Đài Loan chật vật níu giữ các đồng minh ngoại giao

Đài Loan nỗ lực duy trì quan hệ chính thức với 12 đồng minh thông qua các hỗ trợ công nghệ và can dự ngoại giao. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và tình hình chính trị nội bộ không ổn định của các đồng minh khiến nhiệm vụ này càng khó khăn.

Huỳnh Tâm Sáng - Trương Tuấn Kiệt 17/11/2024
Image
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Gia Long thăm chính thức Belize hôm 29/10 - (C): Love FM

Vào giữa tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Gia Long (Lin Chia-lung) đã công bố một kế hoạch mang tên “mô hình và kinh nghiệm” (model and experience), với mục tiêu không để số ít đồng minh ngoại giao còn lại (những nước có quan hệ chính thức với Đài Bắc) rời đi. Ý tưởng này nhấn mạnh việc tận dụng sức mạnh công nghệ của Đài Loan để hỗ trợ các đối tác và chú trọng vào nhu cầu của những nước này. 

Để chứng minh mình “không hứa suông”, ông Lâm đã có chuyến công du chính thức đầu tiên từ ngày 23/10 - 2/11 tới các đồng minh ở vùng Caribe và Mỹ Latinh, bao gồm Guatemala, Saint Vincent and Grenadines, Saint Lucia, Belize, và Saint Kitts and Nevis. Chuyến đi nhằm đánh giá tiến độ các dự án hợp tác hiện tại, và củng cố tình hữu nghị thông qua các cuộc đàm phán cấp cao.

Tuy nhiên, các sáng kiến và nỗ lực thăm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan vẫn khó có thể giúp hòn đảo này giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, quốc gia cũng đang tìm cách lôi kéo các nước có quan hệ chính thức với Đài Bắc nhằm thuyết phục họ chuyển phe. Để tăng thêm sức ép, Trung Quốc đe dọa sử dụng biện pháp mạnh để trả đũa các chính trị gia, cũng như quốc gia nào còn ủng hộ nền dân chủ tự trị này. 

Gần đây, Paraguay (một trong những quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh) đang nổi lên như một trường hợp có nguy cơ cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. Với Asunción, xuất khẩu nông sản (đặc biệt là đậu nành và thịt bò) là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, không giống như Uruguay và Brazil - hai cường quốc sản xuất thịt bò trong khu vực, Paraguay đã bị cấm xuất khẩu thịt bò sang Mỹ kể từ năm 1997. Tương tự, Trung Quốc hiện cũng áp đặt lệnh cấm vận trên thực tế đối với Paraguay, từ chối nhập khẩu trực tiếp ngũ cốc từ nước này, và cũng không tham gia vào các thỏa thuận thương mại với Asunción.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu nông sản của Đài Loan từ Paraguay là không lớn, chỉ chiếm 2,2% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2022. Thêm vào đó, cứ năm năm một lần, Đài Bắc viện trợ trung bình 150 triệu USD cho Paraguay để tài trợ cho các dự án trong những lĩnh vực thiết yếu như y tế cộng đồng, nông nghiệp và giáo dục. Tuy nhiên, số tiền viện trợ này rất nhỏ nếu so với nền kinh tế 43 tỷ USD của Paraguay.

Do đó, quốc gia Nam Mỹ này đang có xu hướng xích lại gần Bắc Kinh để tìm kiếm thêm các lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, vào tháng 7/2023, Tổng thống Paraguay Santiago Peña đã bày tỏ mong muốn “mở rộng hơn thương mại với Trung Quốc” (do more trade with China). Một năm sau, ông Peña một lần nữa nhắc lại ý định trên, bất chấp những cảnh báo của Đài Loan về xu hướng áp dụng các biện pháp bán phá giá không công bằng của Bắc Kinh ở các quốc gia khác. Lời cảnh báo của Đài Bắc cho thấy nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc của Paraguay có thể khiến hòn đảo này lo lắng về triển vọng tương lai của mối quan hệ song phương cùng Asunción.

Để trấn an những lo ngại của Đài Bắc, Đại sứ Paraguay tại Đài Loan Carlos José Fleitas Rodríguez gần đây đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai đồng minh vẫn “vững chắc như đá” (rock-solid). Tuy nhiên, với căng thẳng ngày càng gia tăng tại eo biển Đài Loan, cùng sức hấp dẫn từ các khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc đang cung cấp cho các nước láng giềng của Paraguay, không chắc liệu lòng trung thành của quốc gia Nam Mỹ này với Đài Loan có thể kéo dài bao lâu.    

Hồi tháng 2, Guatemala, một đồng minh khác và là quốc gia đông dân nhất vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, cũng gây lo lắng cho Đài Bắc khi bày tỏ mong muốn tìm kiếm khả năng thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala Carlos Ramiro Martínez sau đó đã thông báo với Đài Loan rằng quan hệ chính thức giữa hai nước sẽ tiếp tục được đảm bảo. Thêm vào đó, ông Martínez cũng dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan vào tháng 5 để khẳng định “tình hữu nghị sâu sắc” (deep friendship), và thể hiện quan điểm ủng hộ đối với các hoạt động trên trường quốc tế của hòn đảo này.

Mặc dù nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua, song Guatemala vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Bắc, trong đó nổi bật là ủng hộ động thái khiếu nại về thương mại của Đài Loan chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2009, và nỗ lực gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020. Đối với giới tinh hoa Guatemala, ủng hộ Đài Loan là yếu tố then chốt để duy trì quan hệ thuận lợi với Mỹ - đối tác thương mại, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này. Trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Joe Biden, Đài Loan đã tích cực tham gia các nỗ lực vận động hành lang nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Washington và Guatemala City. 

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này không phải là bất di bất dịch. Dù cho Tổng thống Guatemala Bernardo Arévalo đã giành chiến thắng vang dội năm ngoái, Quốc hội Guatemala vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các đảng đối lập, gây ra “tình trạng bế tắc chính trị kéo dài” (repeated political deadlock) và “bất ổn chính trị-xã hội” (socio-political instability). Nếu Tổng thống Arévalo cần tìm nguồn tài chính để thực hiện chương trình nghị sự chính trị, đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng và tăng cường sự ủng hộ của công chúng, ông có thể phải xét đến Trung Quốc như là một nguồn hỗ trợ tiềm năng. Điều này nếu xảy ra tất yếu sẽ dẫn đến việc Guatemala phải “điều chỉnh lại” quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Từ những trường hợp trên, có thể thấy nguy cơ các đồng minh chuyển phe từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vẫn luôn tồn tại. Những người bạn kém phát triển của Đài Loan thường cả tin và dễ bị thu hút bởi ngoại giao đô la, cùng các khoản viện trợ phát triển khổng lồ của Trung Quốc. Hơn nữa, các quốc gia này thiếu phương tiện cần thiết để duy trì quyền tự chủ chiến lược và khoản tài trợ cho các dự án kinh tế. Chính điều đó khiến trong tám năm cầm quyền của cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), hòn đảo này đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc giành mất mười đồng minh ngoại giao của mình, mà trong đó phần lớn là do sức hút từ ngoại giao đô la và viện trợ tài chính khổng lồ của Bắc Kinh. Những lo ngại này cho đến nay vẫn bất biến, vì Trung Quốc vẫn đang kiên trì với những gì đã làm trong thời gian qua. 

Tệ hơn nữa, chính trị nội bộ của các đồng minh Đài Loan thường có ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Dưới thời các chính phủ cánh tả, Costa Rica, El Salvador, Nicaragua, Panama và Honduras đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Lý do có thể giải thích là vì chính trị gia cánh tả thường tập trung vào phát triển kinh tế và các chính sách phúc lợi xã hội. Những chương trình như vậy không thể thực hiện được nếu thiếu nguồn tài trợ lớn - một khía cạnh mà Trung Quốc có lợi thế hơn Đài Loan. Hơn nữa, không giống như các chính trị gia cánh hữu, các nhà lãnh đạo cánh tả ít quan tâm đến các vấn đề ý thức hệ, như dân chủ và tâm lý bài cộng sản, vốn là sợi dây từng gắn kết các quốc gia Mỹ Latinh với Mỹ và Đài Loan.

Trong số các đồng minh còn lại của Đài Loan, Belize, Guatemala, Saint Kitts and Nevis, Saint Lucia, và Saint Vincent and Grenadines hiện đang được lãnh đạo bởi các chính quyền cánh tả. Chuyến công du ngoại giao vừa qua của ông Lâm đến tất cả năm quốc gia trên, cho thấy Đài Loan nhận thức rõ về những bất ổn nội bộ ở các nước này, và đang thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn chặn nguy cơ các chính phủ thiên tả chuyển quan hệ ngoại giao sang Trung Quốc, tương tự như những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của bà Thái Anh Văn.

Để giữ chân các đồng minh, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) đang đặt cược vào các dự án công nghệ tiên tiến, vì Đài Loan có kiến thức, nguồn lực và chuyên môn thực tế trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khác cần phải được xem xét. Hầu hết các cựu đồng minh của Đài Loan đều phải vật lộn với những khó khăn như tình trạng kinh tế yếu kém và nợ nần chồng chất, do đó cần viện trợ tài chính của Trung Quốc để phục hồi. Tương tự, các đồng minh còn lại của Đài Loan phần lớn có mức tổng sản phẩm quốc nội thấp và tăng trưởng kinh tế kém. Đối với các quốc gia này, cân nhắc chiến lược quan trọng nhất dường như là hỗ trợ tài chính (thay vì các dự án công nghệ tiên tiến). Vì thế, Bắc Kinh vẫn đang giành được lợi thế so với Đài Bắc thông qua các khoản đầu tư khổng lồ và thậm chí đã “đề nghị hối lộ” cho các nhà lãnh đạo chính trị sẵn sàng cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.

Hơn nữa, chính quyền Lại Thanh Đức vẫn kiên định trong cách tiếp cận ngoại giao: không tham gia cuộc đua tiền bạc với Trung Quốc để giành đồng minh. Mặc dù cách tiếp cận này đáng khen và hợp lý (với thực lực của Đài Loan), nhưng không phải là sáng kiến mới. Chính bà Thái Anh Văn - người tin tưởng vào tình bạn chân thành và tôn trọng quan hệ với đồng minh và đối tác - trước đây đã từng từ chối ý tưởng tham gia vào “ngoại giao đô la vô nghĩa với Trung Quốc” (a meaningless dollar diplomacy with China). 

Dù thế nào đi nữa, đích đến của Đài Loan vẫn là nỗ lực giữ chân đồng minh ngoại giao, vì quan hệ chính thức với các quốc gia này “mang lại tính chính danh cho tuyên bố về quyền quốc gia của Đài Loan” (lend legitimacy to Taiwan’s claim to statehood), từ đó phản bác quan điểm cho rằng Đài Loan là một quốc gia bị cô lập. Xét ở góc độ thực dụng, các đồng minh ngoại giao cũng rất quan trọng vì họ có thể lên tiếng ủng hộ Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, và giúp Đài Loan cập nhật các vấn đề quan trọng được thảo luận tại Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi mà hòn đào này đã bị loại trừ sau khi Tưởng Giới Thạch rút khỏi LHQ năm 1971. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, ông Lâm đã tuyên bố rõ ràng rằng trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực lôi kéo, các đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược đối với quyền quốc gia, và vị thế quốc tế của hòn đảo này. 

Tóm lại, cuộc chiến ngoại giao để duy trì các đồng minh đang trở nên gay gắt hơn, tuy nhiên có ít bằng chứng cho thấy chính quyền Lại Thanh Đức có thể tìm ra giải pháp ngăn cản hiệu quả nguy cơ các bạn bè của Đài Loan khuất phục trước sức hấp dẫn tài chính của Trung Quốc. Do đó, các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải tích cực nghiên cứu nhu cầu cụ thể của từng đối tác và cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực thiết thực như tài trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực và chuỗi cung ứng. 

Đài Loan cũng nên tiếp tục xây dựng quan hệ với cả các nước không phải đồng minh chính thức, và các đối tác có cùng chí hướng như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, cũng như các nước thuộc Chính sách Hướng Nam Mới (New Southbound Policy), vì sự ủng hộ và cam kết ngày càng tăng của các bên này với Đài Loan có thể giúp thu hẹp sự sụt giảm công nhận ngoại giao mà hòn đảo này phải chịu đựng.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “Taiwan’s Struggle to Retain Diplomatic Allies”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Vào giữa tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Gia Long (Lin Chia-lung) đã công bố một kế hoạch mang tên “mô hình và kinh nghiệm” (model and experience), với mục tiêu không để số ít đồng minh ngoại giao còn lại (những nước có quan hệ chính thức với Đài Bắc) rời đi. Ý tưởng này nhấn mạnh việc tận dụng sức mạnh công nghệ của Đài Loan để hỗ trợ các đối tác và chú trọng vào nhu cầu của những nước này. 

Để chứng minh mình “không hứa suông”, ông Lâm đã có chuyến công du chính thức đầu tiên từ ngày 23/10 - 2/11 tới các đồng minh ở vùng Caribe và Mỹ Latinh, bao gồm Guatemala, Saint Vincent and Grenadines, Saint Lucia, Belize, và Saint Kitts and Nevis. Chuyến đi nhằm đánh giá tiến độ các dự án hợp tác hiện tại, và củng cố tình hữu nghị thông qua các cuộc đàm phán cấp cao.

Tuy nhiên, các sáng kiến và nỗ lực thăm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan vẫn khó có thể giúp hòn đảo này giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, quốc gia cũng đang tìm cách lôi kéo các nước có quan hệ chính thức với Đài Bắc nhằm thuyết phục họ chuyển phe. Để tăng thêm sức ép, Trung Quốc đe dọa sử dụng biện pháp mạnh để trả đũa các chính trị gia, cũng như quốc gia nào còn ủng hộ nền dân chủ tự trị này. 

Gần đây, Paraguay (một trong những quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh) đang nổi lên như một trường hợp có nguy cơ cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. Với Asunción, xuất khẩu nông sản (đặc biệt là đậu nành và thịt bò) là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, không giống như Uruguay và Brazil - hai cường quốc sản xuất thịt bò trong khu vực, Paraguay đã bị cấm xuất khẩu thịt bò sang Mỹ kể từ năm 1997. Tương tự, Trung Quốc hiện cũng áp đặt lệnh cấm vận trên thực tế đối với Paraguay, từ chối nhập khẩu trực tiếp ngũ cốc từ nước này, và cũng không tham gia vào các thỏa thuận thương mại với Asunción.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu nông sản của Đài Loan từ Paraguay là không lớn, chỉ chiếm 2,2% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2022. Thêm vào đó, cứ năm năm một lần, Đài Bắc viện trợ trung bình 150 triệu USD cho Paraguay để tài trợ cho các dự án trong những lĩnh vực thiết yếu như y tế cộng đồng, nông nghiệp và giáo dục. Tuy nhiên, số tiền viện trợ này rất nhỏ nếu so với nền kinh tế 43 tỷ USD của Paraguay.

Do đó, quốc gia Nam Mỹ này đang có xu hướng xích lại gần Bắc Kinh để tìm kiếm thêm các lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, vào tháng 7/2023, Tổng thống Paraguay Santiago Peña đã bày tỏ mong muốn “mở rộng hơn thương mại với Trung Quốc” (do more trade with China). Một năm sau, ông Peña một lần nữa nhắc lại ý định trên, bất chấp những cảnh báo của Đài Loan về xu hướng áp dụng các biện pháp bán phá giá không công bằng của Bắc Kinh ở các quốc gia khác. Lời cảnh báo của Đài Bắc cho thấy nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc của Paraguay có thể khiến hòn đảo này lo lắng về triển vọng tương lai của mối quan hệ song phương cùng Asunción.

Để trấn an những lo ngại của Đài Bắc, Đại sứ Paraguay tại Đài Loan Carlos José Fleitas Rodríguez gần đây đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai đồng minh vẫn “vững chắc như đá” (rock-solid). Tuy nhiên, với căng thẳng ngày càng gia tăng tại eo biển Đài Loan, cùng sức hấp dẫn từ các khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc đang cung cấp cho các nước láng giềng của Paraguay, không chắc liệu lòng trung thành của quốc gia Nam Mỹ này với Đài Loan có thể kéo dài bao lâu.    

Hồi tháng 2, Guatemala, một đồng minh khác và là quốc gia đông dân nhất vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, cũng gây lo lắng cho Đài Bắc khi bày tỏ mong muốn tìm kiếm khả năng thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala Carlos Ramiro Martínez sau đó đã thông báo với Đài Loan rằng quan hệ chính thức giữa hai nước sẽ tiếp tục được đảm bảo. Thêm vào đó, ông Martínez cũng dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan vào tháng 5 để khẳng định “tình hữu nghị sâu sắc” (deep friendship), và thể hiện quan điểm ủng hộ đối với các hoạt động trên trường quốc tế của hòn đảo này.

Mặc dù nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua, song Guatemala vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Bắc, trong đó nổi bật là ủng hộ động thái khiếu nại về thương mại của Đài Loan chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2009, và nỗ lực gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020. Đối với giới tinh hoa Guatemala, ủng hộ Đài Loan là yếu tố then chốt để duy trì quan hệ thuận lợi với Mỹ - đối tác thương mại, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này. Trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Joe Biden, Đài Loan đã tích cực tham gia các nỗ lực vận động hành lang nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Washington và Guatemala City. 

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này không phải là bất di bất dịch. Dù cho Tổng thống Guatemala Bernardo Arévalo đã giành chiến thắng vang dội năm ngoái, Quốc hội Guatemala vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các đảng đối lập, gây ra “tình trạng bế tắc chính trị kéo dài” (repeated political deadlock) và “bất ổn chính trị-xã hội” (socio-political instability). Nếu Tổng thống Arévalo cần tìm nguồn tài chính để thực hiện chương trình nghị sự chính trị, đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng và tăng cường sự ủng hộ của công chúng, ông có thể phải xét đến Trung Quốc như là một nguồn hỗ trợ tiềm năng. Điều này nếu xảy ra tất yếu sẽ dẫn đến việc Guatemala phải “điều chỉnh lại” quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Từ những trường hợp trên, có thể thấy nguy cơ các đồng minh chuyển phe từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vẫn luôn tồn tại. Những người bạn kém phát triển của Đài Loan thường cả tin và dễ bị thu hút bởi ngoại giao đô la, cùng các khoản viện trợ phát triển khổng lồ của Trung Quốc. Hơn nữa, các quốc gia này thiếu phương tiện cần thiết để duy trì quyền tự chủ chiến lược và khoản tài trợ cho các dự án kinh tế. Chính điều đó khiến trong tám năm cầm quyền của cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), hòn đảo này đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc giành mất mười đồng minh ngoại giao của mình, mà trong đó phần lớn là do sức hút từ ngoại giao đô la và viện trợ tài chính khổng lồ của Bắc Kinh. Những lo ngại này cho đến nay vẫn bất biến, vì Trung Quốc vẫn đang kiên trì với những gì đã làm trong thời gian qua. 

Tệ hơn nữa, chính trị nội bộ của các đồng minh Đài Loan thường có ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Dưới thời các chính phủ cánh tả, Costa Rica, El Salvador, Nicaragua, Panama và Honduras đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Lý do có thể giải thích là vì chính trị gia cánh tả thường tập trung vào phát triển kinh tế và các chính sách phúc lợi xã hội. Những chương trình như vậy không thể thực hiện được nếu thiếu nguồn tài trợ lớn - một khía cạnh mà Trung Quốc có lợi thế hơn Đài Loan. Hơn nữa, không giống như các chính trị gia cánh hữu, các nhà lãnh đạo cánh tả ít quan tâm đến các vấn đề ý thức hệ, như dân chủ và tâm lý bài cộng sản, vốn là sợi dây từng gắn kết các quốc gia Mỹ Latinh với Mỹ và Đài Loan.

Trong số các đồng minh còn lại của Đài Loan, Belize, Guatemala, Saint Kitts and Nevis, Saint Lucia, và Saint Vincent and Grenadines hiện đang được lãnh đạo bởi các chính quyền cánh tả. Chuyến công du ngoại giao vừa qua của ông Lâm đến tất cả năm quốc gia trên, cho thấy Đài Loan nhận thức rõ về những bất ổn nội bộ ở các nước này, và đang thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn chặn nguy cơ các chính phủ thiên tả chuyển quan hệ ngoại giao sang Trung Quốc, tương tự như những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của bà Thái Anh Văn.

Để giữ chân các đồng minh, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) đang đặt cược vào các dự án công nghệ tiên tiến, vì Đài Loan có kiến thức, nguồn lực và chuyên môn thực tế trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khác cần phải được xem xét. Hầu hết các cựu đồng minh của Đài Loan đều phải vật lộn với những khó khăn như tình trạng kinh tế yếu kém và nợ nần chồng chất, do đó cần viện trợ tài chính của Trung Quốc để phục hồi. Tương tự, các đồng minh còn lại của Đài Loan phần lớn có mức tổng sản phẩm quốc nội thấp và tăng trưởng kinh tế kém. Đối với các quốc gia này, cân nhắc chiến lược quan trọng nhất dường như là hỗ trợ tài chính (thay vì các dự án công nghệ tiên tiến). Vì thế, Bắc Kinh vẫn đang giành được lợi thế so với Đài Bắc thông qua các khoản đầu tư khổng lồ và thậm chí đã “đề nghị hối lộ” cho các nhà lãnh đạo chính trị sẵn sàng cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.

Hơn nữa, chính quyền Lại Thanh Đức vẫn kiên định trong cách tiếp cận ngoại giao: không tham gia cuộc đua tiền bạc với Trung Quốc để giành đồng minh. Mặc dù cách tiếp cận này đáng khen và hợp lý (với thực lực của Đài Loan), nhưng không phải là sáng kiến mới. Chính bà Thái Anh Văn - người tin tưởng vào tình bạn chân thành và tôn trọng quan hệ với đồng minh và đối tác - trước đây đã từng từ chối ý tưởng tham gia vào “ngoại giao đô la vô nghĩa với Trung Quốc” (a meaningless dollar diplomacy with China). 

Dù thế nào đi nữa, đích đến của Đài Loan vẫn là nỗ lực giữ chân đồng minh ngoại giao, vì quan hệ chính thức với các quốc gia này “mang lại tính chính danh cho tuyên bố về quyền quốc gia của Đài Loan” (lend legitimacy to Taiwan’s claim to statehood), từ đó phản bác quan điểm cho rằng Đài Loan là một quốc gia bị cô lập. Xét ở góc độ thực dụng, các đồng minh ngoại giao cũng rất quan trọng vì họ có thể lên tiếng ủng hộ Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, và giúp Đài Loan cập nhật các vấn đề quan trọng được thảo luận tại Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi mà hòn đào này đã bị loại trừ sau khi Tưởng Giới Thạch rút khỏi LHQ năm 1971. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, ông Lâm đã tuyên bố rõ ràng rằng trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực lôi kéo, các đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược đối với quyền quốc gia, và vị thế quốc tế của hòn đảo này. 

Tóm lại, cuộc chiến ngoại giao để duy trì các đồng minh đang trở nên gay gắt hơn, tuy nhiên có ít bằng chứng cho thấy chính quyền Lại Thanh Đức có thể tìm ra giải pháp ngăn cản hiệu quả nguy cơ các bạn bè của Đài Loan khuất phục trước sức hấp dẫn tài chính của Trung Quốc. Do đó, các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải tích cực nghiên cứu nhu cầu cụ thể của từng đối tác và cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực thiết thực như tài trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực và chuỗi cung ứng. 

Đài Loan cũng nên tiếp tục xây dựng quan hệ với cả các nước không phải đồng minh chính thức, và các đối tác có cùng chí hướng như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, cũng như các nước thuộc Chính sách Hướng Nam Mới (New Southbound Policy), vì sự ủng hộ và cam kết ngày càng tăng của các bên này với Đài Loan có thể giúp thu hẹp sự sụt giảm công nhận ngoại giao mà hòn đảo này phải chịu đựng.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “Taiwan’s Struggle to Retain Diplomatic Allies”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Từ khoá: Đài Loan đồng minh ngoại giao Trung Quốc Đông Bắc Á

BÀI LIÊN QUAN