna – tính trong sáu tháng đầu năm 2023, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đến khu vực biển Bắc Natuna ít nhất sáu lần. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn thông qua thắt chặt hợp tác an ninh với Indonesia để tăng cường sự hiện diện ở khu vực như thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) tại vùng biển này. Tuy nhiên, hiện tại chính sách đối ngoại nói chung cũng như quan điểm về Biển Đông nói riêng của Tổng thống Prabowo còn khá mơ hồ, do đó không dễ để dự đoán liệu ông sẽ giải quyết áp lực chọn phe từ cạnh tranh Mỹ - Trung như thế nào. Mặc dù vậy, có khả năng cao là vấn đề đảm bảo an ninh đất nước với phương châm đối ngoại trung lập (theo nguyên tắc “bebas dan aktif”) sẽ là ưu tiên trong chính sách của ông Prabowo.
Ở chiều ngược lại, cách tiếp cận của Indonesia với cạnh tranh Mỹ - Trung là cần thiết cho an ninh khu vực vì giúp duy trì cân bằng quyền lực nước lớn. Đó cũng là phương hướng mà ASEAN luôn hướng tới trong nhiều năm qua. Bởi lẽ, các quốc gia Đông Nam Á không quá tin tưởng vào cả hai siêu cường. Báo cáo Khảo sát năm 2023 của Viện ISEAS-Yusof Ishak về quan điểm từ các quốc gia ASEAN cho thấy chỉ 47,2% người tham gia khảo sát cảm thấy “tự tin” hoặc “rất tự tin” về nhận định “Mỹ là đối tác chiến lược và đảm bảo an ninh cho khu vực”. Trong khi đó, chỉ có 29,5% người cảm thấy lạc quan đối với nhận định “Trung Quốc sẽ làm những điều đúng đắn để góp phần vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu”.
Với những gì có thể diễn ra trong quỹ đạo chính sách sắp tới của Indonesia dưới thời Prabowo, Việt Nam cần quan tâm theo sát chính sách đối ngoại của Indonesia. Cụ thể, Hà Nội cần kiên định với đường lối “ngoại giao cây tre”, giữ tâm thế hòa hảo với các nước lớn nhưng vẫn sẵn sàng cứng rắn khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên thúc đẩy các hành động chung với Indonesia trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy năng lực tự chủ của cả hai quốc gia, cũng như góp phần giúp khu vực Đông Nam Á giảm phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài.
Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước là có nhiều triển vọng. Chẳng hạn, vào tháng 9/2023, Việt Nam đã tham gia sáng kiến Kết nối Thanh toán Khu vực (Regional Payment Connectivity - RPC) do Indonesia đề xuất vào năm 2022, và sáng kiến này còn quy tụ Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei và Singapore. Sáng kiến giúp người dân các nước tham gia khi đi sang quốc gia khác không cần phải đổi tiền mặt mà có thể thanh toán bằng mã QR (QR code) liên kết với tài khoản ngân hàng tại quê nhà. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm giúp các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ bên ngoài, như đồng USD, cho các giao dịch xuyên biên giới. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể hỗ trợ mở rộng RPC bằng cách đảm nhận vai trò “cầu nối” để thúc đẩy Lào và Campuchia cùng tham gia, vì hiện Hà Nội đã có thỏa thuận song phương với Phnom Penh, trong khi Phnom Penh cũng có thỏa thuận với Vientiane.
Trong khi đó, với lĩnh vực an ninh, Việt Nam và Indonesia có thể thúc đẩy các hoạt động chung như cùng tuần tra ở khu vực EEZ mà hai nước vừa hoàn tất đàm phán phân định, hay mở rộng quy mô của cuộc tập trận quân sự chung các nước ASEAN vừa được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023 (quy tụ đầy đủ 10 quốc gia thành viên, tập trung vào các hoạt động phi chiến đấu như tuần tra, nhân đạo, cứu trợ thiên tai).
Với các hoạt động mà hai nước có thể thúc đẩy như đã nêu ở trên, nhìn rộng ra, những hoạt động hợp tác về kinh tế, an ninh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác sẽ góp phần thúc đẩy năng lực tự chủ của Việt Nam lẫn Indonesia trong môi trường cạnh tranh nước lớn, đồng thời góp vào ổn định an ninh khu vực.
Từ khoá: chính sách đối ngoại Indonesia Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto Mỹ Trung Quốc