Triển vọng hợp tác của “Bộ tứ mới” (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines) trong vấn đề Biển Đông (Phần 1)
Liên kết “Bộ tứ mới” giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines đang trong quá trình hình thành nhằm đối phó với hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.


Những tháng gần đây, Biển Đông liên tiếp “dậy sóng” với những diễn biến vô cùng phức tạp do hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển này. Nổi bật nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines tại một số thực thể trên Biển Đông (như bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal),…) kéo theo những đòn đáp trả ngoại giao mạnh mẽ giữa hai bên. Loạt hành động của Trung Quốc gần đây bao gồm chiếu đèn laser cấp độ quân sự vào tàu tuần duyên Philippines; lắp đặt “rào chắn nổi” dài 300m gần bãi cạn Scarborough; dùng nhiều cách để ngăn Manila tiếp tế cho tàu chiến mắc cạn BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây như va chạm, phun vòi rồng vào tàu Philippines,... Những sự cố trên có thể dẫn tới sự hiểu lầm, tính toán sai, làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột trực tiếp giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực.
Sâu xa hơn, loạt diễn biến đáng quan ngại trên cho thấy âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ ràng, và thậm chí được Bắc Kinh thúc đẩy, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, những cơ chế đa phương nổi bật trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)—tổ chức mà Philippines là thành viên—và những diễn đàn liên quan như Diễn đàn Đông Á (EAF),... dường như bất lực trong việc thể hiện tiếng nói thống nhất để lên án những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines vẫn quan ngại về nguy cơ trở thành “con bài” trong ý đồ “chuyển lửa ra bên ngoài” của Trung Quốc—tức lãnh đạo Bắc Kinh sẽ tìm cách “làm căng” đối đầu quân sự với Philippines trên Biển Đông nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước trước những thất bại về chính sách quản lý đất nước hay bất ổn bên trong quốc gia. Hơn ai hết, Philippines vẫn còn nhớ rõ bài học “nạn nhân” từ chiến thuật trên của Trung Quốc, và do đó, quốc gia này gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc bên ngoài nhằm cân bằng với Bắc Kinh.
Quan hệ quốc phòng gắn kết giữa Philippines với ba cường quốc là Mỹ, Nhật Bản và Australia nhận được sự chú ý trong bối cảnh như vậy, làm dấy lên những dự đoán về sự ra đời của một “Bộ tứ mới” (new QUAD). Sau cuộc họp lần đầu tiên giữa bốn bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines bên lề Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6/2023 tại Singapore, nhóm “Bộ tứ mới” cho đến nay vẫn chưa có cuộc gặp cấp cao chính thức nào. Tuy vậy, những tương tác giữa bốn quốc gia đã được xây dựng và thúc đẩy trong thời gian qua. Khác với nhóm “Bộ tứ cũ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), “Bộ tứ mới” này có trọng tâm hợp tác là lĩnh vực quốc phòng với phạm vi chủ yếu là trên Biển Đông, đặc biệt là phối hợp trong việc hỗ trợ Manila chống lại hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Kể từ khi lên nắm quyền ở Philippines vào tháng 5/2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, trong đó ưu tiên thắt chặt quan hệ với đồng minh là Mỹ và áp dụng cách tiếp cận mang tính cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích quốc gia—trái ngược với chính sách “thân Trung Quốc” (pro-China) của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Chính quyền Marcos cũng phát triển quan hệ an ninh với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Australia—những đồng minh của Mỹ và chia sẻ với Manila về mối đe dọa Trung Quốc.
Trong “Bộ tứ mới”, trừ Philippines, các nước còn lại là Mỹ, Nhật Bản và Australia đều không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, các quốc gia này đều đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường trong vấn đề Biển Đông và sự ủng hộ dành cho Philippines—cơ sở quan trọng tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo để đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc tại khu vực. Từ thời kỳ Tổng thống Donald Trump, quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông trở nên rõ ràng và cứng rắn hơn. Năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo thẳng thắn lên tiếng bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và chỉ trích hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc. Năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của chính quyền đương nhiệm nhắc lại lập trường trên, đồng thời tái khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu và máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ viện dẫn các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951”. Washington cũng ủng hộ mạnh mẽ Manila trước những cuộc đụng độ trên biển với Trung Quốc.
Được thúc đẩy bởi các chính sách “thân Mỹ” của chính quyền Marcos, Washington đã tăng cường hợp tác chiến lược với Philippines nhằm “hiện đại hóa liên minh và xây dựng một cấu trúc mạnh mẽ và kiên cường để đáp ứng những thách thức mới nổi hiện nay”. Hợp tác song phương giữa Mỹ và Philippines xác lập nhiều bước tiến đáng kể. Vào tháng 2/2023, Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), nâng tổng số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines mà Mỹ có thể tiếp cận được lên 9. Hai quốc gia cũng đang đàm phán để cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ ở Philippines, và Washington cũng có kế hoạch hỗ trợ Manila hiện đại hoá lực lượng quân đội và nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải. Chẳng hạn, trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 5/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo gói viện trợ bổ sung trị giá 7,5 triệu USD cho Manila nhằm tăng cường năng lực hiệp đồng của lực lượng đồng minh Mỹ - Philippines; hai nước cũng thường xuyên tập trận song phương trên Biển Đông. Vào tháng 11/2023, Philippines thông báo khởi động các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông với Mỹ—động thái nhằm nâng cao tư thế quân sự của Manila tại vùng biển tranh chấp cũng như sự sẵn sàng của Philippines trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Để đối phó với các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ cũng ưu tiên hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm duy trì sự hiện diện và tăng cường năng lực răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ý đồ này nằm trong “chiến lược răn đe tổng hợp” (integrated deterrence strategy) mà chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi nhằm đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực. Do đó, việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines được xem là một phần trong tính toán chiến lược của Washington.
Nhật Bản và Australia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại có lợi ích thiết thực tại vùng biển chiến lược này, cụ thể là ở nhu cầu đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, những hành vi “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, như cưỡng ép tàu thuyền các nước trong khu vực, quân sự hoá các thực thể trên vùng biển mà nước này chiếm được,... đang đe dọa tới môi trường an ninh và sự thịnh vượng trong khu vực. Canberra và Tokyo lần lượt lên tiếng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2020 và 2021. Nhật Bản và Australia cũng ủng hộ Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, và từng bước tăng cường sự hiện diện ở vùng biển này thông qua các cuộc tập trận song phương và đa phương nhằm thể hiện cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tương tự Philippines, Nhật Bản cũng đang đối mặt với chiến thuật “vùng xám” (grey zone) của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, bao gồm triển việc khai liên tục tàu thuyền xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư). Trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) năm 2022, Nhật Bản nhận định “Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và những nỗ lực như vậy ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Theo giới quan sát, Nhật Bản nhận thức rằng nước này không thể giữ gìn luật quốc tế và quyền tự do trên biển ở Đông Bắc Á nếu như khu vực Biển Đông chịu sự kiểm soát của Trung Quốc. Do đó, các chính quyền Nhật Bản cố gắng theo đuổi chính sách tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Hiện nay, Đông Nam Á, trong đó có Philippines, là trọng tâm trong chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản. Vị trí địa chiến lược đặc trưng—khi Nhật Bản và Philippines nằm trên chuỗi đảo thứ nhất cùng với sự chia sẻ về mối đe dọa Trung Quốc là những yếu tố chủ yếu khiến hai nước thêm gắn kết quan hệ.
Hợp tác an ninh Nhật - Philippines đạt được bước ngoặt mới qua chuyến công du của Thủ tướng Fumio Kishida tới Manila vào đầu tháng 11/2023. Trong chuyến thăm, Nhật Bản cam kết cung cấp cho Philippines hệ thống radar giám sát bờ biển trị giá khoảng 4 triệu USD, theo quỹ Hỗ trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance - OSA) mà Tokyo công bố hồi năm 2022, nhằm giúp “cải thiện khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải của hải quân Philippines”. Hai nước cũng đồng ý bắt đầu đàm phán một Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (Reciprocal Access Agreement - RAA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng đến lãnh thổ của nhau để đào tạo và tập trận. Nhật Bản cũng đã ký với Australia một RAA vào đầu năm 2023. Như vậy, cả ba cường quốc trong “Bộ tứ mới” đều đang và sắp có quyền tiếp cận các căn cứ của Philippines, qua đó giúp thúc đẩy hợp tác giữa bốn quốc gia nhằm nâng cao năng lực răn đe chống lại Bắc Kinh.
Australia cũng tăng cường gắn kết với Philippines về việc hợp tác, hỗ trợ nước này trong vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hiện tại, Đông Nam Á là khu vực mà Australia ưu tiên trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Trong Đánh giá Chiến lược Quốc phòng 2023 (Defence Strategic Review 2023), Australia nhấn mạnh đầu tư vào quan hệ đối tác quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, là rất quan trọng và nên là ưu tiên hàng đầu để Canberra duy trì sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Chính vì thế, trước bối cảnh Trung Quốc gia tăng gây hấn với Philippines ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, Australia đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Manila. Trong chuyến thăm Manila vào tháng 9/2023, Anthony Albanese—Thủ tướng Australia đầu tiên thăm Philippines sau 20 năm—đã thông báo nâng cấp quan hệ với Philippines lên “đối tác chiến lược” (strategic parnership). Trong chuyến thăm, ông Albanese khẳng định Canberra và Manila “có quan điểm chung về sự cần thiết phải duy trì luật pháp quốc tế, và quan điểm của Australia về vấn đề đó sẽ tiếp tục nhất quán như chúng tôi đã luôn làm, bao gồm cả các vấn đề gần đây liên quan đến Biển Đông”, cho thấy hai quốc gia chia sẻ lợi ích trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn đang bị đe dọa bởi các cường quốc xét lại (revisionist power) như Trung Quốc.
Trong bối cảnh Biển Đông ngày càng bất ổn, Philippines nỗ lực thúc đẩy việc hình thành các liên kết tiểu đa phương qua việc tăng cường hợp tác với các “nan hoa” (spokes) của Mỹ ở châu Á, trong đó có các thành viên của “Bộ tứ mới”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết trong thời gian tới Manila sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải đa quốc gia trên Biển Đông. Điều này xuất phát từ niềm tin của Philippines rằng khi Trung Quốc gia tăng bắt nạt, tạo ra nhiều sự cố với phía Manila, thì nhiều nước sẽ lên tiếng ủng hộ và “tham gia” cùng quốc gia Đông Nam Á này chống lại hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Như vậy, sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa bốn bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines vào tháng 6/2023, bốn nước đã tăng cường tương tác giữa các lực lượng cũng như thúc đẩy sự hiện diện trên Biển Đông, như đã trình bày ở trên. Những động thái này gửi đi thông điệp răn đe tới tham vọng bá chủ hàng hải của Trung Quốc tại khu vực. Bên cạnh các cuộc tập trận song phương và ba bên, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines đã tiến hành tương tác bốn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vào tháng 8/2023, lực lượng hải quân của bốn quốc gia đã tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Sau cuộc tập trận chung, các nhà lãnh đạo quân sự của “Bộ tứ mới” gặp nhau tại Manila nhằm thể hiện cam kết “duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đầu tháng 9/2023, Philippines tuyên bố Nhật Bản và Australia sẽ tham gia tuần tra hàng hải chung với nước này và Mỹ ở Biển Đông trong tương lai.
Triển vọng hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines trong nỗ lực hình thành “Bộ tứ mới” với sự tập trung vào vấn đề Biển Đông là đầy hứa hẹn và được kỳ vọng sẽ sớm được thể chế hóa với những ưu tiên rõ ràng hơn. Bốn quốc gia đang hợp tác chặt chẽ hơn, nhất là ở lĩnh vực an ninh quốc phòng. Có nhiều yếu tố thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược này, trong đó Philippines được xem là nhân tố tạo “lực đẩy” cho các liên kết đan xen. Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến hành động thực tế còn một khoảng cách khá xa. Philippines và ba quốc gia còn lại cần nhìn vào bài học nhãn tiền của “Bộ tứ” hiện tại khi nhóm này cũng đã có khoảng thời gian dài bị ngưng hoạt động (từ năm 2008 đến 2016).

Những tháng gần đây, Biển Đông liên tiếp “dậy sóng” với những diễn biến vô cùng phức tạp do hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển này. Nổi bật nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines tại một số thực thể trên Biển Đông (như bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal),…) kéo theo những đòn đáp trả ngoại giao mạnh mẽ giữa hai bên. Loạt hành động của Trung Quốc gần đây bao gồm chiếu đèn laser cấp độ quân sự vào tàu tuần duyên Philippines; lắp đặt “rào chắn nổi” dài 300m gần bãi cạn Scarborough; dùng nhiều cách để ngăn Manila tiếp tế cho tàu chiến mắc cạn BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây như va chạm, phun vòi rồng vào tàu Philippines,... Những sự cố trên có thể dẫn tới sự hiểu lầm, tính toán sai, làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột trực tiếp giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực.
Sâu xa hơn, loạt diễn biến đáng quan ngại trên cho thấy âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ ràng, và thậm chí được Bắc Kinh thúc đẩy, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, những cơ chế đa phương nổi bật trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)—tổ chức mà Philippines là thành viên—và những diễn đàn liên quan như Diễn đàn Đông Á (EAF),... dường như bất lực trong việc thể hiện tiếng nói thống nhất để lên án những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines vẫn quan ngại về nguy cơ trở thành “con bài” trong ý đồ “chuyển lửa ra bên ngoài” của Trung Quốc—tức lãnh đạo Bắc Kinh sẽ tìm cách “làm căng” đối đầu quân sự với Philippines trên Biển Đông nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước trước những thất bại về chính sách quản lý đất nước hay bất ổn bên trong quốc gia. Hơn ai hết, Philippines vẫn còn nhớ rõ bài học “nạn nhân” từ chiến thuật trên của Trung Quốc, và do đó, quốc gia này gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc bên ngoài nhằm cân bằng với Bắc Kinh.
Quan hệ quốc phòng gắn kết giữa Philippines với ba cường quốc là Mỹ, Nhật Bản và Australia nhận được sự chú ý trong bối cảnh như vậy, làm dấy lên những dự đoán về sự ra đời của một “Bộ tứ mới” (new QUAD). Sau cuộc họp lần đầu tiên giữa bốn bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines bên lề Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6/2023 tại Singapore, nhóm “Bộ tứ mới” cho đến nay vẫn chưa có cuộc gặp cấp cao chính thức nào. Tuy vậy, những tương tác giữa bốn quốc gia đã được xây dựng và thúc đẩy trong thời gian qua. Khác với nhóm “Bộ tứ cũ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), “Bộ tứ mới” này có trọng tâm hợp tác là lĩnh vực quốc phòng với phạm vi chủ yếu là trên Biển Đông, đặc biệt là phối hợp trong việc hỗ trợ Manila chống lại hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Kể từ khi lên nắm quyền ở Philippines vào tháng 5/2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, trong đó ưu tiên thắt chặt quan hệ với đồng minh là Mỹ và áp dụng cách tiếp cận mang tính cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích quốc gia—trái ngược với chính sách “thân Trung Quốc” (pro-China) của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Chính quyền Marcos cũng phát triển quan hệ an ninh với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Australia—những đồng minh của Mỹ và chia sẻ với Manila về mối đe dọa Trung Quốc.
Trong “Bộ tứ mới”, trừ Philippines, các nước còn lại là Mỹ, Nhật Bản và Australia đều không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, các quốc gia này đều đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường trong vấn đề Biển Đông và sự ủng hộ dành cho Philippines—cơ sở quan trọng tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo để đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc tại khu vực. Từ thời kỳ Tổng thống Donald Trump, quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông trở nên rõ ràng và cứng rắn hơn. Năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo thẳng thắn lên tiếng bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và chỉ trích hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc. Năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của chính quyền đương nhiệm nhắc lại lập trường trên, đồng thời tái khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu và máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ viện dẫn các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951”. Washington cũng ủng hộ mạnh mẽ Manila trước những cuộc đụng độ trên biển với Trung Quốc.
Được thúc đẩy bởi các chính sách “thân Mỹ” của chính quyền Marcos, Washington đã tăng cường hợp tác chiến lược với Philippines nhằm “hiện đại hóa liên minh và xây dựng một cấu trúc mạnh mẽ và kiên cường để đáp ứng những thách thức mới nổi hiện nay”. Hợp tác song phương giữa Mỹ và Philippines xác lập nhiều bước tiến đáng kể. Vào tháng 2/2023, Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), nâng tổng số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines mà Mỹ có thể tiếp cận được lên 9. Hai quốc gia cũng đang đàm phán để cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ ở Philippines, và Washington cũng có kế hoạch hỗ trợ Manila hiện đại hoá lực lượng quân đội và nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải. Chẳng hạn, trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 5/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo gói viện trợ bổ sung trị giá 7,5 triệu USD cho Manila nhằm tăng cường năng lực hiệp đồng của lực lượng đồng minh Mỹ - Philippines; hai nước cũng thường xuyên tập trận song phương trên Biển Đông. Vào tháng 11/2023, Philippines thông báo khởi động các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông với Mỹ—động thái nhằm nâng cao tư thế quân sự của Manila tại vùng biển tranh chấp cũng như sự sẵn sàng của Philippines trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Để đối phó với các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ cũng ưu tiên hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm duy trì sự hiện diện và tăng cường năng lực răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ý đồ này nằm trong “chiến lược răn đe tổng hợp” (integrated deterrence strategy) mà chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi nhằm đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực. Do đó, việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines được xem là một phần trong tính toán chiến lược của Washington.
Nhật Bản và Australia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại có lợi ích thiết thực tại vùng biển chiến lược này, cụ thể là ở nhu cầu đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, những hành vi “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, như cưỡng ép tàu thuyền các nước trong khu vực, quân sự hoá các thực thể trên vùng biển mà nước này chiếm được,... đang đe dọa tới môi trường an ninh và sự thịnh vượng trong khu vực. Canberra và Tokyo lần lượt lên tiếng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2020 và 2021. Nhật Bản và Australia cũng ủng hộ Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, và từng bước tăng cường sự hiện diện ở vùng biển này thông qua các cuộc tập trận song phương và đa phương nhằm thể hiện cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tương tự Philippines, Nhật Bản cũng đang đối mặt với chiến thuật “vùng xám” (grey zone) của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, bao gồm triển việc khai liên tục tàu thuyền xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư). Trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) năm 2022, Nhật Bản nhận định “Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và những nỗ lực như vậy ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Theo giới quan sát, Nhật Bản nhận thức rằng nước này không thể giữ gìn luật quốc tế và quyền tự do trên biển ở Đông Bắc Á nếu như khu vực Biển Đông chịu sự kiểm soát của Trung Quốc. Do đó, các chính quyền Nhật Bản cố gắng theo đuổi chính sách tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Hiện nay, Đông Nam Á, trong đó có Philippines, là trọng tâm trong chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản. Vị trí địa chiến lược đặc trưng—khi Nhật Bản và Philippines nằm trên chuỗi đảo thứ nhất cùng với sự chia sẻ về mối đe dọa Trung Quốc là những yếu tố chủ yếu khiến hai nước thêm gắn kết quan hệ.
Hợp tác an ninh Nhật - Philippines đạt được bước ngoặt mới qua chuyến công du của Thủ tướng Fumio Kishida tới Manila vào đầu tháng 11/2023. Trong chuyến thăm, Nhật Bản cam kết cung cấp cho Philippines hệ thống radar giám sát bờ biển trị giá khoảng 4 triệu USD, theo quỹ Hỗ trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance - OSA) mà Tokyo công bố hồi năm 2022, nhằm giúp “cải thiện khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải của hải quân Philippines”. Hai nước cũng đồng ý bắt đầu đàm phán một Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (Reciprocal Access Agreement - RAA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng đến lãnh thổ của nhau để đào tạo và tập trận. Nhật Bản cũng đã ký với Australia một RAA vào đầu năm 2023. Như vậy, cả ba cường quốc trong “Bộ tứ mới” đều đang và sắp có quyền tiếp cận các căn cứ của Philippines, qua đó giúp thúc đẩy hợp tác giữa bốn quốc gia nhằm nâng cao năng lực răn đe chống lại Bắc Kinh.
Australia cũng tăng cường gắn kết với Philippines về việc hợp tác, hỗ trợ nước này trong vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hiện tại, Đông Nam Á là khu vực mà Australia ưu tiên trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Trong Đánh giá Chiến lược Quốc phòng 2023 (Defence Strategic Review 2023), Australia nhấn mạnh đầu tư vào quan hệ đối tác quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, là rất quan trọng và nên là ưu tiên hàng đầu để Canberra duy trì sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Chính vì thế, trước bối cảnh Trung Quốc gia tăng gây hấn với Philippines ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, Australia đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Manila. Trong chuyến thăm Manila vào tháng 9/2023, Anthony Albanese—Thủ tướng Australia đầu tiên thăm Philippines sau 20 năm—đã thông báo nâng cấp quan hệ với Philippines lên “đối tác chiến lược” (strategic parnership). Trong chuyến thăm, ông Albanese khẳng định Canberra và Manila “có quan điểm chung về sự cần thiết phải duy trì luật pháp quốc tế, và quan điểm của Australia về vấn đề đó sẽ tiếp tục nhất quán như chúng tôi đã luôn làm, bao gồm cả các vấn đề gần đây liên quan đến Biển Đông”, cho thấy hai quốc gia chia sẻ lợi ích trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn đang bị đe dọa bởi các cường quốc xét lại (revisionist power) như Trung Quốc.
Trong bối cảnh Biển Đông ngày càng bất ổn, Philippines nỗ lực thúc đẩy việc hình thành các liên kết tiểu đa phương qua việc tăng cường hợp tác với các “nan hoa” (spokes) của Mỹ ở châu Á, trong đó có các thành viên của “Bộ tứ mới”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết trong thời gian tới Manila sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải đa quốc gia trên Biển Đông. Điều này xuất phát từ niềm tin của Philippines rằng khi Trung Quốc gia tăng bắt nạt, tạo ra nhiều sự cố với phía Manila, thì nhiều nước sẽ lên tiếng ủng hộ và “tham gia” cùng quốc gia Đông Nam Á này chống lại hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Như vậy, sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa bốn bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines vào tháng 6/2023, bốn nước đã tăng cường tương tác giữa các lực lượng cũng như thúc đẩy sự hiện diện trên Biển Đông, như đã trình bày ở trên. Những động thái này gửi đi thông điệp răn đe tới tham vọng bá chủ hàng hải của Trung Quốc tại khu vực. Bên cạnh các cuộc tập trận song phương và ba bên, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines đã tiến hành tương tác bốn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vào tháng 8/2023, lực lượng hải quân của bốn quốc gia đã tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Sau cuộc tập trận chung, các nhà lãnh đạo quân sự của “Bộ tứ mới” gặp nhau tại Manila nhằm thể hiện cam kết “duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đầu tháng 9/2023, Philippines tuyên bố Nhật Bản và Australia sẽ tham gia tuần tra hàng hải chung với nước này và Mỹ ở Biển Đông trong tương lai.
Triển vọng hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines trong nỗ lực hình thành “Bộ tứ mới” với sự tập trung vào vấn đề Biển Đông là đầy hứa hẹn và được kỳ vọng sẽ sớm được thể chế hóa với những ưu tiên rõ ràng hơn. Bốn quốc gia đang hợp tác chặt chẽ hơn, nhất là ở lĩnh vực an ninh quốc phòng. Có nhiều yếu tố thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược này, trong đó Philippines được xem là nhân tố tạo “lực đẩy” cho các liên kết đan xen. Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến hành động thực tế còn một khoảng cách khá xa. Philippines và ba quốc gia còn lại cần nhìn vào bài học nhãn tiền của “Bộ tứ” hiện tại khi nhóm này cũng đã có khoảng thời gian dài bị ngưng hoạt động (từ năm 2008 đến 2016).
Từ khoá: Bộ tứ Mỹ Nhật Bản Australia Philippines Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương