45 ngày Tổng thống Donald Trump khuynh đảo châu Âu

Chính quyền Trump đẩy gánh nặng Ukraine sang châu Âu, mở kênh đối thoại với Moscow, và gây áp lực buộc Kiev phải chấp nhận luật chơi của Mỹ.

Trương Tuấn Kiệt 05/03/2025
Image
Tổng thống Donald Trump và Volodymyr Zelensky tranh cãi gay gắt khi gặp nhau vào ngày 28/2/2025 tại thủ đô Washington (Mỹ) - (C): Saul Loeb/AFP

Tấn công EU để thoát trách nhiệm

Kể từ những năm 1950, Mỹ đóng vai trò bảo vệ an ninh cho châu Âu nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa độc tài ở châu lục này và bảo vệ lục địa chống lại Liên Xô (sau này là Nga). Tuy vậy, Tổng thống Trump nhìn nhận quan hệ giữa Mỹ và châu Âu hoàn toàn khác. Ông cho rằng châu Âu đang lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ. 

Trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ 2.0, chính quyền Trump có nhiều động thái đáng chú ý. Để gây áp lực lên Liên hiệp châu Âu (EU), chính quyền mới của Mỹ trước hết đã sử dụng biện pháp phớt lờ ngoại giao. Trong 15 cuộc điện đàm đầu tiên của Ngoại trưởng Marco Rubio, chỉ có Ba Lan nằm trong danh sách của Mỹ, và nước này cũng không nằm trong số 10 cuộc gọi đầu tiên. Mặc dù có mối quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ, Anh đã bị Mỹ phớt lờ. Điều tương tự cũng xảy ra với Pháp và Đức.

Hành động phớt lờ châu Âu gợi nhớ lại thời điểm cuộc chiến Iraq năm 2003, khi Mỹ thúc đẩy chiến dịch quân sự mà không có sự đồng thuận từ các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, dẫn đến một sự rạn nứt lớn trong quan hệ giữa các bên. Tình trạng căng thẳng giữa Washington và lục địa già ở thời điểm hiện tại còn nghiêm trọng hơn vì cả hai không chung tầm nhìn trong vấn đề chiến sự ở Ukraine. Mỹ tin rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine không còn là ưu tiên, trong khi châu Âu coi đây là vấn đề quan trọng đối với an ninh khu vực. Tổng thống Trump đang muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine càng sớm càng tốt, mà không quan tâm đến những hậu quả có thể gây ra cho châu Âu nói chung và Ukraine nói riêng. 

Một ví dụ cụ thể là vào ngày 12/2, tại cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Ramstein) do phía Anh chủ trì, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nhấn mạnh rằng mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà quân đội Nga đang kiểm soát là không thực tế. Ông Pete Hegseth cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kết thúc xung đột bằng biện pháp ngoại giao, cụ thể là đưa cả Nga và Ukraine vào bàn đàm phán. Quan điểm của ông Hegseth rõ ràng đối lập với những gì Kiev theo đuổi khi quốc gia châu Âu khẳng định tầm quan trọng của việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất, dù bằng con đường quân sự hay ngoại giao, dựa trên biên giới quốc tế được công nhận vào năm 1991.

Chính phủ Ukraine luôn mong đợi sự đảm bảo an ninh từ phương Tây, lý tưởng nhất là dưới tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự bảo vệ của Điều 5 (Article 5) Hiệp ước NATO về “phòng thủ tập thể”. Tuy nhiên, ông Hegseth đã bác bỏ và không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả phù hợp cho giải pháp đàm phán. Quan trọng nhất, Washington nhấn mạnh không tham gia vào công cuộc bảo đảm an ninh cho Kiev trong giai đoạn hậu thỏa thuận hòa bình.  

Một cách thẳng thắn, Mỹ đang muốn châu Âu phải nhận lấy “trái bóng trách nhiệm” – đó là tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Trump đã không giấu giếm ý đồ đó khi phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên diễn ra vào ngày 26/2: “Chúng ta sẽ để châu Âu thực hiện điều đó [cung cấp đảm bảo an ninh cho châu Âu]”. Trong bối cảnh đó, châu Âu phải mở rộng năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng, tức chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực này. 

Đây chính là điều mà Mỹ mong đợi. Khi các quốc gia châu Âu chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, họ sẽ chia sẻ chi phí hoạt động trong NATO, từ đó giảm trách nhiệm của Washington trong việc cáng đáng gánh nặng đảm bảo an ninh cho lục địa già. Đồng thời, việc Washington gây sức ép buộc đồng minh phải mua vũ khí nhiều hơn sẽ làm giàu cho các công ty quốc phòng của Mỹ - vốn  là những nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu. 

Ngày 15/2, Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, đã “dội gáo nước lạnh” tiếp theo khi khẳng định châu Âu sẽ không được tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Washington, Moscow, và Kiev. Chính quyền Trump cho rằng lý do khiến những cuộc đàm phán hòa bình trước đây giữa Ukraine và Nga thất bại là do có quá nhiều quốc gia can dự, và điều này đã không mang lại bước đột phá cho tình thế bế tắc. Việc loại châu Âu khỏi bàn đàm phán rõ ràng là một đòn đau khác đối với khu vực, bởi các quốc gia châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra trên chính khu vực của họ. 

Làm hòa với Nga để tìm cách chấm dứt chiến tranh

Trong lúc chính quyền Trump gây sức ép để rồi thẳng thắn “loại bỏ” châu Âu, Washington cũng triển khai mũi tiến công thứ hai trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh: đẩy mạnh tương tác với Moscow. Ngày 12/2, Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm trong 1,5 giờ và thảo luận về vấn đề đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột Ukraine. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt bởi Nga đã bị Mỹ và phương Tây cô lập trong gần ba năm qua, nhưng giờ đây, ông Trump phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng chào đón Tổng thống Putin trở lại bàn ngoại giao quốc tế, thậm chí hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị.  

Ba ngày sau, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov điện đàm theo đề xuất từ phía Mỹ. Hai bên đã nhất trí tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương thường xuyên, bao gồm cả các hoạt động gặp mặt để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ trong tương lai, đồng thời thiết lập một kênh liên lạc nhằm giải quyết các vấn đề lâu dài trong quan hệ song phương. 

Ngày 19/2, ngoại trưởng hai nước gặp mặt trực tiếp tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) và có cuộc thảo luận kéo dài bốn giờ. Sự kiện này tiếp tục đặt nền tảng để quan hệ Nga - Mỹ dần đi vào ổn định sau giai đoạn cực kỳ căng thẳng trong ba năm qua. Hai bên cũng thống nhất sẽ bổ nhiệm các đại sứ mới để quay lại công việc ngoại giao ở Moscow và Washington, xem đây là một kênh cần thiết để hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Ngoài ra, các nhóm công tác cấp cao cũng sẽ được thành lập để bắt đầu tìm cách đàm phán chấm dứt xung đột.  

Ép Ukraine để Kiev chơi theo luật của Mỹ 

Mũi tiếp cận còn lại là tấn công ngoại giao với tần suất cao để ép Ukraine phải đi theo quỹ đạo mà Mỹ mong muốn. Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã quyết định ngừng hầu hết viện trợ nước ngoài mới của Mỹ trong vòng 90 ngày. Ukraine là một trong các nạn nhân. Sức ép bắt đầu tăng mạnh kể từ nửa sau tháng 2 khi lãnh đạo Nhà Trắng liên tiếp tấn công Ukraine bằng các phát ngôn, chẳng hạn như Kiev “lẽ ra không nên bắt đầu cuộc chiến” (should have never started it), tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine giảm xuống chỉ còn khoảng 4%, hay Zelensky là “nhà độc tài” (dictator) vì không chịu tổ chức bầu cử dù đã quá hạn nhiệm kỳ. 

Trong lúc đó, Mỹ bắt đầu “dòm ngó” đến khoáng sản của Ukraine, xem đây là hình thức “trả phí” cho việc Washington viện trợ Kiev trong cuộc chiến. Ukraine không có trữ lượng khoáng sản đất hiếm đáng kể trên toàn cầu, nhưng nước này có một số mỏ than chì, lithium, titan, berili và uranium lớn nhất thế giới - tất cả chúng đều được Mỹ phân loại là khoáng sản quan trọng. Tình hình có vẻ êm xuôi khi vào ngày 26/2, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết hai nước đã hoàn tất bản cuối của dự thảo thỏa thuận khoáng sản. 

Theo thỏa thuận dự kiến, Mỹ và Ukraine sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung, trong đó Kiev sẽ đóng góp 50% tổng doanh thu kiếm được trong tương lai từ các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu của chính phủ nước này. Về lý thuyết, quỹ này sẽ đầu tư vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế tại Ukraine sau chiến tranh. Tuy vậy, các chi tiết liên quan đến vấn đề quyền sở hữu, kiểm soát quỹ đầu tư, hay chia chác lợi nhuận không được công khai. 

Song, điều quan trọng là Trump vẫn kiên quyết với quan điểm rằng thỏa thuận là cách để Ukraine trả lại những gì Mỹ đã tài trợ, và Washington sẽ không cam kết đảm bảo an ninh. Có thể cũng chính vì lý do này mà cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky tại Washington vào ngày 28/2 với dự định ban đầu là ký kết thỏa thuận khoáng sản, đã trở thành một cuộc tranh cãi gay gắt, nơi Mỹ liên tục yêu cầu Ukraine “biết ơn” (grateful) và ám chỉ quốc gia châu Âu này không còn “quân bài” nào để thương lượng ngoài việc nghe lời. Để trả đũa thái độ chống đối của ông Zelensky, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố Washington không còn xem xét ký thỏa thuận khoáng sản với Kiev. Chính quyền Trump cũng tạm dừng mọi chuyến hàng viện trợ quân sự (gồm radar, xe cộ, đạn dược, tên lửa) cho Ukraine. 

Mỹ thực dụng đến lạnh lùng, còn châu Âu, Ukraine và Nga?

Chỉ với một tháng rưỡi, ông Trump đã khiến châu Âu “đứng ngồi không yên” với hàng loạt bước đi nhắm vào cả ba chủ thể chính tại khu vực: các quốc gia EU, Ukraine, và Nga. Trump đang làm mọi cách để buộc EU phải chịu trách nhiệm chính cho việc hỗ trợ Ukraine, cả trong cuộc chiến hiện nay lẫn quá trình tái thiết sau này. Đồng thời, ông Trump muốn tìm thêm lợi ích kinh tế tại Ukraine, song đang vấp phải sự kháng cự mạnh từ chính quyền Zelensky. 

Để tiếp tục vận hành cỗ máy chiến tranh trong bối cảnh Mỹ quay lưng, Ukraine đã đạt thỏa thuận khoáng sản với Anh, trong đó Kiev cho phép London được tham gia khai thác lên đến 100 năm, để đổi lại khoản viện trợ quân sự khoảng 2 tỷ USD (chủ yếu dùng để mua 5.000 tên lửa phòng không).   

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp cận với Nga nhằm tìm ra các giải pháp thỏa hiệp để Moscow chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh đồng thời gây sức ép lớn hơn lên Ukraine và EU. Các động thái mang tính tấn công này của chính quyền Trump khiến Ukraine và EU hoặc phải “nghe lời”, hoặc phải chấp nhận tình cảnh Nga và Mỹ cùng điều khiển bàn cờ châu Âu. 

Suy cho cùng, chính quyền Trump đang triển khai chính sách đối ngoại thực dụng đến lạnh lùng, không cần quan tâm đó có phải là đồng minh hay không, mà chỉ quan tâm đến lợi ích mà Washington có thể nhận được.     

Trong những tháng tới, cách tiếp cận “lạnh lùng” và đầy tính “giao dịch” của Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ tiếp tục. Châu Âu vẫn sẽ bị gây sức ép, và khu vực này cũng bắt đầu tìm hướng đi riêng cho mình, chẳng hạn đang xây dựng một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt giao tranh do Anh và Pháp khởi xướng, đồng thời kêu gọi thành lập một “liên minh tự nguyện” (coalition of the willing) để hỗ trợ khu vực và Ukraine. Ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch “Tái Vũ trang châu Âu” (ReArm Europe) nhằm huy động hơn 840 tỷ USD để tăng năng lực quốc phòng và hỗ trợ Ukraine.

Những động thái “tự lực” của châu Âu cho thấy các nhà lãnh đạo ở khu vực này - sau một thời gian dài “dựa dẫm” vào Mỹ - cuối cùng cũng chấp nhận thực tế rằng họ phải chủ động hơn trong vấn đề đảm bảo an ninh và nâng cao năng lực quốc phòng. Đây là xu hướng tất yếu. Dù sự chuyển đổi đến tương đối muộn màng nhưng vẫn cần thiết. 

Một châu Âu mạnh mẽ hơn về quốc phòng không chỉ tạo ra tiếng nói độc lập hơn trong các vấn đề quốc tế, mà quan trọng hơn, đó còn là một tín hiệu cho thấy khu vực đang sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh trọng yếu, đặc biệt là với Ukraine. 

Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu châu Âu có thể biến những ý tưởng trên thành hành động thực tế với sự kiên định hay vẫn bị cản trở bởi những khác biệt nội bộ và sự phụ thuộc dai dẳng vào Mỹ.  

Sau những căng thẳng vừa qua, vết thương trong quan hệ Mỹ - Ukraine cần thời gian để lành lại. Và trong ngắn hạn, ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách trả đũa bằng việc gia tăng áp lực với ông Zelensky. Việc Washington tạm dừng viện trợ quân sự cho Kiev là một ví dụ. 

Ngày 4/3 (giờ Washington), các quan chức Ukraine đã “đánh tiếng” với Mỹ rằng họ sẵn sàng ký một thỏa thuận khoáng sản với Washington. Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau những tranh cãi trong cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky và Phó Tổng thống JD Vance. Tuy nhiên, thoả thuận vẫn chưa được “chốt hạ”, và nhiều khả năng Ukraine sẽ phải nhượng bộ để đổi lấy nguồn viện trợ từ Mỹ.

Còn với Nga, triển vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Vladimir Putin đang sáng sủa hơn bao giờ hết, dù các bên chưa ấn định thời gian và địa điểm tổ chức. Các hoạt động tương tác với Nga vẫn sẽ là đòn bẩy quan trọng để Trump theo đuổi tham vọng chấm dứt chiến tranh cũng như mặc cả với châu Âu nhằm đổi lại các lợi ích kinh tế.

Tấn công EU để thoát trách nhiệm

Kể từ những năm 1950, Mỹ đóng vai trò bảo vệ an ninh cho châu Âu nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa độc tài ở châu lục này và bảo vệ lục địa chống lại Liên Xô (sau này là Nga). Tuy vậy, Tổng thống Trump nhìn nhận quan hệ giữa Mỹ và châu Âu hoàn toàn khác. Ông cho rằng châu Âu đang lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ. 

Trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ 2.0, chính quyền Trump có nhiều động thái đáng chú ý. Để gây áp lực lên Liên hiệp châu Âu (EU), chính quyền mới của Mỹ trước hết đã sử dụng biện pháp phớt lờ ngoại giao. Trong 15 cuộc điện đàm đầu tiên của Ngoại trưởng Marco Rubio, chỉ có Ba Lan nằm trong danh sách của Mỹ, và nước này cũng không nằm trong số 10 cuộc gọi đầu tiên. Mặc dù có mối quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ, Anh đã bị Mỹ phớt lờ. Điều tương tự cũng xảy ra với Pháp và Đức.

Hành động phớt lờ châu Âu gợi nhớ lại thời điểm cuộc chiến Iraq năm 2003, khi Mỹ thúc đẩy chiến dịch quân sự mà không có sự đồng thuận từ các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, dẫn đến một sự rạn nứt lớn trong quan hệ giữa các bên. Tình trạng căng thẳng giữa Washington và lục địa già ở thời điểm hiện tại còn nghiêm trọng hơn vì cả hai không chung tầm nhìn trong vấn đề chiến sự ở Ukraine. Mỹ tin rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine không còn là ưu tiên, trong khi châu Âu coi đây là vấn đề quan trọng đối với an ninh khu vực. Tổng thống Trump đang muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine càng sớm càng tốt, mà không quan tâm đến những hậu quả có thể gây ra cho châu Âu nói chung và Ukraine nói riêng. 

Một ví dụ cụ thể là vào ngày 12/2, tại cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Ramstein) do phía Anh chủ trì, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nhấn mạnh rằng mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà quân đội Nga đang kiểm soát là không thực tế. Ông Pete Hegseth cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kết thúc xung đột bằng biện pháp ngoại giao, cụ thể là đưa cả Nga và Ukraine vào bàn đàm phán. Quan điểm của ông Hegseth rõ ràng đối lập với những gì Kiev theo đuổi khi quốc gia châu Âu khẳng định tầm quan trọng của việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất, dù bằng con đường quân sự hay ngoại giao, dựa trên biên giới quốc tế được công nhận vào năm 1991.

Chính phủ Ukraine luôn mong đợi sự đảm bảo an ninh từ phương Tây, lý tưởng nhất là dưới tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự bảo vệ của Điều 5 (Article 5) Hiệp ước NATO về “phòng thủ tập thể”. Tuy nhiên, ông Hegseth đã bác bỏ và không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả phù hợp cho giải pháp đàm phán. Quan trọng nhất, Washington nhấn mạnh không tham gia vào công cuộc bảo đảm an ninh cho Kiev trong giai đoạn hậu thỏa thuận hòa bình.  

Một cách thẳng thắn, Mỹ đang muốn châu Âu phải nhận lấy “trái bóng trách nhiệm” – đó là tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Trump đã không giấu giếm ý đồ đó khi phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên diễn ra vào ngày 26/2: “Chúng ta sẽ để châu Âu thực hiện điều đó [cung cấp đảm bảo an ninh cho châu Âu]”. Trong bối cảnh đó, châu Âu phải mở rộng năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng, tức chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực này. 

Đây chính là điều mà Mỹ mong đợi. Khi các quốc gia châu Âu chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, họ sẽ chia sẻ chi phí hoạt động trong NATO, từ đó giảm trách nhiệm của Washington trong việc cáng đáng gánh nặng đảm bảo an ninh cho lục địa già. Đồng thời, việc Washington gây sức ép buộc đồng minh phải mua vũ khí nhiều hơn sẽ làm giàu cho các công ty quốc phòng của Mỹ - vốn  là những nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu. 

Ngày 15/2, Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, đã “dội gáo nước lạnh” tiếp theo khi khẳng định châu Âu sẽ không được tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Washington, Moscow, và Kiev. Chính quyền Trump cho rằng lý do khiến những cuộc đàm phán hòa bình trước đây giữa Ukraine và Nga thất bại là do có quá nhiều quốc gia can dự, và điều này đã không mang lại bước đột phá cho tình thế bế tắc. Việc loại châu Âu khỏi bàn đàm phán rõ ràng là một đòn đau khác đối với khu vực, bởi các quốc gia châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra trên chính khu vực của họ. 

Làm hòa với Nga để tìm cách chấm dứt chiến tranh

Trong lúc chính quyền Trump gây sức ép để rồi thẳng thắn “loại bỏ” châu Âu, Washington cũng triển khai mũi tiến công thứ hai trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh: đẩy mạnh tương tác với Moscow. Ngày 12/2, Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm trong 1,5 giờ và thảo luận về vấn đề đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột Ukraine. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt bởi Nga đã bị Mỹ và phương Tây cô lập trong gần ba năm qua, nhưng giờ đây, ông Trump phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng chào đón Tổng thống Putin trở lại bàn ngoại giao quốc tế, thậm chí hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị.  

Ba ngày sau, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov điện đàm theo đề xuất từ phía Mỹ. Hai bên đã nhất trí tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương thường xuyên, bao gồm cả các hoạt động gặp mặt để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ trong tương lai, đồng thời thiết lập một kênh liên lạc nhằm giải quyết các vấn đề lâu dài trong quan hệ song phương. 

Ngày 19/2, ngoại trưởng hai nước gặp mặt trực tiếp tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) và có cuộc thảo luận kéo dài bốn giờ. Sự kiện này tiếp tục đặt nền tảng để quan hệ Nga - Mỹ dần đi vào ổn định sau giai đoạn cực kỳ căng thẳng trong ba năm qua. Hai bên cũng thống nhất sẽ bổ nhiệm các đại sứ mới để quay lại công việc ngoại giao ở Moscow và Washington, xem đây là một kênh cần thiết để hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Ngoài ra, các nhóm công tác cấp cao cũng sẽ được thành lập để bắt đầu tìm cách đàm phán chấm dứt xung đột.  

Ép Ukraine để Kiev chơi theo luật của Mỹ 

Mũi tiếp cận còn lại là tấn công ngoại giao với tần suất cao để ép Ukraine phải đi theo quỹ đạo mà Mỹ mong muốn. Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã quyết định ngừng hầu hết viện trợ nước ngoài mới của Mỹ trong vòng 90 ngày. Ukraine là một trong các nạn nhân. Sức ép bắt đầu tăng mạnh kể từ nửa sau tháng 2 khi lãnh đạo Nhà Trắng liên tiếp tấn công Ukraine bằng các phát ngôn, chẳng hạn như Kiev “lẽ ra không nên bắt đầu cuộc chiến” (should have never started it), tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine giảm xuống chỉ còn khoảng 4%, hay Zelensky là “nhà độc tài” (dictator) vì không chịu tổ chức bầu cử dù đã quá hạn nhiệm kỳ. 

Trong lúc đó, Mỹ bắt đầu “dòm ngó” đến khoáng sản của Ukraine, xem đây là hình thức “trả phí” cho việc Washington viện trợ Kiev trong cuộc chiến. Ukraine không có trữ lượng khoáng sản đất hiếm đáng kể trên toàn cầu, nhưng nước này có một số mỏ than chì, lithium, titan, berili và uranium lớn nhất thế giới - tất cả chúng đều được Mỹ phân loại là khoáng sản quan trọng. Tình hình có vẻ êm xuôi khi vào ngày 26/2, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết hai nước đã hoàn tất bản cuối của dự thảo thỏa thuận khoáng sản. 

Theo thỏa thuận dự kiến, Mỹ và Ukraine sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung, trong đó Kiev sẽ đóng góp 50% tổng doanh thu kiếm được trong tương lai từ các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu của chính phủ nước này. Về lý thuyết, quỹ này sẽ đầu tư vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế tại Ukraine sau chiến tranh. Tuy vậy, các chi tiết liên quan đến vấn đề quyền sở hữu, kiểm soát quỹ đầu tư, hay chia chác lợi nhuận không được công khai. 

Song, điều quan trọng là Trump vẫn kiên quyết với quan điểm rằng thỏa thuận là cách để Ukraine trả lại những gì Mỹ đã tài trợ, và Washington sẽ không cam kết đảm bảo an ninh. Có thể cũng chính vì lý do này mà cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky tại Washington vào ngày 28/2 với dự định ban đầu là ký kết thỏa thuận khoáng sản, đã trở thành một cuộc tranh cãi gay gắt, nơi Mỹ liên tục yêu cầu Ukraine “biết ơn” (grateful) và ám chỉ quốc gia châu Âu này không còn “quân bài” nào để thương lượng ngoài việc nghe lời. Để trả đũa thái độ chống đối của ông Zelensky, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố Washington không còn xem xét ký thỏa thuận khoáng sản với Kiev. Chính quyền Trump cũng tạm dừng mọi chuyến hàng viện trợ quân sự (gồm radar, xe cộ, đạn dược, tên lửa) cho Ukraine. 

Mỹ thực dụng đến lạnh lùng, còn châu Âu, Ukraine và Nga?

Chỉ với một tháng rưỡi, ông Trump đã khiến châu Âu “đứng ngồi không yên” với hàng loạt bước đi nhắm vào cả ba chủ thể chính tại khu vực: các quốc gia EU, Ukraine, và Nga. Trump đang làm mọi cách để buộc EU phải chịu trách nhiệm chính cho việc hỗ trợ Ukraine, cả trong cuộc chiến hiện nay lẫn quá trình tái thiết sau này. Đồng thời, ông Trump muốn tìm thêm lợi ích kinh tế tại Ukraine, song đang vấp phải sự kháng cự mạnh từ chính quyền Zelensky. 

Để tiếp tục vận hành cỗ máy chiến tranh trong bối cảnh Mỹ quay lưng, Ukraine đã đạt thỏa thuận khoáng sản với Anh, trong đó Kiev cho phép London được tham gia khai thác lên đến 100 năm, để đổi lại khoản viện trợ quân sự khoảng 2 tỷ USD (chủ yếu dùng để mua 5.000 tên lửa phòng không).   

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp cận với Nga nhằm tìm ra các giải pháp thỏa hiệp để Moscow chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh đồng thời gây sức ép lớn hơn lên Ukraine và EU. Các động thái mang tính tấn công này của chính quyền Trump khiến Ukraine và EU hoặc phải “nghe lời”, hoặc phải chấp nhận tình cảnh Nga và Mỹ cùng điều khiển bàn cờ châu Âu. 

Suy cho cùng, chính quyền Trump đang triển khai chính sách đối ngoại thực dụng đến lạnh lùng, không cần quan tâm đó có phải là đồng minh hay không, mà chỉ quan tâm đến lợi ích mà Washington có thể nhận được.     

Trong những tháng tới, cách tiếp cận “lạnh lùng” và đầy tính “giao dịch” của Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ tiếp tục. Châu Âu vẫn sẽ bị gây sức ép, và khu vực này cũng bắt đầu tìm hướng đi riêng cho mình, chẳng hạn đang xây dựng một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt giao tranh do Anh và Pháp khởi xướng, đồng thời kêu gọi thành lập một “liên minh tự nguyện” (coalition of the willing) để hỗ trợ khu vực và Ukraine. Ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch “Tái Vũ trang châu Âu” (ReArm Europe) nhằm huy động hơn 840 tỷ USD để tăng năng lực quốc phòng và hỗ trợ Ukraine.

Những động thái “tự lực” của châu Âu cho thấy các nhà lãnh đạo ở khu vực này - sau một thời gian dài “dựa dẫm” vào Mỹ - cuối cùng cũng chấp nhận thực tế rằng họ phải chủ động hơn trong vấn đề đảm bảo an ninh và nâng cao năng lực quốc phòng. Đây là xu hướng tất yếu. Dù sự chuyển đổi đến tương đối muộn màng nhưng vẫn cần thiết. 

Một châu Âu mạnh mẽ hơn về quốc phòng không chỉ tạo ra tiếng nói độc lập hơn trong các vấn đề quốc tế, mà quan trọng hơn, đó còn là một tín hiệu cho thấy khu vực đang sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh trọng yếu, đặc biệt là với Ukraine. 

Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu châu Âu có thể biến những ý tưởng trên thành hành động thực tế với sự kiên định hay vẫn bị cản trở bởi những khác biệt nội bộ và sự phụ thuộc dai dẳng vào Mỹ.  

Sau những căng thẳng vừa qua, vết thương trong quan hệ Mỹ - Ukraine cần thời gian để lành lại. Và trong ngắn hạn, ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách trả đũa bằng việc gia tăng áp lực với ông Zelensky. Việc Washington tạm dừng viện trợ quân sự cho Kiev là một ví dụ. 

Ngày 4/3 (giờ Washington), các quan chức Ukraine đã “đánh tiếng” với Mỹ rằng họ sẵn sàng ký một thỏa thuận khoáng sản với Washington. Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau những tranh cãi trong cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky và Phó Tổng thống JD Vance. Tuy nhiên, thoả thuận vẫn chưa được “chốt hạ”, và nhiều khả năng Ukraine sẽ phải nhượng bộ để đổi lấy nguồn viện trợ từ Mỹ.

Còn với Nga, triển vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Vladimir Putin đang sáng sủa hơn bao giờ hết, dù các bên chưa ấn định thời gian và địa điểm tổ chức. Các hoạt động tương tác với Nga vẫn sẽ là đòn bẩy quan trọng để Trump theo đuổi tham vọng chấm dứt chiến tranh cũng như mặc cả với châu Âu nhằm đổi lại các lợi ích kinh tế.

Từ khoá: Trump Donald Trump chính sách đối ngoại Mỹ châu Âu Ukraine EU

BÀI LIÊN QUAN