Điểm sách
11 PHÚT ĐỌC

“Biết khó làm dễ”: Triết lý hành động độc đáo của Tôn Trung Sơn

Người ta chỉ hay dùng tiền mà không hay biết tiền (tr. 32).

Huỳnh Tâm Sáng 04/02/2025
Image
“Biết khó làm dễ”: Triết lý hành động độc đáo của Tôn Trung Sơn - (C): Vietnam Strategic Forum

Ở đời kẻ sợ việc thì nhiều, người bạo gan tấn tới thì hiếm hoi. Thường thì khi chán nản, người ta hay viện đến câu “biết dễ làm khó” như trở lực căn bản cho lòng nỗ lực và chí phấn đấu. Theo đó mà xét thì “lánh nặng tìm nhẹ” hay thấy khó mà lui cũng là thường tình.

Nhưng nghịch cảnh mà con người ta phải đương đầu từ khi sinh ra đến khi chết đi nhiều vô kể, nếu không dũng cảm tiến lên thì biết làm gì, chả lẽ phó mặc cho con tạo xoay vần?

Tôn Trung Sơn – quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc – không tán thành phương châm “biết dễ làm khó”. Để vực dậy tinh thần của người Trung Quốc và khêu động lòng hăng hái dựng xây đất nước, ông đề ra thuyết “tri nan hành dị” (biết khó làm dễ) hòng kiến thiết quốc dân, phục hưng dân tộc.

“Tri nan hành dị” (行易知難) cũng là tiêu đề cuốn sách do Nhã Nam và Dân trí xuất bản năm 2024 theo bản dịch mà Tự Cường xuất bản vào năm 1946, Bùi Tiến Cảnh dịch.

Theo Tôn Trung Sơn, trở ngại khiến dân tộc Trung Hoa không phú cường, không thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu là bởi sự ngăn trở của thuyết “biết dễ làm khó”.

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Tôn Trung Sơn lấy 10 điều thu thập, gồm: ăn uống, dùng tiền, viết văn, làm nhà, đóng thuyền, xây thành đắp luỹ, đào sông, điện học, hóa học, tiến hoá để làm chứng cứ cho học thuyết “biết khó làm dễ”.

Ví như việc tiêu tiền thì “dễ”, nhưng việc đạt đến hiểu biết về sự tiến hóa, công dụng, ý nghĩa của tiền thì là việc “khó”. Đó là chưa kể các khía cạnh kinh tế học, xã hội học, chính trị học… của tiền tệ - vốn đòi hỏi sự tìm tòi và hiểu biết sâu rộng (*).

Tôn Trung Sơn chia sự tiến hóa của “biết” và “làm” qua hai giai đoạn: (1) từ dã man đến văn minh là thời kỳ không biết mà làm – vì đây là thời kỳ chưa tiến bộ nên chỉ có thể gắng gỏi mà làm, gặp khó không sợ, và (2) từ văn minh tiến đến văn minh là làm rồi mới biết – vì khi bước vào thời kỳ văn minh rồi, con người tìm tòi suy nghĩ, và khi biết cái khó thì nản mà lùi.

Theo nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, sở dĩ Trung Quốc không mạnh là bởi thuyết “biết dễ làm khó” là trở lực, thuyết này như dịch bệnh làm nô lệ tâm trí cả giới học giả và quần chúng. Tôn phê phán gay gắt và trực tiếp cái hại của lối tư duy này vì: “Người chưa biết thì sợ cái biết, người biết rồi thì sợ cái làm bó tay mà nhìn thiên hạ suy bại! Sợ cái khó thì nên lắm nhưng đây lại sợ cái không khó mà không chịu làm mới là tai hại” (tr. 52). Thực tế, những người đòi hỏi phải biết cặn kẽ rồi mới chịu xắn tay áo mà làm nhiều vô số kể. Nhưng làm sao mà biết cho tường tận hay cặn kẽ mọi việc ở đời? Đòi hỏi như vậy mới vô lý lắm!

Như vậy, con đường để quốc dân giàu mạnh là phải làm trước đã, rồi mới biết. Và chính trong quá trình làm mà học hỏi dần qua “làm” mà người ta có thể đạt đến cái “biết” sâu sắc. Tóm lại, đừng vì chưa biết mà không làm!

Tôn Trung Sơn cũng bàn về thời kỳ cách mạng và thời kỳ kiến thiết. Ông chỉ ra rằng cách mạng là cái khó mà làm được, nhưng khi bước vào thời kỳ kiến thiết thì lại làm không được là đáng trách lắm. Đáng trách là bởi kiến thiết dễ hơn cách mạng, vì “trở lực đã tiêu diệt, mình làm việc được tự do, không như khi còn đế chế hễ bất cẩn một tí là nguy” (tr. 70).

Những lời này có ý nghĩa thời sự biết bao khi người ta hay nói kiến thiết là khó khăn và thường viện đến những thử thách phía trước, cho chúng là trở ngại vì “biết dễ làm khó”, mà không hiểu rằng phải làm trước đã rồi mới giải quyết được cái khó. Như người Việt hay nói: “trong cái khó ló cái khôn”, vậy chỉ khi nào xắn tay áo lên làm thì mới gỡ được cái khó (hay cái tưởng là khó). Nếu bình chân như vại thì cái khó một sẽ thành khó mười, khó trăm, khó vạn.

Ai cũng sợ khó hay tin rằng “biết dễ làm khó” thì mong chi đất nước tiến tới, dân sinh ấm no, dân trí khai mở (?!) Nói như Tôn Trung Sơn thì “sự kiến thiết quốc gia một ngày chưa thành thì sự thống khổ của quốc dân một ngày chưa hết và hạnh phúc không biết bao giờ mới có” (tr. 71). Những lời bộc bạch thiết tha này, tưởng xa mà lại gần, tưởng cũ mà lại mới.

Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu cuộc đời cách mạng của Tôn Dật Tiên (cũng là Tôn Trung Sơn, Tôn Văn) thì không nên bỏ qua Chương 8 – bàn về đời cách mạng do chính ông thuật lại. Qua 34 trang sách, người đọc có thể ngược dòng lịch sử để biết rằng công việc cách mạng của ông qua hơn ba mươi năm trời đã trải qua bao phần khó khăn, chìm nổi; mà Tôn Trung Sơn trong những năm dâu bể ấy đã nếm trải biết bao lần thất bại!

Hành trình cách mạng để kiến quốc quốc gia của họ Tôn chìm nổi biết bao phen, lúc thì ông lưu lạc trời Tây (Mỹ, Anh, Pháp), khi thì ông trôi dạt trời Á (Nhật Bản, Hương Cảng, Việt Nam). Nhưng cái chí nguyện của ông thì không khi nào bị khoả lấp. Những nỗ lực của Tôn, từ giãi bày tường tận chí nguyện, tập hợp lực lượng, nêu cao tinh thần cách mạng, đến vận động sự ủng hộ cả về vật lực và tinh thần từ trong nước và ngoài nước (nhất là từ lực lượng Hoa kiều), thật đáng khâm phục.

Người Việt chắc hẳn không xa lạ gì với tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1945 đến nay, nhưng không nhiều người biết rằng chính Tôn Trung Sơn là người đã đề ra Chủ nghĩa Tam dân (三民主義), gồm “dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”. Cuốn sách “Tri nan hành dị” có thể góp thêm vào hiểu biết về những động lực trong tư tưởng và chủ thuyết chính trị của Tôn Trung Sơn.

Hơn hết, cuốn sách “Tri nan hành dị” và cuộc đời cách mạng của Tôn Văn cho thấy một điều căn bản là, để có một tư tưởng mạch lạc và thiết thực thì người lãnh đạo cần được trui rèn trong thực tiễn và vật lộn với thử thách của đời sống nghiệt ngã. Nói vậy để thấy, các khẩu hiệu hoa mỹ và không dựa trên thực tế chỉ mang đến khủng hoảng và khốn khổ.

(*) Để hiểu được sự phức tạp và thú vị của tiền tệ cũng như vai trò của nó trong dòng chảy lịch sử kinh tế - xã hội thế giới, bạn đọc có thể tham khảo cuốn “The Ascent of Money: A Financial History of the World” (Penguin Books, 2009) của sử gia Niall Ferguson. Cuốn sách được dịch tại Việt Nam với tên “Đồng tiền lên ngôi: Lịch sử tài chính thế giới”, Nhã Nam và nhà xuất bản Thế giới, 2015, Lê Quốc Phương và Vũ Hoàng Linh dịch.

Ở đời kẻ sợ việc thì nhiều, người bạo gan tấn tới thì hiếm hoi. Thường thì khi chán nản, người ta hay viện đến câu “biết dễ làm khó” như trở lực căn bản cho lòng nỗ lực và chí phấn đấu. Theo đó mà xét thì “lánh nặng tìm nhẹ” hay thấy khó mà lui cũng là thường tình.

Nhưng nghịch cảnh mà con người ta phải đương đầu từ khi sinh ra đến khi chết đi nhiều vô kể, nếu không dũng cảm tiến lên thì biết làm gì, chả lẽ phó mặc cho con tạo xoay vần?

Tôn Trung Sơn – quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc – không tán thành phương châm “biết dễ làm khó”. Để vực dậy tinh thần của người Trung Quốc và khêu động lòng hăng hái dựng xây đất nước, ông đề ra thuyết “tri nan hành dị” (biết khó làm dễ) hòng kiến thiết quốc dân, phục hưng dân tộc.

“Tri nan hành dị” (行易知難) cũng là tiêu đề cuốn sách do Nhã Nam và Dân trí xuất bản năm 2024 theo bản dịch mà Tự Cường xuất bản vào năm 1946, Bùi Tiến Cảnh dịch.

Theo Tôn Trung Sơn, trở ngại khiến dân tộc Trung Hoa không phú cường, không thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu là bởi sự ngăn trở của thuyết “biết dễ làm khó”.

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Tôn Trung Sơn lấy 10 điều thu thập, gồm: ăn uống, dùng tiền, viết văn, làm nhà, đóng thuyền, xây thành đắp luỹ, đào sông, điện học, hóa học, tiến hoá để làm chứng cứ cho học thuyết “biết khó làm dễ”.

Ví như việc tiêu tiền thì “dễ”, nhưng việc đạt đến hiểu biết về sự tiến hóa, công dụng, ý nghĩa của tiền thì là việc “khó”. Đó là chưa kể các khía cạnh kinh tế học, xã hội học, chính trị học… của tiền tệ - vốn đòi hỏi sự tìm tòi và hiểu biết sâu rộng (*).

Tôn Trung Sơn chia sự tiến hóa của “biết” và “làm” qua hai giai đoạn: (1) từ dã man đến văn minh là thời kỳ không biết mà làm – vì đây là thời kỳ chưa tiến bộ nên chỉ có thể gắng gỏi mà làm, gặp khó không sợ, và (2) từ văn minh tiến đến văn minh là làm rồi mới biết – vì khi bước vào thời kỳ văn minh rồi, con người tìm tòi suy nghĩ, và khi biết cái khó thì nản mà lùi.

Theo nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, sở dĩ Trung Quốc không mạnh là bởi thuyết “biết dễ làm khó” là trở lực, thuyết này như dịch bệnh làm nô lệ tâm trí cả giới học giả và quần chúng. Tôn phê phán gay gắt và trực tiếp cái hại của lối tư duy này vì: “Người chưa biết thì sợ cái biết, người biết rồi thì sợ cái làm bó tay mà nhìn thiên hạ suy bại! Sợ cái khó thì nên lắm nhưng đây lại sợ cái không khó mà không chịu làm mới là tai hại” (tr. 52). Thực tế, những người đòi hỏi phải biết cặn kẽ rồi mới chịu xắn tay áo mà làm nhiều vô số kể. Nhưng làm sao mà biết cho tường tận hay cặn kẽ mọi việc ở đời? Đòi hỏi như vậy mới vô lý lắm!

Như vậy, con đường để quốc dân giàu mạnh là phải làm trước đã, rồi mới biết. Và chính trong quá trình làm mà học hỏi dần qua “làm” mà người ta có thể đạt đến cái “biết” sâu sắc. Tóm lại, đừng vì chưa biết mà không làm!

Tôn Trung Sơn cũng bàn về thời kỳ cách mạng và thời kỳ kiến thiết. Ông chỉ ra rằng cách mạng là cái khó mà làm được, nhưng khi bước vào thời kỳ kiến thiết thì lại làm không được là đáng trách lắm. Đáng trách là bởi kiến thiết dễ hơn cách mạng, vì “trở lực đã tiêu diệt, mình làm việc được tự do, không như khi còn đế chế hễ bất cẩn một tí là nguy” (tr. 70).

Những lời này có ý nghĩa thời sự biết bao khi người ta hay nói kiến thiết là khó khăn và thường viện đến những thử thách phía trước, cho chúng là trở ngại vì “biết dễ làm khó”, mà không hiểu rằng phải làm trước đã rồi mới giải quyết được cái khó. Như người Việt hay nói: “trong cái khó ló cái khôn”, vậy chỉ khi nào xắn tay áo lên làm thì mới gỡ được cái khó (hay cái tưởng là khó). Nếu bình chân như vại thì cái khó một sẽ thành khó mười, khó trăm, khó vạn.

Ai cũng sợ khó hay tin rằng “biết dễ làm khó” thì mong chi đất nước tiến tới, dân sinh ấm no, dân trí khai mở (?!) Nói như Tôn Trung Sơn thì “sự kiến thiết quốc gia một ngày chưa thành thì sự thống khổ của quốc dân một ngày chưa hết và hạnh phúc không biết bao giờ mới có” (tr. 71). Những lời bộc bạch thiết tha này, tưởng xa mà lại gần, tưởng cũ mà lại mới.

Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu cuộc đời cách mạng của Tôn Dật Tiên (cũng là Tôn Trung Sơn, Tôn Văn) thì không nên bỏ qua Chương 8 – bàn về đời cách mạng do chính ông thuật lại. Qua 34 trang sách, người đọc có thể ngược dòng lịch sử để biết rằng công việc cách mạng của ông qua hơn ba mươi năm trời đã trải qua bao phần khó khăn, chìm nổi; mà Tôn Trung Sơn trong những năm dâu bể ấy đã nếm trải biết bao lần thất bại!

Hành trình cách mạng để kiến quốc quốc gia của họ Tôn chìm nổi biết bao phen, lúc thì ông lưu lạc trời Tây (Mỹ, Anh, Pháp), khi thì ông trôi dạt trời Á (Nhật Bản, Hương Cảng, Việt Nam). Nhưng cái chí nguyện của ông thì không khi nào bị khoả lấp. Những nỗ lực của Tôn, từ giãi bày tường tận chí nguyện, tập hợp lực lượng, nêu cao tinh thần cách mạng, đến vận động sự ủng hộ cả về vật lực và tinh thần từ trong nước và ngoài nước (nhất là từ lực lượng Hoa kiều), thật đáng khâm phục.

Người Việt chắc hẳn không xa lạ gì với tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1945 đến nay, nhưng không nhiều người biết rằng chính Tôn Trung Sơn là người đã đề ra Chủ nghĩa Tam dân (三民主義), gồm “dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”. Cuốn sách “Tri nan hành dị” có thể góp thêm vào hiểu biết về những động lực trong tư tưởng và chủ thuyết chính trị của Tôn Trung Sơn.

Hơn hết, cuốn sách “Tri nan hành dị” và cuộc đời cách mạng của Tôn Văn cho thấy một điều căn bản là, để có một tư tưởng mạch lạc và thiết thực thì người lãnh đạo cần được trui rèn trong thực tiễn và vật lộn với thử thách của đời sống nghiệt ngã. Nói vậy để thấy, các khẩu hiệu hoa mỹ và không dựa trên thực tế chỉ mang đến khủng hoảng và khốn khổ.

(*) Để hiểu được sự phức tạp và thú vị của tiền tệ cũng như vai trò của nó trong dòng chảy lịch sử kinh tế - xã hội thế giới, bạn đọc có thể tham khảo cuốn “The Ascent of Money: A Financial History of the World” (Penguin Books, 2009) của sử gia Niall Ferguson. Cuốn sách được dịch tại Việt Nam với tên “Đồng tiền lên ngôi: Lịch sử tài chính thế giới”, Nhã Nam và nhà xuất bản Thế giới, 2015, Lê Quốc Phương và Vũ Hoàng Linh dịch.

Từ khoá: tri nan hành dị Tôn Trung Sơn điểm sách review sách

BÀI LIÊN QUAN