Thương chiến Mỹ - Trung 2.0 và đối sách của Việt Nam
Để tiếp tục là “bên thắng cuộc” trong thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam cần một tư duy dài hạn, phát triển quan hệ kinh tế đa phương, và tăng cường tính minh bạch trong thương mại và đầu tư.


Cuộc chiến không tránh khỏi
Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump gắn liền với sự tái khởi động chính sách thuế quan đáng lo ngại mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên, vốn kích hoạt cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (còn gọi là thương chiến Mỹ - Trung 1.0).
Không phải đợi quá nhiều thời gian, ngay trong những tuần đầu nhậm chức, Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm áp đặt các loại thuế quan lên những đồng minh cũng như đối thủ, mà mục tiêu chính là Trung Quốc. Có thể thấy rằng những loại thuế mà Trump đưa ra đến nay dường như đang tấn công tổng lực vào những ưu thế của nền kinh tế Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 ngày càng khốc liệt.
Hai cường quốc đang ở vào vòng xoáy trả đũa thuế quan đầy căng thẳng với việc một bên đưa ra mức thuế mới thì ngay lập tức vấp phải màn đáp trả tương tự. Ngay ngày đầu nhậm chức (20/1), Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp thuế thêm 10% lên hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với lý do là để ngăn chặn hoạt động buôn bán fentanyl – một loại ma tuý gây nghiện. Ngay lập tức, Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế lên 14 tỷ USD hàng hoá Mỹ, bao gồm 15% đối với các mặt hàng than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), và 10% đối với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô, cũng như đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngày 4/3, Trump thông báo áp thêm 10% thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc với lý do tương tự như đợt thuế quan trước. Rõ ràng là Trump đang chơi con bài “thuế quan” để tìm kiếm một thỏa hiệp hoặc sự nhượng bộ từ Trung Quốc, tương tự như cách hai quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico đã từng thực hiện để tạm hoãn việc bị đánh thuế.
Nếu Trump kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ với mức thuế mới thì chắc hẳn ông sẽ tiếp tục thất vọng. Ở vòng thuế quan thứ hai, đòn thuế quan trả đũa của Bắc Kinh nhắm chủ yếu vào ngành nông nghiệp của Mỹ khi nước này tuyên bố áp mức thuế 15% đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông, và mức thuế 10% đối với hạt cao lương, đậu nành, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm thủy sản, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng liệt thêm 15 công ty Mỹ, bao gồm nhà sản xuất máy bay không người lái Skydio, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của nước này.
Khác với cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ 1.0 của Trump, lần này, Trung Quốc không tỏ ra “lép vế” hoặc tìm cách thỏa hiệp với Washington mà đã chủ động hơn trong trò chơi thuế quan. Trong một động thái dường như tái hiện phong cách “ngoại giao chiến lang” (wolf diplomacy), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/3 tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” (China will fight till the end) nếu Mỹ “kiên quyết tiến hành chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hoặc bất kỳ loại chiến tranh nào khác”.
Các hành động đáp trả dường như cho thấy Bắc Kinh “miễn nhiễm” với chiến thuật “gây sốc và kinh ngạc” (shock-and-awe) của Trump, và những gì đang diễn ra là điều Trung Quốc có thể dự đoán được, dựa trên kinh nghiệm đối phó với Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên. Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới không tỏ ra nao núng hay bị động mà rất quyết liệt và chiến thuật. Trong khi các nhà lãnh đạo Mexico và Canada tất bật liên lạc với chính quyền Trump để trì hoãn thời hạn áp thuế, thì đến nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa điện đàm với Trump về chính sách thuế quan.
Ý thức dân tộc và vị thế quốc gia đặt trong bối cảnh rộng lớn của cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ đã không cho phép lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “yếu đuối”, dù Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán bình đẳng với Washington. Tại cuộc họp báo thường niên vào ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng: “Không quốc gia nào nên mơ tưởng rằng mình có thể đàn áp, kiềm chế Trung Quốc trong khi vẫn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng Trung Quốc hoan nghênh sự hợp tác với Mỹ, nhưng lưu ý rằng nếu Mỹ “tiếp tục gây sức ép, Trung Quốc sẽ kiên quyết trả đũa”.
Làn sóng thuế quan của Trump chưa dừng lại. Ngày 11/2, Trump đã đơn phương áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm bán vào Mỹ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp của nước này khỏi “những hành vi thương mại không công bằng và năng lực sản xuất dư thừa toàn cầu” (unfair trade practices and global excess capacity). Mức áp thuế này lặp lại (và mở rộng) chính sách thuế quan mà Trump công bố trong nhiệm kỳ đầu khi áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, với Canada, Mexico, Australia khi đó được miễn trừ, trong khi Brazil, Hàn Quốc và Argentina đạt thỏa thuận về hạn ngạch miễn thuế (tariff-rate quotas). Chính quyền Joe Biden sau đó ký thỏa thuận miễn thuế với Anh, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU). Tuy nhiên, mức thuế mới của Trump lại xoá bỏ tất cả các miễn trừ nói trên. Một quan chức Nhà Trắng giải thích: “Mức thuế quan Trump 2.0 là phản ứng trực tiếp đối với các chính sách thất bại của chính quyền Biden, [vì chúng] cho phép Trung Quốc, Nga và nhiều đồng minh như Canada, Mexico, Brazil và EU thao túng thương mại và làm tê liệt ngành công nghiệp của Mỹ”.
Thoạt nhìn, mức thuế 25% của Trump đang nhắm vào các đồng minh chủ chốt và các quốc gia đối tác đáng tin cậy của Washington, khiến những quốc gia này tức giận về chính sách thuế quan của Trump cũng như suy giảm niềm tin vào Washington. Canada là nhà cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, Mexico, Brazil coi Mỹ là địa điểm xuất khẩu thép hàng đầu của họ.
Thế nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu chính của Trump. Mặc dù sản lượng nhôm và thép của Bắc Kinh xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ đã giảm đáng kể, một phần là do sự tồn tại của các chính sách thuế quan mà Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu. Logic của chính quyền Trump khi nhắm vào hai loại khoáng sản này là ngăn việc thép và nhôm giá rẻ của Trung Quốc lách thuế bằng cách xuất khẩu sang một quốc gia thứ ba, và đóng gói tại đó trước khi đưa vào thị trường Mỹ dưới mác sản phẩm thép, nhôm sản xuất tại quốc gia thứ ba đó. Cũng có thể hiểu rằng mục tiêu của Trump là cắt đứt hoàn toàn kênh bán thép và nhôm gián tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, việc chính quyền Trump viện dẫn “năng lực sản xuất dư thừa toàn cầu” làm cái cớ để áp thuế cũng nhằm ám chỉ đến sự sản xuất dư thừa (overcapacity) của Trung Quốc vì ngành công nghiệp thép và nhôm của nước này hiện thống trị toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc sản xuất 53,9% sản lượng thép thô của thế giới. Mặc dù ngành sản xuất thép của Trung Quốc trong năm 2024 đã chững lại nhưng quốc gia này vẫn duy trì vị thế là nhà sản xuất thép lớn nhất.
Ngoài ra, Tổng thống Trump chỉ thị các cơ quan Mỹ chuyên trách mảng kinh tế lập kế hoạch để áp thuế đối ứng (reciprocal tariffs) lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới (theo cơ chế quốc gia theo quốc gia và sản phẩm theo sản phẩm), dự kiến có hiệu lực sớm nhất vào đầu tháng 4. Kế hoạch áp thuế này, theo quan điểm của Trump, nhằm “tìm cách khắc phục tình trạng mất cân bằng lâu dài trong thương mại quốc tế và đảm bảo sự công bằng”, cũng như giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Chính vì thế, sự gia tăng căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 là điều không thể tránh khỏi. Trước các đòn thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh hiện đưa ra phản ứng khá thận trọng nhưng mang tính chiến lược. Cạnh đó, với chính sách thuế quan ngày càng gây hấn từ phía Trump và không loại trừ khả năng Mỹ áp thuế 60% lên hàng hoá Trung Quốc như lời hứa tranh cử của ông, không ai có thể đảm bảo Trung Quốc sẽ tiếp tục “nhẫn nại”. Dù cách thức và quy mô mà Bắc Kinh phản ứng lại với các đòn thuế quan của Washington vẫn chưa thật sự rõ ràng nhưng rất có thể chúng sẽ định hình chiều hướng của thương chiến Mỹ - Trung 2.0 cũng như trật tự kinh tế thế giới mới.
Giải pháp cho Việt Nam
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất thông qua sự tăng trưởng về xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được lợi từ cuộc chiến thương mại lần đầu này nhờ vào xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Hệ thống chính trị tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế luôn trên 5% hằng năm, và vị trí liền kề Trung Quốc là các yếu tố đưa Việt Nam trở thành bên hưởng lợi nhiều nhất từ việc chuyển dịch này.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều tổn thương khi hai đối tác thương mại lớn nhất đối đầu với nhau ở cuộc chiến thương mại mới này. Sự trở lại của Trump đã khiến các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam lo lắng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) dự đoán GDP của Việt Nam sẽ mất 1% vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Trump (tức năm 2028). Vào tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay, đồng thời chỉ thị các cơ quan liên quan chuẩn bị các kịch bản để ứng phó.
Cũng giống như thương chiến Mỹ - Trung 1.0, trong thương chiến 2.0, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức tương tự. Trước hết là số lượng hàng hóa Trung Quốc và Mỹ (đặc biệt là hàng nông nghiệp) chịu thuế cao sẽ ồ ạt vào Việt Nam và gây sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, các công ty Trung Quốc sẽ lợi dụng Việt Nam làm nơi “ngụy trang” cho hàng hoá của họ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để dễ dàng xuất khẩu sang Mỹ mà không sợ bị áp thuế cao. Điều này đã xảy ra ở cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, do đó Mỹ đã cảnh giác hơn. Nếu hàng hóa Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ dưới mác “Made in Vietnam” việc Việt Nam bị Mỹ trừng phạt thương mại là không có gì phải ngạc nhiên.
Hồi tháng 5/2024, Jamieson Greer, người được Trump đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, nói rằng Mỹ nên thắt chặt các quy định thương mại để ngăn chặn “các phương pháp lách luật từ nước thứ ba” (third-country workarounds), tức nhắm vào hàng hóa có chứa nhiều bộ phận của Trung Quốc hoặc được sản xuất tại một quốc gia thứ ba bởi một công ty Trung Quốc và sau đó được xuất khẩu sang Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức đến nay, Trump chưa từng đề cập đến trường hợp của Việt Nam khi công bố các đòn thuế quan, mặc dù ông liên tục nhắc đến và chỉ trích một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nhưng vào năm 2019, Trump đã chỉ trích Việt Nam là “nước lạm dụng tồi tệ nhất” (single worst abuser of everybody) trong thương mại khi chỉ ra thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam hiện ở vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Với thực tế này, cộng với kế hoạch đánh thuế đối ứng của Trump, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại. Do đó, họ cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp thực dụng và khôn ngoan phù hợp với chủ nghĩa giao dịch của Trump nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định thị trường.
Trước hết, logic của Trump khi áp thuế lên hàng hóa của một quốc gia là nhằm tìm kiếm một thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ. Hiểu được điều này, Việt Nam cần đưa ra các cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản, khí hóa lỏng và sản phẩm công nghệ cao, cũng như dỡ bỏ những rào cản cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper. Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định quốc gia Đông Nam Á đang “tích cực giải quyết” các vấn đề Mỹ quan tâm về kinh tế, thương mại và đầu tư và tìm kiếm quan hệ kinh tế “cân bằng, ổn định, hài hòa và bền vững với Mỹ”.
Ngoài ra, vào ngày 13/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến công tác tại Mỹ và gặp Đại diện thương mại Jamieson Greer để vừa thăm dò quan điểm của chính quyền Trump, vừa nỗ lực giải thích với Mỹ về chính sách thuế của Việt Nam đối với nước này. Tại cuộc gặp, ông Diên cho biết Việt Nam mong muốn “xây dựng mối quan hệ quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Mỹ”. Những động thái này cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong việc sẵn sàng đáp ứng những quan ngại của Mỹ, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng thương mại.
Trước đó, Việt Nam đã “đi tắt đón đầu” khi vận động hành lang để Tập đoàn Trump đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư vào Hưng Yên (quê hương của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và hiện là phe nắm những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo) với quy mô vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Cách tiếp cận cá nhân này có thể là một bước đi khôn ngoan và khéo léo của Hà Nội, cho thấy khả năng “đọc vị” được thế giới quan giao dịch của Trump. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết khẩn trương thực hiện việc thí điểm cấp phép Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk (một đồng minh thân cận của Trump). Dù các thỏa thuận này mang tính chất tư nhân, nhưng ít nhiều sẽ để lại một ấn tượng rằng Việt Nam biết cách “chiều lòng” Trump.
Thứ hai, Việt Nam cần hiểu rõ rằng những chính sách thuế quan mới của Trump không những nhắm vào những mặt hàng quan trọng sản xuất tại Trung Quốc mà còn nhằm trấn áp những cách thức lách thuế của Bắc Kinh ở những quốc gia trung gian. Chính vì thế, Việt Nam cần có biện pháp nhằm ngăn chặn những tính toán chiến thuật này của Trung Quốc càng sớm và càng mạnh mẽ càng tốt. Bởi lẽ, nhân nhượng Trung Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đưa mình vào tình thế kinh tế vô cùng rủi ro.
Nếu Việt Nam “bình chân như vại”, chính quyền Trump sẽ coi sự im lặng của Hà Nội như hành vi “dung túng” cho hàng hoá của Bắc Kinh. Và sự “lưỡng lự” như vậy sẽ tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế đất nước. Việc thặng dư thương mại song phương tiếp tục đạt kỷ lục mới vào năm 2024 là 123,5 tỷ USD góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức từ phía Washington về vấn đề này.
Lo sợ trước viễn cảnh bị Trump tăng thuế, tháng 2/2025, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (anti-dumping) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%. Việt Nam là nước mua thép lớn nhất của Trung Quốc, do đó động thái này vừa giúp bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất thép nội địa, vừa phát đi tín hiệu đến Mỹ rằng Hà Nội sẵn sàng giải quyết những quan ngại từ Washington.
Ngoài ra, các chính sách chọn lọc hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là giải pháp để ngăn chặn tình trạng các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng Việt Nam để “ngụy trang” hàng hoá của họ. Với cách làm này, các quan chức từ trung ương đến địa phương cần có tư duy dài hạn, tránh việc “ăn xổi ở thì” – nghĩa là chỉ chăm chăm vào những cái lợi trước mắt mà không có tính toán chiến lược.
Các biện pháp này bao gồm nâng cao quy trình phê duyệt đầu tư, tăng cường tuân thủ các quy tắc xuất xứ và giám sát chặt chẽ sau đầu tư đối với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực rủi ro cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần điều hướng một cách khôn khéo về vấn đề này để Bắc Kinh không hiểu sai rằng Việt Nam đang ngả về Mỹ và tách rời khỏi thị trường tỷ dân này.
Cuối cùng, Việt Nam—cường quốc tầm trung đang lên—cần tiếp tục theo đuổi ngoại giao kinh tế đa phương qua việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tiếp tục chủ động phát huy vai trò và tiếng nói của mình tại các tổ chức kinh tế đa phương mà nòng cốt là WTO và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ở mặt tích cực, thương chiến Mỹ - Trung, rộng hơn là cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, mang lại cơ hội để Việt Nam “tự chủ” (dù các nhà lãnh đạo đất nước nhiều lần đề cập đến vấn đề này). Các doanh nghiệp trong nước cũng cần tìm kiếm cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác, vì việc phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, không cứ phải Trung Quốc hay Mỹ, cũng mang lại rủi ro, dù ít hay nhiều.
Ngoài việc nên tiếp tục cân bằng khéo léo quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Hà Nội nên thắt chặt và mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Về kinh tế, Việt Nam cần tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại (FTA) mà nước này đã ký kết đồng thời đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định mới.
***
Ở cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, Việt Nam là “bên thắng cuộc”. Nhưng cuộc chiến lần này lại phức tạp và căng thẳng hơn nhiều. Hà Nội cần nhanh chóng đề ra các chính sách khôn ngoan, cả trong ngắn hạn và dài hạn, để một lần nữa giành chiến thắng. Nếu không, Việt Nam sẽ rơi vào thảm cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.
Vận dụng những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0 là cần thiết, nhưng chưa đủ. Tính chất khó lường của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung 2.0 và cả tính cách khó đoán của Trump đòi hỏi các lãnh đạo ở Ba Đình phải “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước mọi khả năng có thể khiến nền kinh tế Việt Nam chịu tác động sâu sắc.

Cuộc chiến không tránh khỏi
Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump gắn liền với sự tái khởi động chính sách thuế quan đáng lo ngại mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên, vốn kích hoạt cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (còn gọi là thương chiến Mỹ - Trung 1.0).
Không phải đợi quá nhiều thời gian, ngay trong những tuần đầu nhậm chức, Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm áp đặt các loại thuế quan lên những đồng minh cũng như đối thủ, mà mục tiêu chính là Trung Quốc. Có thể thấy rằng những loại thuế mà Trump đưa ra đến nay dường như đang tấn công tổng lực vào những ưu thế của nền kinh tế Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 ngày càng khốc liệt.
Hai cường quốc đang ở vào vòng xoáy trả đũa thuế quan đầy căng thẳng với việc một bên đưa ra mức thuế mới thì ngay lập tức vấp phải màn đáp trả tương tự. Ngay ngày đầu nhậm chức (20/1), Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp thuế thêm 10% lên hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với lý do là để ngăn chặn hoạt động buôn bán fentanyl – một loại ma tuý gây nghiện. Ngay lập tức, Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế lên 14 tỷ USD hàng hoá Mỹ, bao gồm 15% đối với các mặt hàng than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), và 10% đối với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô, cũng như đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngày 4/3, Trump thông báo áp thêm 10% thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc với lý do tương tự như đợt thuế quan trước. Rõ ràng là Trump đang chơi con bài “thuế quan” để tìm kiếm một thỏa hiệp hoặc sự nhượng bộ từ Trung Quốc, tương tự như cách hai quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico đã từng thực hiện để tạm hoãn việc bị đánh thuế.
Nếu Trump kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ với mức thuế mới thì chắc hẳn ông sẽ tiếp tục thất vọng. Ở vòng thuế quan thứ hai, đòn thuế quan trả đũa của Bắc Kinh nhắm chủ yếu vào ngành nông nghiệp của Mỹ khi nước này tuyên bố áp mức thuế 15% đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông, và mức thuế 10% đối với hạt cao lương, đậu nành, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm thủy sản, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng liệt thêm 15 công ty Mỹ, bao gồm nhà sản xuất máy bay không người lái Skydio, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của nước này.
Khác với cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ 1.0 của Trump, lần này, Trung Quốc không tỏ ra “lép vế” hoặc tìm cách thỏa hiệp với Washington mà đã chủ động hơn trong trò chơi thuế quan. Trong một động thái dường như tái hiện phong cách “ngoại giao chiến lang” (wolf diplomacy), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/3 tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” (China will fight till the end) nếu Mỹ “kiên quyết tiến hành chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hoặc bất kỳ loại chiến tranh nào khác”.
Các hành động đáp trả dường như cho thấy Bắc Kinh “miễn nhiễm” với chiến thuật “gây sốc và kinh ngạc” (shock-and-awe) của Trump, và những gì đang diễn ra là điều Trung Quốc có thể dự đoán được, dựa trên kinh nghiệm đối phó với Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên. Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới không tỏ ra nao núng hay bị động mà rất quyết liệt và chiến thuật. Trong khi các nhà lãnh đạo Mexico và Canada tất bật liên lạc với chính quyền Trump để trì hoãn thời hạn áp thuế, thì đến nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa điện đàm với Trump về chính sách thuế quan.
Ý thức dân tộc và vị thế quốc gia đặt trong bối cảnh rộng lớn của cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ đã không cho phép lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “yếu đuối”, dù Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán bình đẳng với Washington. Tại cuộc họp báo thường niên vào ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng: “Không quốc gia nào nên mơ tưởng rằng mình có thể đàn áp, kiềm chế Trung Quốc trong khi vẫn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng Trung Quốc hoan nghênh sự hợp tác với Mỹ, nhưng lưu ý rằng nếu Mỹ “tiếp tục gây sức ép, Trung Quốc sẽ kiên quyết trả đũa”.
Làn sóng thuế quan của Trump chưa dừng lại. Ngày 11/2, Trump đã đơn phương áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm bán vào Mỹ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp của nước này khỏi “những hành vi thương mại không công bằng và năng lực sản xuất dư thừa toàn cầu” (unfair trade practices and global excess capacity). Mức áp thuế này lặp lại (và mở rộng) chính sách thuế quan mà Trump công bố trong nhiệm kỳ đầu khi áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, với Canada, Mexico, Australia khi đó được miễn trừ, trong khi Brazil, Hàn Quốc và Argentina đạt thỏa thuận về hạn ngạch miễn thuế (tariff-rate quotas). Chính quyền Joe Biden sau đó ký thỏa thuận miễn thuế với Anh, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU). Tuy nhiên, mức thuế mới của Trump lại xoá bỏ tất cả các miễn trừ nói trên. Một quan chức Nhà Trắng giải thích: “Mức thuế quan Trump 2.0 là phản ứng trực tiếp đối với các chính sách thất bại của chính quyền Biden, [vì chúng] cho phép Trung Quốc, Nga và nhiều đồng minh như Canada, Mexico, Brazil và EU thao túng thương mại và làm tê liệt ngành công nghiệp của Mỹ”.
Thoạt nhìn, mức thuế 25% của Trump đang nhắm vào các đồng minh chủ chốt và các quốc gia đối tác đáng tin cậy của Washington, khiến những quốc gia này tức giận về chính sách thuế quan của Trump cũng như suy giảm niềm tin vào Washington. Canada là nhà cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, Mexico, Brazil coi Mỹ là địa điểm xuất khẩu thép hàng đầu của họ.
Thế nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu chính của Trump. Mặc dù sản lượng nhôm và thép của Bắc Kinh xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ đã giảm đáng kể, một phần là do sự tồn tại của các chính sách thuế quan mà Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu. Logic của chính quyền Trump khi nhắm vào hai loại khoáng sản này là ngăn việc thép và nhôm giá rẻ của Trung Quốc lách thuế bằng cách xuất khẩu sang một quốc gia thứ ba, và đóng gói tại đó trước khi đưa vào thị trường Mỹ dưới mác sản phẩm thép, nhôm sản xuất tại quốc gia thứ ba đó. Cũng có thể hiểu rằng mục tiêu của Trump là cắt đứt hoàn toàn kênh bán thép và nhôm gián tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, việc chính quyền Trump viện dẫn “năng lực sản xuất dư thừa toàn cầu” làm cái cớ để áp thuế cũng nhằm ám chỉ đến sự sản xuất dư thừa (overcapacity) của Trung Quốc vì ngành công nghiệp thép và nhôm của nước này hiện thống trị toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc sản xuất 53,9% sản lượng thép thô của thế giới. Mặc dù ngành sản xuất thép của Trung Quốc trong năm 2024 đã chững lại nhưng quốc gia này vẫn duy trì vị thế là nhà sản xuất thép lớn nhất.
Ngoài ra, Tổng thống Trump chỉ thị các cơ quan Mỹ chuyên trách mảng kinh tế lập kế hoạch để áp thuế đối ứng (reciprocal tariffs) lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới (theo cơ chế quốc gia theo quốc gia và sản phẩm theo sản phẩm), dự kiến có hiệu lực sớm nhất vào đầu tháng 4. Kế hoạch áp thuế này, theo quan điểm của Trump, nhằm “tìm cách khắc phục tình trạng mất cân bằng lâu dài trong thương mại quốc tế và đảm bảo sự công bằng”, cũng như giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Chính vì thế, sự gia tăng căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 là điều không thể tránh khỏi. Trước các đòn thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh hiện đưa ra phản ứng khá thận trọng nhưng mang tính chiến lược. Cạnh đó, với chính sách thuế quan ngày càng gây hấn từ phía Trump và không loại trừ khả năng Mỹ áp thuế 60% lên hàng hoá Trung Quốc như lời hứa tranh cử của ông, không ai có thể đảm bảo Trung Quốc sẽ tiếp tục “nhẫn nại”. Dù cách thức và quy mô mà Bắc Kinh phản ứng lại với các đòn thuế quan của Washington vẫn chưa thật sự rõ ràng nhưng rất có thể chúng sẽ định hình chiều hướng của thương chiến Mỹ - Trung 2.0 cũng như trật tự kinh tế thế giới mới.
Giải pháp cho Việt Nam
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất thông qua sự tăng trưởng về xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được lợi từ cuộc chiến thương mại lần đầu này nhờ vào xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Hệ thống chính trị tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế luôn trên 5% hằng năm, và vị trí liền kề Trung Quốc là các yếu tố đưa Việt Nam trở thành bên hưởng lợi nhiều nhất từ việc chuyển dịch này.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều tổn thương khi hai đối tác thương mại lớn nhất đối đầu với nhau ở cuộc chiến thương mại mới này. Sự trở lại của Trump đã khiến các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam lo lắng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) dự đoán GDP của Việt Nam sẽ mất 1% vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Trump (tức năm 2028). Vào tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay, đồng thời chỉ thị các cơ quan liên quan chuẩn bị các kịch bản để ứng phó.
Cũng giống như thương chiến Mỹ - Trung 1.0, trong thương chiến 2.0, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức tương tự. Trước hết là số lượng hàng hóa Trung Quốc và Mỹ (đặc biệt là hàng nông nghiệp) chịu thuế cao sẽ ồ ạt vào Việt Nam và gây sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, các công ty Trung Quốc sẽ lợi dụng Việt Nam làm nơi “ngụy trang” cho hàng hoá của họ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để dễ dàng xuất khẩu sang Mỹ mà không sợ bị áp thuế cao. Điều này đã xảy ra ở cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, do đó Mỹ đã cảnh giác hơn. Nếu hàng hóa Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ dưới mác “Made in Vietnam” việc Việt Nam bị Mỹ trừng phạt thương mại là không có gì phải ngạc nhiên.
Hồi tháng 5/2024, Jamieson Greer, người được Trump đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, nói rằng Mỹ nên thắt chặt các quy định thương mại để ngăn chặn “các phương pháp lách luật từ nước thứ ba” (third-country workarounds), tức nhắm vào hàng hóa có chứa nhiều bộ phận của Trung Quốc hoặc được sản xuất tại một quốc gia thứ ba bởi một công ty Trung Quốc và sau đó được xuất khẩu sang Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức đến nay, Trump chưa từng đề cập đến trường hợp của Việt Nam khi công bố các đòn thuế quan, mặc dù ông liên tục nhắc đến và chỉ trích một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nhưng vào năm 2019, Trump đã chỉ trích Việt Nam là “nước lạm dụng tồi tệ nhất” (single worst abuser of everybody) trong thương mại khi chỉ ra thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam hiện ở vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Với thực tế này, cộng với kế hoạch đánh thuế đối ứng của Trump, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại. Do đó, họ cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp thực dụng và khôn ngoan phù hợp với chủ nghĩa giao dịch của Trump nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định thị trường.
Trước hết, logic của Trump khi áp thuế lên hàng hóa của một quốc gia là nhằm tìm kiếm một thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ. Hiểu được điều này, Việt Nam cần đưa ra các cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản, khí hóa lỏng và sản phẩm công nghệ cao, cũng như dỡ bỏ những rào cản cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper. Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định quốc gia Đông Nam Á đang “tích cực giải quyết” các vấn đề Mỹ quan tâm về kinh tế, thương mại và đầu tư và tìm kiếm quan hệ kinh tế “cân bằng, ổn định, hài hòa và bền vững với Mỹ”.
Ngoài ra, vào ngày 13/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến công tác tại Mỹ và gặp Đại diện thương mại Jamieson Greer để vừa thăm dò quan điểm của chính quyền Trump, vừa nỗ lực giải thích với Mỹ về chính sách thuế của Việt Nam đối với nước này. Tại cuộc gặp, ông Diên cho biết Việt Nam mong muốn “xây dựng mối quan hệ quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Mỹ”. Những động thái này cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong việc sẵn sàng đáp ứng những quan ngại của Mỹ, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng thương mại.
Trước đó, Việt Nam đã “đi tắt đón đầu” khi vận động hành lang để Tập đoàn Trump đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư vào Hưng Yên (quê hương của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và hiện là phe nắm những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo) với quy mô vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Cách tiếp cận cá nhân này có thể là một bước đi khôn ngoan và khéo léo của Hà Nội, cho thấy khả năng “đọc vị” được thế giới quan giao dịch của Trump. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết khẩn trương thực hiện việc thí điểm cấp phép Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk (một đồng minh thân cận của Trump). Dù các thỏa thuận này mang tính chất tư nhân, nhưng ít nhiều sẽ để lại một ấn tượng rằng Việt Nam biết cách “chiều lòng” Trump.
Thứ hai, Việt Nam cần hiểu rõ rằng những chính sách thuế quan mới của Trump không những nhắm vào những mặt hàng quan trọng sản xuất tại Trung Quốc mà còn nhằm trấn áp những cách thức lách thuế của Bắc Kinh ở những quốc gia trung gian. Chính vì thế, Việt Nam cần có biện pháp nhằm ngăn chặn những tính toán chiến thuật này của Trung Quốc càng sớm và càng mạnh mẽ càng tốt. Bởi lẽ, nhân nhượng Trung Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đưa mình vào tình thế kinh tế vô cùng rủi ro.
Nếu Việt Nam “bình chân như vại”, chính quyền Trump sẽ coi sự im lặng của Hà Nội như hành vi “dung túng” cho hàng hoá của Bắc Kinh. Và sự “lưỡng lự” như vậy sẽ tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế đất nước. Việc thặng dư thương mại song phương tiếp tục đạt kỷ lục mới vào năm 2024 là 123,5 tỷ USD góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức từ phía Washington về vấn đề này.
Lo sợ trước viễn cảnh bị Trump tăng thuế, tháng 2/2025, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (anti-dumping) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%. Việt Nam là nước mua thép lớn nhất của Trung Quốc, do đó động thái này vừa giúp bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất thép nội địa, vừa phát đi tín hiệu đến Mỹ rằng Hà Nội sẵn sàng giải quyết những quan ngại từ Washington.
Ngoài ra, các chính sách chọn lọc hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là giải pháp để ngăn chặn tình trạng các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng Việt Nam để “ngụy trang” hàng hoá của họ. Với cách làm này, các quan chức từ trung ương đến địa phương cần có tư duy dài hạn, tránh việc “ăn xổi ở thì” – nghĩa là chỉ chăm chăm vào những cái lợi trước mắt mà không có tính toán chiến lược.
Các biện pháp này bao gồm nâng cao quy trình phê duyệt đầu tư, tăng cường tuân thủ các quy tắc xuất xứ và giám sát chặt chẽ sau đầu tư đối với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực rủi ro cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần điều hướng một cách khôn khéo về vấn đề này để Bắc Kinh không hiểu sai rằng Việt Nam đang ngả về Mỹ và tách rời khỏi thị trường tỷ dân này.
Cuối cùng, Việt Nam—cường quốc tầm trung đang lên—cần tiếp tục theo đuổi ngoại giao kinh tế đa phương qua việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tiếp tục chủ động phát huy vai trò và tiếng nói của mình tại các tổ chức kinh tế đa phương mà nòng cốt là WTO và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ở mặt tích cực, thương chiến Mỹ - Trung, rộng hơn là cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, mang lại cơ hội để Việt Nam “tự chủ” (dù các nhà lãnh đạo đất nước nhiều lần đề cập đến vấn đề này). Các doanh nghiệp trong nước cũng cần tìm kiếm cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác, vì việc phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, không cứ phải Trung Quốc hay Mỹ, cũng mang lại rủi ro, dù ít hay nhiều.
Ngoài việc nên tiếp tục cân bằng khéo léo quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Hà Nội nên thắt chặt và mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Về kinh tế, Việt Nam cần tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại (FTA) mà nước này đã ký kết đồng thời đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định mới.
***
Ở cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0, Việt Nam là “bên thắng cuộc”. Nhưng cuộc chiến lần này lại phức tạp và căng thẳng hơn nhiều. Hà Nội cần nhanh chóng đề ra các chính sách khôn ngoan, cả trong ngắn hạn và dài hạn, để một lần nữa giành chiến thắng. Nếu không, Việt Nam sẽ rơi vào thảm cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.
Vận dụng những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 1.0 là cần thiết, nhưng chưa đủ. Tính chất khó lường của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung 2.0 và cả tính cách khó đoán của Trump đòi hỏi các lãnh đạo ở Ba Đình phải “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước mọi khả năng có thể khiến nền kinh tế Việt Nam chịu tác động sâu sắc.
Từ khoá: thương chiến Mỹ - Trung Việt Nam Mỹ Donald Trump Trung Quốc chính sách đối ngoại Việt Nam