Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên: Vì đâu nên nỗi?

CHDCND Triều Tiên đang nâng cao năng lực quốc phòng và tăng cường liên kết với Nga nhằm đối phó với áp lực từ liên minh Mỹ - Hàn, qua đó khiến tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên càng thêm căng thẳng.

Nguyễn Nhật Minh 28/01/2024
Image
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở vùng Viễn Đông, Nga, ngày 13/9/2023 - (C): AP

Đầu năm 2024, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng lên khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (sau đây gọi là Triều Tiên) liên tục thực hiện các cuộc tập trận và bắn pháo dọc theo ranh giới tranh chấp trên biển giữa hai nước. Các vụ nã pháo nhắm vào vùng đệm hàng hải gần Đường giới hạn phía Bắc (Northern Limit Line) ở biển Hoàng Hải, cụ thể là ở khu vực gần các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc. Những động thái trên là chỉ dấu cho một năm 2024 vô cùng thách thức trong quan hệ liên Triều và kéo theo khả năng leo thang xung đột tại khu vực vốn đã tồn tại nhiều bất ổn này.

Mỹ và Hàn Quốc nâng cấp liên minh quân sự

Triều Tiên coi việc Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quốc gia này. Liên minh Mỹ - Hàn đã có sự nâng cấp đáng kể trong trong năm 2023, thể hiện qua việc chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), trong đó tập trung vào việc củng cố liên minh Hàn - Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cam kết với Seoul về việc tăng cường hợp tác về răn đe hạt nhân, nhất là tăng cường đối thoại và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa hạt nhân đối với Hàn Quốc và khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tái khẳng định rằng cam kết giữa hai nước “là lâu dài và vững chắc, và rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của CHDCND Triều Tiên chống lại Hàn Quốc sẽ đối diện với phản ứng nhanh chóng, áp đảo và quyết đoán [từ phía Mỹ]”.

Vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Yoon đã thăm chính thức nước Mỹ và gặp Tổng thống Biden. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cam kết về một bộ máy thực sự để tăng cường năng lực răn đe, đáng chú ý là việc thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (Nuclear Consultative Group - NCG) và triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên. Đáp lại tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm củng cố an ninh hạt nhân của Seoul sẽ “chỉ khiến hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á và thế giới gặp nguy hiểm nghiêm trọng hơn, và đó là một hành động không bao giờ được hoan nghênh”. Tiếp sau đó, trong bài phát biểu tại Nghĩa trang Quốc gia Seoul vào tháng 6 cùng năm, Tổng thống Yoon đã tuyên bố rằng quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ đã được nâng cấp thành “liên minh dựa trên hạt nhân” (nuclear-based alliance). Đặc biệt, Mỹ cũng triển khai các tàu ngầm và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân tới Hàn Quốc để tăng cường năng lực răn đe cho đồng minh.

Bên cạnh thắt chặt liên minh hạt nhân, Mỹ còn hỗ trợ Hàn Quốc về năng lực phòng thủ tên lửa để ngăn chặn khả năng Seoul bị Bình Nhưỡng tấn công. Vào tháng 6 năm ngoái, Hàn Quốc đã phê duyệt việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ có thể được đóng ở Seongju, tỉnh Bắc Kyungsang. Hệ thống THAAD có thể được sử dụng để bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, và radar của THAAD có thể tiếp cận Trung Quốc và Nga. Việc triển khai THAAD dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024. Trên thực tế, vào năm 2017, một khẩu đội THAAD đã được lắp đặt ở trung tâm của Hàn Quốc trên một sân golf khép kín, nhằm tăng cường khả năng bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Tuy vậy, cơ quan đánh giá môi trường của Hàn Quốc đã tạm dừng việc triển khai hoàn toàn THAAD vào thời điểm đó bởi những lo ngại của người dân địa phương về ảnh hưởng sức khỏe của THAAD, cùng với đó là sự phản đối của Trung Quốc.

Đối với Bình Nhưỡng, việc Seoul tăng cường hợp tác quân sự với Washington, đặc biệt là trong việc triển khai nhiều vũ khí hiện đại, bao gồm cả phương tiện có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đe doạ nghiêm trọng an ninh của “vương quốc ẩn sĩ” (hermit kingdom). Theo đó, Triều Tiên đã nhiều lần lên án việc Hàn Quốc và Mỹ tăng cường liên minh quân sự, xem đây như một mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và chủ quyền của nước này. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 15/1, ông Kim kêu gọi sửa đổi hiến pháp để coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”, đồng thời Triều Tiên sẽ không còn coi Hàn Quốc là “đối tác của hòa giải và thống nhất”. Trong bài phát biểu cuối năm trước các quan chức đảng, ông Kim cũng cho rằng sự “thông đồng” của Hàn Quốc với các lực lượng nước ngoài và lập trường thù địch của nước này đối với Bình Nhưỡng là lý do khiến Triều Tiên từ bỏ tiến trình thống nhất. Với lập luận trên, Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động chạy đua hạt nhân, bao gồm mở rộng kho vũ khí, để đáp trả mối đe dọa từ liên minh quân sự Mỹ - Hàn.

Triều Tiên mở rộng kho vũ khí

Trước các động thái tăng cường liên minh Mỹ - Hàn, cũng như xu hướng gia tăng các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, Triều Tiên đã tích cực mở rộng kho vũ khí. Tại Hội nghị Trung ương khóa VIII lần thứ 9 của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 12/2023, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám quân sự, sản xuất thêm vật liệu hạt nhân và giới thiệu máy bay không người lái tấn công trong năm 2024. Đây được xem là bước tiếp nối của các hoạt động tăng cường năng lực quốc phòng của Triều Tiên kể từ năm 2023.

Vào năm ngoái, Triều Tiên đã công bố bốn tên lửa mới tại một cuộc duyệt binh vào ngày 8/2, và chỉ 10 ngày sau, nước này đã tiến hành cuộc duyệt binh với vụ thử tên lửa đầu tiên của năm — một tên lửa đạn đạo tầm xa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Vào tháng 4, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên với tên gọi “Hwasong-18”. ICBM mới là một thành tựu quan trọng vì giúp “phô trương” sức mạnh của Triều Tiên về công nghệ nhiên liệu rắn. Đến tháng 7, Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ thử ICBM Hwasong-18 lần thứ hai. Tên lửa được phóng thành công từ bệ phóng di động trên đường và tên lửa không thay đổi quỹ đạo so với cuộc thử nghiệm vào tháng 4 cũng là một thành công của cuộc thử nghiệm này. Sang tháng 12, Triều Tiên đã phóng thành công ICBM Hwasong-18 lần thứ ba, đánh dấu lần phóng ICBM thành công thứ ba liên tiếp.

Gần đây nhất, vào ngày 14/1/2024, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), sử dụng nhiên liệu rắn về phía Đông và tuyên bố quốc gia này sẽ không bao giờ tái thống nhất với Hàn Quốc cũng như đe doạ tăng cường khả năng tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh của siêu cường này ở Thái Bình Dương.

Các vụ phóng tên lửa thành công gần đây của Triều Tiên cho thấy quyết tâm củng cố sức mạnh quân sự của quốc gia này. Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là lực lượng răn đe chiến lược của mình. Sâu xa hơn, việc phóng tên lửa thành công là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân và đảm bảo an ninh quốc gia. Cùng với đó, trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc đã tái khẳng định quốc gia này là một đồng minh không thể thiếu của Mỹ và đang tìm cách củng cố một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, Triều Tiên cũng bắt đầu chuyển sự chú ý sang đồng minh lâu đời là Nga để gia tăng đối trọng với liên minh Mỹ - Hàn.

Tăng cường hợp tác quân sự với Nga

Bên cạnh việc nâng cao năng lực hạt nhân, Triều Tiên cũng thể hiện rõ ý định tăng cường quan hệ với Nga nhằm cân bằng sức mạnh với liên minh Mỹ - Hàn. Kể từ tháng 7/2023, sau khi ông Kim Jong-un đón tiếp phái đoàn Nga tại Bình Nhưỡng, quan hệ Nga - Triều đã được thắt chặt hơn. Điều này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước vào tháng 9/2023 khi Nga và Triều Tiên đã đồng ý mở rộng hợp tác quân sự và cả ở các lĩnh vực khác, và Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong chương trình không gian. Đổi lại, Triều Tiên được cho là đã cung cấp thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine. Vào ngày 16/1 năm nay, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đến Nga, Tổng thống Putin đã bày tỏ rằng ông sẽ sớm đến thăm Triều Tiên.

Có thể thấy, chính sách ngoại giao của Triều Tiên đang tập trung vào tăng cường quan hệ với Nga, được thể hiện rất rõ qua hai chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Triều Tiên, lần lượt vào tháng 7 và tháng 10 năm ngoái. Việc các lãnh đạo cấp cao của Nga và Triều Tiên có các cuộc gặp liên tiếp thể hiện sự tương tác ngoại giao chặt chẽ chưa từng thấy giữa Triều Tiên và Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga trong năm vừa qua đã mang lại một số kết quả tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh - quân sự. Cùng với đó, vào tháng 9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu được cho là đã đề xuất các cuộc tập trận hải quân ba bên với sự tham gia của Trung Quốc và Triều Tiên, một động thái cho thấy Nga sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn với Triều Tiên. Các quan chức Triều Tiên và Nga đã hội đàm một lần nữa vào tháng 11/2023 tại Bình Nhưỡng để thảo luận về việc mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Với sự hỗ trợ từ Nga, Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh tình báo lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái.

Nhìn chung, với Triều Tiên, hợp tác với Nga có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Nga giúp Triều Tiên tiếp cận được các loại vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại, từ đó nâng cao sức mạnh răn đe của mình. Sau nữa, hợp tác với Nga cũng giúp Triều Tiên củng cố sức mạnh quân sự, đồng thời giảm bớt sự cô lập từ cộng đồng quốc tế.

Năm 2024, bán đảo Triều Tiên sẽ thêm căng thẳng

Trước áp lực từ liên minh Mỹ - Hàn, Triều Tiên đang nỗ lực nâng cao năng lực quốc phòng. Các hoạt động tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên với Nga và việc tập trung vào xây dựng quân đội của Bình Nhưỡng cho thấy khả năng về một cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai càng trở nên mong manh hơn. Với những bất ổn về an ninh ở bán đảo Triều Tiên như hiện nay, nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai miền ngày càng gia tăng; thậm chí Triều Tiên có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân táo bạo và mang tính khiêu khích hơn.

Trong năm 2024, Triều Tiên có thể sẽ tập trung phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự nội địa và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường khả năng quân sự trước “kẻ thù” là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, liên minh Nga - Triều có thể được thắt chặt hơn và không loại trừ Nga sẽ ủng hộ Triều Tiên mạnh mẽ hơn trước áp lực ngày thêm gia tăng từ “liên minh” Mỹ - Hàn.

Tuy nhiên vẫn có nhiều khả năng sự nồng ấm trong quan hệ Nga - Triều chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Trong dài hạn, Triều Tiên vẫn muốn duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Nga và Trung Quốc thay vì lựa chọn ngả hẳn về một bên. Một mặt, điều này giúp Triều Tiên có thể duy trì việc nhận hỗ trợ từ cả Nga và Trung Quốc, mặt khác Nga cũng không muốn duy trì một mối quan hệ quá chặt chẽ với Triều Tiên như thời Chiến tranh Lạnh. Nga đang nỗ lực phát triển quan hệ với Trung Quốc, do đó việc quá “thân thiết” với Triều Tiên có khả năng gây ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng không đáng có giữa Moscow và Bắc Kinh. Như vậy, mặc dù Nga và Triều Tiên có thể sẽ hợp tác trong ngắn hạn do nhu cầu đối trọng với áp lực đang gia tăng từ Mỹ và đồng minh, nhưng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh bền vững.

Triều Tiên đang đưa quan hệ đối tác với Nga phát triển ngày càng chặt chẽ hơn, và khả năng quân sự của Bình Nhưỡng đang được cải thiện nhanh chóng. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Hàn được thắt chặt và hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn thêm gắn bó đã thúc đẩy Triều Tiên tăng cường năng lực quốc phòng và tăng cường quan hệ với Nga. Do đó, trong năm 2024, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là khi Triều Tiên và Hàn Quốc đã không còn bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA)(*) được ký kết năm 2018.

(*) Ghi chú của biên tập viên VSF: Thỏa thuận quân sự toàn diện giữa hai miền Triều Tiên được ký kết vào tháng 9/2018 dưới thời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Moon Jae-in. Theo thoả thuận, hai nước đồng ý chấm dứt các hành động thù địch chống lại nhau (bao gồm chấm dứt các cuộc tập trận quân sự gần biên giới và ở các khu vực nhất định) thông qua thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và duy trì đường dây nóng.

Đầu năm 2024, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng lên khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (sau đây gọi là Triều Tiên) liên tục thực hiện các cuộc tập trận và bắn pháo dọc theo ranh giới tranh chấp trên biển giữa hai nước. Các vụ nã pháo nhắm vào vùng đệm hàng hải gần Đường giới hạn phía Bắc (Northern Limit Line) ở biển Hoàng Hải, cụ thể là ở khu vực gần các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc. Những động thái trên là chỉ dấu cho một năm 2024 vô cùng thách thức trong quan hệ liên Triều và kéo theo khả năng leo thang xung đột tại khu vực vốn đã tồn tại nhiều bất ổn này.

Mỹ và Hàn Quốc nâng cấp liên minh quân sự

Triều Tiên coi việc Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quốc gia này. Liên minh Mỹ - Hàn đã có sự nâng cấp đáng kể trong trong năm 2023, thể hiện qua việc chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), trong đó tập trung vào việc củng cố liên minh Hàn - Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cam kết với Seoul về việc tăng cường hợp tác về răn đe hạt nhân, nhất là tăng cường đối thoại và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa hạt nhân đối với Hàn Quốc và khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tái khẳng định rằng cam kết giữa hai nước “là lâu dài và vững chắc, và rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của CHDCND Triều Tiên chống lại Hàn Quốc sẽ đối diện với phản ứng nhanh chóng, áp đảo và quyết đoán [từ phía Mỹ]”.

Vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Yoon đã thăm chính thức nước Mỹ và gặp Tổng thống Biden. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cam kết về một bộ máy thực sự để tăng cường năng lực răn đe, đáng chú ý là việc thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (Nuclear Consultative Group - NCG) và triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên. Đáp lại tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm củng cố an ninh hạt nhân của Seoul sẽ “chỉ khiến hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á và thế giới gặp nguy hiểm nghiêm trọng hơn, và đó là một hành động không bao giờ được hoan nghênh”. Tiếp sau đó, trong bài phát biểu tại Nghĩa trang Quốc gia Seoul vào tháng 6 cùng năm, Tổng thống Yoon đã tuyên bố rằng quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ đã được nâng cấp thành “liên minh dựa trên hạt nhân” (nuclear-based alliance). Đặc biệt, Mỹ cũng triển khai các tàu ngầm và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân tới Hàn Quốc để tăng cường năng lực răn đe cho đồng minh.

Bên cạnh thắt chặt liên minh hạt nhân, Mỹ còn hỗ trợ Hàn Quốc về năng lực phòng thủ tên lửa để ngăn chặn khả năng Seoul bị Bình Nhưỡng tấn công. Vào tháng 6 năm ngoái, Hàn Quốc đã phê duyệt việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ có thể được đóng ở Seongju, tỉnh Bắc Kyungsang. Hệ thống THAAD có thể được sử dụng để bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, và radar của THAAD có thể tiếp cận Trung Quốc và Nga. Việc triển khai THAAD dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024. Trên thực tế, vào năm 2017, một khẩu đội THAAD đã được lắp đặt ở trung tâm của Hàn Quốc trên một sân golf khép kín, nhằm tăng cường khả năng bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Tuy vậy, cơ quan đánh giá môi trường của Hàn Quốc đã tạm dừng việc triển khai hoàn toàn THAAD vào thời điểm đó bởi những lo ngại của người dân địa phương về ảnh hưởng sức khỏe của THAAD, cùng với đó là sự phản đối của Trung Quốc.

Đối với Bình Nhưỡng, việc Seoul tăng cường hợp tác quân sự với Washington, đặc biệt là trong việc triển khai nhiều vũ khí hiện đại, bao gồm cả phương tiện có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đe doạ nghiêm trọng an ninh của “vương quốc ẩn sĩ” (hermit kingdom). Theo đó, Triều Tiên đã nhiều lần lên án việc Hàn Quốc và Mỹ tăng cường liên minh quân sự, xem đây như một mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và chủ quyền của nước này. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 15/1, ông Kim kêu gọi sửa đổi hiến pháp để coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”, đồng thời Triều Tiên sẽ không còn coi Hàn Quốc là “đối tác của hòa giải và thống nhất”. Trong bài phát biểu cuối năm trước các quan chức đảng, ông Kim cũng cho rằng sự “thông đồng” của Hàn Quốc với các lực lượng nước ngoài và lập trường thù địch của nước này đối với Bình Nhưỡng là lý do khiến Triều Tiên từ bỏ tiến trình thống nhất. Với lập luận trên, Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động chạy đua hạt nhân, bao gồm mở rộng kho vũ khí, để đáp trả mối đe dọa từ liên minh quân sự Mỹ - Hàn.

Triều Tiên mở rộng kho vũ khí

Trước các động thái tăng cường liên minh Mỹ - Hàn, cũng như xu hướng gia tăng các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, Triều Tiên đã tích cực mở rộng kho vũ khí. Tại Hội nghị Trung ương khóa VIII lần thứ 9 của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 12/2023, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám quân sự, sản xuất thêm vật liệu hạt nhân và giới thiệu máy bay không người lái tấn công trong năm 2024. Đây được xem là bước tiếp nối của các hoạt động tăng cường năng lực quốc phòng của Triều Tiên kể từ năm 2023.

Vào năm ngoái, Triều Tiên đã công bố bốn tên lửa mới tại một cuộc duyệt binh vào ngày 8/2, và chỉ 10 ngày sau, nước này đã tiến hành cuộc duyệt binh với vụ thử tên lửa đầu tiên của năm — một tên lửa đạn đạo tầm xa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Vào tháng 4, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên với tên gọi “Hwasong-18”. ICBM mới là một thành tựu quan trọng vì giúp “phô trương” sức mạnh của Triều Tiên về công nghệ nhiên liệu rắn. Đến tháng 7, Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ thử ICBM Hwasong-18 lần thứ hai. Tên lửa được phóng thành công từ bệ phóng di động trên đường và tên lửa không thay đổi quỹ đạo so với cuộc thử nghiệm vào tháng 4 cũng là một thành công của cuộc thử nghiệm này. Sang tháng 12, Triều Tiên đã phóng thành công ICBM Hwasong-18 lần thứ ba, đánh dấu lần phóng ICBM thành công thứ ba liên tiếp.

Gần đây nhất, vào ngày 14/1/2024, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), sử dụng nhiên liệu rắn về phía Đông và tuyên bố quốc gia này sẽ không bao giờ tái thống nhất với Hàn Quốc cũng như đe doạ tăng cường khả năng tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh của siêu cường này ở Thái Bình Dương.

Các vụ phóng tên lửa thành công gần đây của Triều Tiên cho thấy quyết tâm củng cố sức mạnh quân sự của quốc gia này. Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là lực lượng răn đe chiến lược của mình. Sâu xa hơn, việc phóng tên lửa thành công là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân và đảm bảo an ninh quốc gia. Cùng với đó, trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc đã tái khẳng định quốc gia này là một đồng minh không thể thiếu của Mỹ và đang tìm cách củng cố một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, Triều Tiên cũng bắt đầu chuyển sự chú ý sang đồng minh lâu đời là Nga để gia tăng đối trọng với liên minh Mỹ - Hàn.

Tăng cường hợp tác quân sự với Nga

Bên cạnh việc nâng cao năng lực hạt nhân, Triều Tiên cũng thể hiện rõ ý định tăng cường quan hệ với Nga nhằm cân bằng sức mạnh với liên minh Mỹ - Hàn. Kể từ tháng 7/2023, sau khi ông Kim Jong-un đón tiếp phái đoàn Nga tại Bình Nhưỡng, quan hệ Nga - Triều đã được thắt chặt hơn. Điều này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước vào tháng 9/2023 khi Nga và Triều Tiên đã đồng ý mở rộng hợp tác quân sự và cả ở các lĩnh vực khác, và Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong chương trình không gian. Đổi lại, Triều Tiên được cho là đã cung cấp thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine. Vào ngày 16/1 năm nay, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đến Nga, Tổng thống Putin đã bày tỏ rằng ông sẽ sớm đến thăm Triều Tiên.

Có thể thấy, chính sách ngoại giao của Triều Tiên đang tập trung vào tăng cường quan hệ với Nga, được thể hiện rất rõ qua hai chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Triều Tiên, lần lượt vào tháng 7 và tháng 10 năm ngoái. Việc các lãnh đạo cấp cao của Nga và Triều Tiên có các cuộc gặp liên tiếp thể hiện sự tương tác ngoại giao chặt chẽ chưa từng thấy giữa Triều Tiên và Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga trong năm vừa qua đã mang lại một số kết quả tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh - quân sự. Cùng với đó, vào tháng 9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu được cho là đã đề xuất các cuộc tập trận hải quân ba bên với sự tham gia của Trung Quốc và Triều Tiên, một động thái cho thấy Nga sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn với Triều Tiên. Các quan chức Triều Tiên và Nga đã hội đàm một lần nữa vào tháng 11/2023 tại Bình Nhưỡng để thảo luận về việc mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Với sự hỗ trợ từ Nga, Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh tình báo lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái.

Nhìn chung, với Triều Tiên, hợp tác với Nga có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Nga giúp Triều Tiên tiếp cận được các loại vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại, từ đó nâng cao sức mạnh răn đe của mình. Sau nữa, hợp tác với Nga cũng giúp Triều Tiên củng cố sức mạnh quân sự, đồng thời giảm bớt sự cô lập từ cộng đồng quốc tế.

Năm 2024, bán đảo Triều Tiên sẽ thêm căng thẳng

Trước áp lực từ liên minh Mỹ - Hàn, Triều Tiên đang nỗ lực nâng cao năng lực quốc phòng. Các hoạt động tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên với Nga và việc tập trung vào xây dựng quân đội của Bình Nhưỡng cho thấy khả năng về một cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai càng trở nên mong manh hơn. Với những bất ổn về an ninh ở bán đảo Triều Tiên như hiện nay, nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai miền ngày càng gia tăng; thậm chí Triều Tiên có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân táo bạo và mang tính khiêu khích hơn.

Trong năm 2024, Triều Tiên có thể sẽ tập trung phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự nội địa và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường khả năng quân sự trước “kẻ thù” là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, liên minh Nga - Triều có thể được thắt chặt hơn và không loại trừ Nga sẽ ủng hộ Triều Tiên mạnh mẽ hơn trước áp lực ngày thêm gia tăng từ “liên minh” Mỹ - Hàn.

Tuy nhiên vẫn có nhiều khả năng sự nồng ấm trong quan hệ Nga - Triều chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Trong dài hạn, Triều Tiên vẫn muốn duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Nga và Trung Quốc thay vì lựa chọn ngả hẳn về một bên. Một mặt, điều này giúp Triều Tiên có thể duy trì việc nhận hỗ trợ từ cả Nga và Trung Quốc, mặt khác Nga cũng không muốn duy trì một mối quan hệ quá chặt chẽ với Triều Tiên như thời Chiến tranh Lạnh. Nga đang nỗ lực phát triển quan hệ với Trung Quốc, do đó việc quá “thân thiết” với Triều Tiên có khả năng gây ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng không đáng có giữa Moscow và Bắc Kinh. Như vậy, mặc dù Nga và Triều Tiên có thể sẽ hợp tác trong ngắn hạn do nhu cầu đối trọng với áp lực đang gia tăng từ Mỹ và đồng minh, nhưng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh bền vững.

Triều Tiên đang đưa quan hệ đối tác với Nga phát triển ngày càng chặt chẽ hơn, và khả năng quân sự của Bình Nhưỡng đang được cải thiện nhanh chóng. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Hàn được thắt chặt và hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn thêm gắn bó đã thúc đẩy Triều Tiên tăng cường năng lực quốc phòng và tăng cường quan hệ với Nga. Do đó, trong năm 2024, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là khi Triều Tiên và Hàn Quốc đã không còn bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA)(*) được ký kết năm 2018.

(*) Ghi chú của biên tập viên VSF: Thỏa thuận quân sự toàn diện giữa hai miền Triều Tiên được ký kết vào tháng 9/2018 dưới thời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Moon Jae-in. Theo thoả thuận, hai nước đồng ý chấm dứt các hành động thù địch chống lại nhau (bao gồm chấm dứt các cuộc tập trận quân sự gần biên giới và ở các khu vực nhất định) thông qua thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và duy trì đường dây nóng.

Từ khoá: bán đảo Triều Tiên Đông Bắc Á Triều Tiên vũ khí hạt nhân

BÀI LIÊN QUAN