Tương lai “hướng Đông” của NATO sau khi Thuỵ Điển gia nhập liên minh
Việc Thuỵ Điển gia nhập NATO góp vào xu hướng mở rộng về phía Đông của liên minh quân sự này, và có thể xa hơn nữa. Nhưng xu hướng này rồi sẽ dẫn đến đâu?


Sau hơn 200 năm trung lập và thực thi chính sách không liên kết, Thuỵ Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 7/3/2024. Trong vai trò mới, Stockholm cam kết rằng quốc gia này “sẽ là một thành viên trung thành, đáng tin cậy, và đáng để dựa vào của NATO”.
Về bản chất, việc NATO kết nạp Thuỵ Điển nằm trong chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía Đông của khối liên minh quân sự này, cụ thể hơn là nhằm tăng cường khả năng răn đe đối với Nga. Không dừng lại ở đó, quan điểm của Thuỵ Điển đối với Trung Quốc cũng có thể là nhân tố tác động đáng kể đến chương trình nghị sự của NATO với Bắc Kinh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Vành đai bao vây Nga và xa hơn nữa về phía Đông
Trong hơn 200 năm, Thụy Điển đã duy trì chính sách trung lập qua hai cuộc chiến tranh thế giới và trong Chiến tranh Lạnh. Chỉ mới đây ba năm, trong Tuyên bố về Chính sách của Chính phủ ngày 30 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Thuỵ Điển khi ấy là Magdalena Andersson đã tuyên bố rằng “Thụy Điển sẽ không nộp đơn xin gia nhập NATO”. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine kể từ tháng 2/2022 đã khiến Stockholm quan ngại về mối đe doạ từ Moscow, khiến quốc gia Bắc Âu này quyết định từ bỏ hàng thế kỷ trung lập và nộp đơn gia nhập NATO chỉ trong ba tháng sau đó (tháng 5/2022).
Tuyên bố Chính sách của Chính phủ sau khi Thụy Điển gia nhập NATO được Ngoại trưởng nước này, ông Tobias Billström, trình bày trước Hạ viện hôm 20/3, có đến một phần tư dung lượng để làm rõ lý do Thuỵ Điển quyết định tham gia liên minh, xoay quanh mối đe doạ từ hành động vũ lực của Nga ở Ukraine. Trong đó, ông Billström nhấn mạnh “Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là một bước ngoặt không thể đảo ngược, đối với an ninh của Thụy Điển, châu Âu và toàn cầu”, và “Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là kết quả trực tiếp của cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp, vô cớ và không thể bào chữa này”.
Sự tham gia của Thuỵ Điển trong NATO có ý nghĩa chiến lược, không chỉ về mặt đóng góp tài chính và quân số, mà còn về yếu tố địa chính trị, cụ thể là giúp NATO mở rộng không gian ảnh hưởng đến gần hơn với biên giới của Nga và các khu vực đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow, bao gồm khu vực biển Baltic và Bắc Cực.
Trở thành thành viên của NATO, Thụy Điển giúp liên minh quân sự này vây gần như kín sườn phía Tây của Nga và đưa toàn bộ biển Baltic - nơi Nga đặt căn cứ Hạm đội Baltic - “ngọn cờ đầu của Hải quân Nga” vào vòng kiềm toả. Nói nôm na như lời của Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins, “Biển Baltic giờ đây đã trở thành ‘hồ NATO’” (nguyên văn: “The Baltic Sea becomes a ‘Nato lake’”). Kết quả là, Nga giờ đây chỉ có thể tiếp cận vùng biển chiến lược này từ thành phố St. Petersburg qua cửa ngõ hẹp ở Vịnh Phần Lan hoặc khu vực giáp vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.
Bên cạnh đó, việc kết nạp Phần Lan (4/4/2023) và Thụy Điển giúp NATO tăng cường khả năng răn đe ở Bắc Cực - khu vực mà Nga đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quân sự, với số lượng căn cứ quân sự mà cường quốc này đặt tại đây lên đến hơn một phần ba so với Mỹ và NATO cộng lại. Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa tất cả các quốc gia Bắc Cực (ngoại trừ Nga) vào NATO, cho phép liên minh theo đuổi một chiến lược răn đe chặt chẽ hơn tại khu vực này.
Nhìn chung, với sự gia nhập của Thụy Điển, NATO có thêm chiều sâu chiến lược khi mở rộng phạm vi ảnh hưởng của liên minh vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, đảm bảo sự di chuyển của quân đội đồng minh cho các hoạt động phòng thủ tập thể, chủ yếu cho các nước Bắc Âu và khu vực Bắc Cực, cũng như cho các quốc gia Baltic (bao gồm Estonia, Latvia, và Lithuania) và Ba Lan.
Tư cách thành viên của Thuỵ Điển không chỉ dừng lại ở ý nghĩa mở rộng phạm vi địa chính trị của NATO ở châu Âu nhằm tăng cường khả năng răn đe với Nga. Quan điểm ngày càng cứng rắn của Thuỵ Điển đối với Trung Quốc kể từ trước khi cân nhắc gia nhập NATO (tháng 4/2022) cho đến nay có thể là chỉ báo cho việc, trong vai trò thành viên, Stockholm cũng sẽ thúc đẩy NATO có những chính sách cứng rắn và thậm chí là “táo bạo hơn” đối với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, những lo ngại về vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu thập thông tin tình báo về năng lực (công nghệ, quốc phòng, v.v…) của Thụy Điển đã khiến quan hệ hai nước trở nên xấu đi. Trong số đó, đáng chú ý là sự việc Bắc Kinh bắt giữ một công dân Thuỵ Điển có tên Guimin Hai vào năm 2016, với cáo buộc người này xuất bản và bán tài liệu chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Vụ việc đã khiến Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển lên tiếng phản đối, cho rằng việc Trung Quốc bắt giam công dân của nước này là một “vấn đề rất nghiêm trọng” và trái với “các quy tắc quốc tế cơ bản về hỗ trợ lãnh sự”. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) vào năm 2023, công chúng Thuỵ Điển có quan điểm đặc biệt tiêu cực đối với Trung Quốc, với 85% không có thiện cảm đối với cường quốc châu Á này.
Một nguyên nhân khác làm trầm trọng thêm quan hệ song phương Thuỵ Điển – Trung Quốc là thái độ và phát ngôn của cựu Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Gui Congyou. Trong nhiệm kỳ đại sứ ở Stockholm (2017 – 2021), vị này đã đẩy mạnh ngoại giao “chiến lang” (wolf warrior diplomacy) của Bắc Kinh qua các hành vi bắt nạt. Đơn cử, vào năm 2020, ông đã phát biểu với truyền thông Thuỵ Điển rằng Stockholm như một võ sĩ quyền anh hạng nhẹ “kích động mối hận thù” (provokes a feud) với một võ sĩ hạng nặng và Bắc Kinh, khiến Ngoại trưởng Thuỵ Điển Ann Linde đáp trả rằng phát biểu của ông là “mối đe doạ không thể chấp nhận được” (unacceptable threat) đối với nước này.
Ông Gui cũng từng bị các thành viên trong quốc hội của Thuỵ Điển đề xuất tuyên bố là persona non grata (“nhân vật không được hoan nghênh” theo Khoản 1 Điều 9 của Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ Ngoại giao), trước khi kết thúc nhiệm kỳ và rời khỏi Thuỵ Điển vào tháng 9/2021.
Sau những sự việc trên, Báo cáo chính sách an ninh của Ủy ban Quốc phòng năm 2023 của Thụy Điển đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa. Với việc quan hệ hai nước đang “lao dốc”, Thụy Điển có thể sẽ thúc đẩy một lập trường “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc trong NATO, coi Bắc Kinh không còn là “thách thức” mà là mối đe dọa đối với an ninh của cả châu Âu, nhất là khi đến nay nhìn chung các nước châu Âu khác vẫn muốn giữ thái độ trung lập trong cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung và muốn tránh va chạm với Trung Quốc. Viễn cảnh này là có khả năng xảy ra, bởi trong tư cách thành viên đầy đủ, Thụy Điển “chiếm vị trí xứng đáng trên bàn đàm phán của NATO, với tiếng nói bình đẳng trong việc định hình các chính sách và quyết định của NATO”, theo như tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/3.
Trên thực tế, yếu tố Trung Quốc đã xuất hiện thường xuyên trong các phát ngôn về an ninh của giới lãnh đạo Thuỵ Điển sau khi nước này trở thành thành viên NATO. Cụ thể, trong Tuyên bố Chính sách của Chính phủ sau khi Thụy Điển gia nhập NATO, Ngoại trưởng Thuỵ Điển Tobias Billström khẳng định “sự cai trị độc đoán của Trung Quốc” và “sự hợp tác sâu sắc hơn [giữa Trung Quốc] với Nga” “thách thức an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Ông cũng cho biết Stockholm “hoan nghênh việc NATO làm sâu sắc việc hợp tác với các đối tác như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand”.
Trước tuyên bố chính sách nêu trên, hôm 11/3, Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson cũng đã phát biểu rằng “các nước châu Âu cần tìm hiểu thêm về tình hình an ninh ở Thái Bình Dương, để hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, những mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho các nước châu Á khác”, đồng thời kêu gọi châu Âu nên tăng cường hợp tác với Mỹ nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Những “dấu chân” ban đầu của NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Mặc dù mối quan tâm của NATO chủ yếu là an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh này muốn mở rộng các liên kết sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong “Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO” (NATO 2022 Strategic Concept), liên minh này nhấn mạnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với NATO vì những diễn biến ở khu vực đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”. Cũng trong văn kiện này, liên minh quân sự ở Tây Bán cầu đặt mục tiêu “tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và lợi ích an ninh chung”.
Trên tinh thần đó, vào tháng 1 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một bài phát biểu tại Heritage Foundation đã gọi Trung Quốc là “thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất”, bên cạnh Nga là “thách thức trực tiếp nhất”, và nhấn mạnh ưu tiên đầu tiên của khối là “phải đảm bảo khả năng răn đe mạnh mẽ”. Cũng trong bài phát biểu này, ông Jens Stoltenberg khẳng định NATO “đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc”.
Thật vậy, NATO đang đẩy mạnh việc thiết lập các liên kết với đối tác thân cận trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 2/2023, NATO đã đề xuất mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặt tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, đã hai năm liên tiếp (2022 - 2023), bốn đại diện của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ, là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand (thường được gọi theo cách không chính thức là nhóm Indo-Pacific Four – IP4) được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách là quan sát viên. Trước đó, các kết nối ban đầu giữa NATO và bốn quốc gia trong IP4 đã từng bước được thiết lập trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác và Đối tác Đơn lẻ (Individual Partnership and Cooperation Programme - IPCP) giữa NATO và từng quốc gia (giai đoạn 2012 – 2014) – một chương trình hợp tác về các vấn đề an ninh cùng quan tâm giữa NATO và bốn nước, cũng như thông qua cuộc họp tập trung vào vấn đề Triều Tiên (năm 2016).
Mặc dù việc tăng cường quan hệ NATO với nhóm IP4 vẫn gây tranh cãi (như Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích quyết định mở văn phòng NATO tại Nhật Bản), việc NATO xích lại gần hơn với các quốc gia dân chủ này là chỉ dấu cho thấy NATO “được hoan nghênh” và có cơ sở để hiện diện nhiều hơn tại khu vực. Điều này cũng không loại trừ việc NATO có thể thúc đẩy các chuyến thăm giữa các nguyên thủ và các chuyên gia đến các quốc gia trong khu vực, tăng cường năng lực quân sự hỗ tương (interoperability) giữa các bên, như triển khai các trang thiết bị quân sự, tham gia các hoạt động tập trận chung, và trao đổi kinh nghiệm huấn luyện.
Nhìn chung, tiếng nói của Thuỵ Điển trong NATO có thể trở thành nhân tố bổ sung, thúc đẩy sự mở rộng của liên minh vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng răn đe với Trung Quốc. Qua đó, NATO có thể đóng vai trò như một mắt xích mới trong mạng lưới quan hệ ngoại giao và an ninh ngày càng mở rộng giữa Mỹ, các đồng minh phương Tây và các quốc gia chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà trước đó đã có các lực lượng như liên minh an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) và Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia (QUAD).
Mở rộng có chắc là lựa chọn đúng đắn?
Ông Jens Stoltenberg ca ngợi tư cách thành viên NATO của Thuỵ Điển sẽ làm cho “NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn”. Tuy nhiên, sự mở rộng của liên minh quân sự này có thể làm leo thang xu hướng căng thẳng về an ninh xuyên Đại Tây Dương, lan rộng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và lôi kéo các bên liên quan vào một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ hơn.
NATO cho rằng việc mở rộng phạm vi hoạt động của liên minh sẽ “góp phần tăng cường sự ổn định và an ninh cho tất cả”. Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng này là khả năng triển khai binh lính, chuyên gia và thiết bị quân sự đến bất kỳ quốc gia thành viên nào.
Đối với Nga, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã nhiều lần phớt lờ những lo ngại của Điện Kremlin về an ninh biên giới của nước này với Tây Âu; và xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh hiện hữu đối với cường quốc Á - Âu này. Từ năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án “tham vọng đế quốc” của NATO và tuyên bố sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai nước Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự.
Mặt khác, Thuỵ Điển cũng không chắc sẽ “an toàn” hơn trước Nga sau khi gia nhập NATO. Trong một tuyên bố vào đầu tháng 3, các nhà chức trách Phần Lan cho biết kể từ khi gia nhập NATO, các hoạt động của Nga nhằm chống lại nước này đã tăng mạnh, trong đó có nghi vấn Moscow đã có các hành động nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của Phần Lan. Cuối năm ngoái, Đại sứ Phần Lan tại Nga cũng đã bị Moscow triệu tập sau khi quốc gia Bắc Âu này ký thoả thuận quân sự với Mỹ, trong đó cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận khu vực biên giới Phần Lan - Nga ở phía Phần Lan. Vì vậy, các nhà chức trách ở Helsinki đã cảnh báo rằng không loại trừ khả năng diễn biến tương tự có thể đang chờ đợi Stockholm.
Tuy nhiên, có lẽ Thuỵ Điển cũng đã chuẩn bị phương án để đề phòng tình huống đáp trả nghiêm trọng từ Nga. Chỉ 5 ngày sau khi Stockholm chính thức trở thành thành viên NATO, để tránh đi xa hơn trong căng thẳng với Moscow, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom vào ngày 12/3 cho biết nước này phản đối việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Bên cạnh đó, quan ngại về Nga và Trung Quốc cùng việc kết nạp thêm các thành viên mới có thể thúc đẩy NATO mở rộng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào tháng 2 năm nay, Báo cáo của Nhóm nghiên cứu chuyên gia về NATO và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ ra rằng mối quan tâm của NATO đối với các quốc gia đối tác ở khu vực còn là ở “vị thế là những nền dân chủ lâu đời”. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh “các giá trị như các quyền tự do dân chủ, nhân quyền và pháp quyền được chia sẻ bởi NATO và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của liên minh không được Bắc Kinh hay Moscow chia sẻ, và các quốc gia đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các quốc gia thành viên NATO thừa nhận rằng những giá trị này đang bị đe dọa từ cả Trung Quốc và Nga”. Mối quan ngại này có thể dẫn đến các chương trình hợp tác để thúc đẩy dân chủ trong khu vực, và điều này chắc hẳn sẽ khiến các cường quốc phi dân chủ như Nga và Trung Quốc lo ngại.
Như vậy xu hướng mở rộng của NATO có thể đối diện với thách thức lớn hơn từ một nước Nga “bất bình”. Trong quá trình vươn tầm ảnh hưởng sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, NATO có thể cũng sẽ chứng kiến xu hướng liên kết quân sự chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc như một nỗ lực nhằm phòng thủ trước NATO.
Cụ thể, liên kết với Nga hiện là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga nên “tăng cường phối hợp chiến lược”, bảo vệ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia” và “kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của họ”. Sau khi NATO mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung trên biển và trên không ở Biển Nhật Bản vào cuối tháng 7/2023.
Đó là chưa kể, tương lai NATO đang tương đối bất định trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng và tái đắc cử vào tháng 11 này, ông có thể cắt giảm nguồn tài trợ của Washington cho NATO, thậm chí là rút tư cách thành viên của Mỹ ra khỏi NATO vì cho rằng Mỹ phải chi trả nhiều hơn mức cần thiết cho hệ thống đồng minh ở châu Âu. Việc rút Mỹ khỏi NATO là điều mà ông Trump đã thảo luận với các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng từ năm 2018. Trong những phát biểu gần đây, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ phải chi quá nhiều để bảo vệ NATO và ông gọi điều này là “không công bằng” (unfair). Và quan hệ giữa ông Trump với NATO có thể thêm tồi tệ, nhất là khi các quan chức NATO tăng cường chỉ trích các phát ngôn của ông trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Thật vậy, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của NATO. Với GDP chiếm hơn một nửa tổng GDP của tất cả các thành viên NATO cộng lại, Mỹ từng trả hơn 22% chi phí vận hành NATO và hiện có khoảng 85.000 quân đóng khắp châu Âu. Tính đến tháng 7/2023, chi tiêu cho quốc phòng của Washington chiếm 3,5% GDP, trong khi hơn một nửa thành viên còn lại ở châu Âu chi chưa đến 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của họ. Do đó, viễn cảnh Mỹ rời NATO sẽ là điều mà châu Âu không mong muốn.
Theo logic ấy, việc mở rộng NATO không khác nào tăng thêm gánh nặng chi phí cho Mỹ trong liên minh quân sự ở châu Âu, và “đổ thêm dầu vào lửa” cho việc Mỹ gây sức ép hay cân nhắc rút Mỹ khỏi NATO trong trường hợp ông Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 này. Trong cuộc chạy đua trở lại Nhà Trắng, ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích NATO và cho biết nếu ông tái đắc cử, ông sẽ giữ Mỹ ở lại liên minh này nhưng với điều kiện các nước châu Âu phải “chơi công bằng” với Mỹ.
Tựu trung, việc NATO phê chuẩn cho Thuỵ Điển gia nhập mở ra nhiều bước ngoặt mới trong xu hướng mở rộng về phía Đông của liên minh. Không chỉ củng cố vành đai bao vây Nga, Thuỵ Điển có thể còn là chất xúc tác để củng cố lập trường can dự sâu hơn của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này có thể làm phức tạp hơn cho an ninh khu vực, nhất là khi không chỉ Nga và Trung Quốc có thể hình thành một liên minh để đáp trả, mà chính Mỹ - quốc gia đóng vai trò dẫn dắt NATO, trong trường hợp ông Trump đắc cử tổng thống, cũng có khả năng “quay lưng” với liên minh quân sự này.

Sau hơn 200 năm trung lập và thực thi chính sách không liên kết, Thuỵ Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 7/3/2024. Trong vai trò mới, Stockholm cam kết rằng quốc gia này “sẽ là một thành viên trung thành, đáng tin cậy, và đáng để dựa vào của NATO”.
Về bản chất, việc NATO kết nạp Thuỵ Điển nằm trong chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía Đông của khối liên minh quân sự này, cụ thể hơn là nhằm tăng cường khả năng răn đe đối với Nga. Không dừng lại ở đó, quan điểm của Thuỵ Điển đối với Trung Quốc cũng có thể là nhân tố tác động đáng kể đến chương trình nghị sự của NATO với Bắc Kinh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Vành đai bao vây Nga và xa hơn nữa về phía Đông
Trong hơn 200 năm, Thụy Điển đã duy trì chính sách trung lập qua hai cuộc chiến tranh thế giới và trong Chiến tranh Lạnh. Chỉ mới đây ba năm, trong Tuyên bố về Chính sách của Chính phủ ngày 30 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Thuỵ Điển khi ấy là Magdalena Andersson đã tuyên bố rằng “Thụy Điển sẽ không nộp đơn xin gia nhập NATO”. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine kể từ tháng 2/2022 đã khiến Stockholm quan ngại về mối đe doạ từ Moscow, khiến quốc gia Bắc Âu này quyết định từ bỏ hàng thế kỷ trung lập và nộp đơn gia nhập NATO chỉ trong ba tháng sau đó (tháng 5/2022).
Tuyên bố Chính sách của Chính phủ sau khi Thụy Điển gia nhập NATO được Ngoại trưởng nước này, ông Tobias Billström, trình bày trước Hạ viện hôm 20/3, có đến một phần tư dung lượng để làm rõ lý do Thuỵ Điển quyết định tham gia liên minh, xoay quanh mối đe doạ từ hành động vũ lực của Nga ở Ukraine. Trong đó, ông Billström nhấn mạnh “Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là một bước ngoặt không thể đảo ngược, đối với an ninh của Thụy Điển, châu Âu và toàn cầu”, và “Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là kết quả trực tiếp của cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp, vô cớ và không thể bào chữa này”.
Sự tham gia của Thuỵ Điển trong NATO có ý nghĩa chiến lược, không chỉ về mặt đóng góp tài chính và quân số, mà còn về yếu tố địa chính trị, cụ thể là giúp NATO mở rộng không gian ảnh hưởng đến gần hơn với biên giới của Nga và các khu vực đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow, bao gồm khu vực biển Baltic và Bắc Cực.
Trở thành thành viên của NATO, Thụy Điển giúp liên minh quân sự này vây gần như kín sườn phía Tây của Nga và đưa toàn bộ biển Baltic - nơi Nga đặt căn cứ Hạm đội Baltic - “ngọn cờ đầu của Hải quân Nga” vào vòng kiềm toả. Nói nôm na như lời của Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins, “Biển Baltic giờ đây đã trở thành ‘hồ NATO’” (nguyên văn: “The Baltic Sea becomes a ‘Nato lake’”). Kết quả là, Nga giờ đây chỉ có thể tiếp cận vùng biển chiến lược này từ thành phố St. Petersburg qua cửa ngõ hẹp ở Vịnh Phần Lan hoặc khu vực giáp vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.
Bên cạnh đó, việc kết nạp Phần Lan (4/4/2023) và Thụy Điển giúp NATO tăng cường khả năng răn đe ở Bắc Cực - khu vực mà Nga đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quân sự, với số lượng căn cứ quân sự mà cường quốc này đặt tại đây lên đến hơn một phần ba so với Mỹ và NATO cộng lại. Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa tất cả các quốc gia Bắc Cực (ngoại trừ Nga) vào NATO, cho phép liên minh theo đuổi một chiến lược răn đe chặt chẽ hơn tại khu vực này.
Nhìn chung, với sự gia nhập của Thụy Điển, NATO có thêm chiều sâu chiến lược khi mở rộng phạm vi ảnh hưởng của liên minh vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, đảm bảo sự di chuyển của quân đội đồng minh cho các hoạt động phòng thủ tập thể, chủ yếu cho các nước Bắc Âu và khu vực Bắc Cực, cũng như cho các quốc gia Baltic (bao gồm Estonia, Latvia, và Lithuania) và Ba Lan.
Tư cách thành viên của Thuỵ Điển không chỉ dừng lại ở ý nghĩa mở rộng phạm vi địa chính trị của NATO ở châu Âu nhằm tăng cường khả năng răn đe với Nga. Quan điểm ngày càng cứng rắn của Thuỵ Điển đối với Trung Quốc kể từ trước khi cân nhắc gia nhập NATO (tháng 4/2022) cho đến nay có thể là chỉ báo cho việc, trong vai trò thành viên, Stockholm cũng sẽ thúc đẩy NATO có những chính sách cứng rắn và thậm chí là “táo bạo hơn” đối với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, những lo ngại về vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu thập thông tin tình báo về năng lực (công nghệ, quốc phòng, v.v…) của Thụy Điển đã khiến quan hệ hai nước trở nên xấu đi. Trong số đó, đáng chú ý là sự việc Bắc Kinh bắt giữ một công dân Thuỵ Điển có tên Guimin Hai vào năm 2016, với cáo buộc người này xuất bản và bán tài liệu chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Vụ việc đã khiến Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển lên tiếng phản đối, cho rằng việc Trung Quốc bắt giam công dân của nước này là một “vấn đề rất nghiêm trọng” và trái với “các quy tắc quốc tế cơ bản về hỗ trợ lãnh sự”. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) vào năm 2023, công chúng Thuỵ Điển có quan điểm đặc biệt tiêu cực đối với Trung Quốc, với 85% không có thiện cảm đối với cường quốc châu Á này.
Một nguyên nhân khác làm trầm trọng thêm quan hệ song phương Thuỵ Điển – Trung Quốc là thái độ và phát ngôn của cựu Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Gui Congyou. Trong nhiệm kỳ đại sứ ở Stockholm (2017 – 2021), vị này đã đẩy mạnh ngoại giao “chiến lang” (wolf warrior diplomacy) của Bắc Kinh qua các hành vi bắt nạt. Đơn cử, vào năm 2020, ông đã phát biểu với truyền thông Thuỵ Điển rằng Stockholm như một võ sĩ quyền anh hạng nhẹ “kích động mối hận thù” (provokes a feud) với một võ sĩ hạng nặng và Bắc Kinh, khiến Ngoại trưởng Thuỵ Điển Ann Linde đáp trả rằng phát biểu của ông là “mối đe doạ không thể chấp nhận được” (unacceptable threat) đối với nước này.
Ông Gui cũng từng bị các thành viên trong quốc hội của Thuỵ Điển đề xuất tuyên bố là persona non grata (“nhân vật không được hoan nghênh” theo Khoản 1 Điều 9 của Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ Ngoại giao), trước khi kết thúc nhiệm kỳ và rời khỏi Thuỵ Điển vào tháng 9/2021.
Sau những sự việc trên, Báo cáo chính sách an ninh của Ủy ban Quốc phòng năm 2023 của Thụy Điển đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa. Với việc quan hệ hai nước đang “lao dốc”, Thụy Điển có thể sẽ thúc đẩy một lập trường “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc trong NATO, coi Bắc Kinh không còn là “thách thức” mà là mối đe dọa đối với an ninh của cả châu Âu, nhất là khi đến nay nhìn chung các nước châu Âu khác vẫn muốn giữ thái độ trung lập trong cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung và muốn tránh va chạm với Trung Quốc. Viễn cảnh này là có khả năng xảy ra, bởi trong tư cách thành viên đầy đủ, Thụy Điển “chiếm vị trí xứng đáng trên bàn đàm phán của NATO, với tiếng nói bình đẳng trong việc định hình các chính sách và quyết định của NATO”, theo như tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/3.
Trên thực tế, yếu tố Trung Quốc đã xuất hiện thường xuyên trong các phát ngôn về an ninh của giới lãnh đạo Thuỵ Điển sau khi nước này trở thành thành viên NATO. Cụ thể, trong Tuyên bố Chính sách của Chính phủ sau khi Thụy Điển gia nhập NATO, Ngoại trưởng Thuỵ Điển Tobias Billström khẳng định “sự cai trị độc đoán của Trung Quốc” và “sự hợp tác sâu sắc hơn [giữa Trung Quốc] với Nga” “thách thức an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Ông cũng cho biết Stockholm “hoan nghênh việc NATO làm sâu sắc việc hợp tác với các đối tác như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand”.
Trước tuyên bố chính sách nêu trên, hôm 11/3, Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson cũng đã phát biểu rằng “các nước châu Âu cần tìm hiểu thêm về tình hình an ninh ở Thái Bình Dương, để hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, những mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho các nước châu Á khác”, đồng thời kêu gọi châu Âu nên tăng cường hợp tác với Mỹ nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Những “dấu chân” ban đầu của NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Mặc dù mối quan tâm của NATO chủ yếu là an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh này muốn mở rộng các liên kết sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong “Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO” (NATO 2022 Strategic Concept), liên minh này nhấn mạnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với NATO vì những diễn biến ở khu vực đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”. Cũng trong văn kiện này, liên minh quân sự ở Tây Bán cầu đặt mục tiêu “tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và lợi ích an ninh chung”.
Trên tinh thần đó, vào tháng 1 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một bài phát biểu tại Heritage Foundation đã gọi Trung Quốc là “thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất”, bên cạnh Nga là “thách thức trực tiếp nhất”, và nhấn mạnh ưu tiên đầu tiên của khối là “phải đảm bảo khả năng răn đe mạnh mẽ”. Cũng trong bài phát biểu này, ông Jens Stoltenberg khẳng định NATO “đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc”.
Thật vậy, NATO đang đẩy mạnh việc thiết lập các liên kết với đối tác thân cận trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 2/2023, NATO đã đề xuất mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặt tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, đã hai năm liên tiếp (2022 - 2023), bốn đại diện của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ, là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand (thường được gọi theo cách không chính thức là nhóm Indo-Pacific Four – IP4) được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách là quan sát viên. Trước đó, các kết nối ban đầu giữa NATO và bốn quốc gia trong IP4 đã từng bước được thiết lập trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác và Đối tác Đơn lẻ (Individual Partnership and Cooperation Programme - IPCP) giữa NATO và từng quốc gia (giai đoạn 2012 – 2014) – một chương trình hợp tác về các vấn đề an ninh cùng quan tâm giữa NATO và bốn nước, cũng như thông qua cuộc họp tập trung vào vấn đề Triều Tiên (năm 2016).
Mặc dù việc tăng cường quan hệ NATO với nhóm IP4 vẫn gây tranh cãi (như Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích quyết định mở văn phòng NATO tại Nhật Bản), việc NATO xích lại gần hơn với các quốc gia dân chủ này là chỉ dấu cho thấy NATO “được hoan nghênh” và có cơ sở để hiện diện nhiều hơn tại khu vực. Điều này cũng không loại trừ việc NATO có thể thúc đẩy các chuyến thăm giữa các nguyên thủ và các chuyên gia đến các quốc gia trong khu vực, tăng cường năng lực quân sự hỗ tương (interoperability) giữa các bên, như triển khai các trang thiết bị quân sự, tham gia các hoạt động tập trận chung, và trao đổi kinh nghiệm huấn luyện.
Nhìn chung, tiếng nói của Thuỵ Điển trong NATO có thể trở thành nhân tố bổ sung, thúc đẩy sự mở rộng của liên minh vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng răn đe với Trung Quốc. Qua đó, NATO có thể đóng vai trò như một mắt xích mới trong mạng lưới quan hệ ngoại giao và an ninh ngày càng mở rộng giữa Mỹ, các đồng minh phương Tây và các quốc gia chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà trước đó đã có các lực lượng như liên minh an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) và Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia (QUAD).
Mở rộng có chắc là lựa chọn đúng đắn?
Ông Jens Stoltenberg ca ngợi tư cách thành viên NATO của Thuỵ Điển sẽ làm cho “NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn”. Tuy nhiên, sự mở rộng của liên minh quân sự này có thể làm leo thang xu hướng căng thẳng về an ninh xuyên Đại Tây Dương, lan rộng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và lôi kéo các bên liên quan vào một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ hơn.
NATO cho rằng việc mở rộng phạm vi hoạt động của liên minh sẽ “góp phần tăng cường sự ổn định và an ninh cho tất cả”. Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng này là khả năng triển khai binh lính, chuyên gia và thiết bị quân sự đến bất kỳ quốc gia thành viên nào.
Đối với Nga, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã nhiều lần phớt lờ những lo ngại của Điện Kremlin về an ninh biên giới của nước này với Tây Âu; và xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh hiện hữu đối với cường quốc Á - Âu này. Từ năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án “tham vọng đế quốc” của NATO và tuyên bố sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai nước Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự.
Mặt khác, Thuỵ Điển cũng không chắc sẽ “an toàn” hơn trước Nga sau khi gia nhập NATO. Trong một tuyên bố vào đầu tháng 3, các nhà chức trách Phần Lan cho biết kể từ khi gia nhập NATO, các hoạt động của Nga nhằm chống lại nước này đã tăng mạnh, trong đó có nghi vấn Moscow đã có các hành động nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của Phần Lan. Cuối năm ngoái, Đại sứ Phần Lan tại Nga cũng đã bị Moscow triệu tập sau khi quốc gia Bắc Âu này ký thoả thuận quân sự với Mỹ, trong đó cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận khu vực biên giới Phần Lan - Nga ở phía Phần Lan. Vì vậy, các nhà chức trách ở Helsinki đã cảnh báo rằng không loại trừ khả năng diễn biến tương tự có thể đang chờ đợi Stockholm.
Tuy nhiên, có lẽ Thuỵ Điển cũng đã chuẩn bị phương án để đề phòng tình huống đáp trả nghiêm trọng từ Nga. Chỉ 5 ngày sau khi Stockholm chính thức trở thành thành viên NATO, để tránh đi xa hơn trong căng thẳng với Moscow, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom vào ngày 12/3 cho biết nước này phản đối việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Bên cạnh đó, quan ngại về Nga và Trung Quốc cùng việc kết nạp thêm các thành viên mới có thể thúc đẩy NATO mở rộng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào tháng 2 năm nay, Báo cáo của Nhóm nghiên cứu chuyên gia về NATO và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ ra rằng mối quan tâm của NATO đối với các quốc gia đối tác ở khu vực còn là ở “vị thế là những nền dân chủ lâu đời”. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh “các giá trị như các quyền tự do dân chủ, nhân quyền và pháp quyền được chia sẻ bởi NATO và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của liên minh không được Bắc Kinh hay Moscow chia sẻ, và các quốc gia đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các quốc gia thành viên NATO thừa nhận rằng những giá trị này đang bị đe dọa từ cả Trung Quốc và Nga”. Mối quan ngại này có thể dẫn đến các chương trình hợp tác để thúc đẩy dân chủ trong khu vực, và điều này chắc hẳn sẽ khiến các cường quốc phi dân chủ như Nga và Trung Quốc lo ngại.
Như vậy xu hướng mở rộng của NATO có thể đối diện với thách thức lớn hơn từ một nước Nga “bất bình”. Trong quá trình vươn tầm ảnh hưởng sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, NATO có thể cũng sẽ chứng kiến xu hướng liên kết quân sự chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc như một nỗ lực nhằm phòng thủ trước NATO.
Cụ thể, liên kết với Nga hiện là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga nên “tăng cường phối hợp chiến lược”, bảo vệ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia” và “kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của họ”. Sau khi NATO mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung trên biển và trên không ở Biển Nhật Bản vào cuối tháng 7/2023.
Đó là chưa kể, tương lai NATO đang tương đối bất định trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng và tái đắc cử vào tháng 11 này, ông có thể cắt giảm nguồn tài trợ của Washington cho NATO, thậm chí là rút tư cách thành viên của Mỹ ra khỏi NATO vì cho rằng Mỹ phải chi trả nhiều hơn mức cần thiết cho hệ thống đồng minh ở châu Âu. Việc rút Mỹ khỏi NATO là điều mà ông Trump đã thảo luận với các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng từ năm 2018. Trong những phát biểu gần đây, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ phải chi quá nhiều để bảo vệ NATO và ông gọi điều này là “không công bằng” (unfair). Và quan hệ giữa ông Trump với NATO có thể thêm tồi tệ, nhất là khi các quan chức NATO tăng cường chỉ trích các phát ngôn của ông trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Thật vậy, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của NATO. Với GDP chiếm hơn một nửa tổng GDP của tất cả các thành viên NATO cộng lại, Mỹ từng trả hơn 22% chi phí vận hành NATO và hiện có khoảng 85.000 quân đóng khắp châu Âu. Tính đến tháng 7/2023, chi tiêu cho quốc phòng của Washington chiếm 3,5% GDP, trong khi hơn một nửa thành viên còn lại ở châu Âu chi chưa đến 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của họ. Do đó, viễn cảnh Mỹ rời NATO sẽ là điều mà châu Âu không mong muốn.
Theo logic ấy, việc mở rộng NATO không khác nào tăng thêm gánh nặng chi phí cho Mỹ trong liên minh quân sự ở châu Âu, và “đổ thêm dầu vào lửa” cho việc Mỹ gây sức ép hay cân nhắc rút Mỹ khỏi NATO trong trường hợp ông Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 này. Trong cuộc chạy đua trở lại Nhà Trắng, ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích NATO và cho biết nếu ông tái đắc cử, ông sẽ giữ Mỹ ở lại liên minh này nhưng với điều kiện các nước châu Âu phải “chơi công bằng” với Mỹ.
Tựu trung, việc NATO phê chuẩn cho Thuỵ Điển gia nhập mở ra nhiều bước ngoặt mới trong xu hướng mở rộng về phía Đông của liên minh. Không chỉ củng cố vành đai bao vây Nga, Thuỵ Điển có thể còn là chất xúc tác để củng cố lập trường can dự sâu hơn của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này có thể làm phức tạp hơn cho an ninh khu vực, nhất là khi không chỉ Nga và Trung Quốc có thể hình thành một liên minh để đáp trả, mà chính Mỹ - quốc gia đóng vai trò dẫn dắt NATO, trong trường hợp ông Trump đắc cử tổng thống, cũng có khả năng “quay lưng” với liên minh quân sự này.
Từ khoá: Thuỵ Điển NATO Nga Trung Quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương