Đất hiếm: “quân bài chiến lược” của Trung Quốc trong cạnh tranh với Mỹ
Cuộc đua đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong cạnh tranh công nghệ và địa chính trị toàn cầu.


“Đòn bẩy” đất hiếm của Trung Quốc
Năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Lệnh cấm được ban hành trong giai đoạn căng thẳng hai nước leo thang do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Với Tokyo, đất hiếm là tài nguyên khoáng sản quan trọng cho các ngành chế tạo ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, vũ khí. Do đó, lệnh cấm tác động đáng kể lên nền công nghiệp Nhật Bản - vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Không chỉ vậy, sự đáp trả của Trung Quốc khiến thế giới nhận ra sự phụ thuộc quá lớn vào cường quốc này về nguồn cung đất hiếm có thể gây ra rủi ro an ninh. Đồng thời, các quốc gia càng nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc quá mức vào một nguồn cung.
Đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược được sử dụng trong các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghiệp quốc phòng. Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học quan trọng được sử dụng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, chất bán dẫn, pin và nhiều linh kiện điện tử. Các nguyên tố này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất tuabin gió, pin xe điện và các công nghệ năng lượng tái tạo khác. Đặc biệt, đất hiếm là thành phần quan trọng trong các hệ thống vũ khí, công nghệ quốc phòng tiên tiến và thiết bị quân sự như radar, tên lửa, động cơ phản lực. Ở một số quốc gia, đất hiếm được xem như “vàng của thế kỷ 21”, đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi năng lượng sạch. Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhu cầu về đất hiếm ngày càng gia tăng khiến nguồn tài nguyên này trở thành một yếu tố chiến lược trong cạnh tranh kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Nhờ vào việc thăm dò và khai thác nhanh chóng các mỏ đất hiếm cùng vị thế dẫn đầu về công nghệ tách và khai thác, Trung Quốc hiện kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng đất hiếm, từ khai thác, chế biến đến sản xuất thành phẩm, khiến Mỹ và các nước phương Tây phụ thuộc vào quốc gia này. Tính đến năm 2024, tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu ước tính đạt 90 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 44 triệu tấn và trở thành “nguồn dự trữ” lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nước này có sản lượng khai thác khoảng 270.000 tấn oxit đất hiếm và là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu với gần 70% sản lượng toàn cầu (theo sau là Mỹ - chiếm khoảng 1/6 sản lượng của Trung Quốc).
Từ những năm 1970, Bắc Kinh đã tích cực tham gia vào thị trường đất hiếm bằng cách cung cấp lượng lớn các nguyên tố đất hiếm với giá rẻ. Lợi thế chi phí thấp (vốn được thúc đẩy bởi tài trợ của chính phủ), nguồn lao động giá rẻ và các tiêu chuẩn khai thác lỏng lẻo của Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ không thể cạnh tranh và buộc phải đóng cửa.
Đến những năm 1990, Trung Quốc tiếp tục tăng cường khai thác, từng bước thống lĩnh thị trường đất hiếm toàn cầu. Trong giai đoạn 1978 – 1995, sản lượng đất hiếm của nước này tăng trung bình 40% mỗi năm, giúp hiện thực hóa tầm nhìn của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trong ngành công nghiệp đất hiếm. Ông Đặng từng khẳng định: “Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm” (The Middle East has oil, China has rare earths)—một tuyên bố phản ánh rõ tham vọng chiến lược của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Với việc xác định đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược từ thập niên cuối của thế kỷ 20, Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư nhằm củng cố quyền kiểm soát nguồn tài nguyên này. Bắc Kinh đã sáp nhập ba công ty đất hiếm lớn thuộc sở hữu nhà nước để thành lập tập đoàn “China Rare Earth Group” (CREG) vào tháng 12/2021. Việc thành lập CREG là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tái cơ cấu và hợp nhất ngành công nghiệp đất hiếm, tăng cường quyền lực thị trường và hiệu quả hoạt động. Tập đoàn mới này chiếm khoảng 62% nguồn cung đất hiếm nặng của Trung Quốc, giúp tăng cường khả năng định giá và kiểm soát thị trường toàn cầu đối với các nguyên tố quan trọng như dysprosium và terbium.
Đồng thời, Trung Quốc cũng ban hành các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm, qua đó bảo vệ tài nguyên quốc gia và đảm bảo an ninh công nghiệp. Trung Quốc cũng rót vốn mạnh vào các dự án hạ tầng và thăm dò tài nguyên trong khu vực. Những dự án nổi bật có thể kể đến mỏ kẽm Citronen Fjord và dự án khai thác nguyên tố đất hiếm cùng urani tại Kvanefjeld, trong đó tập đoàn Shenghe Resources Holding của Trung Quốc sở hữu 11% cổ phần. Gần đây, Trung Quốc đã phát hiện các mỏ đất hiếm lớn, như mỏ tại tỉnh Vân Nam với trữ lượng tiềm năng 1,15 triệu tấn và mỏ tại Tứ Xuyên với gần 5 triệu tấn. Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế thống trị của Trung Quốc về tài nguyên đất hiếm trung bình và nặng, đồng thời cải thiện chuỗi ngành công nghiệp đất hiếm.
Các mối quan tâm về chuỗi cung ứng toàn cầu đã dịch chuyển từ khía cạnh kinh tế sang địa chính trị—từ giá cả và chất lượng hàng hóa sang quan ngại về nguồn cung liệu có an toàn với an ninh quốc gia và có khả năng phục hồi trước các cú sốc hay không. Thực tế đã chứng minh, Trung Quốc sử dụng sự thống trị của họ trong lĩnh vực đất hiếm như một “đòn bẩy kinh tế” cho mục đích chính trị, hoặc như công cụ để trả đũa những quốc gia làm “phật lòng” họ. Ví dụ điển hình là Trung Quốc từ chối vận chuyển đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010. Sự cố trên đã khiến giá đất hiếm tăng vọt lên tới 500% trong vài năm do nạn đầu cơ. Chưa dừng lại, Bắc Kinh sau đó đã gây áp lực lên các quốc gia khác bằng “chiêu bài” hạn chế xuất khẩu đất hiếm trên toàn cầu, với lý do bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, nước này đã phải gỡ bỏ hạn chế vào năm 2015 sau khi Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trung Quốc còn sử dụng lợi thế đất hiếm để “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cách tiếp cận đối đầu của chính quyền Trump đã tạo tiền đề cho việc tập trung trở lại của Trung Quốc vào tài nguyên đất hiếm mà nước này đã thống trị từ lâu. Năm 2023, Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc (bao gồm việc bán hàng trực tiếp từ các công ty Mỹ và châu Âu cũng như các sản phẩm do nước ngoài sản xuất sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ). Các hạn chế này khiến các công ty Trung Quốc đối mặt với tình trạng thu hẹp lợi nhuận và cổ phiếu chip lao dốc. Nhà sản xuất bộ nhớ Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đã phải hạ mức dự kiến tăng trưởng từ 60% xuống mức 7%, trong khi Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) giảm doanh thu 5% theo quý.
Tháng 12/2023, để đáp trả các biện pháp trừng phạt chip từ Washington, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu công nghệ tách và chiết xuất đất hiếm (bao gồm cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm, công nghệ khai thác và tách các vật liệu quan trọng), với lý do bảo vệ tài nguyên và an ninh quốc gia. Lệnh cấm khiến tham vọng tự chủ nguồn cung đất hiếm và khoáng sản chiến lược của Mỹ vấp phải nhiều thách thức do thiếu khả năng tiếp cận các kỹ thuật tinh chế tiên tiến. Đồng thời, nó dấy lên mối lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào Trung Quốc, đòi hỏi các quốc gia này phải có chiến lược dự phòng trước những rủi ro địa chính trị liên quan đến nguyên liệu quan trọng.
Liệu Mỹ có kịp thu hẹp lỗ hổng thương mại?
Mỹ đã từng kiểm soát thị trường đất hiếm từ những năm 1960 kể từ khi tập đoàn Molypden của nước này phát hiện và khai thác mỏ Mountain Pass tại Sa mạc Mojave. Tuy nhiên, chi phí khai thác và sản xuất cao, các quy định môi trường nghiêm ngặt, sự thiếu hỗ trợ từ chính phủ và áp lực cạnh tranh giá rẻ từ Trung Quốc đã khiến nhiều công ty Mỹ phải tìm kiếm giải pháp thay thế hoặc thậm chí đóng cửa.
Đất hiếm không thực sự “hiếm” nhưng việc khai thác và tinh chế chúng rất phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Quá trình khai thác và chế biến đất hiếm có thể gây ô nhiễm nguồn nước và để lại bùn độc hại cùng các chất phóng xạ. Những lo ngại này đã khiến các công ty Mỹ hạn chế hoạt động khai thác trong nước.
Bên cạnh đó, các quy định nghiêm ngặt của Washington khiến việc xây dựng cơ sở tinh chế mới thêm khó khăn và tốn kém. Việc xây dựng cơ sở tinh chế đất hiếm tại Mỹ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường và đầu tư. Để bảo vệ môi trường, Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận các vùng đất giàu khoáng sản trong nước và cản trở các dự án tiềm năng và thu hồi các hợp đồng thuê hiện có. Những rào cản này khiến Mỹ dần tụt lại trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm và phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Bài học từ Nhật Bản năm 2010 và các đòn trả đũa của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đã cho thấy chuỗi cung ứng đất hiếm của Washington dễ bị tổn thương trước các áp lực từ Bắc Kinh. Nhận thức được rủi ro này, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc như thiên tai hay gián đoạn chuỗi cung ứng khác.
Thứ nhất, Mỹ đang nỗ lực khôi phục hoạt động khai thác đất hiếm nội địa. Trong các Sắc lệnh Hành pháp 13817 và 13953 chỉ rõ Mỹ phải mở rộng và tăng cường năng lực khai thác và chế biến trong nước. Mỏ Mountain Pass ở California, mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ, đã được tái khởi động sau khi công ty MP Materials mua lại và khôi phục khai thác vào năm 2017. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm khai thác từ đây vẫn phải gửi sang Trung Quốc để tinh chế. Mỹ có trữ lượng đất hiếm lớn, nhưng quá trình khai thác và tinh chế rất phức tạp. Tinh chế đất hiếm đòi hỏi công nghệ cao và quy trình xử lý hóa chất tinh vi – và về khía cạnh này thì Trung Quốc đã phát triển vượt trội. Ngược lại, Mỹ thiếu hụt công nghệ và cơ sở hạ tầng chế biến để cạnh tranh với Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ nỗ lực thúc đẩy năng lực sản xuất đất hiếm toàn cầu và hợp tác với các đồng minh để phát triển chuỗi cung ứng độc lập. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ sự phụ thuộc ngày càng lớn của Mỹ vào Trung Quốc đối với nhiều khoáng sản quan trọng là “đặc biệt đáng lo ngại” và cấu thành mối đe dọa “đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ”. Washington đã thúc đẩy quan hệ với các nước như Australia (công ty Lynas Rare Earths), Canada, Nhật Bản, và EU để phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm độc lập với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ 30,4 triệu USD để hỗ trợ cho dự án của Lynas Rare Earths, công ty khai thác và chế biến nguyên tố đất hiếm của Australia, với mục tiêu thành lập các cơ sở tinh chế tại Texas, và sau đó cấp thêm 288 triệu USD vào năm 2024. Washington đã đưa việc thiết lập chuỗi cung ứng “từ mỏ đến nam châm” (Mine-to-Magnet) trở thành ưu tiên hàng đầu. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp 45 triệu USD cho MP Materials để thành lập cơ sở sản xuất oxit và mỏ đất hiếm tích hợp duy nhất tại Mỹ. Ngoài ra, nước này cấp thêm 94 triệu USD cho E-VAC Magnetics và 258 triệu USD cho Lynas để thúc đẩy sản xuất đất hiếm tại Mỹ. Dù vậy, quá trình này sẽ mất nhiều năm trước khi Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực tinh chế đất hiếm.
Sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ, Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại lần thứ hai với Trung Quốc bằng cách áp thuế cao lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ đất nước tỷ dân này. Các khoáng sản đất hiếm là những nguồn tài nguyên dự kiến sẽ bị cuốn vào cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” giữa hai nước. Nhận thức rõ vị thế trong lĩnh vực đất hiếm, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục các hạn chế tiếp cận đất hiếm một cách chiến lược để đạt lợi ích cho thị trường trong nước và một số lợi thế thương lượng trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù Mỹ nhận ra lỗ hổng này và nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, nhưng các hạn chế từ Bắc Kinh có thể “làm phức tạp thêm mục tiêu đa dạng hóa hoạt động thương mại” của Washington.
Tham vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng đất hiếm ra khỏi Trung Quốc của Mỹ sẽ vướng khó khăn trong tương lai gần. Thứ nhất, sự chú ý trở lại vào hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm của Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ xa từ những năm 1990. Thứ hai, Trung Quốc đã đạt được các kỹ thuật và công nghệ tinh chế tiên tiến đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng. Cụ thể, nước này có lợi thế tuyệt đối trong quy trình chiết xuất dung môi để chế biến đất hiếm trong khi Mỹ và các nước phương Tây phải vật lộn để triển khai do lo ngại về các vấn đề ô nhiễm môi trường. Thứ ba, mặc dù Mỹ đầu tư mạnh tay nhằm xây dựng các cơ sở tách, chế biến và sản xuất đất hiếm, nhưng cũng phải mất thời gian dài để xây dựng và đưa vào hoạt động. Trong thời gian đó, Trung Quốc có thể đã đạt được những bước “đại nhảy vọt” trong ngành công nghiệp đất hiếm.
Tuy nhiên, các nỗ lực gần đây của Mỹ vẫn có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng đất hiếm của nước này trong tương lai. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các nhà cung ứng, Mỹ có thể hợp tác và hỗ trợ các quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ tham gia vào thị trường đất hiếm.
***
Cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực đất hiếm không đơn thuần là một khía cạnh của cuộc chiến thương mại mà còn phản ánh sự đối đầu chiến lược lâu dài giữa hai cường quốc. Quá trình này tác động mạnh mẽ đến an ninh kinh tế, công nghệ quốc phòng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục nắm giữ ưu thế nhờ hệ thống chế biến tiên tiến, giá thành thấp và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ tích cực giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ đối thủ. Dù việc đạt được sự tự chủ hoàn toàn đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng với các chiến lược phù hợp, Mỹ có thể giảm đáng kể rủi ro và tạo ra một chuỗi cung ứng đất hiếm an toàn hơn. Trong khi đó, Việt Nam và các nước khác có cơ hội lớn nếu tận dụng tốt xu hướng này.

“Đòn bẩy” đất hiếm của Trung Quốc
Năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Lệnh cấm được ban hành trong giai đoạn căng thẳng hai nước leo thang do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Với Tokyo, đất hiếm là tài nguyên khoáng sản quan trọng cho các ngành chế tạo ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, vũ khí. Do đó, lệnh cấm tác động đáng kể lên nền công nghiệp Nhật Bản - vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Không chỉ vậy, sự đáp trả của Trung Quốc khiến thế giới nhận ra sự phụ thuộc quá lớn vào cường quốc này về nguồn cung đất hiếm có thể gây ra rủi ro an ninh. Đồng thời, các quốc gia càng nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc quá mức vào một nguồn cung.
Đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược được sử dụng trong các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghiệp quốc phòng. Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học quan trọng được sử dụng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, chất bán dẫn, pin và nhiều linh kiện điện tử. Các nguyên tố này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất tuabin gió, pin xe điện và các công nghệ năng lượng tái tạo khác. Đặc biệt, đất hiếm là thành phần quan trọng trong các hệ thống vũ khí, công nghệ quốc phòng tiên tiến và thiết bị quân sự như radar, tên lửa, động cơ phản lực. Ở một số quốc gia, đất hiếm được xem như “vàng của thế kỷ 21”, đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi năng lượng sạch. Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhu cầu về đất hiếm ngày càng gia tăng khiến nguồn tài nguyên này trở thành một yếu tố chiến lược trong cạnh tranh kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Nhờ vào việc thăm dò và khai thác nhanh chóng các mỏ đất hiếm cùng vị thế dẫn đầu về công nghệ tách và khai thác, Trung Quốc hiện kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng đất hiếm, từ khai thác, chế biến đến sản xuất thành phẩm, khiến Mỹ và các nước phương Tây phụ thuộc vào quốc gia này. Tính đến năm 2024, tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu ước tính đạt 90 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 44 triệu tấn và trở thành “nguồn dự trữ” lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nước này có sản lượng khai thác khoảng 270.000 tấn oxit đất hiếm và là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu với gần 70% sản lượng toàn cầu (theo sau là Mỹ - chiếm khoảng 1/6 sản lượng của Trung Quốc).
Từ những năm 1970, Bắc Kinh đã tích cực tham gia vào thị trường đất hiếm bằng cách cung cấp lượng lớn các nguyên tố đất hiếm với giá rẻ. Lợi thế chi phí thấp (vốn được thúc đẩy bởi tài trợ của chính phủ), nguồn lao động giá rẻ và các tiêu chuẩn khai thác lỏng lẻo của Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ không thể cạnh tranh và buộc phải đóng cửa.
Đến những năm 1990, Trung Quốc tiếp tục tăng cường khai thác, từng bước thống lĩnh thị trường đất hiếm toàn cầu. Trong giai đoạn 1978 – 1995, sản lượng đất hiếm của nước này tăng trung bình 40% mỗi năm, giúp hiện thực hóa tầm nhìn của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trong ngành công nghiệp đất hiếm. Ông Đặng từng khẳng định: “Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm” (The Middle East has oil, China has rare earths)—một tuyên bố phản ánh rõ tham vọng chiến lược của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Với việc xác định đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược từ thập niên cuối của thế kỷ 20, Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư nhằm củng cố quyền kiểm soát nguồn tài nguyên này. Bắc Kinh đã sáp nhập ba công ty đất hiếm lớn thuộc sở hữu nhà nước để thành lập tập đoàn “China Rare Earth Group” (CREG) vào tháng 12/2021. Việc thành lập CREG là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tái cơ cấu và hợp nhất ngành công nghiệp đất hiếm, tăng cường quyền lực thị trường và hiệu quả hoạt động. Tập đoàn mới này chiếm khoảng 62% nguồn cung đất hiếm nặng của Trung Quốc, giúp tăng cường khả năng định giá và kiểm soát thị trường toàn cầu đối với các nguyên tố quan trọng như dysprosium và terbium.
Đồng thời, Trung Quốc cũng ban hành các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm, qua đó bảo vệ tài nguyên quốc gia và đảm bảo an ninh công nghiệp. Trung Quốc cũng rót vốn mạnh vào các dự án hạ tầng và thăm dò tài nguyên trong khu vực. Những dự án nổi bật có thể kể đến mỏ kẽm Citronen Fjord và dự án khai thác nguyên tố đất hiếm cùng urani tại Kvanefjeld, trong đó tập đoàn Shenghe Resources Holding của Trung Quốc sở hữu 11% cổ phần. Gần đây, Trung Quốc đã phát hiện các mỏ đất hiếm lớn, như mỏ tại tỉnh Vân Nam với trữ lượng tiềm năng 1,15 triệu tấn và mỏ tại Tứ Xuyên với gần 5 triệu tấn. Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế thống trị của Trung Quốc về tài nguyên đất hiếm trung bình và nặng, đồng thời cải thiện chuỗi ngành công nghiệp đất hiếm.
Các mối quan tâm về chuỗi cung ứng toàn cầu đã dịch chuyển từ khía cạnh kinh tế sang địa chính trị—từ giá cả và chất lượng hàng hóa sang quan ngại về nguồn cung liệu có an toàn với an ninh quốc gia và có khả năng phục hồi trước các cú sốc hay không. Thực tế đã chứng minh, Trung Quốc sử dụng sự thống trị của họ trong lĩnh vực đất hiếm như một “đòn bẩy kinh tế” cho mục đích chính trị, hoặc như công cụ để trả đũa những quốc gia làm “phật lòng” họ. Ví dụ điển hình là Trung Quốc từ chối vận chuyển đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010. Sự cố trên đã khiến giá đất hiếm tăng vọt lên tới 500% trong vài năm do nạn đầu cơ. Chưa dừng lại, Bắc Kinh sau đó đã gây áp lực lên các quốc gia khác bằng “chiêu bài” hạn chế xuất khẩu đất hiếm trên toàn cầu, với lý do bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, nước này đã phải gỡ bỏ hạn chế vào năm 2015 sau khi Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trung Quốc còn sử dụng lợi thế đất hiếm để “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cách tiếp cận đối đầu của chính quyền Trump đã tạo tiền đề cho việc tập trung trở lại của Trung Quốc vào tài nguyên đất hiếm mà nước này đã thống trị từ lâu. Năm 2023, Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc (bao gồm việc bán hàng trực tiếp từ các công ty Mỹ và châu Âu cũng như các sản phẩm do nước ngoài sản xuất sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ). Các hạn chế này khiến các công ty Trung Quốc đối mặt với tình trạng thu hẹp lợi nhuận và cổ phiếu chip lao dốc. Nhà sản xuất bộ nhớ Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đã phải hạ mức dự kiến tăng trưởng từ 60% xuống mức 7%, trong khi Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) giảm doanh thu 5% theo quý.
Tháng 12/2023, để đáp trả các biện pháp trừng phạt chip từ Washington, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu công nghệ tách và chiết xuất đất hiếm (bao gồm cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm, công nghệ khai thác và tách các vật liệu quan trọng), với lý do bảo vệ tài nguyên và an ninh quốc gia. Lệnh cấm khiến tham vọng tự chủ nguồn cung đất hiếm và khoáng sản chiến lược của Mỹ vấp phải nhiều thách thức do thiếu khả năng tiếp cận các kỹ thuật tinh chế tiên tiến. Đồng thời, nó dấy lên mối lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào Trung Quốc, đòi hỏi các quốc gia này phải có chiến lược dự phòng trước những rủi ro địa chính trị liên quan đến nguyên liệu quan trọng.
Liệu Mỹ có kịp thu hẹp lỗ hổng thương mại?
Mỹ đã từng kiểm soát thị trường đất hiếm từ những năm 1960 kể từ khi tập đoàn Molypden của nước này phát hiện và khai thác mỏ Mountain Pass tại Sa mạc Mojave. Tuy nhiên, chi phí khai thác và sản xuất cao, các quy định môi trường nghiêm ngặt, sự thiếu hỗ trợ từ chính phủ và áp lực cạnh tranh giá rẻ từ Trung Quốc đã khiến nhiều công ty Mỹ phải tìm kiếm giải pháp thay thế hoặc thậm chí đóng cửa.
Đất hiếm không thực sự “hiếm” nhưng việc khai thác và tinh chế chúng rất phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Quá trình khai thác và chế biến đất hiếm có thể gây ô nhiễm nguồn nước và để lại bùn độc hại cùng các chất phóng xạ. Những lo ngại này đã khiến các công ty Mỹ hạn chế hoạt động khai thác trong nước.
Bên cạnh đó, các quy định nghiêm ngặt của Washington khiến việc xây dựng cơ sở tinh chế mới thêm khó khăn và tốn kém. Việc xây dựng cơ sở tinh chế đất hiếm tại Mỹ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường và đầu tư. Để bảo vệ môi trường, Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận các vùng đất giàu khoáng sản trong nước và cản trở các dự án tiềm năng và thu hồi các hợp đồng thuê hiện có. Những rào cản này khiến Mỹ dần tụt lại trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm và phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Bài học từ Nhật Bản năm 2010 và các đòn trả đũa của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đã cho thấy chuỗi cung ứng đất hiếm của Washington dễ bị tổn thương trước các áp lực từ Bắc Kinh. Nhận thức được rủi ro này, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc như thiên tai hay gián đoạn chuỗi cung ứng khác.
Thứ nhất, Mỹ đang nỗ lực khôi phục hoạt động khai thác đất hiếm nội địa. Trong các Sắc lệnh Hành pháp 13817 và 13953 chỉ rõ Mỹ phải mở rộng và tăng cường năng lực khai thác và chế biến trong nước. Mỏ Mountain Pass ở California, mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ, đã được tái khởi động sau khi công ty MP Materials mua lại và khôi phục khai thác vào năm 2017. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm khai thác từ đây vẫn phải gửi sang Trung Quốc để tinh chế. Mỹ có trữ lượng đất hiếm lớn, nhưng quá trình khai thác và tinh chế rất phức tạp. Tinh chế đất hiếm đòi hỏi công nghệ cao và quy trình xử lý hóa chất tinh vi – và về khía cạnh này thì Trung Quốc đã phát triển vượt trội. Ngược lại, Mỹ thiếu hụt công nghệ và cơ sở hạ tầng chế biến để cạnh tranh với Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ nỗ lực thúc đẩy năng lực sản xuất đất hiếm toàn cầu và hợp tác với các đồng minh để phát triển chuỗi cung ứng độc lập. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ sự phụ thuộc ngày càng lớn của Mỹ vào Trung Quốc đối với nhiều khoáng sản quan trọng là “đặc biệt đáng lo ngại” và cấu thành mối đe dọa “đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ”. Washington đã thúc đẩy quan hệ với các nước như Australia (công ty Lynas Rare Earths), Canada, Nhật Bản, và EU để phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm độc lập với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ 30,4 triệu USD để hỗ trợ cho dự án của Lynas Rare Earths, công ty khai thác và chế biến nguyên tố đất hiếm của Australia, với mục tiêu thành lập các cơ sở tinh chế tại Texas, và sau đó cấp thêm 288 triệu USD vào năm 2024. Washington đã đưa việc thiết lập chuỗi cung ứng “từ mỏ đến nam châm” (Mine-to-Magnet) trở thành ưu tiên hàng đầu. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp 45 triệu USD cho MP Materials để thành lập cơ sở sản xuất oxit và mỏ đất hiếm tích hợp duy nhất tại Mỹ. Ngoài ra, nước này cấp thêm 94 triệu USD cho E-VAC Magnetics và 258 triệu USD cho Lynas để thúc đẩy sản xuất đất hiếm tại Mỹ. Dù vậy, quá trình này sẽ mất nhiều năm trước khi Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực tinh chế đất hiếm.
Sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ, Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại lần thứ hai với Trung Quốc bằng cách áp thuế cao lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ đất nước tỷ dân này. Các khoáng sản đất hiếm là những nguồn tài nguyên dự kiến sẽ bị cuốn vào cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” giữa hai nước. Nhận thức rõ vị thế trong lĩnh vực đất hiếm, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục các hạn chế tiếp cận đất hiếm một cách chiến lược để đạt lợi ích cho thị trường trong nước và một số lợi thế thương lượng trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù Mỹ nhận ra lỗ hổng này và nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, nhưng các hạn chế từ Bắc Kinh có thể “làm phức tạp thêm mục tiêu đa dạng hóa hoạt động thương mại” của Washington.
Tham vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng đất hiếm ra khỏi Trung Quốc của Mỹ sẽ vướng khó khăn trong tương lai gần. Thứ nhất, sự chú ý trở lại vào hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm của Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ xa từ những năm 1990. Thứ hai, Trung Quốc đã đạt được các kỹ thuật và công nghệ tinh chế tiên tiến đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng. Cụ thể, nước này có lợi thế tuyệt đối trong quy trình chiết xuất dung môi để chế biến đất hiếm trong khi Mỹ và các nước phương Tây phải vật lộn để triển khai do lo ngại về các vấn đề ô nhiễm môi trường. Thứ ba, mặc dù Mỹ đầu tư mạnh tay nhằm xây dựng các cơ sở tách, chế biến và sản xuất đất hiếm, nhưng cũng phải mất thời gian dài để xây dựng và đưa vào hoạt động. Trong thời gian đó, Trung Quốc có thể đã đạt được những bước “đại nhảy vọt” trong ngành công nghiệp đất hiếm.
Tuy nhiên, các nỗ lực gần đây của Mỹ vẫn có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng đất hiếm của nước này trong tương lai. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các nhà cung ứng, Mỹ có thể hợp tác và hỗ trợ các quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ tham gia vào thị trường đất hiếm.
***
Cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực đất hiếm không đơn thuần là một khía cạnh của cuộc chiến thương mại mà còn phản ánh sự đối đầu chiến lược lâu dài giữa hai cường quốc. Quá trình này tác động mạnh mẽ đến an ninh kinh tế, công nghệ quốc phòng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục nắm giữ ưu thế nhờ hệ thống chế biến tiên tiến, giá thành thấp và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ tích cực giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ đối thủ. Dù việc đạt được sự tự chủ hoàn toàn đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng với các chiến lược phù hợp, Mỹ có thể giảm đáng kể rủi ro và tạo ra một chuỗi cung ứng đất hiếm an toàn hơn. Trong khi đó, Việt Nam và các nước khác có cơ hội lớn nếu tận dụng tốt xu hướng này.
Từ khoá: đất hiếm Trung Quốc cạnh tranh Mỹ - Trung khoáng sản chiến lược