Tổng thống Philippines ủng hộ Đài Loan, khiêu khích Trung Quốc
An ninh của Đài Loan và Philippines có mối liên hệ chặt chẽ, và lúc này là thời điểm thích hợp để hai đối tác thắt chặt quan hệ.


Ngày 15/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có một bước đi táo bạo khi đăng lời chúc mừng chiến thắng đối với tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) trên nền tảng X (trước đây là Twitter). Theo sau thông điệp chúc mừng của Marcos là lời cam kết “tăng cường lợi ích chung, thúc đẩy hòa bình” với Đài Loan, cho thấy quyết tâm của ông trong việc củng cố mối quan hệ với hòn đảo tự trị này, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Sự ủng hộ ngoại giao của Marcos đối với Đài Loan đã nhanh chóng nhận về phản ứng khiển trách từ phía Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải triệu tập đại sứ Philippines. Nghiêm trọng hơn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo Philippines “không được đùa với lửa” (not to play with fire) trong vấn đề Đài Loan, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn coi là “công việc nội bộ” của quốc gia này. Từ lâu Trung Quốc đã sử dụng “ngoại giao chiến lang” (wolf-warrior diplomacy) như một chiến thuật để gây chia rẽ giữa Đài Loan và các đối tác cùng chí hướng, khiến sự ủng hộ quốc tế cho hòn đảo ngày càng bị thu hẹp.
Philippines đã luôn tuân thủ “Chính sách Một Trung Quốc” (One-China Policy) kể từ khi chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sang Trung Quốc vào năm 1975. Việc tổng thống Philippines gửi lời chúc mừng công khai tới Tổng thống đắc cử của Đài Loan là điều chưa từng có, đặc biệt là khi Marcos đã sử dụng cụm từ “Tổng thống tiếp theo của Đài Loan” (Taiwan’s next President) trong thông điệp chúc mừng của mình. Cử chỉ ngoại giao của Marcos thậm chí còn được các nhà phân tích cho là “đáng ngạc nhiên” và “cực kỳ bất thường”.
Tuy nhiên, động thái của Marcos rất đáng chú ý trước sự rạn nứt ngày càng tăng trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Philippines hiện coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Đã có nhiều hoạt động đối đầu hàng hải gần đây giữa Manila và Bắc Kinh. Đơn cử là sự cố liên quan đến việc tàu hải cảnh và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào các thủy thủ Philippines trong nỗ lực cắt nguồn cung cấp cho tàu chiến BRP Sierra Madre đổ nát của Manila, hiện đang neo đậu trên Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) do Philippines chiếm đóng ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc quân sự hóa sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp và có những tuyên bố ngạo mạn nhằm coi Biển Đông là vùng biển “nội địa” là những dấu hiệu cho thấy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng một Lebensraum (“không gian sống” trong tiếng Đức) hàng hải của Trung Quốc tại đây. Khái niệm Lebensraum là một trong những lời biện minh của Adolf Hitler cho việc xâm chiếm Trung và Đông Âu vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Để “dập tắt” sự hiếu chiến của Trung Quốc, chính quyền Marcos đã ưu tiên tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản, hai quốc gia lên án gay gắt tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Việc củng cố mối quan hệ an ninh giữa Philippines với Mỹ đã thu hút được sự chú ý khi cả hai đồng minh đều đang phối hợp nhằm tăng cường khả năng tương tác và mở rộng các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Nhật Bản và Philippines vào tháng 11 năm ngoái đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một hiệp ước quốc phòng quan trọng, qua đó cho phép quân đội Nhật Bản được triển khai tới quốc gia Đông Nam Á này.
Kể từ đầu năm 2023, Mỹ và hai đồng minh châu Á đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Biển Đông. Quan trọng không kém là Mỹ, Philippines, và Nhật Bản đã cùng cam kết củng cố quan hệ an ninh nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Việc ba quốc gia trên hợp tác với nhau để xây dựng chủ nghĩa an ninh tiểu đa phương (minilateralism) mang lại cho Đài Loan cơ hội tăng cường an ninh. Sắp tới đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Lại Thanh Đức củng cố mối quan hệ với Philippines thông qua các cam kết và một chiến lược được hoạch định rõ ràng, đặc biệt là khi mối quan hệ ngoại giao và an ninh của Đài Loan với Mỹ và Nhật Bản đang phát triển. Manila và Đài Bắc dường như đang ở trên cùng một con thuyền do mối quan hệ mong manh với Trung Quốc, nhưng Đài Loan cần xác định các lĩnh vực lợi ích chung để có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Philippines nhằm củng cố mối quan hệ bền chặt.
Kể từ Tổng thống Đài Loan đương nhiệm Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) công bố “Chính sách hướng Nam mới” (NSP) vào năm 2016, mối quan hệ giữa Đài Loan và Philippines đã phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Giờ đây, tổng thống sắp nhậm chức của Đài Loan và nội các của ông nên nỗ lực hơn để thúc đẩy NSP ở các khía cạnh hợp tác song phương, chẳng hạn như mở rộng xuất khẩu nông sản sang Philippines, khuyến khích hợp tác công nghệ cao với các đối tác Philippines và tạo điều kiện giao lưu nhân dân nhiều hơn giữa hai bên. Bối cảnh hiện nay mang lại cơ hội lý tưởng để chính phủ Philippines và chính quyền Đài Loan thúc đẩy hợp tác công nghệ, khi các nhà sản xuất điện tử, chất bán dẫn và máy móc công nghiệp của Đài Loan đang để mắt tới cơ hội mở rộng kinh doanh tại Philippines. Hai đối tác có thể duy trì động lực này bằng nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước.
Kể từ khi nhậm chức, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc, Marcos đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đầu tư vào quốc gia này. Do rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Manila và Bắc Kinh, chính quyền Marcos ít gặp phải sự phản kháng hơn trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đài Loan và Philippines. Nhờ việc Marcos chủ động theo đuổi các triển vọng kinh tế và thương mại quốc tế, Philippines sẽ được hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và công nghệ đáng kể của Đài Loan trong các lĩnh vực như nông nghiệp và chất bán dẫn, từ đó có thể tăng cường hợp tác song phương.
Hai đối tác cũng nên xem xét khởi động các hoạt động hợp tác an ninh vì cả hai đều đang đối mặt với cùng một mối đe dọa. Vào tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đề nghị rằng Đài Loan và Philippines nên tăng cường quan hệ thông qua việc tìm kiếm hợp tác trong hoạt động bảo vệ bờ biển và ứng phó với thảm họa. Cả hai bên cũng có thể sử dụng đòn bẩy này để thảo luận về khả năng tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học hàng hải chung ở Biển Đông. Với môi trường hàng hải bị đe dọa do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy giảm rạn san hô và mất đa dạng sinh học, hợp tác khoa học chung có thể liên quan đến các sáng kiến và chiến lược được áp dụng để giải quyết thảm họa sinh thái. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ngoại giao khoa học (science diplomacy) có thể đưa hai đối tác xích lại gần nhau hơn và tạo đòn bẩy cho sự hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống khác.
Đầu tư thời gian giải quyết các vấn đề còn tồn tại cũng có tầm quan trọng không kém việc tìm cách tăng cường quan hệ. Đài Loan được hưởng lợi về lĩnh vực kinh tế từ sự hiện diện của khoảng 180.000 người lao động nhập cư Philippines, phần lớn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và dịch vụ gia đình. Trước cuộc bầu cử tổng thống, họ bắt đầu băn khoăn về những kế hoạch điều chỉnh chính sách liên quan đến điều kiện làm việc và quyền bảo hộ lao động của chính quyền mới ở Đài Loan. Mối lo ngại này cần được giải quyết bằng những biện pháp thoả đáng, chẳng hạn như xử lý dứt điểm hệ thống môi giới lao động bóc lột và gây tranh cãi, xem xét ban hành cơ chế thuê trực tiếp lao động Philippines từ chính quyền Đài Loan, đồng thời xây dựng nền tảng tuyển dụng công khai và minh bạch. Đối với phần lớn người lao động Philippines ở Đài Loan, những người phản đối sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và đặt kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho cả Philippines và Đài Loan, đây là điều vô cùng quan trọng.
Đối với Mỹ và các cường quốc trong khu vực, việc hỗ trợ Đài Loan và việc ủng hộ Philippines đều có ý nghĩa quan trọng. Sẽ là một thảm họa thực sự đối với Philippines nếu Trung Quốc thành công trong việc sáp nhập Đài Loan bằng các biện pháp quân sự. Đảo Lan Tự (Orchid Island), nằm ở phía Đông Nam Đài Loan, chỉ cách lãnh thổ cực Bắc của Philippines, Quần đảo Batanes, khoảng 150 km. Một cuộc chiến tranh xảy ra ở eo biển Đài Loan có thể dẫn tới việc Trung Quốc tìm cách chiếm Batanes. Những cân nhắc địa chính trị ấy cho thấy an ninh của Đài Loan và Philippines có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tóm lại, ngoài việc là hai “láng giềng” kế cận, Philippines và Đài Loan chia sẻ các giá trị dân chủ và thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì “nguyên trạng” (status quo) trong khu vực. Thái độ thiện chí của Marcos đối với Lại Thanh Đức và con đường dân chủ của Đài Loan cho thấy Manila và Đài Bắc có thể củng cố mối quan hệ song phương thông qua các lợi ích kinh tế chung và thậm chí có thể tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng khác.
Ghi chú của VSF: Bài viết tiếng Việt này được dịch từ bài viết tiếng Anh với tiêu đề “Time to bolster Taipei-Manila ties”, đã được đăng trên The Taipei Times vào ngày 28/1/2024. Độc giả có thể truy cập bài viết gốc ở đây. Tiêu đề bài viết tiếng Việt đã có sự điều chỉnh với sự đồng ý của tác giả. VSF cảm ơn tác giả đã cho phép dịch và đăng bài viết này.

Ngày 15/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có một bước đi táo bạo khi đăng lời chúc mừng chiến thắng đối với tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) trên nền tảng X (trước đây là Twitter). Theo sau thông điệp chúc mừng của Marcos là lời cam kết “tăng cường lợi ích chung, thúc đẩy hòa bình” với Đài Loan, cho thấy quyết tâm của ông trong việc củng cố mối quan hệ với hòn đảo tự trị này, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Sự ủng hộ ngoại giao của Marcos đối với Đài Loan đã nhanh chóng nhận về phản ứng khiển trách từ phía Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải triệu tập đại sứ Philippines. Nghiêm trọng hơn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo Philippines “không được đùa với lửa” (not to play with fire) trong vấn đề Đài Loan, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn coi là “công việc nội bộ” của quốc gia này. Từ lâu Trung Quốc đã sử dụng “ngoại giao chiến lang” (wolf-warrior diplomacy) như một chiến thuật để gây chia rẽ giữa Đài Loan và các đối tác cùng chí hướng, khiến sự ủng hộ quốc tế cho hòn đảo ngày càng bị thu hẹp.
Philippines đã luôn tuân thủ “Chính sách Một Trung Quốc” (One-China Policy) kể từ khi chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sang Trung Quốc vào năm 1975. Việc tổng thống Philippines gửi lời chúc mừng công khai tới Tổng thống đắc cử của Đài Loan là điều chưa từng có, đặc biệt là khi Marcos đã sử dụng cụm từ “Tổng thống tiếp theo của Đài Loan” (Taiwan’s next President) trong thông điệp chúc mừng của mình. Cử chỉ ngoại giao của Marcos thậm chí còn được các nhà phân tích cho là “đáng ngạc nhiên” và “cực kỳ bất thường”.
Tuy nhiên, động thái của Marcos rất đáng chú ý trước sự rạn nứt ngày càng tăng trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Philippines hiện coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Đã có nhiều hoạt động đối đầu hàng hải gần đây giữa Manila và Bắc Kinh. Đơn cử là sự cố liên quan đến việc tàu hải cảnh và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào các thủy thủ Philippines trong nỗ lực cắt nguồn cung cấp cho tàu chiến BRP Sierra Madre đổ nát của Manila, hiện đang neo đậu trên Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) do Philippines chiếm đóng ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc quân sự hóa sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp và có những tuyên bố ngạo mạn nhằm coi Biển Đông là vùng biển “nội địa” là những dấu hiệu cho thấy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng một Lebensraum (“không gian sống” trong tiếng Đức) hàng hải của Trung Quốc tại đây. Khái niệm Lebensraum là một trong những lời biện minh của Adolf Hitler cho việc xâm chiếm Trung và Đông Âu vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Để “dập tắt” sự hiếu chiến của Trung Quốc, chính quyền Marcos đã ưu tiên tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản, hai quốc gia lên án gay gắt tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Việc củng cố mối quan hệ an ninh giữa Philippines với Mỹ đã thu hút được sự chú ý khi cả hai đồng minh đều đang phối hợp nhằm tăng cường khả năng tương tác và mở rộng các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Nhật Bản và Philippines vào tháng 11 năm ngoái đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một hiệp ước quốc phòng quan trọng, qua đó cho phép quân đội Nhật Bản được triển khai tới quốc gia Đông Nam Á này.
Kể từ đầu năm 2023, Mỹ và hai đồng minh châu Á đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Biển Đông. Quan trọng không kém là Mỹ, Philippines, và Nhật Bản đã cùng cam kết củng cố quan hệ an ninh nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Việc ba quốc gia trên hợp tác với nhau để xây dựng chủ nghĩa an ninh tiểu đa phương (minilateralism) mang lại cho Đài Loan cơ hội tăng cường an ninh. Sắp tới đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Lại Thanh Đức củng cố mối quan hệ với Philippines thông qua các cam kết và một chiến lược được hoạch định rõ ràng, đặc biệt là khi mối quan hệ ngoại giao và an ninh của Đài Loan với Mỹ và Nhật Bản đang phát triển. Manila và Đài Bắc dường như đang ở trên cùng một con thuyền do mối quan hệ mong manh với Trung Quốc, nhưng Đài Loan cần xác định các lĩnh vực lợi ích chung để có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Philippines nhằm củng cố mối quan hệ bền chặt.
Kể từ Tổng thống Đài Loan đương nhiệm Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) công bố “Chính sách hướng Nam mới” (NSP) vào năm 2016, mối quan hệ giữa Đài Loan và Philippines đã phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Giờ đây, tổng thống sắp nhậm chức của Đài Loan và nội các của ông nên nỗ lực hơn để thúc đẩy NSP ở các khía cạnh hợp tác song phương, chẳng hạn như mở rộng xuất khẩu nông sản sang Philippines, khuyến khích hợp tác công nghệ cao với các đối tác Philippines và tạo điều kiện giao lưu nhân dân nhiều hơn giữa hai bên. Bối cảnh hiện nay mang lại cơ hội lý tưởng để chính phủ Philippines và chính quyền Đài Loan thúc đẩy hợp tác công nghệ, khi các nhà sản xuất điện tử, chất bán dẫn và máy móc công nghiệp của Đài Loan đang để mắt tới cơ hội mở rộng kinh doanh tại Philippines. Hai đối tác có thể duy trì động lực này bằng nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước.
Kể từ khi nhậm chức, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc, Marcos đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đầu tư vào quốc gia này. Do rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Manila và Bắc Kinh, chính quyền Marcos ít gặp phải sự phản kháng hơn trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đài Loan và Philippines. Nhờ việc Marcos chủ động theo đuổi các triển vọng kinh tế và thương mại quốc tế, Philippines sẽ được hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và công nghệ đáng kể của Đài Loan trong các lĩnh vực như nông nghiệp và chất bán dẫn, từ đó có thể tăng cường hợp tác song phương.
Hai đối tác cũng nên xem xét khởi động các hoạt động hợp tác an ninh vì cả hai đều đang đối mặt với cùng một mối đe dọa. Vào tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đề nghị rằng Đài Loan và Philippines nên tăng cường quan hệ thông qua việc tìm kiếm hợp tác trong hoạt động bảo vệ bờ biển và ứng phó với thảm họa. Cả hai bên cũng có thể sử dụng đòn bẩy này để thảo luận về khả năng tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học hàng hải chung ở Biển Đông. Với môi trường hàng hải bị đe dọa do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy giảm rạn san hô và mất đa dạng sinh học, hợp tác khoa học chung có thể liên quan đến các sáng kiến và chiến lược được áp dụng để giải quyết thảm họa sinh thái. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ngoại giao khoa học (science diplomacy) có thể đưa hai đối tác xích lại gần nhau hơn và tạo đòn bẩy cho sự hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống khác.
Đầu tư thời gian giải quyết các vấn đề còn tồn tại cũng có tầm quan trọng không kém việc tìm cách tăng cường quan hệ. Đài Loan được hưởng lợi về lĩnh vực kinh tế từ sự hiện diện của khoảng 180.000 người lao động nhập cư Philippines, phần lớn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và dịch vụ gia đình. Trước cuộc bầu cử tổng thống, họ bắt đầu băn khoăn về những kế hoạch điều chỉnh chính sách liên quan đến điều kiện làm việc và quyền bảo hộ lao động của chính quyền mới ở Đài Loan. Mối lo ngại này cần được giải quyết bằng những biện pháp thoả đáng, chẳng hạn như xử lý dứt điểm hệ thống môi giới lao động bóc lột và gây tranh cãi, xem xét ban hành cơ chế thuê trực tiếp lao động Philippines từ chính quyền Đài Loan, đồng thời xây dựng nền tảng tuyển dụng công khai và minh bạch. Đối với phần lớn người lao động Philippines ở Đài Loan, những người phản đối sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và đặt kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho cả Philippines và Đài Loan, đây là điều vô cùng quan trọng.
Đối với Mỹ và các cường quốc trong khu vực, việc hỗ trợ Đài Loan và việc ủng hộ Philippines đều có ý nghĩa quan trọng. Sẽ là một thảm họa thực sự đối với Philippines nếu Trung Quốc thành công trong việc sáp nhập Đài Loan bằng các biện pháp quân sự. Đảo Lan Tự (Orchid Island), nằm ở phía Đông Nam Đài Loan, chỉ cách lãnh thổ cực Bắc của Philippines, Quần đảo Batanes, khoảng 150 km. Một cuộc chiến tranh xảy ra ở eo biển Đài Loan có thể dẫn tới việc Trung Quốc tìm cách chiếm Batanes. Những cân nhắc địa chính trị ấy cho thấy an ninh của Đài Loan và Philippines có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tóm lại, ngoài việc là hai “láng giềng” kế cận, Philippines và Đài Loan chia sẻ các giá trị dân chủ và thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì “nguyên trạng” (status quo) trong khu vực. Thái độ thiện chí của Marcos đối với Lại Thanh Đức và con đường dân chủ của Đài Loan cho thấy Manila và Đài Bắc có thể củng cố mối quan hệ song phương thông qua các lợi ích kinh tế chung và thậm chí có thể tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng khác.
Ghi chú của VSF: Bài viết tiếng Việt này được dịch từ bài viết tiếng Anh với tiêu đề “Time to bolster Taipei-Manila ties”, đã được đăng trên The Taipei Times vào ngày 28/1/2024. Độc giả có thể truy cập bài viết gốc ở đây. Tiêu đề bài viết tiếng Việt đã có sự điều chỉnh với sự đồng ý của tác giả. VSF cảm ơn tác giả đã cho phép dịch và đăng bài viết này.
Từ khoá: Philippines Đài Loan hợp tác an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương