Hợp tác an ninh hàng hải Việt - Mỹ sẽ ra sao dưới nhiệm kỳ hai của Donald Trump?
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, hợp tác an ninh hàng hải Việt - Mỹ đạt nhiều tiến triển. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai, ông có thể buộc Việt Nam mua thêm vũ khí của Mỹ.


Bức tranh tích cực dưới thời Trump 1.0
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 – 2021), Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan tâm đến hợp tác an ninh với Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy) được ban hành vào tháng 12/2017, Mỹ khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, “để giúp họ trở thành các đối tác hợp tác hàng hải” (to help them become cooperative maritime partners) của quốc gia này.
Với thông điệp gần như tương tự, khi tham dự Đối thoại Shangri-la 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis đã khẳng định rằng Washington “đang tìm cách phát triển các quan hệ đối tác mới với các đối tác hàng đầu trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nơi chúng tôi đã đạt được những tiến bộ mang tính lịch sử dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Một trong những động lực thúc đẩy Trump phát triển quan hệ với Việt Nam là vì ông theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc và gọi cường quốc này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” (strategic competitor) đang tìm cách ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định “các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bày tỏ lập trường rõ ràng đối với Biển Đông và công khai bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này.
Không chỉ cứng rắn với các phát ngôn bác bỏ các hành động cưỡng ép của Trung Quốc, chính quyền Trump còn củng cố quan hệ an ninh hàng hải với Hà Nội thông qua các hành động cụ thể. Sau khi Trump nhậm chức tổng thống, vào tháng 5/2017, chính phủ Mỹ đã quyết định bàn giao tàu tuần duyên Morgenthau lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Washington tặng một tàu tuần duyên cỡ lớn như vậy cho Hà Nội.
Cuối năm 2017, khi Trump sang thăm chính thức Việt Nam, hai nước đạt được một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải đảm bảo tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế, và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Táo bạo hơn, Trump còn đề nghị làm trung gian hòa giải (mediator) cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Việt Nam xem xét mua tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ.
Mặc dù không có nội dung đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, song những cam kết và lời đề nghị bước đầu này có thể là tín hiệu cho thấy Washington muốn thông qua Hà Nội để tìm cách kiềm chế sự “bá quyền” của Trung Quốc trong khu vực.
Trên nền tảng được xác lập vào năm 2017, trong suốt ba năm sau đó, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 24 tàu tuần tra Metal Shark dài 45ft (tương đương hơn 13,7m), giúp tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Hà Nội trên nhiều khía cạnh như chống cướp biển, thực thi pháp luật hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Việt Nam đã nhận được khoảng 141,5 triệu USD thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Financing), và hơn 20 triệu USD theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (Southeast Asia Maritime Security Initiative) của Mỹ nhằm giúp các quốc gia đối tác tăng cường nhận thức an ninh hàng hải và ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh trong khu vực thông qua các hành động phối hợp.
Nước Mỹ dưới thời Trump cũng đã lần đầu mời Việt Nam tham gia Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific) hồi năm 2018. Đây là một trong những cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần, qua đó cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách thúc đẩy an ninh hàng hải của Mỹ tại khu vực.
Bên cạnh các hoạt động viện trợ và tập trận, khía cạnh thăm viếng hàng hải cũng ghi nhận những kết quả đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Vào năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson, được hộ tống bởi tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975, thể hiện rõ hơn mong muốn của Washington trong việc thắt chặt quan hệ với Hà Nội.
Sự kiện này mở đường cho một động thái tương tự diễn ra hai năm sau đó, khi nhóm tàu do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đến thăm Việt Nam, và tiếp tục lựa chọn Đà Nẵng là nơi cập cảng. Động thái trên diễn ra nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đánh dấu thêm một nấc thang mới trong mối quan hệ an ninh hàng hải giữa hai nước dưới thời Trump.
Mặc dù Mỹ và Việt Nam đạt được một số tiến bộ về hợp tác an ninh hàng hải, nhưng các tương tác giữa hai nước vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, vào giữa tháng 10/2018, Việt Nam đã âm thầm hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Mỹ (được lên lịch cho năm 2019) liên quan đến lục quân, hải quân, và không quân. Việc hủy bỏ có thể xuất phát từ việc Washington đã vận động hành lang để Hà Nội mua vũ khí của quốc gia này với cái giá là phải từ bỏ quan hệ quốc phòng với Moscow. Sức ép của Mỹ có thể khiến Việt Nam cảm thấy Mỹ đã can thiệp quá mức vào các quyết định chính sách của Hà Nội.
Bên cạnh đó, dù tàu sân bay Mỹ đã đến Việt Nam hai lần chỉ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nhưng việc các tàu này chỉ được phép cập cảng Tiên Sa, thay vì Cam Ranh (một địa điểm có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng), cho thấy Hà Nội vẫn dè chừng và chưa thật sự cởi mở với Washington. Quyết định này không quá khó hiểu. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung khốc liệt, Việt Nam đã tránh gắn bó quá mức với Mỹ. Bởi lẽ, việc xích lại quá gần với Washington có thể khiến Bắc Kinh nghi kỵ và gây sức ép lớn hơn đối với Hà Nội ở Biển Đông.
Như vậy, trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump, hợp tác an ninh hàng hải Việt - Mỹ có nhiều tiến triển, với những phát ngôn tích cực, sự hỗ trợ thiết thực về trang thiết bị, cũng như các cuộc thăm viếng hàng hải mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, quan hệ trên không ở mức hoàn hảo, khi sự dè chừng của Hà Nội đối với Washington vẫn khá rõ ràng.
Thuận lợi và khó khăn chờ đón Hà Nội dưới thời Trump 2.0
Với những gì đã diễn ra trong bốn năm đầu tiên, nhiều khả năng ông Trump sẽ thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, nghĩa là tiếp tục quan tâm đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam. Điều này càng có cơ sở hơn khi xem xét quan điểm của một số nhân sự đã được ông Trump bổ nhiệm trong thời gian qua. Đầu tiên là Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Hegseth cảnh báo “Trung Quốc đang xây dựng một đội quân để đánh bại Mỹ” (China is Building An Army to Defeat America).
Cùng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc là Marco Rubio, người được ông Trump lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc vào năm 2022, ông Rubio đã cáo buộc Trung Quốc được hưởng lợi từ trật tự toàn cầu để vươn lên, nhưng lại từ chối tuân thủ các trách nhiệm để bảo vệ trật tự đó.
Một nhân vật khác có quan điểm chống Trung Quốc là Mike Waltz, người sắp trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Trump 2.0. Hiện tại, Waltz là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc tại Hạ viện, và được đánh giá là một trong những thành viên diều hâu nhất của cơ quan này. Hồi năm 2021, ông Waltz đã từng kêu gọi Washington tẩy chay Thế vận hội Mùa đông do Bắc Kinh tổ chức, vì cường quốc này đã “thực hiện một số hành động ghê tởm” (carried out a number of heinous acts), nên không đủ tư cách đăng cai.
Từ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của các quan chức trong “bộ sậu” của Trump 2.0, chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, và bác bỏ các luận điệu yêu sách chủ quyền phi pháp của cường quốc này trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, căn cứ vào những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ Trump 1.0, có lý do để tin rằng nếu Mỹ tiếp tục duy trì quan điểm diều hâu với Trung Quốc, điều này sẽ góp phần giúp hợp tác hàng hải giữa Washington và Hà Nội thêm gắn bó trong bốn năm tới. Một tin tích cực để củng cố cho nhận định trên là vào ngày 5/12, Đại sứ quán Mỹ tiết lộ nước này sắp cung cấp gói hỗ trợ 12,5 triệu USD cho Việt Nam để tăng cường khả năng thực thi pháp luật hàng hải và chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Trong gói hỗ trợ này, một phần sẽ được trích ra để tặng thêm các tàu có kích thước nhỏ (chưa rõ chủng loại cụ thể) cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nổi tiếng là một người thực dụng, ông Trump nhiều khả năng sẽ không thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Hà Nội một cách “miễn phí”. Một kịch bản có thể xảy ra là ông sẽ gây sức ép để Việt Nam phải mua vũ khí của Mỹ, xem đó như là một trong các biện pháp để cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Việt. Nguy cơ này có khả năng xảy ra, vì như đã đề cập, ngay năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump đã đề nghị Việt Nam mua tên lửa của Mỹ.
Trump cũng có thể tận dụng Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ Thông qua Trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA) một cách triệt để hơn, để đảm bảo Hà Nội bị gây sức ép đủ lớn và buộc phải hạn chế/chấm dứt mua vũ khí từ Nga. Ở tháng cuối nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã sử dụng CAATSA để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara tỏ ra “cứng đầu” khi quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow.
Nếu Trump tiếp tục sử dụng CAATSA, thì dù muốn hay không, Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung vũ khí. Cụ thể là, Hà Nội không chỉ mua vũ khí từ các đồng minh của Mỹ (như Israel hay Hàn Quốc) mà quan trọng hơn là phải gia tăng các thương vụ mua sắm vũ khí với chính siêu cường này.
Việt Nam nên làm gì?
Trước những thách thức đó, Việt Nam nên xem xét mua các hệ thống vũ khí của Mỹ nhằm “lấy lòng” Trump. Điểm tích cực là theo nguồn tin của Bloomberg, Hà Nội đang lên kế hoạch mua thêm các máy bay từ Washington trong những năm tới (nhưng không đề cập chủng loại cụ thể).
Theo chiều hướng này, Việt Nam có thể cân nhắc máy bay không người lái (UAV) cảm tử Switchblade, có chi phí tương đối rẻ (từ 60.000 - 100.000 USD/chiếc). Hơn nữa, binh sĩ không cần phải trải qua huấn luyện bài bản vẫn có thể sử dụng dễ dàng, vì họ chỉ cần vạch ra một tuyến đường trên bản đồ của ứng dụng điều khiển, còn khí tài này sẽ tự bay và phát nổ tại mục tiêu. Mỹ đã viện trợ Switchblade cho Ukraine nhằm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Bên cạnh đó, Switchblade thường được Kiev sử dụng với chiến thuật bắt cặp cùng một UAV trinh sát để tăng khả năng phát hiện mục tiêu. Vào giữa năm nay, Mỹ cũng đã chấp nhận bán 720 chiếc Switchblade cho Đài Loan.
Nếu muốn trang bị loại máy bay có giá trị cao, Hà Nội có thể cân nhắc UAV cảm tử Altius-600, loại khí tài Washington mới phê duyệt để xuất khẩu sang Đài Bắc. Khác với Switchblade (thường chỉ hoạt động dưới một giờ, và tầm bay dưới 40km), Altius-600 phù hợp hơn cho các hoạt động bay tầm trung với mục đích trinh sát, vì có thể hoạt động liên tục trong khoảng bốn giờ, với khoảng cách tối đa 440km. Chính vì thế, mỗi chiếc Altius-600 có giá trị khoảng 1 triệu USD, cao hơn rất nhiều hơn so với Switchblade.
Tuy nhiên, Việt Nam nên lưu ý là, trong thế kỷ 21, các UAV nói riêng và vũ khí khác của Mỹ nói chung phần lớn được triển khai cho các nhiệm vụ chống khủng bố ở Trung Đông, với những lực lượng có tương quan yếu hơn nhiều so với Washington. Khi gặp đội quân mạnh như Nga, các UAV chưa gây được sự chú ý. Chẳng hạn, UAV Switchblade có hiệu suất chiến đấu kém khi vấp phải hỏa lực từ xe tăng và pháo binh, cũng như sự truy lùng từ hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Sau đó, Mỹ đã quyết định không gửi thêm loại vũ khí này đến Ukraine.
Sự kém hiệu quả đó là một điều đáng lo ngại cho Việt Nam, vì nếu chiến tranh nổ ra, đối thủ của nước này nhiều khả năng sẽ là Trung Quốc, một cường quốc quân sự đang vươn lên nhanh chóng. Vì thế, Hà Nội có lẽ chỉ nên chiều lòng ông Trump bằng cách cân nhắc mua, nhưng với số lượng ít, và lấy đó làm “quân bài thương lượng” để đổi lấy sự đồng ý của Mỹ trong việc chuyển giao thêm các tàu tuần duyên cũ cho quốc gia này. Mặc dù các tàu này khó đủ sức răn đe lực lượng hải cảnh Trung Quốc, nhưng chúng vẫn có thể giúp Việt Nam tiết kiệm ngân sách trong khi Cảnh sát Biển có nhiều tàu trong biên chế hơn, từ đó có thêm sự hiện diện thường trực trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực hiện các hoạt động tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Bên cạnh đó, để tránh khiến Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi các hoạt động tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc ngoại giao thường xuyên với Bắc Kinh, cũng như tận dụng triệt để đường dây nóng hải quân mà hai bên đã thiết lập vào đầu năm 2024 nhằm giảm thiểu những hiểu lầm trong quan hệ Việt - Trung.
Tóm lại, tổng thống thứ 47 của Mỹ rất có thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam, nhưng cũng sẽ gây sức ép để Hà Nội mua thêm vũ khí của Mỹ. Trong bối cảnh đó, quốc gia Đông Nam Á này nên cân nhắc một số loại UAV cảm tử, vì chúng phù hợp với xu hướng chiến tranh hiện đại, nhưng chỉ nên mua trên tinh thần lấy lòng ông Trump, thay vì sở hữu với số lượng lớn. Đồng thời, quản lý tốt mối quan hệ với Bắc Kinh để đảm bảo hài hòa các tương tác giữa nước này với hai siêu cường cũng là điều Việt Nam cần lưu tâm.

Bức tranh tích cực dưới thời Trump 1.0
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 – 2021), Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan tâm đến hợp tác an ninh với Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy) được ban hành vào tháng 12/2017, Mỹ khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, “để giúp họ trở thành các đối tác hợp tác hàng hải” (to help them become cooperative maritime partners) của quốc gia này.
Với thông điệp gần như tương tự, khi tham dự Đối thoại Shangri-la 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis đã khẳng định rằng Washington “đang tìm cách phát triển các quan hệ đối tác mới với các đối tác hàng đầu trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nơi chúng tôi đã đạt được những tiến bộ mang tính lịch sử dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Một trong những động lực thúc đẩy Trump phát triển quan hệ với Việt Nam là vì ông theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc và gọi cường quốc này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” (strategic competitor) đang tìm cách ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định “các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bày tỏ lập trường rõ ràng đối với Biển Đông và công khai bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này.
Không chỉ cứng rắn với các phát ngôn bác bỏ các hành động cưỡng ép của Trung Quốc, chính quyền Trump còn củng cố quan hệ an ninh hàng hải với Hà Nội thông qua các hành động cụ thể. Sau khi Trump nhậm chức tổng thống, vào tháng 5/2017, chính phủ Mỹ đã quyết định bàn giao tàu tuần duyên Morgenthau lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Washington tặng một tàu tuần duyên cỡ lớn như vậy cho Hà Nội.
Cuối năm 2017, khi Trump sang thăm chính thức Việt Nam, hai nước đạt được một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải đảm bảo tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế, và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Táo bạo hơn, Trump còn đề nghị làm trung gian hòa giải (mediator) cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Việt Nam xem xét mua tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ.
Mặc dù không có nội dung đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, song những cam kết và lời đề nghị bước đầu này có thể là tín hiệu cho thấy Washington muốn thông qua Hà Nội để tìm cách kiềm chế sự “bá quyền” của Trung Quốc trong khu vực.
Trên nền tảng được xác lập vào năm 2017, trong suốt ba năm sau đó, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 24 tàu tuần tra Metal Shark dài 45ft (tương đương hơn 13,7m), giúp tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Hà Nội trên nhiều khía cạnh như chống cướp biển, thực thi pháp luật hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Việt Nam đã nhận được khoảng 141,5 triệu USD thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Financing), và hơn 20 triệu USD theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (Southeast Asia Maritime Security Initiative) của Mỹ nhằm giúp các quốc gia đối tác tăng cường nhận thức an ninh hàng hải và ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh trong khu vực thông qua các hành động phối hợp.
Nước Mỹ dưới thời Trump cũng đã lần đầu mời Việt Nam tham gia Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific) hồi năm 2018. Đây là một trong những cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần, qua đó cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách thúc đẩy an ninh hàng hải của Mỹ tại khu vực.
Bên cạnh các hoạt động viện trợ và tập trận, khía cạnh thăm viếng hàng hải cũng ghi nhận những kết quả đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Vào năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson, được hộ tống bởi tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975, thể hiện rõ hơn mong muốn của Washington trong việc thắt chặt quan hệ với Hà Nội.
Sự kiện này mở đường cho một động thái tương tự diễn ra hai năm sau đó, khi nhóm tàu do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đến thăm Việt Nam, và tiếp tục lựa chọn Đà Nẵng là nơi cập cảng. Động thái trên diễn ra nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đánh dấu thêm một nấc thang mới trong mối quan hệ an ninh hàng hải giữa hai nước dưới thời Trump.
Mặc dù Mỹ và Việt Nam đạt được một số tiến bộ về hợp tác an ninh hàng hải, nhưng các tương tác giữa hai nước vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, vào giữa tháng 10/2018, Việt Nam đã âm thầm hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Mỹ (được lên lịch cho năm 2019) liên quan đến lục quân, hải quân, và không quân. Việc hủy bỏ có thể xuất phát từ việc Washington đã vận động hành lang để Hà Nội mua vũ khí của quốc gia này với cái giá là phải từ bỏ quan hệ quốc phòng với Moscow. Sức ép của Mỹ có thể khiến Việt Nam cảm thấy Mỹ đã can thiệp quá mức vào các quyết định chính sách của Hà Nội.
Bên cạnh đó, dù tàu sân bay Mỹ đã đến Việt Nam hai lần chỉ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nhưng việc các tàu này chỉ được phép cập cảng Tiên Sa, thay vì Cam Ranh (một địa điểm có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng), cho thấy Hà Nội vẫn dè chừng và chưa thật sự cởi mở với Washington. Quyết định này không quá khó hiểu. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung khốc liệt, Việt Nam đã tránh gắn bó quá mức với Mỹ. Bởi lẽ, việc xích lại quá gần với Washington có thể khiến Bắc Kinh nghi kỵ và gây sức ép lớn hơn đối với Hà Nội ở Biển Đông.
Như vậy, trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump, hợp tác an ninh hàng hải Việt - Mỹ có nhiều tiến triển, với những phát ngôn tích cực, sự hỗ trợ thiết thực về trang thiết bị, cũng như các cuộc thăm viếng hàng hải mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, quan hệ trên không ở mức hoàn hảo, khi sự dè chừng của Hà Nội đối với Washington vẫn khá rõ ràng.
Thuận lợi và khó khăn chờ đón Hà Nội dưới thời Trump 2.0
Với những gì đã diễn ra trong bốn năm đầu tiên, nhiều khả năng ông Trump sẽ thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, nghĩa là tiếp tục quan tâm đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam. Điều này càng có cơ sở hơn khi xem xét quan điểm của một số nhân sự đã được ông Trump bổ nhiệm trong thời gian qua. Đầu tiên là Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Hegseth cảnh báo “Trung Quốc đang xây dựng một đội quân để đánh bại Mỹ” (China is Building An Army to Defeat America).
Cùng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc là Marco Rubio, người được ông Trump lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc vào năm 2022, ông Rubio đã cáo buộc Trung Quốc được hưởng lợi từ trật tự toàn cầu để vươn lên, nhưng lại từ chối tuân thủ các trách nhiệm để bảo vệ trật tự đó.
Một nhân vật khác có quan điểm chống Trung Quốc là Mike Waltz, người sắp trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Trump 2.0. Hiện tại, Waltz là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc tại Hạ viện, và được đánh giá là một trong những thành viên diều hâu nhất của cơ quan này. Hồi năm 2021, ông Waltz đã từng kêu gọi Washington tẩy chay Thế vận hội Mùa đông do Bắc Kinh tổ chức, vì cường quốc này đã “thực hiện một số hành động ghê tởm” (carried out a number of heinous acts), nên không đủ tư cách đăng cai.
Từ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của các quan chức trong “bộ sậu” của Trump 2.0, chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, và bác bỏ các luận điệu yêu sách chủ quyền phi pháp của cường quốc này trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, căn cứ vào những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ Trump 1.0, có lý do để tin rằng nếu Mỹ tiếp tục duy trì quan điểm diều hâu với Trung Quốc, điều này sẽ góp phần giúp hợp tác hàng hải giữa Washington và Hà Nội thêm gắn bó trong bốn năm tới. Một tin tích cực để củng cố cho nhận định trên là vào ngày 5/12, Đại sứ quán Mỹ tiết lộ nước này sắp cung cấp gói hỗ trợ 12,5 triệu USD cho Việt Nam để tăng cường khả năng thực thi pháp luật hàng hải và chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Trong gói hỗ trợ này, một phần sẽ được trích ra để tặng thêm các tàu có kích thước nhỏ (chưa rõ chủng loại cụ thể) cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nổi tiếng là một người thực dụng, ông Trump nhiều khả năng sẽ không thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Hà Nội một cách “miễn phí”. Một kịch bản có thể xảy ra là ông sẽ gây sức ép để Việt Nam phải mua vũ khí của Mỹ, xem đó như là một trong các biện pháp để cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Việt. Nguy cơ này có khả năng xảy ra, vì như đã đề cập, ngay năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump đã đề nghị Việt Nam mua tên lửa của Mỹ.
Trump cũng có thể tận dụng Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ Thông qua Trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA) một cách triệt để hơn, để đảm bảo Hà Nội bị gây sức ép đủ lớn và buộc phải hạn chế/chấm dứt mua vũ khí từ Nga. Ở tháng cuối nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã sử dụng CAATSA để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara tỏ ra “cứng đầu” khi quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow.
Nếu Trump tiếp tục sử dụng CAATSA, thì dù muốn hay không, Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung vũ khí. Cụ thể là, Hà Nội không chỉ mua vũ khí từ các đồng minh của Mỹ (như Israel hay Hàn Quốc) mà quan trọng hơn là phải gia tăng các thương vụ mua sắm vũ khí với chính siêu cường này.
Việt Nam nên làm gì?
Trước những thách thức đó, Việt Nam nên xem xét mua các hệ thống vũ khí của Mỹ nhằm “lấy lòng” Trump. Điểm tích cực là theo nguồn tin của Bloomberg, Hà Nội đang lên kế hoạch mua thêm các máy bay từ Washington trong những năm tới (nhưng không đề cập chủng loại cụ thể).
Theo chiều hướng này, Việt Nam có thể cân nhắc máy bay không người lái (UAV) cảm tử Switchblade, có chi phí tương đối rẻ (từ 60.000 - 100.000 USD/chiếc). Hơn nữa, binh sĩ không cần phải trải qua huấn luyện bài bản vẫn có thể sử dụng dễ dàng, vì họ chỉ cần vạch ra một tuyến đường trên bản đồ của ứng dụng điều khiển, còn khí tài này sẽ tự bay và phát nổ tại mục tiêu. Mỹ đã viện trợ Switchblade cho Ukraine nhằm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Bên cạnh đó, Switchblade thường được Kiev sử dụng với chiến thuật bắt cặp cùng một UAV trinh sát để tăng khả năng phát hiện mục tiêu. Vào giữa năm nay, Mỹ cũng đã chấp nhận bán 720 chiếc Switchblade cho Đài Loan.
Nếu muốn trang bị loại máy bay có giá trị cao, Hà Nội có thể cân nhắc UAV cảm tử Altius-600, loại khí tài Washington mới phê duyệt để xuất khẩu sang Đài Bắc. Khác với Switchblade (thường chỉ hoạt động dưới một giờ, và tầm bay dưới 40km), Altius-600 phù hợp hơn cho các hoạt động bay tầm trung với mục đích trinh sát, vì có thể hoạt động liên tục trong khoảng bốn giờ, với khoảng cách tối đa 440km. Chính vì thế, mỗi chiếc Altius-600 có giá trị khoảng 1 triệu USD, cao hơn rất nhiều hơn so với Switchblade.
Tuy nhiên, Việt Nam nên lưu ý là, trong thế kỷ 21, các UAV nói riêng và vũ khí khác của Mỹ nói chung phần lớn được triển khai cho các nhiệm vụ chống khủng bố ở Trung Đông, với những lực lượng có tương quan yếu hơn nhiều so với Washington. Khi gặp đội quân mạnh như Nga, các UAV chưa gây được sự chú ý. Chẳng hạn, UAV Switchblade có hiệu suất chiến đấu kém khi vấp phải hỏa lực từ xe tăng và pháo binh, cũng như sự truy lùng từ hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Sau đó, Mỹ đã quyết định không gửi thêm loại vũ khí này đến Ukraine.
Sự kém hiệu quả đó là một điều đáng lo ngại cho Việt Nam, vì nếu chiến tranh nổ ra, đối thủ của nước này nhiều khả năng sẽ là Trung Quốc, một cường quốc quân sự đang vươn lên nhanh chóng. Vì thế, Hà Nội có lẽ chỉ nên chiều lòng ông Trump bằng cách cân nhắc mua, nhưng với số lượng ít, và lấy đó làm “quân bài thương lượng” để đổi lấy sự đồng ý của Mỹ trong việc chuyển giao thêm các tàu tuần duyên cũ cho quốc gia này. Mặc dù các tàu này khó đủ sức răn đe lực lượng hải cảnh Trung Quốc, nhưng chúng vẫn có thể giúp Việt Nam tiết kiệm ngân sách trong khi Cảnh sát Biển có nhiều tàu trong biên chế hơn, từ đó có thêm sự hiện diện thường trực trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực hiện các hoạt động tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Bên cạnh đó, để tránh khiến Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi các hoạt động tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc ngoại giao thường xuyên với Bắc Kinh, cũng như tận dụng triệt để đường dây nóng hải quân mà hai bên đã thiết lập vào đầu năm 2024 nhằm giảm thiểu những hiểu lầm trong quan hệ Việt - Trung.
Tóm lại, tổng thống thứ 47 của Mỹ rất có thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam, nhưng cũng sẽ gây sức ép để Hà Nội mua thêm vũ khí của Mỹ. Trong bối cảnh đó, quốc gia Đông Nam Á này nên cân nhắc một số loại UAV cảm tử, vì chúng phù hợp với xu hướng chiến tranh hiện đại, nhưng chỉ nên mua trên tinh thần lấy lòng ông Trump, thay vì sở hữu với số lượng lớn. Đồng thời, quản lý tốt mối quan hệ với Bắc Kinh để đảm bảo hài hòa các tương tác giữa nước này với hai siêu cường cũng là điều Việt Nam cần lưu tâm.
Từ khoá: Trump 2.0 Mỹ Việt Nam an ninh hàng hải hợp tác quốc phòng Donald Trump