Philippines “minh bạch hoá” Biển Đông: thấy gì từ một chiến lược mới?
Chiến lược minh bạch (transparency strategy) của Manila không nên chỉ dừng lại ở cách tiếp cận hiện tại là “nêu tên và bêu xấu” (name and shame) Bắc Kinh.


Philippines – quốc gia Đông Nam Á thẳng thắn phản đối các hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông – gần đây đang vướng vào một loạt xung đột hàng hải với Bắc Kinh. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã nhiều lần ngăn chặn nỗ lực của Philippines trong việc cung cấp vật tư và vật liệu xây dựng cho BRP Sierra Madre, một tàu chiến đã được Philippines “cố ý” để mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông vào năm 1999. Các tàu CCG thậm chí còn vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế khi bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Sau khi căng thẳng bùng phát, Manila đã áp dụng cách tiếp cận khôn ngoan là công khai hoá các hoạt động xâm nhập hàng hải của Bắc Kinh. Quốc gia Đông Nam Á này đã mời các nhà báo Philippines đến hiện trường để vạch trần các hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Mặc dù trong một cuộc họp vào tháng 1 năm nay, hai bên đã nhất trí giảm leo thang căng thẳng thông qua cải thiện thông tin liên lạc và đối thoại hàng hải, Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, gần đây đã nhấn mạnh rằng sáng kiến minh bạch của Philippines “vẫn như cũ”. Phát biểu của ông cho thấy Manila sẽ tiếp tục duy trì chính sách phơi bày các hành động nguy hiểm và khiêu khích nhằm chống lại Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) của Bắc Kinh.
Thuật ngữ “minh bạch” và những ý nghĩa xung quanh nó cần được chú ý. Trên X, Tarriela làm rõ rằng “lợi ích quốc gia - bảo vệ quyền hàng hải của Philippines” là ưu tiên hàng đầu trong tính minh bạch của nước này và lập luận rằng, bằng cách thực hiện các biện pháp trên, Manila có thể tự bảo vệ mình “khỏi sự thao túng chính trị và thông tin sai lệch”. Bằng cách “chỉ mặt đặt tên” các hành vi gây hấn của Trung Quốc, Philippines cho thấy “bên nào mới thực sự chịu trách nhiệm về việc gia tăng căng thẳng cũng như khả năng xảy ra xung đột”.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề thuần tuý nhận thức, Philippines có thể gặt hái lợi ích lâu dài nào khác khi áp dụng biện pháp này? Hiện vẫn chưa rõ liệu nỗ lực minh bạch của Philippines có thực sự mang lại hiệu quả lâu dài trong việc ngăn chặn các hành động gây hấn chống lại PCG. Trên thực tế, Trung Quốc đã sẵn sàng hy sinh những lợi ích danh tiếng ngắn hạn để “hỗ trợ các yêu sách hàng hải có ý nghĩa lâu dài hơn”.
Hơn nữa, “minh bạch” là một khái niệm rất phức tạp và mang nhiều sắc thái. Jonathan Malaya, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, phân loại lập trường cứng rắn của Manila là “sự minh bạch có tính toán” (measured transparency). Công chúng được dẫn dắt để tin rằng sự minh bạch “không phải là điều gì đó khiêu khích hoặc làm leo thang căng thẳng”, và rằng sáng kiến minh bạch đã được “thể chế hóa” (institutionalized). Nói cách khác, việc tiết lộ các hành động gây hấn của Bắc Kinh được thực hiện theo cách “có tính toán” (measured) để tránh khiến công chúng Philippines hoảng loạn hay hiểu lầm, theo như lưu ý của Tarriela, người phát ngôn của PCG. Nói tóm lại, “sự minh bạch có tính toán” này xoay quanh cách tiếp cận thận trọng của Philippines đối với việc nâng cao nhận thức của công chúng về các hành động của tàu Trung Quốc sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại mô tả các động thái táo bạo của Philippines dưới lăng kính của “sự minh bạch quyết đoán” (assertive transparency). Dường như thuật ngữ này nhằm làm nổi bật những phản ứng mạnh mẽ và can đảm của Philippines đối với hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi Manila đang làm sáng tỏ các hoạt động “vùng xám” (grey zone) của Trung Quốc và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế đối với các quyền, chủ quyền của Manila. Mục tiêu của chiến lược “minh bạch quyết đoán” là buộc Bắc Kinh phải chịu các hậu quả nghiêm trọng về danh tiếng do các hành vi gây hấn của mình.
Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể khiến Philippines gặp khó khăn nếu quốc gia này muốn giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, đó là chưa nói đến việc xích lại gần với Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế khi cảm thấy cần thiết. Do đó, với chính quyền tổng thống Ferdinand Marcos Jr., việc tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh mà không gây nguy hiểm cho ảnh hưởng chính trị của mình có thể là một bài toán ngoại giao hóc búa.
Khi bàn về việc chống lại những thông tin sai lệch và chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh, “sự minh bạch có tính toán” đề cập đến các kỹ thuật vừa thận trọng vừa được hiệu chỉnh tốt, trong khi “sự minh bạch quyết đoán” cho thấy phản ứng chủ động và lập trường kiên định chống lại các hành động cưỡng chế. Nói một cách đơn giản, thuật ngữ thứ nhất mang tính cảnh giác hơn, trong khi thuật ngữ thứ hai lại có ý nghĩa mạnh mẽ hơn. Vậy thì làm sao mà Philippines có thể xác định một chính sách “vẹn cả đôi đường”? Người ta có thể lập luận rằng hai thuật ngữ này – trên thực tế – có thể hoán đổi cho nhau, nhưng cũng không nên phớt lờ những hàm ý tinh tế đằng sau mỗi thuật ngữ. Cách diễn đạt tốt và nội hàm rõ ràng cung cấp cho chính giới, các nhà hoạch định chính sách, học giả và công chúng một nền tảng hữu ích để hiểu biết toàn diện về chính sách đó – điều kiện tiên quyết để triển khai các hành động có liên quan.
Một mối lo ngại khác là vẫn chưa rõ liệu “minh bạch” là một chiến lược [người viết nhấn mạnh] toàn diện và dài hạn hay chỉ là một cách tiếp cận, một chiến thuật, hoặc một mưu đồ để thu hút sự chú ý của dư luận vào các hành động phô trương lực lượng của Trung Quốc ở Biển Đông. Có phải nỗ lực của Philippines đang nhằm mục đích “đánh tiếng” để dư luận tập trung vào điểm nóng có tác động ở phạm vi khu vực và toàn cầu? Liệu chính sách mới này có phản ánh mong muốn của chính phủ đương nhiệm, là khiến Trung Quốc tiết chế các hành động hung hăng của mình? Điều quan trọng đối với công chúng và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN và các quốc gia cùng chí hướng của Philippines, là cần có sự hiểu biết đúng đắn về mục tiêu dài hạn của chính quyền Marcos. Chiến lược này, nếu thật sự là một chiến lược trong qua niệm của chính quyền Marcos, sẽ đòi hỏi Philippines phải xác định một khuôn khổ toàn diện và một kế hoạch hành động cụ thể.
Một cách tiếp cận được hiệu chỉnh để điều hướng căng thẳng với Trung Quốc là cần thiết, vì nó có thể giúp công chúng và các nước trong khu vực không mơ hồ về các mục tiêu cụ thể mà Philippines hướng tới. Chỉ tập trung vào các chiến dịch vạch trần (name and shame) là chưa đủ cho tính hiệu quả của một sáng kiến minh bạch. Thay vào đó, Manila nên tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác của mình ở Biển Đông - và khuyến khích các quốc gia yêu sách khác cùng công khai bằng chứng về sự cưỡng ép hàng hải của Trung Quốc. Khi ấy, các phản ứng và sự kiềm chế của Trung Quốc, cũng như mức độ hỗ trợ mà Philippines nhận được từ các nước khác, nên được coi là chỉ số để đánh giá “sự thành công” của sáng kiến này.
Hiện tại, chính quyền Marcos cần cập nhật chiến lược thể chế hóa này với những lời giải thích cặn kẽ hơn, từ đó giúp củng cố lập trường của Manila, tạo ra nhiều áp lực quốc tế hơn để chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh và làm giảm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc thông qua nỗ lực chung giữa Manila và các quốc gia cùng chí hướng.
Mặc dù cách diễn đạt chính sách chưa rõ ràng, nhưng cách xử lý khéo léo của chính quyền Marcos đối với các cuộc giao tranh với Bắc Kinh rất đáng được khen ngợi. Chính quyền đương nhiệm đã có tiếng nói cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các yêu sách hàng hải của quốc gia, trái ngược với lập trường đáng ngờ và sự miễn cưỡng của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc đối đầu với Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Động thái dũng cảm của Manila là ví dụ minh hoạ cho cách mà một cường quốc tầm trung có thể đứng lên để bảo vệ lợi ích của mình ngay cả khi bị cản trở bởi một cường quốc hùng mạnh hơn. Cách tiếp cận của Manila liên quan đến việc phơi bày các hành vi hung hăng của Trung Quốc trước truyền thông trong nước và quốc tế có thể trở thành kinh nghiệm tốt cho các quốc gia yêu sách khác ở Biển Đông.
Ghi chú của VSF: Bài viết tiếng Việt này được dịch từ bài viết tiếng Anh với tiêu đề “The Philippines’ Transparency Over the South China Sea: Quo Vadis?”, đã được đăng trên The Diplomat vào ngày 24/2/2024. Độc giả có thể truy cập bài viết gốc ở đây. Tiêu đề bài viết tiếng Việt đã có sự điều chỉnh với sự đồng ý của tác giả. VSF cảm ơn tác giả đã cho phép dịch và đăng bài viết này.

Philippines – quốc gia Đông Nam Á thẳng thắn phản đối các hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông – gần đây đang vướng vào một loạt xung đột hàng hải với Bắc Kinh. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã nhiều lần ngăn chặn nỗ lực của Philippines trong việc cung cấp vật tư và vật liệu xây dựng cho BRP Sierra Madre, một tàu chiến đã được Philippines “cố ý” để mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông vào năm 1999. Các tàu CCG thậm chí còn vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế khi bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Sau khi căng thẳng bùng phát, Manila đã áp dụng cách tiếp cận khôn ngoan là công khai hoá các hoạt động xâm nhập hàng hải của Bắc Kinh. Quốc gia Đông Nam Á này đã mời các nhà báo Philippines đến hiện trường để vạch trần các hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Mặc dù trong một cuộc họp vào tháng 1 năm nay, hai bên đã nhất trí giảm leo thang căng thẳng thông qua cải thiện thông tin liên lạc và đối thoại hàng hải, Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, gần đây đã nhấn mạnh rằng sáng kiến minh bạch của Philippines “vẫn như cũ”. Phát biểu của ông cho thấy Manila sẽ tiếp tục duy trì chính sách phơi bày các hành động nguy hiểm và khiêu khích nhằm chống lại Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) của Bắc Kinh.
Thuật ngữ “minh bạch” và những ý nghĩa xung quanh nó cần được chú ý. Trên X, Tarriela làm rõ rằng “lợi ích quốc gia - bảo vệ quyền hàng hải của Philippines” là ưu tiên hàng đầu trong tính minh bạch của nước này và lập luận rằng, bằng cách thực hiện các biện pháp trên, Manila có thể tự bảo vệ mình “khỏi sự thao túng chính trị và thông tin sai lệch”. Bằng cách “chỉ mặt đặt tên” các hành vi gây hấn của Trung Quốc, Philippines cho thấy “bên nào mới thực sự chịu trách nhiệm về việc gia tăng căng thẳng cũng như khả năng xảy ra xung đột”.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề thuần tuý nhận thức, Philippines có thể gặt hái lợi ích lâu dài nào khác khi áp dụng biện pháp này? Hiện vẫn chưa rõ liệu nỗ lực minh bạch của Philippines có thực sự mang lại hiệu quả lâu dài trong việc ngăn chặn các hành động gây hấn chống lại PCG. Trên thực tế, Trung Quốc đã sẵn sàng hy sinh những lợi ích danh tiếng ngắn hạn để “hỗ trợ các yêu sách hàng hải có ý nghĩa lâu dài hơn”.
Hơn nữa, “minh bạch” là một khái niệm rất phức tạp và mang nhiều sắc thái. Jonathan Malaya, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, phân loại lập trường cứng rắn của Manila là “sự minh bạch có tính toán” (measured transparency). Công chúng được dẫn dắt để tin rằng sự minh bạch “không phải là điều gì đó khiêu khích hoặc làm leo thang căng thẳng”, và rằng sáng kiến minh bạch đã được “thể chế hóa” (institutionalized). Nói cách khác, việc tiết lộ các hành động gây hấn của Bắc Kinh được thực hiện theo cách “có tính toán” (measured) để tránh khiến công chúng Philippines hoảng loạn hay hiểu lầm, theo như lưu ý của Tarriela, người phát ngôn của PCG. Nói tóm lại, “sự minh bạch có tính toán” này xoay quanh cách tiếp cận thận trọng của Philippines đối với việc nâng cao nhận thức của công chúng về các hành động của tàu Trung Quốc sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại mô tả các động thái táo bạo của Philippines dưới lăng kính của “sự minh bạch quyết đoán” (assertive transparency). Dường như thuật ngữ này nhằm làm nổi bật những phản ứng mạnh mẽ và can đảm của Philippines đối với hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi Manila đang làm sáng tỏ các hoạt động “vùng xám” (grey zone) của Trung Quốc và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế đối với các quyền, chủ quyền của Manila. Mục tiêu của chiến lược “minh bạch quyết đoán” là buộc Bắc Kinh phải chịu các hậu quả nghiêm trọng về danh tiếng do các hành vi gây hấn của mình.
Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể khiến Philippines gặp khó khăn nếu quốc gia này muốn giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, đó là chưa nói đến việc xích lại gần với Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế khi cảm thấy cần thiết. Do đó, với chính quyền tổng thống Ferdinand Marcos Jr., việc tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh mà không gây nguy hiểm cho ảnh hưởng chính trị của mình có thể là một bài toán ngoại giao hóc búa.
Khi bàn về việc chống lại những thông tin sai lệch và chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh, “sự minh bạch có tính toán” đề cập đến các kỹ thuật vừa thận trọng vừa được hiệu chỉnh tốt, trong khi “sự minh bạch quyết đoán” cho thấy phản ứng chủ động và lập trường kiên định chống lại các hành động cưỡng chế. Nói một cách đơn giản, thuật ngữ thứ nhất mang tính cảnh giác hơn, trong khi thuật ngữ thứ hai lại có ý nghĩa mạnh mẽ hơn. Vậy thì làm sao mà Philippines có thể xác định một chính sách “vẹn cả đôi đường”? Người ta có thể lập luận rằng hai thuật ngữ này – trên thực tế – có thể hoán đổi cho nhau, nhưng cũng không nên phớt lờ những hàm ý tinh tế đằng sau mỗi thuật ngữ. Cách diễn đạt tốt và nội hàm rõ ràng cung cấp cho chính giới, các nhà hoạch định chính sách, học giả và công chúng một nền tảng hữu ích để hiểu biết toàn diện về chính sách đó – điều kiện tiên quyết để triển khai các hành động có liên quan.
Một mối lo ngại khác là vẫn chưa rõ liệu “minh bạch” là một chiến lược [người viết nhấn mạnh] toàn diện và dài hạn hay chỉ là một cách tiếp cận, một chiến thuật, hoặc một mưu đồ để thu hút sự chú ý của dư luận vào các hành động phô trương lực lượng của Trung Quốc ở Biển Đông. Có phải nỗ lực của Philippines đang nhằm mục đích “đánh tiếng” để dư luận tập trung vào điểm nóng có tác động ở phạm vi khu vực và toàn cầu? Liệu chính sách mới này có phản ánh mong muốn của chính phủ đương nhiệm, là khiến Trung Quốc tiết chế các hành động hung hăng của mình? Điều quan trọng đối với công chúng và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN và các quốc gia cùng chí hướng của Philippines, là cần có sự hiểu biết đúng đắn về mục tiêu dài hạn của chính quyền Marcos. Chiến lược này, nếu thật sự là một chiến lược trong qua niệm của chính quyền Marcos, sẽ đòi hỏi Philippines phải xác định một khuôn khổ toàn diện và một kế hoạch hành động cụ thể.
Một cách tiếp cận được hiệu chỉnh để điều hướng căng thẳng với Trung Quốc là cần thiết, vì nó có thể giúp công chúng và các nước trong khu vực không mơ hồ về các mục tiêu cụ thể mà Philippines hướng tới. Chỉ tập trung vào các chiến dịch vạch trần (name and shame) là chưa đủ cho tính hiệu quả của một sáng kiến minh bạch. Thay vào đó, Manila nên tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác của mình ở Biển Đông - và khuyến khích các quốc gia yêu sách khác cùng công khai bằng chứng về sự cưỡng ép hàng hải của Trung Quốc. Khi ấy, các phản ứng và sự kiềm chế của Trung Quốc, cũng như mức độ hỗ trợ mà Philippines nhận được từ các nước khác, nên được coi là chỉ số để đánh giá “sự thành công” của sáng kiến này.
Hiện tại, chính quyền Marcos cần cập nhật chiến lược thể chế hóa này với những lời giải thích cặn kẽ hơn, từ đó giúp củng cố lập trường của Manila, tạo ra nhiều áp lực quốc tế hơn để chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh và làm giảm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc thông qua nỗ lực chung giữa Manila và các quốc gia cùng chí hướng.
Mặc dù cách diễn đạt chính sách chưa rõ ràng, nhưng cách xử lý khéo léo của chính quyền Marcos đối với các cuộc giao tranh với Bắc Kinh rất đáng được khen ngợi. Chính quyền đương nhiệm đã có tiếng nói cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các yêu sách hàng hải của quốc gia, trái ngược với lập trường đáng ngờ và sự miễn cưỡng của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc đối đầu với Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Động thái dũng cảm của Manila là ví dụ minh hoạ cho cách mà một cường quốc tầm trung có thể đứng lên để bảo vệ lợi ích của mình ngay cả khi bị cản trở bởi một cường quốc hùng mạnh hơn. Cách tiếp cận của Manila liên quan đến việc phơi bày các hành vi hung hăng của Trung Quốc trước truyền thông trong nước và quốc tế có thể trở thành kinh nghiệm tốt cho các quốc gia yêu sách khác ở Biển Đông.
Ghi chú của VSF: Bài viết tiếng Việt này được dịch từ bài viết tiếng Anh với tiêu đề “The Philippines’ Transparency Over the South China Sea: Quo Vadis?”, đã được đăng trên The Diplomat vào ngày 24/2/2024. Độc giả có thể truy cập bài viết gốc ở đây. Tiêu đề bài viết tiếng Việt đã có sự điều chỉnh với sự đồng ý của tác giả. VSF cảm ơn tác giả đã cho phép dịch và đăng bài viết này.
Từ khoá: Biển Đông minh bạch Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. Trung Quốc căng thẳng hàng hải